Hà Nội: Cần trả lời thỏa đáng những thắc mắc của một số hộ dân phường Phú Thượng

29/03/2018 20:39 | 6 năm trước

LSVNO - Luật sư Việt Nam Online nhận được đơn thư của một số hộ dân tổ 48, 49 cụm 8, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, phản ánh về việc UBND phường Phú Thượng cưỡng chế nhà ở, tài...

LSVNO - Luật sư Việt Nam Online nhận được đơn thư của một số hộ dân tổ 48, 49 cụm 8, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, phản ánh về việc UBND phường Phú Thượng cưỡng chế nhà ở, tài sản của người dân trái pháp luật.

Theo đơn, người dân cho biết, từ những năm 1958-1960, đất khu vực này (thường được gọi là khu vực  ao dài) vốn dĩ là đất ao, đầm hoang hóa, không có người sử dụng, quản lý. Do vậy, một số hộ dân trong làng có vườn, ruộng gần đó đã khai hoang, bồi đắp phần trũng để canh tác. Các hộ dân đã sử dụng ổn định, liên tục và không có tranh chấp. Chính quyền địa phương qua các thời kỳ cũng không có ý kiến gì.

 Hiện trường vụ cưỡng chế.

Năm 1992, khi Nhà nước có chủ trương làm cơ đê (đường Âu Cơ hiện nay) thì những hộ dân có đất đều được bồi thường 19 nghìn đồng trên một mét vuông. Sau khi Nhà nước làm cơ đê xong, thì các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng phần diện tích đất còn lại.

Đến khoảng những năm 1994, 1995, một số hộ dân đã tiến hành xây dựng nhà để ở. Việc xây dựng nhà cửa này, chính quyền địa phương qua các thời kỳ cũng không có ý kiến gì. Các gia đình vẫn sử dụng ổn định và sinh sống, đăng ký lưu trú ở đó. Theo thời gian, những diện tích đất này được người dân chuyển nhượng, mua bán với nhau.

Tuy nhiên, đến khoảng năm 2012, UBND phường Phú Thượng đã mời các gia đình sinh sống tại đây lên để ký hợp đồng thuê đất. Do các hộ dân nghĩ đơn giản rằng, đất này là do họ tự khai hoang hơn 40 năm trước (thời ông bà để lại và đã xây nhà ở), vợ chồng, con cái sinh sống, ăn ở tại đó, việc ký các hợp đồng là việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính đối với Nhà nước cho nên họ đã ký.

Nhưng sự việc lại không hề đơn giản như người dân đã nghĩ, bởi đến đầu tháng 01/2018, UBND phường Phú Thượng đã cho người dán thông báo ở tường nhà của các hộ dân để thông báo về việc thu hồi và tiến hành cưỡng chế nhà cửa. Điều đáng nói là, các thông báo và quyết định cưỡng chế lại thể hiện có hộ đúng tên; có hộ không có tên trong danh sách cưỡng chế; có hộ không đúng tên, mà là tên của một người nào đó không sinh sống tại đây.

Theo người dân, UBND phường Phú Thượng đã thu hồi đất không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Hơn nữa, UBND phường Phú Thượng tiến hành đập phá nhà ở, tài sản của các hộ dân vào dịp giáp tết nguyên đán 2018 là việc làm không bình thường, trái ngược với đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đẩy gần trăm nhân khẩu không biết ăn đâu, ở đâu khi dịp tết đến, xuân về.

Để làm rõ phản ánh của người dân, Phóng viên Luật sư Việt Nam Online đã nhiều lần đề nghị UBND phường Phú Thượng cung cấp những hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu đất, chẳng hạn như hồ sơ địa chính, quy trình thực hiện việc cưỡng chế để có cơ sở trả lời công dân nhưng UBND phường Phú Thượng đã khước từ và bất hợp tác. Dư luận đang đặt câu hỏi, nếu UBND phường Phú Thượng làm đúng quy trình, đúng pháp luật thì sao phải né tránh cung cấp hồ sơ, tài liệu cho báo chí?

Được biết, do không đồng tình với các quyết định của UBND phường Phú Thượng, các hộ dân có nhà ở, tài sản bị cưỡng chế đã có đơn kêu cứu gửi đến một số cơ quan của Trung ương, thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ.

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

 

Thành Trung