Ảnh minh họa.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là văn kiện tạo lập cho nền tảng giá trị đạo đức, cho nghề Luật sư, định hướng, hướng dẫn để người tập sự hành nghề Luật sư, cá nhân Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư có cách ứng xử đúng đắn và phù hợp pháp luật, truyền thống đạo đức nghề Luật sư.
Trong quan hệ với đồng nghiệp Bộ Quy tắc quy định: “Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp Luật sư” (Quy tắc 18.1 Bộ Quy tắc).
Bộ Quy tắc quy định Luật sư “góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái”, tức đây được hiểu là trách nhiệm của Luật sư đối với đồng nghiệp chứ đây không chỉ còn là quyền của Luật sư với đồng nghiệp. Khi đồng nghiệp có hành vi chưa hay, chưa đẹp, chưa đúng hoặc vi phạm pháp luật, người Luật sư cần góp ý cho đồng nghiệp một cách chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm. Việc góp ý được thực hiện đúng nơi, đúng chỗ; góp ý để đồng nghiệp cùng tiến bộ, và góp ý để chính mình cùng tiến bộ.
Mỗi một lần góp ý với Luật sư đồng nghiệp cũng là một lần để chính Luật sư tự nhắc nhở bản thân mình. Đây là tinh thần nhân văn cao cả, thắm đượm tình cảm mà giới Luật sư Việt Nam mong muốn và truyền đạt đến đồng nghiệp thông qua Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Thực tiễn hành nghề đã ghi nhận nhiều trường hợp Luật sư thẳng thắn, chân tình góp ý cho Luật sư đồng nghiệp. Nhưng thực tế cũng ghi nhận tình trạng Luật sư bỏ qua không góp ý, không nhắc nhở, không cảnh tỉnh cái sai cho đồng nghiệp, thậm chí còn ngấm ngầm cổ vũ trước cái sai của đồng nghiệp mặc dù biết rõ Luật sư đồng nghiệp của mình đang ứng xử chưa hay, chưa đẹp, đang ứng xử chưa đúng, chưa chuẩn mực thậm chí đang vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân có nhiều nhưng có thể kể đến đó một số nguyên nhân như: Sự ích kỷ của Luật sư khi không muốn góp ý để đồng nghiệp cùng tiến bộ; sự thiếu sự dũng cảm của người Luật sư khi góp ý cho đồng nghiệp có thể vướng vào một số tranh chấp, khúc mắc; sự thiếu tự tin, thiếu kỹ năng khi muốn góp ý với đồng nghiệp nhưng không tự tin để thực hiện như thế nào là phù hợp,…
Thực tiễn đã ghi nhận có số ít Luật sư do cái tôi cá nhân cao, sẵn sàng phản ứng và phản ứng rất tiêu cực khi nhận được những lời góp ý mặc dù đó có thể là những lời góp ý chân tình, trách nhiệm.
Dù với lý do gì đi chăng nữa thì việc góp ý với Luật sư đồng nghiệp để cùng hoàn thiện, cùng tiến bộ là rất cần thiết không chỉ với cá nhân các Luật sư mà còn vì uy tín nghề nghiệp Luật sư. Góp ý cho đồng nghiệp cũng chính là góp ý và hoàn thiện bản thân mình. Để công tác này thực hiện có hiệu quả, bên cạnh tính tự giác, tự nguyện của mỗi cá nhân Luật sư, việc phát huy vai trò, vị trí của các đoàn thể của Luật sư cũng là rất quan trọng trong đó phải kể đến như các ban, tổ hòa giải, giám sát, bảo vệ quyền lợi Luật sư, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh,…
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam