Gió không thổi từ biển...

21/08/2018 16:23 | 5 năm trước

LSVNO – Tôi liên tưởng đến hình ảnh dãy Trường Sơn trở thành ranh giới phân chia giữa hai thái cực khác biệt nhau của thời tiết, là nguồn gốc sinh ra những cơn gió khô nóng không thổi từ biển....

LSVNO – Tôi liên tưởng đến hình ảnh dãy Trường Sơn trở thành ranh giới phân chia giữa hai thái cực khác biệt nhau của thời tiết, là nguồn gốc sinh ra những cơn gió khô nóng không thổi từ biển. Nó cũng như sự khác biệt hay khoảng cách không dễ lấp đầy giữa chức năng buộc tội và gỡ tội.

Chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế chậm gần hai tiếng đồng hồ, mãi đến hơn 9 giờ tối tôi mới tới TP. Đông Hà để chuẩn bị cho buổi giới thiệu về những điểm mới trong các bộ luật vừa được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2015 cho các luật sư đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, các bộ luật mới này sẽ có hiệu lực thi hành, giới luật sư thật sự trông đợi vào những điểm mới, thể hiện bước chuyển nhận thức rất quan trọng nhằm xác lập và nâng cao vị thế của luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các chủ thể xã hội sẽ được hiện thực hóa. Đó cũng là lý do một số luật sư được Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân công giới thiệu các bộ luật suốt mấy tháng qua phải ngược xuôi từ Bắc vào Nam, tận tình chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp trên cả nước.

Mặc dù vẫn thường về quê nội ở Gio Linh hàng năm, nhưng chưa bao giờ tôi được chứng kiến đợt nắng nóng do bị ảnh hưởng của những cơn gió Lào như lần này. Quá nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng gió thật lạ, liên tưởng nhớ về những cơn gió báo hiệu mùa bão đến từ những ngày ấu thơ ngoài Bắc vậy. Nhìn ra ngoài trời, vẫn thấy những ngôi sao đang lấp lánh, vài đám mây nhỏ qua ánh sáng hắt lên từ những ngọn đèn đường như những búi tóc xõa trôi. Gió cứ phần phật thổi từng cơn, đập vào cánh cửa sổ, luồn qua các khe hở, tạo thành những tiếng hú, từng đợt nhịp nhàng nghe rõ mồn một trong đêm. Tờ mờ sáng thức dậy, đã thấy nắng chói chang phủ khắp các con phố nhỏ…

Hoàng hôn trên sông Hương. Ảnh: Hoài Phan

Khác với nhiều khóa bồi dưỡng mà tôi có điều kiện được đứng lớp, phần lớn các luật sư đến từ các tỉnh miền Trung tham dự lần này đều là những cán bộ ngành tòa án, kiểm sát, công an sau khi nghỉ hưu đã gia nhập các đoàn luật sư, trong đó có nhiều người nguyên là chánh án, viện trưởng cấp tỉnh, thẩm phán, kiểm sát viên cao cấp. Những gương mặt đã luống tuổi, bộc lộ những trải nghiệm của nghề luật đầy thử thách. Nay đến với nghề luật sư, dường như qua các nội dung trao đổi, đối thoại, tôi cảm nhận các đồng nghiệp đã đồng cảm, chia sẻ nhiều những nỗi vất vả của nghề luật sư. Mặc dù ghi nhận những điểm mới, tiến bộ về chế định bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của người bị hại, đương sự, nhưng nhiều luật sư cũng lo ngại những cản ngại nằm ở bên trong nhận thức của các cơ quan và người tiến hành tố tụng không dễ ngày một ngày hai mà xóa bỏ được. Nếu không có bản lĩnh, kiên trì theo đuổi những giá trị nhân văn của nghề nghiệp với tấm lòng yêu thương, đau đáu với những phận người thì chắc khó mà vượt qua những khó khăn được ví lớn như những ngọn núi.

Tranh thủ lúc nghỉ trưa, tôi được anh Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị mời bữa cơm thân mật với tư cách là anh em quen biết nhau đã hơn hai mươi lăm năm qua. Từng là Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh gần hai chục năm, anh là người thấu hiểu những vất vả và thực tế điều kiện hoạt động còn rất hạn hẹp của đội ngũ luật sư tỉnh nhà. Tuy nhiên, điều mà anh ưu tư là làm sao các luật sư có thể sống bằng chính hoạt động nghề nghiệp của mình, tạo dựng được sự tin cậy của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, để từ đó nâng cao uy tín nghề nghiệp, không cần trông cậy vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Những lời tâm sự chân thành của người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Trị giúp tôi hiểu thêm điều kiện hoạt động và hành nghề của các luật sư hiện nay còn rất nhiều khó khăn.

Ngồi trên xe trở lại Huế, tôi mở cửa kính nhìn ra những đám mây đang chở ánh hoàng hôn vào đêm. Gió vẫn thổi ù ù bên tai, mang hơi nóng từ hiệu ứng “phơn” (foehn), khiến cho không khí bên đông Trường Sơn có nhiệt độ cao hơn và độ ẩm thấp hơn không khí bên tây Trường Sơn. Gió bên đông Trường Sơn càng nóng khô khi mưa bên tây Trường Sơn càng lớn. Đó chính là bản chất lý giải thời tiết trở nên khô nóng với một đặc trưng khí hậu riêng biệt của vùng đất này. Các nhà khí tượng học giải thích: Khi bị núi chắn ngang thì gió phải vượt lên cao, lên tầng không khí loãng và lạnh hơn, khiến cho hơi nước ngưng tụ, gây mưa bên triền núi hứng gió và đồng thời làm gió giảm áp suất. Khi đã qua đỉnh núi thì gió trở thành một luồng khí khô hạ áp nên khi đi từ trên cao xuống, gặp không khí đặc hơn gió sẽ bị nén lại, quá trình đó làm tăng nhiệt độ của gió. Kết quả là bên triền núi hứng gió (đoạn lên núi) thì gió ẩm, mát và gây mưa nhiều nhưng bên triền núi khuất gió (đoạn xuống núi) thì gió lại khô và nóng. Dãy núi càng cao, thì khi xuống núi mức gia tăng nhiệt độ càng lớn và càng khô.

Tự nhiên, tôi liên tưởng đến hình ảnh dãy Trường Sơn trở thành ranh giới phân chia giữa hai thái cực khác biệt nhau của thời tiết, là nguồn gốc sinh ra những cơn gió khô nóng không thổi từ biển. Nó cũng như sự khác biệt hay khoảng cách không dễ lấp đầy giữa chức năng buộc tội và gỡ tội, bởi ở đâu có sự buộc tội càng cao, càng nghiêm trọng thì ở đó càng cần đến việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội. Trong sự thôi thúc và tận hiến nghề nghiệp như thế, ngọn lửa trong tim của mỗi luật sư như càng được hun đúc, tích lũy được nhiều trải nghiệm hơn của một nghề lấy yêu thương hóa giải cho hận thù, lấy sự công bằng xóa bỏ những bất công và lấy thiện tâm làm thước đo cho những phân tranh, được mất của đời người…

 LS Phan Trung Hoài