Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi đã sang tên?

08/11/2017 20:23 | 6 năm trước

LSVNO - Ông bà tôi lúc còn sống có tặng cho bố mẹ tôi một mảnh đất và đã sang tên quyền sử dụng đất cho bố mẹ tôi. Cách đây vài năm, ông mất, bà ốm nặng và hiện đang ở nhà của cô con gái. Bây giờ cá...

LSVNO - Ông bà tôi lúc còn sống có tặng cho bố mẹ tôi một mảnh đất và đã sang tên quyền sử dụng đất cho bố mẹ tôi. Cách đây vài năm, ông mất, bà ốm nặng và hiện đang ở nhà của cô con gái. Bây giờ các cô tôi đòi chia lại mảnh đất mà ông bà đã cho bố mẹ tôi. Vậy xin hỏi các cô làm vậy là đúng hay sai? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? (Bạn đọc Nguyễn Duy Thanh).

Ảnh minh họa.

Luật sư tư vấn:

Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì mảnh đất của bố mẹ bạn được ông bà tặng cho và hiện nay đã đứng tên bố mẹ bạn. Khoản 2 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Như vậy, việc tặng cho tài sản là mảnh đất trên giữa ông bà và bố mẹ bạn đã có hiệu lực kể từ thời điểm ngôi nhà đứng tên bố mẹ bạn. Việc các cô của bạn đòi chia lại mảnh đất là không đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì khi có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, các bên tranh chấp bắt buộc phải tiến hành hòa giải thông qua hòa giải cơ sở, trong trường hợp các cô và gia đình bạn không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã để đề nghị tiến hành hòa giải.

Trong trường hợp tranh chấp đã hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã mà không thành thì các cô của bạn có thể nộp đơn lên tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”. Nếu bố mẹ bạn có đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh mảnh đất đó là của ông bà tặng cho và hiện tại bố mẹ bạn đứng tên chủ sở hữu là hợp pháp thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền, lợi ích cho gia đình bạn.

Luật sư Phạm Thị Thu

(Công ty Luật số 1 Hà Nội)