Hà Nội: Lấy nhà người sống, giao con người chết?

26/12/2017 18:16 | 6 năm trước

LSVNO- UBKT Trung ương vừa có văn bản gửi Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình để chỉ đạo giải quyết và báo cáo kết quả về UBKT Trung ương đối với vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và vật kiến trúc tại s...

LSVNO- UBKT Trung ương vừa có văn bản gửi Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình để chỉ đạo giải quyết và báo cáo kết quả về UBKT Trung ương đối với vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và vật kiến trúc tại số 15A Thuốc Bắc.

Nguyên đơn trong vụ kiện này là cụ Trần Thị Chính (98) tuổi cùng chồng là cụ Nguyễn Văn Nhường (đã mất). Tính đến nay, vụ kiện đòi quyền sử dụng đất và vật kiến trúc tại số 15A Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã kéo dài suốt 19 năm, qua 10 lần xét xử 10 lần tòa tuyên án, nhiều lần “nóng” nghị trường Quốc hội song vẫn chưa có hồi kết.

Chứng minh quyền sở hữu đối với thửa đất, cụ Chính cho biết: Vợ chồng cụ có mua thửa đất tại số 15A Thuốc Bắc. Sau này không dùng đến, vợ chồng cụ đã cho ông Nguyễn Ngọc Khanh (đã mất) ở nhờ.

Cụ Trần Thị Chính

Các văn bản như bằng khoán điền thổ lập năm 1931, đơn xin phép cải tạo năm 1982, tờ khai đăng ký nhà năm 1986, công văn 799 năm 1999,… đều thể hiện chủ sở hữu là cụ Nguyễn Văn Nhường, cụ Trần Thị Chính. Một số tài liệu khác do ông Khanh làm cũng thể hiện cụ Nhường là chủ sở hữu đất.

Giấy phép xây nhà của cụ Nhường.

Tại công văn số 1919/UBND-NNĐC ngày 10/05/2006 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội, UBND TP Hà Nội khẳng định: “Nguồn gốc nhà 15A Thuốc Bắc là của vợ chồng cụ Nhường, người thuê đất từ năm 1949 đến nay là gia đình ông Khanh”.

Thế nhưng, khi không có chỗ ở, cụ đã đòi lại nhưng gia đình ông Khanh và các thừa kế đều từ chối, buộc cụ phải khởi kiện ra tòa. Các phiên tòa, bản án số 42/DS-PT ngày 09 và 14/3/2000 của TANDTP Hà Nội, bản án số 30/DS-ST ngày 11/7/2000 của TANDTP Hà Nội, bản án số 32/DSPT ngày 26/02/2001 của TANDTC, bản án số 16/2012/DSST ngày 03/05/2012 của TANDTP Hà Nội,… đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tuy nhiên, tại bản án số 07/2015/DSPT, Hội đồng xét xử quyết định bác yêu cầu đòi quyền sử dụng đất gắn với vật kiến trúc tại số nhà 15A Thuốc Bắc. Căn cứ mà Hội đồng xét xử đưa ra là: “cụ Nhường thuộc diện đối tượng bị cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” thuộc đối tượng điều chỉnh theo Thông tư số 73/TTg, Thông tư 10/TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Nói về bản án này, cụ Chính bức xúc: “Bản án số 07/2015/DSPT đã vu khống cụ Nhường năm 1962 là tư sản rồi suy diễn nhà, đất số 15A Thuốc Bắc thuộc đối tượng phải kê biên giao Nhà nước quản lý”.

Mặt khác, trong bản án, Hội đồng xét xử cũng không xem xét đến Quyết định số 431/QĐ-QĐ-TCLĐ năm 1980 của Giám đốc sở công nghiệp Hà Nội về nhân thân cụ Nhường.

Theo tài liệu, cụ Nguyễn Văn Nhường là công nhân có 20 năm 10 tháng công tác liên tục được về hưu, thôi việc vì mất sức lao động kể từ ngày 01/07/1980 chứ không phải tư sản như nhận định của Hội đồng xét xử.

Quyết định chứng minh cụ Nhường là công nhân, không phải tư sản

Trước đó, liên quan đến nguồn gốc đất tại số nhà 15A Thuốc Bắc và trả lời cho câu hỏi cụ Nhường có phải tư sản? Qua nghiên cứu hồ sơ, tại buổi họp với Ủy ban Pháp Luật Quốc Hội diễn ra 30/5/2004, đại diện Viện KSNDTC báo cáo: “khi thực hiện Thông tư số 73/TTg và Thông tư số 10/TTg, không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện có việc giao đất 15A Thuốc Bắc cho Nhà nước quản lý. Các cơ quan Nhà nước cũng không có tài liệu nào thể hiện có việc quản lý đất của gia đình ông Nhường theo quy định trong phần tổ chức thực hiện Thông tư nêu trên”. Vì vậy, “nhà đất ở 15a Thuốc Bắc không đương nhiên của Nhà nước cũng như của gia đình ông Khanh được”.

Đồng quan điểm này, tại buổi họp trên, đại diện TANDTC báo cáo: “Thực tế diện tích đất và tài sản trên đất có trên 15A Thuốc Bắc Nhà nước chưa có bất kỳ một quyết định nào quản lý và nhà nước cũng chưa bao giờ quyết định cho ông Khanh quản lý. Do đó diện tích đất và vật kiến trúc tên đất tại 15A hiện vẫn thuộc sở hữu của ông Nhường”.

Cũng tại phiên báo cáo trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện KSNDTC và TANDTC đều khẳng định: Chiếu theo Thông tư 73 có thể thấy không phải các đối tượng có đất cho thuê thì đất đó đương nhiên chuyển thành sở hữu Nhà nước mà chỉ khi nào Nhà nước có các hành vi quản lý trực tiếp (cụ thể bằng văn bản hoặc trên thực tế) thì diện tích cho thuê mới trở thành sở hữu Nhà nước.

Do đó, theo cụ Chính: “diện tích đất và vật kiến trúc trên đất tại số 15A phố Thuốc Bắc hiện vẫn thuộc sở hữu của gia đình chúng tôi”. Đồng thời, cụ Chính cho rằng: “Bản án số 07/2015/DS-PT không minh bạch, thiếu căn cứ, Hội đồng xét xử đã vứt bỏ Quyết định số 431/QĐ-TCLĐ năm 1980 của Giám đốc Sở công nghiệp Hà Nội chứng minh cụ Nhường là công nhân”.

 

PV