Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 11/2023 ra mắt bạn đọc với những bài nghiên cứu chính sau đây:
“Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới trong giáo dục nhân quyền toàn cầu” là một nghiên cứu của PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Tác giả cho biết, Tuyên ngôn toàn thế giới về Giáo dục và đào tạo nhân quyền ngày 09/12/2011 là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định mạnh mẽ quyền của mọi cá nhân được hưởng giáo dục nhân quyền, xác định rõ các nhà nước có nghĩa vụ pháp lý bảo đảm và thúc đẩy quyền này của người dân. Tuyên ngôn xác định: Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tranh thủ và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông mới. Hơn 20 năm đầu của thế kỷ XXI, thông tin và công nghệ mới phát triển mạnh mẽ với những thành tựu đáng ngạc nhiên. Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mới không những không cản trở mà còn tiếp thêm sức mạnh, là công cụ hữu hiệu cho giảng dạy và thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn cầu. Bài viết phân tích nội dung và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới để thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Cùng đề tài về ứng dụng công nghệ thông tin, TS Hoàng Quốc Lâm (Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường) có bài “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và đời sống”. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet trong sản xuất và đời sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đến với cộng đồng, mà qua các kênh truyền thông, cộng đồng có thêm nhiều thông tin về công nghệ số, nhận thức rõ hơn về những tác động và thách thức đối với cuộc cách mạng 4.0 từ đó định hướng dư luận, tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách, các nghiên cứu giải pháp thích ứng để thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bài viết đi sâu phân tích những thách thức đối với truyền thông về ứng dụng công nghệ số, internet ở Việt Nam hiện nay, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.
“Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người tiêu dùng trong các giao dịch sử dụng hợp đồng mẫu” là bài viết của TS Dương Quỳnh Hoa & TS Phạm Thị Hương Lan (Viện Nhà nước và pháp luật). Với quan điểm cho rằng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, các tác giả đã đi sâu phân tích một số nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có sử dụng hợp đồng mẫu, đánh giá thực tiễn thực hiện; đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực này.
“Hoàn thiện quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)” là tiêu đề bài viết của ThS Nguyễn Thị Thơ (Phó Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam). Tác giả nhận định: Nhà ở là một loại tài sản đặc biệt, việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà ở có mối liên quan mật thiết tới quyền sử dụng đất bởi nhà là tài sản được hình thành trên đất và không thể tách rời đất đai. Mặc dù có mối liên quan mật thiết nhưng tính chất và đặc điểm của nhà ở và đất đai có những điểm khác nhau. Việc xác lập và thực hiện các quyền của người sử dụng đất và quyền của người sở hữu nhà vì vậy cũng có những cơ chế khác biệt. Chính sự khác biệt này đã tạo nên độ chênh nhất định khi áp dụng pháp luật đất đai và nhà ở để giải quyết những tình huống pháp lý cụ thể, đặc biệt liên quan đến thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà. Bài viết phân tích thực trạng, một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở và đưa ra những kiến nghị giúp cơ chế pháp lý rõ ràng và minh bạch để làm căn cứ xử lý tài sản trong trường hợp thế chấp, phát mại hoặc kê biên thi hành án, tạo thuận lợi cho việc tiến hành các giao dịch về nhà ở, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh.
Về lĩnh vực bảo môi trường, Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện hơn 40 công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Việc thực hiện các cam kết quốc tế trong các công ước này một phần phản ánh xu thế tất yếu của nhân loại, một phần nhằm bảo vệ các lợi ích dân sinh và kinh tế của Việt Nam, nhằm hướng tới hiện thức hóa các nỗ lực về phát triển bền vững. Bài viết “Một số vấn đề về thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường của Việt Nam” của Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh tế môi trường Việt Nam) tập trung phân tích một số cơ sở lý luận về việc thực hiện cam kết quốc tế, các phương thức thực hiện và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện cam kết quốc tế đó.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 11/2023.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT