Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải (Hải Dương): Cần thiết phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư

18/03/2024 18:11 | 2 tháng trước

(LSVN) - Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang (Hải Dương), đây là chủ trương đúng, đáp ứng mong mỏi của chính quyền người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân khu 4 cho rằng, việc thiết kế xây dựng cầu quá to, đường dẫn quá dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, làm ăn buôn bán của các hộ dân. Qua nghiên cứu thực tiễn nhằm nâng cao vai trò giám sát trên vai trò của người dân và đóng góp xây dựng hoàn thiện pháp luật, pháp lý ở lĩnh vực quy hoạch xây dựng, các Luật sư nhận thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư là một trong các công việc bắt buộc phải thực hiện trong quá trình lập quy hoạch theo quy định pháp luật. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nhằm công khai và minh bạch hóa thông tin quy hoạch trong quá trình thực hiện, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra và cũng tạo được sự đồng thuận của nhân dân khi thực hiện quy hoạch. Cộng đồng dân cư nơi vùng quy hoạch là chủ thể trực tiếp chịu tác động nên cần được ghi nhận ý kiến với các cơ quan nhà nước.

Lấy ý kiến của cộng nhằm công khai và minh bạch hóa thông tin

Ngày 30/7/2023, HĐND huyện Bình Giang ban hành Nghị quyết số 90/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại vị trí trên tuyến phố Quang Trung khu dân cư khu phố 4 và khu phố 5. Dự án có tổng mức đầu tư gần 40 tỉ do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang làm chủ đầu tư; đơn vị thiết kế: Công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng công trình Thăng Long; đơn vị tư vấn giám sát: Công ty TNHH Đỉnh Long; đơn vị thi công: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 18 (LICOGI 18)… Quy mô dự án bao gồm phần đường dẫn và cầu khoảng 209,430m. Phần đầu tuyến sẽ vuốt nối 2 nhánh vào đường nội bộ trước nhà thời Thánh Phê rô (Đồng Xá), điểm cuối tuyến sẽ vuốt nối hài hòa với đường Quang Trung. Tổng chiều dài tuyến và cầu vượt sông là 193,6m; trong đó chiều dài cầu 89,15m, bề rộng cầu 4m.

Báo cáo của UBND huyện Bình Giang cho thấy, dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Theo đó, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông theo các quy hoạch và định hướng phát triển giao thông của huyện Bình Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung. Đồng thời, góp phần phát huy vị thế và tiềm năng của thị trấn Kẻ Sặt… Qua đó, nhằm giảm tải các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, hạn chế tai nạn giao thông; nâng cao nhu cầu giao lưu, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội của nhân dân trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng… Đây cũng là chủ trương phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Dương và huyện Bình Giang, quy hoạch xây dựng đô thị Bình Giang tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Lấy ý kiến của cộng nhằm công khai và minh bạch hóa thông tin.

Tuy nhiên, ý kiến phản ánh của nhiều hộ gia đình tại khu phố 4 cho rằng, một số nội dung chưa phù hợp trong thiết kế xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân.

Lý giải về việc này, đại diện các hộ dân khu 4 cho rằng: Do thị trấn Kẻ Sặt là đất kinh doanh dịch vụ, có chợ truyền thống (chợ Kẻ Sặt có nguồn gốc trên 100 năm), là nơi giao thương buôn bán của người dân địa phương với Nhân dân các tỉnh thành trên đường bộ và đường thủy. Vị trí đường phố Quang Trung là một trong ba tuyến phố huyết mạch của chợ Sặt, tập trung nhiều người kinh doanh, khách thập phương qua lại giao thương đông đúc.

Việc xây dựng cầu theo đúng thiết kế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 60 hộ dân có nhà đất đang sinh sống tại phố Quang Trung, hơn 100 hộ gia đình đang sinh sống trên đường Giải Phóng và hơn 100 tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán dọc phố Quang Trung và đường cổng chợ Sặt... Vì vậy, người dân đề nghị chỉ nên làm cầu dân sinh với quy mô nhỏ để dành cho người đi bộ và xe máy, xe đạp hoặc làm đường dẫn từ vị trí hết đường rẽ vào đường Giải Phóng…

Thêm vào đó, trong quy trình thực hiện dự án xây cầu, chủ đầu tư đã có những dấu hiệu bưng bít thông tin, làm sai quy trình khi thông báo cho dân là xây cầu dân sinh nhưng đến khi trả lời người dân tại cuộc họp ngày 29/02/2024 thì bản thiết kế cây cầu thành cầu vượt sông Bắc Hưng Hải rộng hơn 4m, dài hơn 200m. Không hề có quy trình lấy ý kiến của những hộ dân bị ảnh hưởng; Không cho dân biết bản quy hoạch, sơ đồ thiết kế cầu, không công khai thông tin, đến khi khởi công bên khu 5 thì bắt đầu cho cán bộ sang khu 4 Quang Trung đo đạc vào tối đêm…

Người dân bức xúc vì dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải không được lấy ý kiến của toàn thể nhân dân.

Trong Báo cáo về công tác tuyên truyền, vận động người dân và những vướng mắc trong thực hiện xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải sang khu 5, UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: Sau khi nhận được đơn đề nghị của Nhân dân, UBND thị trấn đã phối hợp cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện xuống hiện trường khảo sát và đề xuất các phương án để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp nhất, nhằm tránh tối đa sự ảnh hưởng đến các hộ gia đình đang trực tiếp sinh sống, kinh doanh buôn bán trên tuyến phố Quang Trung, Giải Phóng và chợ Sặt. ‘UBND thị trấn đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án sớm nghiên cứu để thay đổi độ dài của đường dẫn cầu để Nhân dân yên tâm khi đơn vị thi công thực hiện xây dựng dự án đảm bảo tiến độ đề ra”, Báo cáo cho biết.

Trao đổi về vấn đề, ông Nhữ Văn Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: Xác định cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội nói chung… Mong muốn của người dân khu dân cư số 5, thị trấn Kẻ Sặt về một cây cầu bắc qua sông sớm được xúc tiến là chính đáng nhằm đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của người dân địa phương. Cũng theo ông Phương, trước ý kiến người dân khu 4, UBND thị trấn đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chúng tôi đã đi tìm báo cáo, tìm các giải pháp để đề xuất kiến nghị nhằm tránh ảnh hưởng đến các hộ gia đình đang trực tiếp sinh sống, kinh doanh buôn bán.

Ông Nguyễn Ngọc Quân, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang cho hay: Trước ý kiến của các hộ dân khu 4, chúng tôi cũng lắng nghe, xem xét để bàn phương án phù hợp với tình hình thực tế và tầm nhìn trong tương lai. Đó là cái mong muốn nhất của chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Quân, chủ đầu tư đã báo cáo với UBND huyện và Thường trực Huyện ủy. Thường trực Huyện ủy đã có ý kiến cho phương án điều chỉnh làm sao ngắn nhất, nhưng vẫn phải đạt quy chuẩn sau khi xin ý kiến Sở Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cái này tư vấn thiết kế sẽ ngồi lại để xin ý kiến 2 cơ quan trên và đưa ra phương án, để đáp ứng được nhu cầu của người dân tối ưu nhất.

Vì sao cần thiết phải lấy ý kiến cộng đồng?

Liên quan đến vấn đề, Luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam cho biết, lấy ý kiến cộng đồng dân cư là một trong các công việc bắt buộc phải thực hiện trong quá trình lập quy hoạch theo quy định pháp luật. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cứ nhằm công khai và minh bạch hóa thông tin quy hoạch trong quá trình thực hiện, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra và cũng tạo được sự đồng thuận của nhân dân khi thực hiện quy hoạch. Cộng đồng dân cư nơi vùng quy hoạch là chủ thể trực tiếp chịu tác động nên cần được ghi nhận ý kiến với các cơ quan nhà nước.

Việc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng là nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch. Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.  Chính bản thân những người dân trong khu vực được quy hoạch sẽ phải chịu những sự thay đổi khi thực hiện quy hoạch, nó tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cộng đồng dân cư nên căn cứ vào ý kiến của người dân để điều chỉnh quy hoạch là hoàn toàn hợp lý.

Lấy ý kiến cộng đồng dân cư để bảo đảm người dân được biết toàn bộ nội dung của dự thảo quy hoạch và đưa ra đánh giá, kiến nghị. Quy hoạch có thể được điều chỉnh hoặc sửa đổi sau khi lấy ý kiến.  Việc này cũng thể hiện chính quyền rất tôn trọng quyền và ý kiến đóng góp của người dân đồng thời quyền lợi của người dân được bảo vệ đúng theo trình tư pháp luật khi tiến hành quy hoạch.

Luật sư Kiều viện dẫn, theo Điều 16 của Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về trách nhiệm lấy ý kiến về việc quy hoạch của cơ quan, tổ chức cá nhân như sau: Cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Ủy ban nhân dân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.

Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan ở địa phương. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về hình thức, thời gian lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng, Luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều cho biết thêm, tại Điều 17 Luật Xây dựng quy định như sau:

Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý kiến trực tiếp. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng ít nhất là 20 ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư được lấy ý kiến để hoàn thiện nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng; trường hợp không tiếp thu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trước khi phê duyệt quy hoạch.

Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan.

ĐOÀN TÂN

Từ khoá : lsvn.vn LSVN