Hà Tĩnh: Đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép sau phản ánh của Tạp chí Luật sư Việt Nam

25/03/2024 13:25 | 1 tháng trước

(LSVN) - Sau khi Tạp chí Luật sư Việt Nam có bài viết nêu những cơ sở pháp lý để những đơn vị sản xuất gỗ dăm hoạt động, tồn tại. Lực lượng chức năng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc rà soát, chấn chỉnh những cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Sáng 25/3, ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa thành lập đoàn kiểm tra cơ sở hoạt động sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH và DV Trà My tại xã Hương Bình, sau khi nhận được phản ánh về việc chấp hành pháp luật của một số đơn vị sản xuất dăm gỗ trên địa bàn chưa đúng quy định. 

“Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp này và giao cho xã giám sát, quản lý”, ông Quyền thông tin.

Ông Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hương Bình, cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, địa phương đã thực hiện kiểm tra và tiếp tục yêu cầu cơ sở hoạt động sản xuất gỗ dăm vi phạm pháp luật phải đình chỉ hoạt động từ ngày 22/3.

Xưởng sản xuất dăm gỗ "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.Đ.

Trước đó, ông Bảo cũng khẳng định cơ sở sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH và DV Trà My chưa có giấy phép cũng như chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ tại địa phương.

Những năm gần đây, quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai của UBND cấp xã đạt được những kết quả nhất định: Thực hiện quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt cơ bản đảm bảo, công tác quản lý HSĐC đã đi vào nề nếp, các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được đảm bảo hơn; Cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đáp ứng yêu cầu trong hoạt động QLNN về đất đai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác QLNN về đất đai của UBND cấp xã còn tồn tại những hạn chế nhất định: Còn để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, có hành vi lấn chiếm đất ở các địa phương; một số chính quyền địa phương cơ sở còn có lúc buông lỏng quản lý, có những yếu kém nhất định về công tác chỉ đạo, điều hành.

Máy móc, nhà xưởng được xây dựng, lắp rạp hoạt động. Ảnh: T.Đ.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Trưởng văn phòng Luật sư Tuổi Trẻ cho hay, mỗi loại đất sẽ có mục đích sử dụng khác nhau. Nếu sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, cá nhân, tổ chức có thể đối diện mức phạt lên tới 250 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...

Trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam có bài viết “Hà Tĩnh: Cơ sở pháp lý để những cơ sở sản xuất gỗ dăm hoạt động, tồn tại?”, xoay quanh vấn đề pháp lý về việc quản lý hoạt động sản xuất gỗ dăm đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Thậm chí, những cơ sở này còn bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền địa phương gây bất bình trong nhân dân.  

Cụ thể, cơ sở hoạt động sản xuất dăm gỗ của Công ty TNHH và DV Trà My ở thôn Bình Thành, xã Hương Bình, huyện Hương Khê gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm vệ sinh môi trường.

Không chỉ vi phạm quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh, thửa đất nông nghiệp rộng 2ha (thôn Bình Thành, xã Hương Bình, huyện Hương Khê) nói trên được giao cho hộ ông Dương Đức Kiên quản lý, sử dụng mục đích trồng cây lâu năm, nhưng lại lấy danh nghĩa hoạt thu mua phế phẩm lâm nghiệp. Song, doanh nghiệp này đã đầu tư máy móc, thiết bị có công suất lớn để sản xuất dăm gỗ. 

LƯƠNG LƯƠNG