Hoàn thiện quy định của pháp luật về đăng ký nhãn hiệu từ thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai

04/03/2024 22:16 | 2 tháng trước

(LSVN) - Nhãn hiệu là những biểu tượng, tên thương hiệu và dấu ấn đặc trưng không chỉ đánh dấu sự khác biệt giữa các sản phẩm và dịch vụ, mà còn thể hiện giá trị thương hiệu và danh tiếng của các doanh nghiệp. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự thành công và sự phát triển bền vững của các công ty trong một thị trường ngày càng cạnh tranh. Với tốc độ phát triển kinh trong những năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu, tỉnh Đồng Nai cũng không phải là ngoại lệ. Tại đây, hàng trăm doanh nghiệp đua nhau đăng ký và bảo vệ các nhãn hiệu của họ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự phát triển công nghiệp và thương mại. Tuy nhiên, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu ở Đồng Nai không chỉ đơn giản là một quá trình pháp lý. Nó còn đặt ra hàng loạt thách thức và câu hỏi phức tạp liên quan đến quyền sở hữu, bảo vệ, và tác động đến sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực.

Ảnh minh họa. 

Bài viết này nhằm mục đích giải quyết những câu hỏi này bằng cách tìm hiểu sâu hơn về quy trình đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu trong bối cảnh pháp luật Việt Nam, với sự tập trung cụ thể vào thực tế tại tỉnh Đồng Nai. Tác giả sẽ phân tích các quy trình, khó khăn, và thuận lợi liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho các nhãn hiệu ở khu vực này và xem xét tác động của việc này đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.

Thực trạng xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam

Thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng lần đầu tiên trong một văn bản pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đó là Công ước Pari năm 1886. Sau đó, vào năm 1994, Hiệp ước luật nhãn hiệu được ký kết với mục tiêu đơn giản hoá và hài hòa các quy định về thủ tục và yêu cầu hành chính của hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc gia và khu vực. Mặc dù tại công ước không đưa ra một khái niệm cụ thể nhưng thông qua việc liệt kê các nhãn hiệu được áp dụng, Hiệp ước đã khẳng định các đặc điểm của nhãn hiệu: "được cấu tạo bởi các dấu hiệu nhìn thấy được". Cũng tại khoản 1 Điều 2 của Hiệp ước quy định "Hiệp ước này không áp dụng đối với nhãn hiệu là ảnh chụp ba chiều và nhãn hiệu vô hình, cụ thể là nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi". Tuy nhiên, nhãn hiệu ba chiều sẽ được thừa nhận "với điều kiện là chỉ có những bên ký kết chấp nhận việc đăng ký nhãn hiệu ba chiều mới bắt buộc phải áp dụng Hiệp ước này đối với các nhãn hiệu đó".

Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) đã mang lại cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ những đóng góp to lớn khi đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về nhãn hiệu tại Khoản 1 Điều 15 "Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình hoạ và tổ hợp các sắc màu cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó phái có khả năng được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng, các thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được thông qua việc sử dụng. Các thành viên có thể quy định rằng điều kiện để được đăng ký là các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được". Như vậy, khái niệm nhãn hiệu đã được mở rộng phạm vi và cụ thể hơn rất nhiều so với Hiệp ước Luật nhãn hiệu.

Ngày nay, thuật ngữ “nhãn hiệu” được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, có nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này cũng như không phải ai cũng hiểu một cách chính xác thuật ngữ này.

Còn theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): nhãn hiệu (trademark) là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2012 của Việt Nam cũng đưa ra khái niệm về nhãn hiệu. Tại khoản 16 điều 4 đã định nghĩa nhãn hiệu như sau “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau

Thực trạng về việc bảo đảm quyền sở hữu công nghiệp tại Đồng Nai

Nhãn hiệu là một yếu tố quan trọng trong việc xác định sự khác biệt giữa các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời còn thể hiện giá trị thương hiệu và danh tiếng của các doanh nghiệp. Tại tỉnh Đồng Nai, nơi có tốc độ phát triển kinh tế đáng kể, đăng ký và sử dụng nhãn hiệu đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, Theo Luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH năm 2019 Điều 4 “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh“ việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu  không chỉ là một quá trình pháp lý đơn giản, mà còn đối mặt với hàng loạt thách thức và khó khăn trong bối cảnh Đồng Nai.

Thực trạng về việc đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thực trạng lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Nai là việc đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu. doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đối mặt với nguồn lực, kinh phí hạn chế và kiến thức pháp lý không đầy đủ để thực hiện quy trình đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Điều này dẫn đến việc họ không thể tận dụng được giá trị thương hiệu của mình hoặc dễ bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp bởi các đối thủ.

Trong nền kinh tế và sự phát triển xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp một phần quan trọng vào sự đa dạng của thị trường và là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi đối mặt với thực trạng về việc đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp phải hàng loạt khó khăn

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp là hiểu biết hạn chế về lĩnh vực này. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có đội ngũ luật sư hoặc nhân viên chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, do đó, họ thiếu kiến thức cơ bản về quy trình đăng ký, bảo vệ, và thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Những khó khăn này dẫn đến việc doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không nhận ra giá trị thương hiệu của họ và không biết cách bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình. Họ có thể không nhận thức được rằng việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp giúp họ ngăn chặn việc sao chép sản phẩm hoặc dịch vụ của họ bởi đối thủ cạnh tranh. Điều này dẫn đến việc họ bị tổn thất về tiềm năng kinh doanh và tài chính.

Một trong những khó khăn quan trọng khác đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp là nguy cơ việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) (gọi tắt là Luật SHTT), Điều 5 và Điều 11, Nghị định 105-2006/NĐ-CP. Với kiến thức hạn chế về quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng trở thành nạn nhân của việc sao chép trái phép hoặc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác mà họ không hay biết. Việc phát hiện và đối phó đối với vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đòi hỏi nhiều nguồn lực, thời gian và tài chính mà doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không đủ nhân lực và kinh phí. Họ không thể tự mình thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền của họ, do đó, họ có thể phải chịu mất mát đáng kể. Việc đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đối mặt với sự phức tạp của thủ tục pháp lý và nguồn lực hạn chế. Quy trình đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đòi hỏi sự tập trung và chuyên môn. Để thực hiện các bước cần thiết, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cần phải tuyển thêm nhân viên hoặc thuê luật sư, điều này tạo ra áp lực tài chính lớn, mà họ không thể dễ dàng đáp ứng được.

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu nguồn lực hợp pháp để đối phó với Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, điều này có thể đồng nghĩa với việc họ không thể bảo vệ được quyền của họ trước các đối thủ mạnh hơn hoặc các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp từ các công ty lớn.

Trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh và phát triển nhanh chóng, việc đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành một thách thức quan trọng. Hiểu biết hạn chế, nguy cơ việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và thủ tục pháp lý đòi hỏi kinh nghiệm là những rào cản mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vượt qua.

Một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xây dựng quyền sở hữu công nghiệp là chi phí. Quá trình này liên quan đến các loại phí và chi phí phát sinh theo quy định tại Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính. Cụ thể:

Phí đăng ký: Phí này thay đổi tùy thuộc vào loại quyền sở hữu và quốc gia.

Phí gia hạn: Sau khi đăng ký, doanh nghiệp phải trả các khoản phí gia hạn để duy trì quyền sở hữu công nghiệp của họ.

Phí luật sư và tư vấn: Để thực hiện quy trình đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường cần tư vấn từ luật sư hoặc chuyên gia về sở hữu công nghiệp. Điều này có thể gây ra chi phí lớn.

Chi phí xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu: Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu, họ cần đầu tư vào việc tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo và đảm bảo rằng nhãn hiệu của họ được thực sự giữ gìn và bảo vệ.

Chi phí phát triển và thực hiện chiến lược bảo vệ: Để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải phát triển và thực hiện chiến lược bảo vệ hiệu quả, bao gồm việc kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu, giám sát thị trường, và đối phó với vi phạm.

Ngoài chi phí, thời gian cũng là một yếu tố quan trọng khi xây dựng quyền sở hữu công nghiệp:

Thời gian đăng ký: Quá trình đăng ký quyền sở hữu công nghiệp mất một thời gian dài, đặc biệt là nếu có sự cạnh tranh hoặc yêu cầu điều tra phức tạp từ cơ quan sở hữu công nghiệp.

