Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định về tội 'Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy'

16/03/2024 10:24 | 2 tháng trước

(LSVN) - Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã có dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".

Ảnh minh họa. 

Điều 313 của Bộ luật Hình sự quy định vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy bao gồm: Các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo dự thảo, Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" như sau:

Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự khi có đủ các điều kiện:

- Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi vi phạm hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này;

- Có thiệt hại xảy ra theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự; 

- Hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự:

- “Có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả” là trường hợp người thực hiện một trong các hành vi hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tất yếu sẽ xảy ra hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự nếu không được ngăn chặn kịp thời.

- “Ngăn chặn kịp thời” là trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn như: dập tắt đám cháy, di chuyển chất nguy hiểm cháy ra khỏi nơi đông người, mang nguồn lửa, nguồn nhiệt ra khỏi nơi có quy định cấm… nhằm bảo đảm không xảy ra cháy hoặc có xảy ra cháy nhưng thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.

Cũng được coi là “ngăn chặn kịp thời” đối với trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và đã bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đình chỉ hoạt động theo quy định tại Điều 29 của Luật Phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

Trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động gây ra cháy và gây thiệt hại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Ý NHƯ

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn giả mạo thương hiệu

Từ khoá : lsvn.vn LSVN