Hoàn thiện các quy định pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về người tham gia tố tụng là bị hại

17/07/2023 23:08 | 10 tháng trước

(LSVN) - Người tham gia tố tụng có vai trò quan trọng trong việc xác định và làm rõ sự thật khách quan của vụ án bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Theo quy định tại Điều 55, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 20 nhóm đối tượng được xác định là người tham gia tố tụng, tùy từng giai đoạn tố tụng hình sự, những người tham gia tố tụng có quyền hạn và nghĩa vụ khác nhau. Trong thực tiễn hoạt động xét xử việc xác định tư cách người tham gia tố tụng giữa nguyên đơn dân sự với bị hại, giữa người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong một số trường hợp rất khó xác định được chuẩn xác vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau.

Ảnh minh họa.

Những vấn đề chung theo quy định của pháp luật về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng là bị hại; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người làm chứng

Người bị hại

Trước đây theo quy định tại Điều 51, BLTTHS năm 2003, bị hại chỉ bảo gồm cá nhân “người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra”. BLTTHS năm 2015 được ban hành các quy định về bị hại tại Điều 62 đã có sự thay đổi so với BLTTHS 2003. Ngoài bị hại ngoài cá nhân “trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra” còn bao gồm “cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Thiệt hại về thể chất có thể kể đến như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; thiệt hại về tinh thần là thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín do bị xâm phạm; thiệt hại về tài sản là việc tài sản bị chiếm đoạt, mất, hủy hoại hoặc làm hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút…; thiệt hại về uy tín là việc mất đi sự tín nhiệm, mến phục của mọi người.

 Thiệt hại thực tế xảy ra đối với bị hại phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Tuy nhiên đối với trường hợp thiệt hại chưa xảy ra khi xác định tư cách tố tụng của bị chỉ cần xác định hành vi phạm tội đe dọa gây ra thiệt hại thể chất, tinh thần, tài sản cho cá nhân hay đe dọa gây ra thiệt hại về tài sản, uy tín cho Cơ quan, tổ chức. Do đó xác định tư cách tố tụng của bị hại thì thiệt hại thực tế xảy ra không phải là yếu tố bắt buộc trong mọi trường hợp như đối với nguyên đơn dân sự.

Nguyên đơn dân sự

Theo quy định tại Điều 63, BLTTHS năm 2015, nguyên đơn dân sự là “cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Nguyên đơn dân sự cũng giống như bị hại bao gồm cá nhân, cơ quan và tổ chức. Thiệt hại do tội phạm gây ra bao gồm các thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc về tài sản.

Nhưng khác với bị hại, thiệt hại của nguyên đơn dân sự không phải là đối tượng tác động của tội phạm, không phải là mục đích mà hành vi phạm tội hướng tới. Khác với bị hại thiệt hại do tội phạm gây ra của nguyên đơn dân sự bắt buộc phải có thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại này phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Để xác định tư cách người tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự ngoài điều kiện phải có thiệt hại thực tế do tội phạm gây ra thì phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Theo quy định tại Điều 65, BLTTHS năm 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là “cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được xác định chủ yếu là liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự thường được xác định cá nhân tham gia thực hiện tội phạm nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; cá nhân, cơ quan, tổ chức không tham gia thực hiện tội phạm là chủ sở hữu, người quản lý tài sản nhưng tài sản đó là công cụ, phương tiện người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, được người phạm tội cho, bán tài sản do phạm tội mà có…

Người làm chứng

Theo quy định tại Điều 66, BLTTHS năm 2015, người làm chứng là “người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng”. Người làm chứng phải thỏa mãn hai điều kiện trước hết là những người biết được các tình tiết có liên quan đến nguồn tin về tội phạm, vụ án có thể là người trực tiếp chứng kiến nhìn thấy, nghe thấy hoặc được người khác kể lại về những tình tiết có liên quan đến vụ án. Người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án chỉ được xác định tư cách người tham gia tố tụng là người làm chứng khi được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập lấy lời khai theo quy định của BLTTHS.

Xác định tư cách người tham gia tố tụng đối với trường hợp có tham gia thực hiện tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định về xác định tư cách người tham gia tố tụng đối với trường hợp có tham gia thực hiện tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 9, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ xác định: “Đối với trường hợp một người thực tế có tham gia thực hiện tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (do chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện) hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, thì họ không những có thể là bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà họ còn có thể là người làm chứng; vì vậy, nếu xét thấy sự có mặt của họ tại phiên toà là cần thiết để khai báo và đối chất với các bị cáo trong vụ án, thì Toà án có thể triệu tập họ đến phiên toà với tư cách là người làm chứng”.

Một số vướng mắc, bất cập trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng là bị hại; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người làm chứng trong thực tiễn xét xử

- Xác định người tham gia tố tụng trong trường hợp có thiệt hại thực tế về tài sản của cơ quan, tổ chức do hành vi phạm tội gây ra trong các loại tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý như tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260, BLHS. Việc xác định thiệt hại của Cơ quan, tổ chức trong trường hợp nào là bị hại, trường hợp nào là nguyên đơn dân sự gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Điều 62, BLTTHS bị hại là cơ quan, tổ chức “bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra”, còn theo quy định tại Điều 63, BLTTHS nguyên đơn dân sự là cơ quan tổ chức “bị thiệt hại do tội phạm gây ra”. Như vậy giữa hai quy định về bị hại và nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức khi có thiệt hại về tài sản xảy ra do hành vi phạm tội không có sự khác nhau. Một số quan điểm trong khoa học pháp lý cho rằng việc phân biệt giữa bị hại và nguyên đơn dân sự căn cứ vào mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra: “Bị hại bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội, mục đích của người phạm tội là trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này. Trong khi đó nguyên đơn dân sự bị thiệt hại gián tiếp từ hành vi phạm tội, mục đích của người phạm tội không nhằm trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này”.

Quan điểm này chưa hoàn toàn chính xác vì theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xác định đối với các trường hợp người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường phải thỏa mãn điều kiện: “Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại”. Theo quy định trên thì thiệt hại của bị hại và nguyên đơn dân sự là đều thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội.

Việc phân biệt giữa bị hại và nguyên đơn dân sự cần phải căn cứ vào đối tượng tác động của tội phạm và mục đích mà hành vi phạm tội hướng tới. Tuy nhiên những tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý như tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260, BLHS việc xác định mục đích của hành vi phạm tội không dễ dàng.

Ví dụ: Vụ án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ - Phạm Văn T. là lái xe của Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu ĐP điều khiển xe ô tô đầu kéo đi không đúng làn đường, phần đường quy định dâm vào xe ô tô của đơn vị X. do quân nhân Chu Văn Đ. điều khiển. Hậu quả: Chu Văn A. bị tổn thương cơ thể là 72%, xe ô tô của đơn vị do quân nhân Đ. điều khiển bị thiệt hại 256.219.000 đồng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đơn vị X. là bị hại vì ô tô do quân nhân Đ. điều khiển là tài sản của quân đội do đơn vị X. trực tiếp quản lý, sử dụng là đối tượng bị tác động trực tiếp của hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của Phạm Văn T. là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại về tài sản cho đơn vị X.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Đơn vị X. là nguyên đơn dân sự, ô tô do quân nhân Đ. điều khiển là tài sản của quân đội do đơn vị X trực tiếp quản lý, sử dụng. Hành vi phạm tội của Phạm Văn T. được thực hiện với lỗi vô ý không có mục đích gây thiệt hại về tài sản cho đơn vị X. từ trước.

Như vậy, cả hai quan điểm về cơ bản là giống nhau ở chỗ hành vi phạm tội của Phạm Văn T. gây ra thiệt hại về tài sản cho đơn vị X. nhưng việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đơn vị X. là khác nhau. Thực tế, hiện nay vẫn đang có sự tranh luận giữa hai quan điểm này do chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

- Xác định tư cách tham gia tố tụng đối với những trường hợp tham gia thực hiện tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi không đủ yếu tố cấu thành hoặc chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những đối tượng này vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao những đối tượng này có thể xác định tư cách tham gia tố tụng là bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng có thể xác định là người làm chứng. Quy định trên dẫn đến trong thực tiễn xét xử việc xác định tư cách tham gia tố tụng giữa VKS và Toà án khác nhau mà không xác định được cơ quan nào mới xác định tư cách người tham gia tố tụng chính xác.

Ví dụ: Vụ án trộm cắp tài sản tại trạm phát sóng của Công ty X. Trong khoảng thời gian tháng 05/2021, Phương Văn T. rủ các đối tượng Nông Chí V., Bế Văn D. thực hiện hành vi trộm cắp tài sản tại các trạm phát sóng của Công ty X.

Lần 01: Ngày 08/5/2021, Phương Văn T. rủ các Nông Chí V. trộm cắp tài sản tại trạm phát sóng của Công ty X. ở huyện HA, tỉnh CB. Kết luận định giá xác định tài sản bị chiếm đoạt trị giá 1.389.600 đồng.

Lần 02: Ngày 22/5/2021, Phương Văn T. rủ Bế Văn D. trộm cắp tài sản tại trạm phát sóng của Công ty X. ở huyện TK, tỉnh CB. Kết luận định giá xác định tài sản bị chiếm đoạt trị giá 1.862.528 đồng.

Theo tình huống trên, Nông Chí V., Bế Văn D. tuy thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do tài sản bị chiếm đoạt không đủ định lượng để xử lý hình sự.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nông Chí V., Bế Văn D. có nghĩa vụ phải liên đới với bị cáo Phương Văn T. bồi thường thiệt hại cho công ty X. về số tài sản bị chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra. Mặc dù trong giai đoạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử công ty X không yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng tại phiên tòa Công ty X vẫn được quyền yêu cầu bồi thường do đó việc xác định tư cách tham gia tố tụng của hai đối tượng này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mới chính xác.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Nông Chí V., Bế Văn D. mặc dù có nghĩa vụ phải liên đới với bị cáo Phương Văn T. bồi thường thiệt hại cho công ty X. về số tài sản bị chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra nhưng công ty X là bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại trong giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử nên vấn đề bồi thường thiệt hại không xem xét, giải quyết trong vụ án này tại phiên tòa. Do đó, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Nông Chí V., Bế Văn D. phải là người làm chứng.

- Trường hợp xác định tư cách người tham gia tố tụng hình sự của một số đối tượng có liên quan đến vụ án như đối với trường hợp người mua tài sản của các đối tượng trộm cắp nhưng không biết tài sản do trộm cắp mà có, sau đó bán lại cho một người khác (không xác định được nhân thân, địa chỉ) không thu hồi được tài sản trộm cắp. Trong trường hợp này việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người mua tài sản của các đối tượng trộm cắp là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay người làm chứng cũng có những tranh luận chưa thống nhất. Có quan điểm cho rằng những người này không có nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án xác định những đối tượng này không biết tài sản mình mua là tài sản do trộm cắp mà có nên được xác định là Bên thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 131, BLDS: “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó” mặt khác các đối tượng này biết một số tình tiết liên quan vụ án như thông tin về người bán tài sản trộm cắp và tài sản trộm cắp nên xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là người làm chứng là chính xác. Quan điểm khác cho rằng người mua là người có nghĩa vụ liên quan vụ án như nghĩa vụ phối hợp trong việc xác định và thu hồi tài sản trộm cắp là vật chứng của vụ án, được quyền yêu cầu các đối tượng trộm cắp hoàn trả số tiền đã mua tài sản trộm cắp trong một số trường hợp nên việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Kiến nghị hoàn thiện

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên cho thấy các quy định của pháp luật về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng là bị hại; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người làm chứng cần tiếp tục phải được hoàn thiện nhằm xác định chính xác tư cách người tham gia tố tụng trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự để đảm bảo đầy đủ các quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và giải quyết vụ án được toàn diện, triệt để.

Một là, liên ngành các cơ quan tư pháp ở trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để xác định rõ tư cách người tham gia tố tụng của cơ quan, tổ chức trong trường hợp là bị hại và nguyên đơn dân sự theo quy định tại Điều 62, Điều 63, BLTTHS năm 2015, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng BLTTHS trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng trên thực tế một cách chính xác.

Hai là, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao việc xác định tư cách tham gia tố tụng đối với những trường hợp tham gia thực hiện tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi không đủ yếu tố cấu thành hoặc chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm là văn bản giải đáp nghiệp vụ đơn ngành không có giá trị pháp lý bắt buộc phải áp dụng. Hơn nữa các quy định của Công văn 81/2002/TANDTC lại là quy định vận dụng tùy nghi nên xảy ra trong thực tiễn giữa VKS và Tòa án không có sự thống nhất, có vụ Tòa án xác định là người làm chứng, VKS xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Có vụ lại ngược lại, Tòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Viện xác định là người làm chứng mà không thể xác định Cơ quan nào mới xác định tư cách người tham gia tố tụng chính xác. Do đó, cần sớm ban hành một quy định cụ thể về những trường hợp tham gia thực hiện tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi không đủ yếu tố cấu thành hoặc chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm trong đó xác định rõ trong trường hợp nào là bị đơn dân sự, trường hợp nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trường hợp nào xác định là người làm chứng.

Ba là, cần có quy định xác định tư cách tố tụng của bên thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự liên quan đến người phạm tội, tài sản phạm tội. Trường hợp này việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những người này phải linh hoạt tùy từng trường hợp mà xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay người làm chứng. Không mặc nhiên quy định những đối tượng này luôn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay chỉ xác định là người làm chứng. Cần kết hợp giữa tổng kết thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và phối hợp liên ngành tư pháp trung ương để xác định một cách chính xác. Tránh tình trạng mỗi ngành tư pháp trung ương giải đáp nghiệp vụ theo các quan điểm khác nhau. Dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong xác định tư cách người tham gia tố tụng của các Cơ quan tư pháp địa phương trong thực tiễn không có sự thống nhất.

Danh mục tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
3. Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao.

HOÀNG NGUYÊN THẮNG

Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 1

Thực tiễn thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự