(LSVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc CMCN 4.0) đã tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia, thì việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xem xét, đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đến trình tự, thủ tục tố tụng thụ lý, giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án.
Ảnh minh họa.
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động đến các khía cạnh của đời sống xã hội trên các phạm vi và mức độ khác nhau. Trong đó, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra động lực mới để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang nền kinh tế tri thức, sang xã hội “thông minh”. Sự giao thoa và hội tụ các lĩnh vực công nghệ cao sẽ xóa mờ dần ranh giới giữa các khâu/công đoạn, quy trình sản xuất, đặc biệt là các khâu thiết kế, gia công, lắp ráp và chế tạo ra sản phẩm, từ đó sản xuất sẽ đạt trình độ rất cao, tối ưu hóa cao, làm cho lợi ích kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn [1]. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, yêu cầu giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người tại cơ quan hành chính nhà nước, thì việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Trước tình hình này, hoạt động xét xử của Tòa án cần phải có sự đổi mới, theo hướng chủ động ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong giải quyết các tranh chấp nói chung và trình tự, thủ tục tố tụng thụ lý, giải quyết các tranh chấp dân sự nói riêng.
Cuộc CMCN 4.0 tác động đến trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án
Về quyền khởi kiện tranh chấp dân sự
Quyền khởi kiện là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 [2]. Khi đương sự thực hiện quyền khởi kiện, về hình thức phải làm đơn khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTDS năm 2015, mẫu đơn khởi kiện được quy định tại mẫu số 23 của Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017. So với mẫu đơn khởi kiện tại mẫu số 01 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của BLTTDS năm 2004 (Sửa đổi, bổ sung năm 2011), thì mẫu đơn khởi kiện số 23 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong việc hướng dẫn đương sự trình bày các tranh chấp dân sự tại Tòa án, trong xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, như sau:
Thứ nhất, tại mục hướng dẫn, ngoài những thông tin mà người khởi kiện phải cũng cấp về nhân thân (Họ và tên, năm sinh, địa chỉ liên lạc, nội dung yêu cầu khởi kiện…) thì người khởi kiện còn phải cũng cấp số điện thoại (nếu có); số fax (nếu có), địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đây được xem là những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0. Bởi lẽ, Việt Nam có 61.3 triệu người dùng điện thoại, ở trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone đông nhất thế giới [3]. So với quy mô về dân số dao động khoảng 96 triệu người, có thể nhận thấy việc tiếp cận các thành tựu phát triển của cuộc CMCN 4.0 vào cuộc sống ở Việt Nam đã trở nên phổ biến. Cách thức này vừa giảm đáng kể giấy tờ phải phát hành đi, vừa tiết kiệm được thời gian hơn so với trước đây.
Thứ hai, nếu như trước đây, người dân phải đến trực tiếp tại Tòa án để xin các mẫu đơn khởi kiện, cũng như được Tòa án hướng dẫn các thức, trình tự, thủ tục trình bày đơn khởi kiện, thì nay vấn đề này trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Đương sự không khó để tìm kiếm các mẫu đơn khởi kiện trên chiếc điện thoại thông minh smartphone, một lượt truy cập trên google về mẫu đơn khởi kiện, có thể cho ra hàng nghìn kết quả. Người khởi kiện, có thể lựa chọn các mẫu đơn khởi kiện hoặc thuận thậm chí có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý về cách thức, trình bày một đơn khởi kiện về tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, hiện nay mẫu đơn khởi kiện quy định một cách chung chung cho tất cả các tranh chấp dân sự như tranh chấp kinh doanh thương mại, tranh chấp lao động, tranh chấp dân sự, tranh chấp hôn nhân và gia đình; Chưa quy định cụ thể đối với các loại vụ việc đặc thù. Chẳng hạn như tranh chấp hôn nhân và gia đình về cơ bản người khởi kiện phải trình bày các yêu cầu về ly hôn, con chung, cấp dưỡng, tài sản chung, nợ chung nên dẫn đến việc người khởi kiện sau khi nộp đơn khởi kiện vụ việc tranh chấp hôn nhân và gia đình qua đường bưu điện hoặc nộp bằng phương thức trực tuyến thường phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết. Điều này, vừa gây tốn thời gian, chi phí cho đương sự và Tòa án, cũng như hiệu quả của việc tiếp cận các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 chưa đạt hiệu quả cao trên thực tế.
Về cách thức người khởi kiện gửi đơn khởi kiện
Cuộc CMCN 4.0 tạo điều kiện cho người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng nhiều cách thức khác nhau để nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết về tranh chấp dân sự. BLTTDS năm 2004 [4], quy định người khởi kiện tranh chấp dân sự gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng các phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án và gửi đến Tòa án qua bưu điện. Thực tiễn xét xử cho thấy, người khởi kiện vẫn gửi đơn khởi kiện thông qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Tòa án. Thực trạng nêu trên sẽ thay đổi với việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 bằng cách gửi đơn khởi kiện qua Internet (trực tuyến). Để cụ thể hóa điều này, BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cách thức người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) [5]. Cách thức mới này, người khởi kiện sẽ tiết kiệm được thời gian và kinh phí đi lại, vì người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện ở bất kỳ thời gian và địa điểm nào, nếu họ có yêu cầu. Quy định gửi trực tuyến này cũng tạo nên sự giảm tải công việc, giấy tờ và chi phí tố tụng cho hoạt động xét xử của Tòa án
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, yêu cầu giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người tại cơ quan hành chính nhà nước. Người khởi kiện không thể đến Tòa án để trực tiếp nộp đơn, hoặc nếu đến Tòa án nộp đơn khởi kiện cũng phải giữ khoảng cách, thực hiện kê khai y tế bắt buộc. Cũng như người khởi kiện khó khăn trong việc đến bưu điện để gửi đơn khởi kiện, thì việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 về gửi đơn khởi kiện bằng điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động xét xử. BLTTDS năm 2015, đã phần nào tiếp cận đến thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Đặc biệt, đương sự có thể dễ dàng gửi đơn khởi kiện trong những ngày nghỉ, ngày lễ trong năm, mà không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.
Quy định về gửi trực tuyến trong BLTTDS nhằm tiến tới hiện đại hóa hoạt động của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử, cũng như tạo mọi thuận lợi cho người dân. Đây là cơ sở cho Tòa án, trong việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng khởi kiện, cung cấp chứng cứ thông qua hộp thư điện tử. Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ- HĐTP ngày 30/12/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS Số 92/2015/QH13, Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản bằng phương tiện điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong thời gian qua, tác giả nhận thấy việc đương sự gửi đơn khởi kiện bằng cách thức gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án rất ít và hiệu quả của việc gửi đơn không đạt hiệu quả cao. Hiện nay chưa có thống kê nào về số cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc nộp đơn khởi kiện bằng hình thức trực tuyến. Có thể thấy, việc nộp đơn khởi kiện bằng hình thức trực tuyến còn khá ít ỏi trên thực tế. Sở dĩ có tình trạng trên là do hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất chưa cho phép, pháp luật cũng chưa có hướng dẫn chi tiết làm cơ sở cho việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến và thực tiễn áp dụng còn một số khó khăn như sau:
Một là, đương sự có thói quen gửi đơn khởi kiện qua bưu điện hay nộp trực tiếp tại Tòa án và chưa có thói quen gửi đơn khởi kiện trực tuyến [6]. Đối với Tòa án nhân dân cấp huyện là nơi thụ lý, giải quyết số lượng lớn các loại tranh chấp dân sự, phần lớn Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có website, hộp thư điện tử để người dân có thể truy cập hoặc thậm chí không ít Tòa án chưa công bố công khai hộp thư điện tử để người dân có thể tiếp cận, nên hiệu quả của việc người dân gửi đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến trong thời gian qua chưa cao.
Hai là, về gửi đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến của người dân trong thời gian qua vẫn chưa cao. Bởi lẽ, nếu nộp đơn bằng phương thức truyền thống như nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc nộp qua bưu điện thì họ sẽ được Cán bộ Tòa án xác nhận đã nhận đơn khởi kiện hoặc Cán bộ bưu điện xác nhận đã chuyển hồ sơ khởi kiện. Đây là có sở pháp lý để người khởi kiện chứng minh hồ sơ khởi kiện của họ đã được Tòa án nhận và xem xét thụ lý. Còn đối với phương thức gửi đơn trực tuyến, nếu Tòa án có thẩm quyền giải quyết đã nhận đơn không cài đặt chế độ trả lời thư tự động… thì người khởi kiện chưa biết được đơn khởi kiện của mình đã gửi đi hay chưa hoặc có gửi sai địa chỉ thư điện tử hay không? Thực tế cho thấy, người khởi kiện cũng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh đơn khởi kiện của mình đã được Tòa án có thẩm quyền nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện của mình, mặc dù Nghị quyết số 04/2016/NQ- HĐTP ngày 30/12/2016 đã quy định trình tự, thủ tục xử lý đơn. Mặc khác, đối với một số Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có cán bộ chuyên phụ trách về công nghệ thông tin nên vấn đề xử lý đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến càng trở nên khó khăn, bất cập.
Về tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự
Hoạt động của Tòa án về việc tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự hay cơ quan tố tụng khác như giấy triệu tập, thông báo, bản án, quyết định... trong các tranh chấp dân sự còn nhiều khó khăn. Những khó khăn trên, có thể được giải quyết khi Tòa án áp dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, bằng cách tống đạt cho các đương sự hay chủ thể khác thông qua mạng công nghệ hiện đại như gmail, zalo, tin nhắn điện thoại… và Cán bộ Tòa án sẽ giảm bớt công việc liên quan đến việc tống đạt các văn bản tố tụng. Cụ thể, Điều 176 BLTTDS năm 2015 quy định “Việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này”. Quy định này được hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP. Theo đó, đương sự được lựa chọn giao dịch điện tử với Tòa án theo một trong các hình thức sau: Gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án; Chỉ nhận thông điệp dữ liệu điện tử do Tòa án cấp, tống đạt, thông báo. Tuy nhiên, việc gửi này phụ thuộc vào ý chí của đương sự nên thực tiễn áp dụng chưa được phổ biến vì khoản 2 Điều 173 BLTTDS còn quy định “Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.
Hiện nay, vấn đề tống đạt bằng phương tiện điện tử còn không ít khó khăn, vì liên quan đến tính xác thực của chữ ký điện tử (Chữ ký số). Các chữ ký điện tử này phải được chứng thực bằng chứng thư điện tử đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, công nhận theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ về quy định chữ ký số và chứng thực chữ ký số. Vô hình trung buộc người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện thêm một thủ tục, phải bỏ một số tiền không nhỏ để thực hiện việc đăng ký, gia hạn chữ ký điện tử này trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: Giá dịch vụ chữ ký số tháng 7/2021 của Viettel hơn 1.826.000 đồng/năm cho đăng ký mới và phí gia hạn 1.276.000 đồng cho một nam tiếp theo, nên hiện tại chưa được ứng dụng phổ biến. Mặt khác, việc xử lý các tài liệu gửi bằng phương tiện này đang còn là một vấn đề cần phải nghiên cứu thêm [7].
Về việc đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ [8]
Đối với các tài liệu, chứng cứ mà đương sự nộp qua thông tin điện tử, khoản 1 Điều 19 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP quy định “Người khởi kiện, người tham gia tố tụng đã gửi tài liệu, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Đối với các tài liệu, chứng cứ mà người tham gia tố tụng gửi cho Tòa án bằng phương tiện điện tử sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, Công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, Công khai chúng cú và đối thoại thì thời hạn giao nộp bản chính và bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng”. Với quy định này, sau khi Tòa án nhận được hồ sơ khởi kiện hợp lệ qua phương thức trực tuyến, Tòa án có thể ra quyết định thụ lý giải quyết vụ án, mà không cần phải có bản chính hoặc bản sao hợp pháp các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện. Việc giao nộp các tài liệu, chứng cứ này bằng bản gốc hoặc bản sao hợp pháp chỉ phải thực hiện chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Đây là một điểm rất tiến bộ của pháp luật, khi đã ngầm định tính xác thực của các tài liệu, chứng cứ được nộp qua phương tiện điện tử và dùng đó làm cơ sở để đánh giá, xem xét và giải quyết vụ án. Đây là một điều hoàn toàn mới so với phương thức truyền thống. Theo đó, Tòa án yêu cầu đương sự phải chứng minh tính xác thực của tài liệu, chứng cứ từ khi nộp đơn khởi kiện, thì Tòa án mới tiến hành xem xét việc thụ lý. Như vậy, vấn đề đặt ra là, có còn cần thiết khi Tòa án vẫn bắt buộc phải nộp bản gốc hoặc bản sao hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ đã được cung cấp qua phương thức trực tuyến [9].
Pháp luật của một số nước trên thế giới thì thấy, không bắt buộc phải nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ là bản giấy. Chẳng hạn, tại Anh và Mỹ, một khi đã cung cấp các tài liệu, chứng cứ đã được gửi qua phương tiện điện tử, Tòa án tại các nước này sẽ không yêu cầu các đương sự phải cung cấp bản giấy của các chứng cứ này, trừ các trường hợp do pháp luật quy định [10]. Tại Australia, cũng không bắt buộc việc nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ là bản giấy, hoặc tại Singapore, cơ quan tư pháp có thẩm quyền sẽ chỉ yêu cầu người nộp đơn phải cung cấp tài liệu bản gốc/bản sao bằng giấy nếu họ xét thấy cần thiết [11]. Như vậy, Việt Nam cũng cần có sự xem xét việc nộp chứng cứ bằng tài liệu giấy có thực sự cần thiết trong mọi trường hợp hay không? Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng hình thức điện tử để giả mạo giấy tờ hoặc tài liệu khiến không thể xác thực được, có thể bổ sung quy định chỉ trường hợp có thách thức từ phía đương sự khác về tính xác thực của các tài liệu đã nộp trực tuyến thì đương sự cung cấp tài liệu mới buộc phải chứng minh tính xác thực đó [12].
Về chứng cứ điện tử
Trong thời đại của cuộc CMCN 4.0, các giao dịch qua phương tiện điện tử ngày càng nhiều và mang tính phổ biến. Đã có không ít trường hợp xảy ra tranh chấp, mà Tòa án cần thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến dữ liệu điện tử để giải quyết tranh chấp dân sự. Tại khoản 1 Điều 94 BLTTTDS quy định về nguồn chứng cứ là “Dữ liệu điện tử” hay được gọi là “Chứng cứ điện tử” và khoản 5 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2006 quy định “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”, quy định này cho thấy “Dữ liệu điện tử” được coi là nguồn chứng cứ trong giao dịch điện tử. Để được xem là chứng cứ điện tử thì dữ liệu điện tử phải được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định của BLTTDS. Chứng cứ điện tử là tất cả những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử như máy tính và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay các thông tin, dữ liệu từ mạng máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số... cũng như từ Internet. Các loại chứng cứ điện tử bao gồm Chữ ký điện tử, Mật mã điện tử, Ký hiệu điện tử, Thông điệp dữ liệu điện tử (thông điệp điện tử), Tài liệu lưu trữ điện tử (tài liệu điện tử, dữ liệu điện tử truyền thông...).
Cùng với việc phát triển của cuộc CMCN 4.0, việc thu thập, xác thực các dữ liệu điện tử được thu thập có giá trị làm bằng chứng điện tử có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Bởi, các dữ liệu điện tử không phải lúc nào cũng đúng và làm chứng cứ trong việc giải quyết vụ mà các chứng cứ điện tiện này phải rõ ràng, không bị mất hoặc bị ẩn và không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức hay xâm phạm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, các dữ liệu điện tử được thu thập có độ tin cậy, chính xác và đảm bảo tính nguyên vẹn của chứng cứ hay không? Chẳng hạn tại bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của Tòa án nhân dân TP. HCM, Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử của nguyên đơn, cụ thể: “Các thư điện tử mà nguyên đơn viện dẫn nói trên không có chữ ký điện tử của người gửi kèm theo và tổ chức giám định được Tòa án trưng cầu giám định theo yêu cầu của nguyên đơn là Phân viện Khoa học hình sự tại TP. HCM đã có Kết luận giám định số 127/C09B ngày 14/01/2019 nêu rõ: “Không đủ cơ sở để kết luận giám định xác thực về nội dung, người gửi, người nhận và thời gian gửi đối với 13 tập tin có nội dung thư điện tử cần giám định”. Trong khi đó, đại diện bị đơn cũng không xác nhận nội dung cũng như người gửi các thông điệp dữ liệu này. Căn cứ vào quy định tại các điều 13, 14 và 24 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, các thư điện tử nói trên không có giá trị chứng cứ để chứng minh có sự thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ thanh toán từ bên mua hàng là T sang bị đơn mà nguyên đơn đã căn cứ vào đó để đưa ra yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn” [13].
Bên cạnh đó, khi khai thác dữ liệu điện tử phát sinh nhiều vấn đề pháp lý về an ninh, chính trị và quyền riêng tư cá nhân trong quá trình khai thác, tìm kiếm dữ liệu điện tử. Chẳng hạn, đương sự có thể yêu cầu Tòa án xem xét tiến hành tìm kiếm dữ liệu nhưng đôi khi không cần thiết và không có luật nào có nghĩa vụ xóa dữ liệu đã được sao chép trong quá trình tra cứu dữ liệu. Điều này làm tăng nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của cá nhân. Ngoài ra, phạm vi địa lý cũng ảnh hưởng đến việc tra cứu bởi dữ liệu điện tử không bị giới hạn về mặt không gian và thời gian có tính chất chuyển đổi và xuyên biên giới. Điều này dẫn đến việc tra cứu dữ liệu điện tử không khả thi khi liên quan đến yếu tố ngoại giao về chính trị và an ninh của một quốc gia [14].
Chứng cứ điện tử dễ dàng thu thập, lưu trữ và bảo quản bởi vì chứng cứ điện tử có thể thu thập trực tuyến và lưu trữ tại dữ liệu riêng cá nhân hay nếu chứng cứ đó được máy tính lập trình thì cá nhân không thể thay đổi dữ liệu trong đó ngoại trừ người quản trị hệ thống đó và đôi khi các dữ liệu còn được lưu trữ bộ nhớ phụ mà khó có ai có thể xâm nhập. Tuy nhiên, bảo mật thông tin làm lo ngại một vấn đề cơ bản khi thông tin được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử có thể không khai thác, thu thập chính xác tất cả dữ liệu điện tử dẫn đến tính trọn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện tử không đảm bảo. Chính điều này ảnh hưởng đến tính xác thực của các loại chứng cứ điện tử mà hiện nay các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định các tiêu chuẩn liên quan đến chứng cứ điện tử dẫn đến sử dụng chứng cứ điện tử không được khách quan. Thêm vào đó, chứng minh chủ thể khởi tạo các chứng cứ điện tử là một thách thức lớn trong môi trường mạng, bởi vì không gian mạng vừa hữu hình vừa vô hình và đặc biệt, Cơ quan chuyên môn ở Việt Nam trong môi trường mạng chưa đồng bộ cũng gặp khó khăn trong xác định chủ thể khởi tạo chứng cứ điện tử. Có thể thấy, xét về bản chất của chứng cứ điện tử là do sự khởi tạo về ghi nhận dấu vết và xác nhận dấu vết ảnh hưởng quan trọng trong thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ điện tử. BLTTDS năm 2015, cũng không có các quy định riêng về việc thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử nên dẫn đến khó khăn trong đánh giá chứng cứ điện tử đối với các tranh chấp phát sinh [15].
Về phiên tòa xét xử các tranh chấp dân sự
Tại khoản 2 Điều 225 BLTTDS quy định“Việc xét xử phải bằng lời nói và được tiến hành tại phòng xử án” nên đương sự cũng như người tham gia tố tụng khác phải có mặt tại phiên tòa xét xử. Thành tựu của cuộc CMCN 4.0 về phòng xét xử trực tuyến (điện tử) có thể làm thay đổi thực trạng trên. Phòng xét xử trực tuyến là phòng xử án có hình thức bố trí theo quy định của pháp luật tố tụng và được trang bị thêm thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình ti vi, máy tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động phiên tòa, phiên họp. Các chủ thể là thành phần tham gia vào phiên xét xử giống như một hội nghị video trực tuyến. Người tiến hành xét xử ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở Tòa án (Điểm cầu trung tâm) và người tham gia tố tụng ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở Tòa án ở địa phương (Điểm cầu địa phương) thông qua các thiết bị điện tử được thiết lập, liên kết nhau bằng internet và hoạt động bằng một chương trình phần mềm ứng dụng mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại một phòng xử như thông thường, mà vẫn nhìn thấy mặt, nói chuyện trực tiếp với nhau vào cùng một thời điểm [16]. Đương sự tham gia phiên xét xử mà không cần có mặt tại phòng xét xử thông qua Audiocon-ference (Trình bày tiếng từ xa) hay Video-conference (Trình bày hình tiếng từ xa). Với thành tựu trên, những bất cập khi khả năng phải hoãn phiên xét xử do một bên không thể có mặt tại phòng xét xử sẽ giảm, chi phí cho đương sự cũng sẽ giảm mạnh vì họ vẫn được tham gia phiên xét xử mà không phải mất thời gian di chuyển đến địa điểm xét xử [17].
Hơn nữa, nếu được sự cho phép của điểm cầu trung tâm (HĐXX), người dân quan tâm đến vụ án có thể theo dõi quá trình xét xử vụ án mà không bị giới hạn số lượng người xem bởi không gian của phòng xử án thông thường. Tòa án cũng tiết kiệm được chi phí và thời gian khi phải triệu tập đương sự tham gia phiên tòa. BLTTDS năm 2015, chưa có những ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 nêu trên trong hoạt động xét xử trực tuyến mà vẫn theo hướng Tòa án tiếp tục giải quyết nếu đương sự hay Viện kiểm sát vắng mặt [18]. Do đó, một xu hướng tất yếu được đặt ra trong thời kỳ chuyển đổi số mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng, đó là cho phép sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án trực tuyến. Các tài liệu, chứng cứ sẽ được truyền tải nhanh hơn do sử dụng môi trường mạng, tạo điều kiện cho các bên có thể tiếp cận nhanh chóng và tiện lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, yêu cầu giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người, thì việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để xây dựng Tòa án trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong thời gian tới của hệ thống Tòa án.
Hiện nay, hệ thống Tòa án của một số quốc gia trên thế giới, đã tiến hành và thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình như: hệ thống Tòa án của Úc, Singapore, Malaysia… và gần đây tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến để tránh lây nhiễm Covid-19. Qua kinh nghiệm của các nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mang lại rất nhiều lợi ích như: Phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng; Không tập trung đông tại một phòng xử án nên hạn chế sự lấy lan của dịch bệnh, phân tán con người giúp dễ dàng kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hiện tại; Tòa án giảm bớt được chi phí; Tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa nếu điểm cầu nào di chuyển thuận tiện hơn, hạn chế việc vắng mặt, đến phiên xử trễ; Đông đảo người dân quan tâm đến vụ kiện có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường; Nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn; Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình lại và lưu trữ tại điểm cầu trung tâm làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm... Tuy nhiên, khi triển khai mô hình xét xử trực tuyến sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tòa án điện tử là phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, máy móc, đường truyền Internet. Do đó, việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tố tụng của Tòa án ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tiến bộ khoa học Công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng về trang thiết bị kỹ thuật.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, Nghị quyết số 04/2016/NQ- HĐTP ngày 30/12/2016 đã có hướng dẫn về trình tự, thủ tục gửi đơn khởi kiện trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay rất ít tổ chức, cá nhân nào nộp đơn khởi kiện trưc tuyến trong thời gian vừa qua. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao cần tổng kết thi hành Nghị quyết số 04/2016/NQ- HĐTP ngày 30/12/2016, trên cơ sở đó hướng dẫn, sửa đổi lại trình tự, thủ tục nộp đơn khởi kiện bằng hình thức trức tuyến. Hướng dẫn này nên thống nhất và cần có những nội dung mà đương sự cần điền thông tin khi gửi đơn khởi kiện trực tuyến như: Thông tin về các bên trong tranh chấp, bản chất quan hệ có tranh chấp, tóm tắt nội dung tranh chấp các vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết, khả năng nhận và gửi trực tuyến các văn bản tố tụng khác. Mặc khác, cần khuyến khích người dân sử dụng việc gửi đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ trực tuyến thay cho các phương thức gửi truyền thống.
Thứ hai, Tòa án cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thủ tục tố tụng điện tử, áp dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động hành chính và quá trình xét xử các tranh chấp dân sự. Trong đó, phương thức tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử là phương thức tống đạt mang tính hiệu quả cao, có thể giúp người dân được cấp, tống đạt, thông báo nhanh chóng, để đương sự biết được các thông tin cần thiết nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Do đó, BLTTDS cũng như thực tiễn xét xử, Tòa án cần có những sửa đổi mạnh dạn ứng dụng cách thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào việc tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, nhất là với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thứ ba, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin cho đội ngũ Cán bộ Tòa án, nhất là bộ phận Thư ký Tòa án. Thường xuyên mở các lớp nghiệp vụ tập huấn về việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, buổi họp nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp vụ việc dân sự trong thời đại của cuộc CMCN 4.0. Buổi tọa đàm sẽ là nơi để cùng nhau trao đổi, bình luận các tranh chấp dân sự dưới tác động của cuộc CMCN 4.0. Từ đó, có thể học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm xét xử và rút ra được những bài học nghiêm túc.
Thứ tư, trong thời đại của cuộc CMCN 4.0 mỗi loại thiết bị điện tử đều có những đặc điểm cụ thể riêng, đòi hỏi phải áp dụng các quy trình chính xác và phù hợp. Do đó, việc tuân thủ các thủ tục về chứng cứ điện tử là quan trọng để đảm bảo tính trọn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện cứ. Chi phí khôi phục và xác minh, thu thập dữ liệu điện tử đôi lúc gây khó khăn cho các bên đương sự trong quá trình cung cấp chứng cứ bởi chi phí quá cao. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến tính đầy đủ của chứng cứ cũng như ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án và Thẩm phán đôi khi lại khá thụ động trong trường hợp yêu cầu xác minh, thu thập các dữ liệu này, mặc dù Thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để đảm bảo tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa quy định thế nào là cần thiết? Ngoài ra, BLTTDS cần bổ sung các quy định về khái niệm chứng cử điện tử, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ điện tử và lưu giữ chứng cứ điện tử làm căn cứ bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp để chứng minh cho các yêu cầu của các đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự.
Thứ năm, xây dựng hệ thống Tòa án điện tử mà Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị triển khai theo Kế hoạch số 76/KH-BCĐ-TAND ngày 10/6/2021. Để thực hiện việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử, thời gian tới Tòa án cần tập trung vào các nội dung như: Hoàn thiện nền tảng pháp lý điện tử; Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin hiện có; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các hệ thống công nghệ thông tin số; Cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ vụ án và các dịch vụ công của Tòa án; Bảo đảm các nguồn lực triển khai Tòa án điện tử; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số và chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án để bảo đảm năng lực vận hành triển khai, kết nối, các hệ thống công nghệ thông tin từ Trung ương đến địa phương thuận tiện, nhanh chóng, ổn định, an toàn, an ninh thông tin dữ liệu; Tận dụng tối đa các hình thức xác thực điện tử để tiết kiệm được thời gian, chi phí cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử với Tòa án.
=============================== [1]. Trương Hồ Hải và Đặng Viết Đạt, “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến hoạt động lập pháp”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210762, truy cập ngày 25/3/2022. [2]. Điều 4 BLTTDS năm 2015. [3] Xem “Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới năm 2020, trên nhiều nước phát triển”, https://www.thegioididong.com/tin-tuc/viet-nam-top-10-quoc-gia-su-dung-smartphone-nhieu-nhat-the-gioi-1356700, truy cập ngày 25/3/2022. [4]. Điều 166 BLTTDS năm 2004 (Sửa đổi, bổ sung năm 2011) về gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. [5]. Điều 190 BLTTDS năm 2015 về gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. [6]. Đỗ Văn Đại, “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tòa án và ngoài Tòa án ở Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 19 (2018) kỳ 1, trang 05-15. [7]. Lê Đức Anh (Tòa Hình sự, TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh), “Bàn về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/ban-ve-cap-tong-dat-thong-bao-van-ban-to-tung, truy cập ngày 25/3/2022. [8]. Lê Thùy Khanh, “Mô hình Tòa án điện tử một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 20, tháng 10/2020, tr. 38. [9]. Đặng Thanh Hoa & Nguyễn Minh Trí (2018), “Áp dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động xét xử vụ án dân sự tại Tòa án”- Hội thảo cấp trường “Xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM, ngày 28/3/2019. [10]. Áp dụng ở Anh, https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/6-580-4345?originationContext=know How&transition Type-KnowHowItem&contextData=(sc.Default)&comp=p luk&first, truy cập ngày 25/3/2022. Page=true&shop=1; Áp dụng ở Mỹ: https://www.uscourts.gov/ courtrecords/electronic-filing-cmecf/faqs-case-managementelectronic-case-files-cmecf#faq-what-is-CM/ECF, truy cập ngày 25/3/2022. [11]. Nguyễn Minh Trí (2020), “Hệ thống nộp đơn khởi kiện điện tử của Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 14, tr.13. [12]. Đặng Thanh Hoa & Nguyễn Minh Trí (2018), tlđd. [13]. Bản án dân sự sơ thẩm số 1177/2019/KDTM-ST ngày 18/9/2019 của TAND TP. HCM, file:///C:/Users/Admin/Downloads/1177_ktSt_khong_18_9_2019.pdf, truy cập ngày 25/3/2022. [14] Xem Nguyễn Thành Minh Chánh (Khoa Luật – Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM), “Pháp luật về chứng cứ điện tử tại Việt Nam”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/phap-luat-ve-chung-cu-dien-tu-tai-viet-nam, truy cập ngày 25/3/2022. [15]. Nguyễn Hải An, “Chứng cứ và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam và thực tiễn áp dụng”, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=6703d335-bfd4-4ad8-9eb3-7b514643d438, truy cập ngày 25/3/2022. [16]. Lê Đức Anh (Tòa Hình sự, TANDCC tại TP. HCM), Mô hình “Xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/mo-hinh-xet-xu-truc-tuyen-thay-xet-xu-tap-trung, truy cập ngày 25/3/2022. [17]. Đỗ Văn Đại, “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tòa án và ngoài Tòa án ở Việt Nam”, Tạp chí Tòa án, số 19 (2018) kỳ 1, trang 05-15. [18]. Điểm b khoản 2 Điều 227 BLTTDS: “Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụliên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ”. Hay tại khoản 1 Điều 232 BLTTDS: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa”. |
Thạc sĩ BÙI AI GIÔN
Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết