Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

16/01/2023 05:54 | 1 năm trước

(LSVN) - Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian qua đã được yêu cầu sửa đổi rất nhiều lần bởi nhiều đối tượng, từ người sử dụng đất cho đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Thậm chí, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có phản ánh về mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đất đai năm 2013 với các luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu... Với tinh thần cầu thị, Nhà nước ta đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để nhanh chóng xây dựng được các bộ quy định pháp luật phù hợp với tình hình xã hội và tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn khá nhiều điều khoản chưa bảo đảm được toàn bộ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khiến cho nguồn lực đất đai có khả năng bị hao hụt, có thể kể đến một số nội dung sau:

1. Chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với Hiến pháp và các quy định khác của pháp luật

Trước mắt, khi xem xét xây dựng Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo) cần phải đánh giá liệu có phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong giai đoạn mới hay không, nhất là phải phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW(1). Không những vậy, xét về tính hợp hiến, một số nội dung của dự thảo hiện nay vẫn chưa bảo đảm được quyền lợi của người dân trọn vẹn, có chi tiết gây chồng chéo so với Hiến pháp năm 2013. Ví dụ như tại khoản 5 Điều 74 dự thảo quy định: “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”. Tuy nhiên, việc hạn chế quyền tiếp cận đất đai liên quan đến việc hạn chế quyền của công dân, theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp 2013 thì: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động quy định này; cân nhắc nên quy định các tiêu chí ngay trong dự thảo, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

Dự thảo hiện nay vẫn còn quá lạm dụng nội dung “Nhà nước quy định chi tiết điều này”, gây gánh nặng phải bảo đảm ban hành cùng lúc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, điều này có nguy cơ khiến cho nội dung và tính khả thi của các quy định này bị giảm sút, cản trở cho việc áp dụng pháp luật.

Kiến nghị Ban soạn thảo rà soát song song lại một lần nữa giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với quy định hiện hành và chính sách, chủ trương của Đảng để tăng tính phù hợp của dự thảo. Đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào nghị định, đặc biệt là chế độ pháp lý của các loại đất (đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đất xử lý chất thải; đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ;...). 

Cần phải rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất công sử dụng không đúng mục đích; đất lấn biển đấu giá hay giao cho chủ đầu tư, khi thu hồi sẽ bồi thường như thế nào... Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, cần thiết phải có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết đi kèm, áp dụng nguyên tắc 01 luật sửa nhiều luật.

2. Về đấu giá, đấu thầu khi giao đất, cho thuê đất và một số nội dung cụ thể về quyền sử dụng đất

Về quy định đấu giá, đấu thầu, dự thảo chỉ cần quy định các nguyên tắc đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải đấu giá, đấu thầu, mà không cần liệt kê về các trường hợp không cần đấu giá, đấu thầu. Chỉ cần không đáp ứng các nguyên tắc được quy định và các trường hợp được liệt kê thì việc giao đất, cho thuê đất đương nhiên không cần phải thông qua đấu giá, đấu thầu.

Quy định về điều kiện bảo đảm năng lực của các chủ thể tham gia đấu giá, đấu thầu vẫn chưa cụ thể, còn dẫn chiếu sang luật khác trong khi luật đó cũng không có quy định rõ ràng, gây nên khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Để tránh xảy ra tình trạng nhà thầu không có năng lực dự thầu rồi trúng thầu, sau đó lại bỏ thầu khiến cho toàn bộ dự án đấu giá, đấu thầu quay về điểm xuất phát, vừa tốn thời gian vừa hoang phí tiền bạc thì cần phải quy định trong luật về điều kiện tham gia đấu giá, đấu thầu một cách rõ ràng và có cơ sở áp dụng. Ví dụ như đối với dự án giá trị nhỏ thì chủ thể tham gia không cần đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hoặc năng lực khắc khe, đối với dự án giá trị lớn hơn thì có thể ra điều kiện cho chủ thể tham gia phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực, vốn kinh doanh đủ để đáp ứng toàn bộ giá trị đối tượng đấu giá, đấu thầu hoặc không được có lịch sử đã từng bỏ thầu giữa chừng.

Điều 136 dự thảo có quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá trong trường hợp chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cần xem xét tính pháp lý đối với nội dung “Được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Nội dung trên có tính khả thi không cao khi đòi hỏi điều kiện bắt buộc là 100% người bị thu hồi đất đồng ý, từ đó có thể tạo ra tình trạng điều luật bị “đắp chiếu”, không có cơ hội áp dụng. Theo đó, cần có sự điều chỉnh, cân nhắc thêm về việc điều chỉnh số liệu sao cho phù hợp vì việc cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong tình huống này có thể gặp phải sự phản ứng rất lớn từ người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất khi cho rằng quyền sở hữu hợp pháp của họ đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 180 dự thảo có đề cập đến “nơi đăng ký hộ khẩu thường trú”, điều này không phù hợp với bối cảnh sắp tới khi hộ khẩu sẽ bị loại bỏ hoàn toàn vào năm 2023. Nên xem xét sửa đổi lại thành “nơi đăng ký thường trú”, áp dụng tương tự với các điều khoản khác, không nên tiếp tục sử dụng từ “hộ khẩu” trong các quy phạm pháp luật.

3. Hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm khiếu kiện

a) Thu hồi đất

Dự thảo hiện tại quy định nội dung thu hồi đất, trưng dụng đất tại Chương VI. Tuy nhiên, nội dung chỉ theo hướng liệt kê, chưa có tiêu chí cụ thể, chưa thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Có thể dùng một trong hai phương án sau để thể hiện rõ hơn tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW:

- Đưa ra định nghĩa thế nào là thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thế nào là thu hồi đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

- Quy định thu hồi đất theo phương án sử dụng nguyên tắc khi nào thì thu hồi đất, không liệt kê như hiện nay, phương thức này đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Cách này sẽ có thể đưa nguyên tắc “công bằng” vào trong các quy định pháp luật, bảo đảm được quyền lợi của người sử dụng đất và các bên liên quan.

Về việc xác định dự án thu hồi đất thuộc trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh hay nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay có nhiều dự án với mô hình tích hợp khiến cho việc phân định trở nên khó khăn trên thực tế. Có thể kể đến như các dự án bệnh viện cao cấp có tích hợp khu vực khách sạn trong khuôn viên để phục vụ cho nhu cầu ở lại của người nhà và bệnh nhân, hoặc các dự án đô thị có xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở xã hội... Để phân biệt được các dự án thuộc loại dự án nào có thể áp dụng phương án 70-30, loại hình nào chiếm 70% thì sẽ xác định dự án theo loại hình đó. Ví dụ như bệnh viện tích hợp khách sạn, khu khám chữa bệnh được lên kế hoạch xây dựng với quy mô hơn 70% trên tổng diện tích dự án thì sẽ xác định dự án này thuộc loại hình dự án bệnh viện.

Về thời hạn thông báo thu hồi đất tại Điều 91 dự thảo, cần bổ sung quy định về hiệu lực của thông báo, bởi trên thực tế hiện nay nhiều dự án đã thông báo thu hồi cả chục năm nhưng không cơ quan nào tiến hành thực hiện thu hồi, khiến người dân luôn sống trong hoang mang rằng một ngày không xa sẽ không còn đất, còn nhà để ở, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hàng ngày. Đề nghị bổ sung thời hạn có hiệu lực đối với các thông báo thu hồi đất, ví dụ như tính từ 02 năm kể từ ngày ra thông báo, nếu không thực hiện thu hồi đất thì đương nhiên thông báo đó hết hiệu lực và nếu muốn thu hồi phải bắt đầu lại toàn bộ quá trình kể từ bước họp bàn phương án với người dân có đất bị thu hồi. Đối với các dự án có quy mô nhỏ thì có thể áp dụng thời hạn của thông báo là 06 tháng hoặc 01 năm để bảo đảm tiến độ thực hiện, những dự án quy mô lớn hơn, phức tạp trong việc thu hồi đất thì có thể dùng các mức thời hạn từ 02 đến 03 năm. 

Đặc biệt, nên áp dụng thời hạn có hiệu lực tối đa của các thông báo thu hồi đất là 03 năm, bởi sau khoảng thời gian này giá trị của vật tư sẽ có thay đổi ít nhiều khiến cho giá trị dự án cũng có sự chênh lệch so với ban đầu nên các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ban đầu cũng sẽ không còn phù hợp, cần phải chỉnh sửa lại toàn bộ thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình có đất bị thu hồi cũng như quyền lợi của chủ đầu tư dự án liên quan.

b) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Điểm a khoản 1 Điều 112 dự thảo quy định người bị thu hồi đất ngoài được bồi thường theo quy định còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí xem xét hay mức hỗ trợ là như thế nào, hỗ trợ ra sao. Nếu sau khi bồi thường thu hồi đất xong lại hỗ trợ tiếp cho người dân bằng quyên tặng một khoản tiền khác thì bản chất của việc hỗ trợ cũng sẽ như là bồi thường, chỉ là giúp tăng số tiền bồi thường mà người bị thu hồi đất nhận được. Thay vào đó, có thể xem xét nhiều phương thức hỗ trợ như giới thiệu việc làm, dạy nghề, xây nhà tình thương, cung cấp vật tư máy móc cơ bản để giúp người dân tiếp tục kinh doanh sản xuất...

Mặc dù Điều 113 dự thảo có quy định về trường hợp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nhưng vẫn không có sự bảo đảm kịp thời, ví dụ như không có khoảng thời gian tối thiểu là bao lâu sẽ có công việc mới.

Về việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu lên chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất, dự thảo cũng đã luật hóa chủ trương này. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế. 

4. Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân

a) Gia hạn thời hạn sử dụng đất

Khoản 10 Điều 176 Dự thảo quy định trước khi hết hạn sử dụng đất ít nhất 06 tháng thì người sử dụng đất nếu có yêu cầu gia hạn thì phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, nếu quá thời hạn thì cơ quan nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định. Ở đây có hai cách hiểu khác nhau khiến cho việc áp dụng quy định này còn nhiều vướng mắc: (i) còn lại ít nhất 06 tháng thì mới được nộp, tức phải còn 06 tháng nữa là hết hạn thì mới được nộp hồ sơ đề nghị gia hạn và khoảng thời gian từ thời điểm bắt đầu đến khi kết thúc 06 tháng đó thì có thể nộp hồ sơ gia hạn; (ii) có thể nộp hồ sơ đề nghị gia hạn bất cứ lúc nào nhưng không được để tới thời hạn 06 tháng trước khi hết hạn, tức có thể đề nghị gia hạn vào 05 năm trước khi hết hạn. Các nhà đầu tư đất đai hiện đang rất lo lắng nếu không gia hạn đúng thời điểm thì sẽ bị thu hồi đất, dự án thì dang dở chưa hoàn thành, gây thiệt hại rủi ro.

Đề xuất áp dụng phương án: “có thể gia hạn bất kỳ lúc nào nhưng phải trước 06 tháng trước khi hết thời hạn sử dụng đất”. Vì hiện nay các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản hiện nay đang có rất nhiều dự án sắp hoàn thành thi công, nhưng thời gian xây dựng đã chiếm từ 05 đến 10 năm trên tổng thời hạn sử dụng đất, thời gian còn lại chẳng còn bao nhiêu nên việc thu lợi lại từ dự án có nơi rất khó khăn. Đề nghị cho phép được gia hạn vào bất kỳ lúc nào, để khi vừa hoàn thành xây dựng dự án, có thể gia hạn thời hạn sử dụng đất lại 50 năm tính từ thời điểm đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung kinh doanh và thu lợi. 

b) Tập trung, tích tụ đất  nông nghiệp

Khoản 3 Điều 195 Dự thảo yêu cầu Nhà nước phải có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Khoản 3 Điều 196 Dự thảo yêu cầu Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ.

Việc quy định tập trung, tích tụ đất có tác động vô cùng tích cực trong công tác quản lý và phát triển đất đai. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về trình tự thủ tục hay phương án khuyến khích được sử dụng. Vì thế cần phải có ngay một bộ quy định chi tiết về vấn đề này để có cơ sở thi hành chính sách trên thực tế. Có thể áp dụng các chính sách như ưu tiên cho thuê đất trong cùng phạm vi để tiếp tục tập trung đất, tích tụ hoặc hỗ trợ cho người dân bằng cách tổ chức giao lưu giới thiệu các chủ sở hữu đất liền kề với nhau để tạo cơ hội chuyển nhượng, giao dịch đất đai phục vụ cho mục đích tập trung đất.

c) Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Quy định của dự thảo so với thực tế thực hiện thì các quy định này chưa đầy đủ, chưa bao quát được trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất xoay quanh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là GCN). Nhiều trường hợp đất được cấp GCN cho hộ gia đình, nhưng người thân trong hộ đang ở nước ngoài nên không thể thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển nhượng hay chuyển đổi gì đối với thửa đất đó, gây trở ngại và thiệt hại cho nhu cầu của hộ gia đình sử dụng đất. Vì thế, cần phải sửa đổi quy định theo hướng đất cấp cho hộ gia đình trong các trường hợp người thân phân tán nhiều nơi thì phải có một hoặc hai người đại diện, có thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất dựa trên đại diện và ủy quyền bởi những người còn lại. Ngoài ra, cần nhận thức kỹ càng hơn về tầm quan trọng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thời điểm hiện nay người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về nước rất nhiều, là nhà đầu tư bất động sản chiếm đa số trên thị trường đất đai bây giờ, vì thế cần phải cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào nhiều lĩnh vực giao dịch đất đai hơn như đất ở thương mại, đất nông nghiệp, đất sản xuất... Cho phép để góp phần phát triển nguồn lực đất đai nhưng cũng cần phải kiểm soát thật chặt để tránh các trường hợp đầu cơ, bỏ hoang đất.

5. Quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo

a) Bỏ khung giá đất, áp dụng giá đất thị trường

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về mặt nguyên tắc là đã khắc phục được việc cung đất ra thị trường, Nhà nước quyết định giá đất. Nhưng nếu Nhà nước cung đất thị trường và để bảo đảm đúng với giá thị trường, thì không thể giao cho một vài cá nhân quyết định về mặt hành chính. Nhưng hiện nay, giá đất vẫn phải do ủy ban nhân dân quyết định vì đây là hoạt động thường ngày của ủy ban.

Còn việc người dân mua bán đất sẽ nộp thuế với giá thấp nhưng lại muốn bồi thường với giá cao, hiện nay trong Luật Đất đai đã có giải pháp bằng bảng giá đất. Theo đó, bảng giá đất sẽ khẳng định cho người dân nộp thuế theo giá đó. Nhưng lại có mâu thuẫn với cơ quan thuế và Bộ Tài chính là muốn nộp thuế theo hợp đồng, và người dân lại muốn trốn thuế nếu thuế quá cao. Theo đó, cần phải đưa ra khung ổn định mức thu, không để mức giá lên cao gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cần phải có cơ chế điều chỉnh hệ số đi xuống, Chính phủ cần xây dựng quy định càng sớm càng tốt. 

Đặc biệt, để thu thập cơ sở dữ liệu đất đai, phải có dữ liệu về các giao dịch trên thị trường, gồm cả giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và giao dịch của người dân đến đăng ký ở văn phòng đăng ký đất đai. Khi kết hợp với việc xây dựng được bản đồ địa chính số thì có dữ liệu của giá đất giao dịch trên thị trường, đưa giá đất về sát thị trường.

Điều 168 dự thảo đã quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Tuy nhiên, trong dự thảo đã đề cập đến sự tham gia của tổ chức tư vấn giá đất trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đất đai lẫn bảng giá, giá đất cụ thể nhưng vẫn chưa thể hiện được quyền hạn cụ thể của tổ chức tư vấn trong việc đưa ra ý kiến khi xây dựng các chính sách đất đai như trên, năng lực của tổ chức tư vấn cũng chưa được đề cập cụ thể nên cần phải nhanh chóng bổ sung quy định về vấn đề này thì mới bảo đảm đạt được mục đích đề ra là bình ổn thị trường đất đai.

b) Đánh thuế cao hơn đối với người có nhiều nhà, đất

Đề nghị đưa vào dự thảo các quy định cụ thể về đối tượng nào sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng nào được áp thuế bình thường, các trường hợp miễn giảm ra sao, và nếu có thể, nên xây dựng một hệ thống để thông báo cho người dân biết số tiền thuế họ đóng được dùng vào những việc gì, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác giám sát việc sử dụng thuế của Nhà nước. Trước mắt, phải có các phương án bảo đảm người dân thực hiện các giao dịch chuyển nhượng bất động sản thông qua hình thức chuyển khoản tại ngân hàng, như thế vừa giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu thập thông tin về giá trị giao dịch chính xác hơn, từ đó làm cơ sở tính thuế, vừa giúp hạn chế được việc vận chuyển tiền mặt và xác minh giá trị giao dịch khi sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Việc đánh thuế đối với người có nhiều bất động sản, người có đất, nhà ở không đưa vào sử dụng sẽ tạo áp lực buộc người sở hữu phải tính toán là có đủ sức để găm giữ hay không, nếu không đủ nguồn lực, thì phải đưa vào sử dụng, cho thuê và cuối cùng là chuyển nhượng. Điều này giúp tăng thêm nguồn cung về giá nhà, giúp kéo giảm giá nhà.

6. Về vấn đề miễn tiền sử dụng đất

Dự thảo giải thích về “miễn tiền sử dụng đất” tại khoản 34 Điều 3 là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Nếu quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là miễn cho toàn bộ thời gian sử dụng đất thì các doanh nghiệp đầu tư dự án sẽ rơi vào 02 trường hợp: dự án đầu tư một là không được miễn tiền thuê đất, hai là được miễn toàn bộ thời gian thuê.

Nếu theo hướng không miễn tiền thuê đất thì sẽ khó thu hút đầu tư, trái nguyên tắc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu đãi theo Luật Đầu tư. Vì các dự án hạ tầng khu công nghiệp đòi hỏi huy động nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn để tạm ứng giải phóng mặt bằng, để đầu tư hạ tầng, san nền, làm đường giao thông và rất nhiều công đoạn khác, nếu không có chính sách ưu đãi về miễn tiền thuê đất sẽ khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Ngược lại, nếu theo hướng miễn toàn bộ tiền thuê đất trong toàn bộ thời hạn dự án sẽ dẫn đến lãng phí, thất thu cho ngân sách nhà nước. Đề nghị giữ lại các chính sách miễn tiền sử dụng đất có thời hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Về điều chỉnh quy hoạch đất đai để giải quyết tình trạng cung cầu lệch pha

Theo số liệu thống kê thì tình trạng dự án bất động sản phân khúc cao cấp và trung cấp hiện nay đang xuất hiện rất nhiều, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, tác động trực tiếp đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Việc xảy ra tình trạng này một phần là do các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 đã không đồng bộ với Luật Đất đai năm 2013, cùng với đó, các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển, có nơi chưa được để tâm nâng cao đổi mới.

Để giải quyết vấn đề này cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, chính sách ưu đãi, việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cũng cần được xem xét và đánh giá tính hợp lý để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở, không chỉ doanh nghiệp, người có thu nhập cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có thể có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi làm và sinh hoạt.

(1) Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Từ khoá : lsvn.vn LSVN