Đông Anh - Hà Nội: UBND xã Vân Hà san gạt trên nền đất chưa đền bù

23/03/2018 18:54 | 6 năm trước

LSVNO - Trước việc thu hồi đất lúa của người dân thôn Cổ Châu, xã Vân Hà (Đông Anh, TP. Hà Nội) để làm chợ nguyên liệu gỗ khi chưa thỏa thuận đền bù, Ủy ban nhân dân (UBND) xã cùng với chủ đầu tư đã...

LSVNO - Trước việc thu hồi đất lúa của người dân thôn Cổ Châu, xã Vân Hà (Đông Anh, TP. Hà Nội) để làm chợ nguyên liệu gỗ khi chưa thỏa thuận đền bù, Ủy ban nhân dân (UBND) xã cùng với chủ đầu tư đã ngang nhiên cho máy đến san gạt khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Băng rôn, cờ hiệu phản đối việc xây dựng chợ gỗ 

Đơn tố cáo của người dân thôn Cổ Châu gửi đến Luật sư Việt Nam Online tố cáo hàng loạt sai phạm của chính quyền địa phương. Theo đó năm 2016, UBND huyện Đông Anh đã ban hành thông báo thu hồi 4,87ha đất để thực hiện Dự án xây dựng chợ gỗ nguyên vật liệu xã Vân Hà. Thế nhưng, thay vì tổ chức họp dân để công khai dự án, ban hành quyết định thu hồi, kiểm kê diện tích, bồi thường… chính quyền huyện Đông Anh và xã Vân Hà lại “âm thầm” bật đèn xanh cho đơn vị thi công “nhảy dù” vào ruộng của người dân đang canh tác.

Hành động coi thường pháp luật, coi thường người dân của chính quyền khiến cho những người quanh năm chân lấm tay bùn hết sức bất bình.

 

Đơn tố cáo của 28 hộ dân thôn Cổ Châu, xã Vân Hà, huyện Đông Anh gửi cơ quan báo chí.

Trao đổi với PV Luật sư Việt Nam Online, chị Đỗ Thị Dần - đại diện cho 28 hộ dân thôn Cổ Châu, xã Vân Hà, chia sẻ: “Đất chúng tôi được Nhà nước giao để canh tác, giờ huyện Đông Anh có thông báo để lấy đất làm chợ gỗ thì dân lấy gì để làm mà ăn. Trong khi đó giá các lô đất để làm xưởng sản xuất chế tác đồ gỗ quá cao, dân lấy tiền đâu bù vào để thuê, còn giá đền bù đất lại thấp".

Đỉnh điểm của sự việc là sáng ngày 19/3, UBND huyện Đông Anh và xã Vân Hà cùng lực lượng Công an xã… điều động máy xúc, máy ủi tới ruộng lúa của người dân thôn Cổ Châu để giải phóng mặt bằng, thi công dự án xây dựng chợ gỗ Vân Hà. Thấy việc thu hồi đất của chính quyền không đúng trình tự thủ tục và thiếu minh bạch nên nhiều người mất ruộng và các hộ dân thôn Cổ Châu đang có đất nằm trong dự án khu chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà đã cầm cờ, băng rôn biểu tình với khẩu hiệu đòi quyền lợi. 

Tại thời điểm biểu tình, người dân có ra ngăn không cho máy ủi san gạt thì bị một số người lạ mặt không mặc quân phục công an ra khống chế và đuổi ra bên ngoài. Cá biệt có 2 cụ bà bị bóp cổ, bẻ tay.

Không biết khi tiến hành san gạt trên diện tích đất của các hộ dân chính quyền có thông báo cho người dân hay không? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng!! 

Băng rôn, cờ hiệu phản đối việc máy ủi tự ý san gạt trên đất chưa được đền bù.

Quay video để phản đối người dân bị Công an xã triệu tập

Khi sự việc xảy ra, một số người dân đã quay video và đưa lên các trang mạng xã hội để phản đối việc UBND xã cùng với chủ đầu tư đã ngang nhiên cho máy đến san gạt diện tích đất chưa được bồi thường. Nhưng ngay sau đó những người quay video được Công an xã gửi giấy mời lên làm việc và yêu cầu gỡ bỏ, không hiểu được việc làm trên của Công an xã Vân Hà là có ý gì? 

Chị Nguyễn Thị Đông – một trong số những người quay clip, bức xúc nói: “Từ lúc tôi clip đưa lên mạng thì nhận được rất nhiều lời đe dọa sẽ bị khởi tố nếu không xóa clip đi. Mặt khác còn nói sau này các ông, các bà có lên xin dấu hay ký xác nhận gì thì bị gây khó dễ nếu như không xóa clip, một số người do sợ đã xóa hết clip đã phát trên mạng”.

Chị Đông còn cho biết thêm, chiều ngày 20/3 có một cuộc điện thoại của Công an xã Vân Hà gọi điện cho chị xin gỡ clip đã đăng trên mạng và hứa sau này có việc gì cần thì xã sẽ ưu ái và giúp đỡ.

Người dân trao đổi với PV. 

Chính quyền khẳng định làm việc đúng theo trình tự

Tại buổi làm việc nhanh với bà Đỗ Thị Hảo -  Chủ tịch UBND xã Vân Hà, bà Hảo cho biết, việc xây dựng chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà đã được UBND huyện phê duyệt đồng ý, tất cả các bước đều thực hiện đúng quy trình. 

“Tại những cuộc họp, tiếp xúc cử tri đều đã được thông báo, bàn bạc công khai. Vào năm 2010, UBND xã đã có văn bản gửi lên UBND huyện Đông Anh để chấp thuận dự án đầu tư xây dựng chợ nguyên liệu gỗ. Mãi đến năm 2015 dự án mới được cấp trên chấp thuận và thành lập chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà. Tháng 10/2016 mới bắt đầu triển khai các bước thì vấp phải sự phản đối của 249 hộ dân có đất hai lúa nằm trong dự án. Còn giá đền bù đất thì theo quy định của nhà nước là 800 ngàn/m2 (tính ra gần 290 triệu đồng/1 sào-PV)”. Khi PV hỏi liệu việc xây dựng Dự án chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà có khả thi hay không thì vị Chủ tịch xã cho rằng: “Dự án hết sức cần thiết cho người dân. Trên địa bàn toàn xã có hơn 2600 hộ dân, những hộ dân gửi đơn lên báo phản đối dự án chỉ chiếm số ít. Quy hoạch dự án chợ nguyên liệu gỗ gồm có khu bán gỗ; khu trưng bày sản phẩm đồ gỗ của các hộ dân và doanh nghiệp”.

Bà Hảo khẳng định thêm, trên địa bàn xã không có dự án nào bỏ hoang, hiện ở xã có một dự án cụm làng nghề Hà Khê (cụm công nghiệp Đông Anh – PV) đang phát triển.

Thế nhưng phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế của PV thì hoàn toàn ngược lại với lời của vị Chủ tịch này. Theo đó, cụm công nghiệp làng nghề Đông Anh hiện tại đã bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chỉ có một đến hai hộ kinh doanh, còn lại được biến tướng thành nhà ở, biệt thự. 

Cũng trong buổi làm việc, khi PV hỏi xã có tự ý cho máy ủi san gạt trên phần đất chưa được đền bù không?. Bà Hảo khẳng định là không có việc máy ủi san gạt trên đất chưa được đền bù. Có một số hộ dân quay video nói xấu,  bôi nhọ xúc phạm danh dự của cán bộ việc Công an xã mời lên là đúng theo pháp luật. 

Khi PV muốn tiếp cận biên bản làm việc của công an với người dân thì vị Chủ tịch này lại bảo: “Cái này các anh (PV)  phải có lịch hẹn và làm việc riêng với công an”. 

Trước thực trạng dân phản đối, không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án vì cho rằng khi triển khai dự án, dân không được họp bàn, không được nêu quan điểm, các cấp chính quyền xã Vân Hà, UBND huyện Đông Anh, UBND TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc xem xét giải quyết những nguyện vọng chính đáng của các hộ dân theo như đơn kiến nghị.

Nguyễn Quý