Chi phí và thời gian tác động rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc phải trả các khoản chi phí lớn cho việc xây dựng quyền sở hữu công nghiệp làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển và đầu tư trong kinh doanh, bên cạnh đó chi phí và thời gian còn gây áp lực tài chính đặc biệt nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải cạnh tranh với các đối thủ lớn có nguồn lực hơn, việc phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp có thể cản trở sự đổi mới và sáng tạo, giới hạn sự mở rộng kinh doanh ra các thị trường mới hoặc phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.

Đánh giá hiệu quả của việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu ở Đồng Nai

Một trong những thành tựu đáng kể nhất của việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp là bảo vệ giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Nhãn hiệu và sản phẩm của các doanh nghiệp được đảm bảo và bảo vệ khỏi việc sao chép không hợp pháp và vi phạm quyền sở hữu công nghiệp từ các đối thủ giúp tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp ở Đồng Nai. Nhãn hiệu và sản phẩm được bảo vệ tại các thị trường quốc tế, làm cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài trở nên dễ dàng hơn, từ đó cũng thu hút đầu tư nước ngoài đối với Đồng Nai nhiều hơn. Các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy yên tâm khi đầu tư vào khu vực nơi quyền sở hữu công nghiệp được bảo vệ. giúp tạo niềm tin từ phía người tiêu dùng dẫn đến tăng trưởng doanh số bán hàng và lợi nhuận của các doanh nghiệp Đồng Nai.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, đóng góp vào sự đổi mới trong khu vực.

Một số khuyến nghị

Mặc dù đã có nhiều thành tựu đáng kể trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu ở Đồng Nai, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện và tối ưu hóa quá trình này. Dưới đây là một số khuyến nghị và đề xuất cho tương lai:

- Đào tạo và giáo dục về quyền sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quyền sở hữu công nghiệp và cách tận dụng các giá trị mà sở hữu trí tuệ mang lại.

- Cung cấp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ đối phó với chi phí đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm việc cung cấp khoản vay với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính từ tổ chức phi lợi nhuận.

- Cần tăng cường giám sát và thực hiện quyền sở hữu công nghiệp để đảm bảo rằng việc bảo vệ được thực hiện một cách kịp thời và hiệu quả.

- Tạo các chương trình hợp tác khu vực để tăng cường sự đoàn kết và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

Để nắm bắt được những góc nhìn chi tiết hơn về tình hình và cơ hội liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu ở Đồng Nai, việc tổ chức đối thoại với các chuyên gia và doanh nghiệp là rất quan trọng. Các cuộc đối thoại này có thể giúp định hình các chiến lược tốt hơn và đảm bảo rằng các đề xuất cải tiến được đưa ra là thực tế và thiết thực.

Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu ở Đồng Nai đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển và thăng hoa của khu vực này. Quyền sở hữu công nghiệp không chỉ bảo vệ giá trị thương hiệu và sản phẩm của các doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, và tăng trưởng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ quyền sở hữu công nghiệp, cần phải đối mặt với các thách thức như chi phí và thời gian.

Khuyến nghị cải tiến và đề xuất cho tương lai bao gồm việc đào tạo và giáo dục để nâng cao nhận thức về quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ tài chính để giảm bớt áp lực chi phí, tăng cường giám sát và thực hiện quyền sở hữu công nghiệp, và thúc đẩy hợp tác khu vực để tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Đối thoại với các chuyên gia và doanh nghiệp cũng là một phần quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về tình hình và cơ hội liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu ở Đồng Nai.

Cuối cùng, việc xây dựng và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và thương mại của Đồng Nai, và điều đó cần được tiếp tục được thúc đẩy và cải thiện để đảm bảo sự bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019;

2. Luật sư FDVN Tổng hợp 08 bản án về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;

3. Tác giả: TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng (chủ biên) Sách tình huống - Bình luận bản án Luật Sở hữu trí tuệ - Trường Đại học luật TP. Hồ Chí Minh Nhà xuất bản Hồng Đức;

4. Tác giả: Lê Nết Quyền sở hữu trí tuệ (tài liệu bài giảng) nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. HCM;

5. Đoàn Đức, Lương- Trần Văn, Hải Giáo trình sở hữu trí tuệ (Trong lĩnh vực khoa học giáo dục) nhà xuất bản Đại học Huế;

6. Hiệp định EVFTA;

7. Hiệp định TRIPS.

VŨ DUY NAM

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Từ khoá : lsvn.vn LSVN