Ảnh minh họa.
Quy định chung về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
Quyền tự do kinh doanh của công dân được ghi nhận cụ thể tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013. Dựa trên quy định này thì công dân có quyền tự do lựa chọn ngành nghề, tự do thỏa thuận cùng hợp tác với các chủ thể khác trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh của mình [1]. Trong mối quan hệ trên, nhà nước sẽ tránh can thiệp quá sâu vào ý chí của các bên mà chỉ đóng vai trò là chủ thể quản lý hoạt động kinh doanh. Cần lưu ý rằng, quyền tự do kinh doanh không mang ý nghĩa tuyệt đối, mà việc kinh doanh phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba cũng như để đảm bảo lợi ích chung cho cộng đồng, quốc gia, pháp luật hiện nay đã có một số quy định cấm đối với việc thực hiện hoạt động kinh doanh của các chủ thể trên [2]. Một trong những điều khoản bị cấm được cho là có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đến sự ổn định của nền kinh tế quốc nội có thể nhắc đến như thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hiểu là sự thống nhất ý chí giữa các doanh nghiệp dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường [3].
Nhằm hỗ trợ nhận diện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên thực tế, Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã nêu ra 10 trường hợp cụ thể để xác định một hành vi là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bao gồm:
- Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
- Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
- Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận;
- Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;
- Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
- Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận;
- Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
Ngoài 10 trường hợp nêu trên thì tại khoản 11 Điều này còn quy định thêm, những thỏa thuận khác mà gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh cũng được xem là một thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nào cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật, mà chỉ những hành vi thuộc vào trường hợp bị cấm tại Điều 12 Luật Cạnh tranh năm 2018 mới được xem là đã cấu thành một vi phạm. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong Luật Cạnh tranh năm 2018 được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn cũng như mở rộng phạm vi áp dụng [4].
Dựa vào quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh năm 2018, có thể chia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thành hai loại. Đó là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có điều kiện. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối bao gồm:
(i) Những thỏa thuận theo chiều ngang trong việc ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, trong việc phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ và trong trường hợp hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
(ii) Những thỏa thuận theo cả chiều ngang và chiều dọc đối với thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh và thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có điều kiện là những thỏa thuận khi xảy ra phải gây hậu quả hoặc có khả năng gây hậu quả một cách đáng kể trên thị trường. Có thể gọi tên các trường hợp này thông qua việc loại trừ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối được liệt kê phía trên.
Thực tế cho thấy, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được xếp vào nhóm hành vi nguy hiểm và gây hậu quả lớn. Bởi, nó có thể gây tác động làm biến dạng thị trường, thay đổi cán cân cung-cầu, phá vỡ sự điều tiết của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các đối tượng cạnh tranh, cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và hơn hết sẽ làm mất cân bằng nền kinh tế một cách nghiêm trọng [5]. Đứng trước những hệ luỵ nặng nề đó, pháp luật hiện nay đã xây dựng một số biện pháp chế tài nhằm răn đe, cũng như để xử phạt hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP và theo như văn bản này thì hiện nay hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ bị áp dụng ba chế tài sau:
(1) Phạt tiền: Đối với những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, mức phạt sẽ từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp. Trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang thì mức phạt sẽ tăng lên từ 01% đến 10% trên khoản doanh thu đó. Cần lưu ý rằng, mức phạt tối đa của cả hai trường hợp trên sẽ phải thấp hơn mức tiền phạt được quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 [6]. Trong trường hợp tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng không thì áp dụng mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng [7].
(2) Xử phạt bổ sung: Các bên tham gia thỏa thuận sẽ bị tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận có được từ việc thực hiện hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh của mình [8].
(3) Khắc phục hậu quả: Những điều khoản vi phạm pháp luật về cạnh tranh sẽ bị loại khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh của các bên [9].
Không thể phủ nhận rằng, trong một số trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể mang lại những lợi ích nhất định. Bằng việc so sánh hậu quả mà hành vi này gây ra với các giá trị mà nó đem lại, nhà làm luật Việt Nam đã xây dựng một số căn cứ nhằm miễn trách nhiệm cho những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tác động tốt. Cụ thể, việc áp dụng quy định trên sẽ được tiến hành cho tất cả các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018, chỉ ngoại trừ các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Doanh nghiệp muốn được hưởng miễn trừ trước hết phải đảm bảo thoả thuận hạn chế cạnh tranh của họ sẽ có lợi cho người tiêu dùng và tiếp theo là phải thỏa mãn thêm một trong bốn điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Cạnh tranh năm 2018, bao gồm: tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ; tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế; thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm; thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
Hiện nay, để hạn chế hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các quốc gia trên thế giới đã sử dụng nhiều công cụ nhằm mục đích phá vỡ sự liên kết từ bên trong của các doanh nghiệp. Một trong những biện pháp hữu hiệu được áp dụng phổ biến có thể kể đến như quy định về chính sách khoan hồng. Ở Việt Nam, điều khoản về chính sách khoan hồng được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018 [10]. Theo như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì trường hợp doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm sẽ được miễn hoặc giảm mức xử phạt. Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt sẽ được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia [11]. Cần lưu ý rằng, không phải doanh nghiệp nào thực hiện việc khai báo cũng được quyền hưởng chính sách khoan hồng [12]. Chỉ có ba doanh nghiệp nộp đơn xin hưởng khoan hồng đầu tiên và các doanh nghiệp này không phải là doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thoả thuận mới có quyền được hưởng khoan hồng. Tuy nhiên, mức hưởng là khác nhau. Cụ thể, đối với doanh nghiệp đầu tiên sẽ được miễn 100% mức phạt tiền, doanh nghiệp thứ hai và thứ ba lần lượt giảm 60% và 40% mức phạt trên [13].
Một số bất cập
Quy định về thỏa thuận ấn định giá chưa được ghi nhận một cách rõ ràng
Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định “Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” là một trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là phải giải thích quy định trên như thế nào cho hợp lý. Bởi việc sử dụng từ ngữ tại quy định này đang tạo ra nhiều cách hiểu không thống nhất. Cụ thể, có quan điểm cho rằng việc xác định thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hay gián tiếp trong trường hợp trên sẽ căn cứ vào hàng hóa, dịch vụ. Tức là, khi thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp thì giá của hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm ngay so với giá đã ấn định trước đó. Còn khi giảm giá một cách gián tiếp, thì giá của hàng hóa, dịch vụ sẽ không đổi. Tuy nhiên, thông qua một số công cụ như chiết khấu, khuyến mãi, khách hàng sẽ nhận được một số lợi ích đền bù và trường hợp này giá ban đầu của hàng hóa, dịch vụ sẽ được xem như là đã được giảm.
Tuy nhiên, lại có một quan điểm khác liên quan đến vấn đề trên. Theo đó, một số tác giả cho rằng việc xác định thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ căn cứ vào chủ thể thực hiện việc ấn định giá. Cụ thể, khi chủ thể thỏa thuận ấn định giá tự mình thực hiện hành vi trên thì đây được xem là ấn định giá một cách trực tiếp. Còn khi những người này không tự mình thực hiện mà ấn định giá thông qua một hoặc một số trung gian khác thì hành vi này sẽ được xem như đã ấn định giá một cách gián tiếp. Dẫu vậy, cách xác định này chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ đã thay đổi một cách rõ ràng.
Việc cùng một quy định nhưng lại tạo ra nhiều cách hiểu không thống nhất sẽ làm giảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, tạo ra nhiều khó khăn trong công tác áp dụng pháp luật trên thực tế [14]. Do đó, việc thống nhất và đơn nghĩa hóa quy định là một yêu cầu thiết yếu để giải quyết vấn đề trên. Thấy rằng, trong hai cách hiểu được đề cập bên trên thì cách hiểu thứ nhất sẽ phù hợp hơn, bởi nó giúp pháp luật về cạnh tranh điều chỉnh một cách đầy đủ cách trường hợp khi xảy ra hành vi thỏa thuận ấn định giá trong kinh doanh. Cụ thể, khi xác định hành vi ấn định giá một cách trực tiếp hay gián tiếp dựa vào hàng hóa, dịch vụ, Luật Cạnh tranh năm 2018 sẽ điều chỉnh được toàn bộ những chủ thể có liên quan đến hành vi này cũng như quản lý được toàn bộ các hình thức ấn định giá trên thực tế. Ngược lại, khi xác định nội dung trên thông qua chủ thể thực hiện, thì chỉ duy nhất trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ được ấn định một cách rõ ràng mới có thể áp dụng các biện pháp xử lý với những chủ thể trên. Việc này vô hình trung “bỏ lọt” đi các hình thức ấn định giá gián tiếp trên hàng hóa, dịch vụ. Trong khi các hành vi này đều có ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh trên thị trường.
Chưa trù liệu được đầy đủ trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu
Liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực đấu thầu, khoản 4 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 có quy định “Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ” là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Đấu thầu được hiểu là quy trình lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sự cạnh tranh giữa các chủ thể tham gia. Việc này giúp bên mời thầu có thể nhận được sản phẩm với chất lượng và giá cả hợp lý nhất. Đặc trưng cơ bản của hình thức này là các bên tham gia trước khi bước vào phiên đấu thầu, họ phải chuẩn bị hồ sơ dự thầu một cách độc lập với nhau. Bởi lẽ, khi có hành vi thông đồng trong hoạt động trên sẽ làm mất đi tính cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bên mời thầu [15]. Quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 về việc xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực đấu thầu là hợp lý. Tuy nhiên, điều khoản trên chỉ mới dự liệu được trường hợp thỏa thuận nhắm đến việc để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu mà chưa tính đến tình huống việc thỏa thuận này là nhằm mục đích để một hoặc các bên không tham gia thỏa thuận thắng thầu. Tình huống trên thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các bên tham gia thỏa thuận để một hoặc các bên khác không tham gia thỏa thuận thắng thầu do bị ràng buộc lợi ích đối với bên mời thầu. Cụ thể, họ chỉ tham gia phiên đấu thầu nhằm mục đích tạo sức ép cho các bên còn lại, buộc các bên này phải hạ chi phí thấp nhất có thể trong phiên đấu thầu nhằm để bên mời thầu tối ưu hóa lợi nhuận. Trong trường hợp, bên tham gia thỏa thuận thắng thầu ngoài dự tính, bên này thường sẽ không thực hiện công việc như đã cam kết trong hồ sơ dự thầu. Thấy rằng, mặc dù khi thực hiện thỏa thuận này bên mời thầu sẽ thực sự nhận được sản phẩm với chất lượng và mức giá tốt nhất. Dẫu vậy, nó lại làm sai lệch cạnh tranh, ảnh hưởng tới lợi ích của các chủ thể dự thầu khác, cũng như làm mất đi ý nghĩa thực sự của hoạt động đấu thầu.
Thứ hai, hiện tượng các bên tham gia thỏa thuận để một hoặc các bên khác thắng thầu là do họ thấy được một số rủi ro trong việc thực hiện gói thầu hay đã có được lựa chọn tốt hơn để thực hiện công việc của mình. Thông thường, khi nộp hồ sơ dự thầu, các bên thường phải nộp kèm phí bảo đảm dự thầu [16] (1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể). Số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho các bên tham gia đấu thầu nhưng không được chọn. Tuy nhiên, căn cứ quy định khoản 8 Điều 11 Luật Đấu thầu năm 2013, trường hợp nhà thầu rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu họ sẽ không được hoàn trả lại phần phí bảo đảm dự thầu này. Do đó, để vừa có thể rút khỏi phiên đấu thầu vừa không bị mất số tiền này, các bên tham gia sẽ có hành vi thỏa thuận để một hoặc các bên khác thắng thầu. Hành vi này trong một chừng mực nào đó sẽ làm mất hoặc giảm đi tính cạnh tranh trong phiên đấu thầu. Do từ ban đầu những chủ thể trên đã không có ý định cạnh tranh với các nhà thầu còn lại. Kết quả là, bên mời thầu sẽ không được thụ hưởng quyền lợi một cách trọn vẹn. Thay vì để họ tham gia vào phiên đấu thầu này, nếu không tồn tại hiện tượng trên, các nhà thầu khác sẽ có thể thay thế vị trí của họ, tham gia một cách tích cực hơn trong việc cạnh tranh thầu.
Từ những phân tích trên, rõ ràng, khi các bên tham gia đấu thầu thỏa thuận cho một hoặc các bên khác không tham gia thắng thầu vẫn sẽ gây tác động hạn chế cạnh tranh. Do đó, việc ghi nhận thiếu trường hợp này trong Luật Cạnh tranh năm 2018 sẽ không bảo đảm được quyền lợi cho các bên tham gia cũng như vô tình tạo nên hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.
Quy định về quyết định miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng còn gây nhầm lẫn
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, pháp luật về cạnh tranh luôn cố gắng áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhằm phá vỡ sự liên kết của các chủ thể tham gia vào quan hệ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. So với Luật Cạnh tranh năm 2014 thì văn bản hiện hành có ghi nhận thêm một biện pháp để giải quyết vấn đề trên, đó là quy định về chính sách khoan hồng tại Điều 112. Cụ thể, khoản 1 Điều này có quy định “Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng”. Câu hỏi đặt ra xoay quanh quy định này là việc miễn hoặc giảm mức xử phạt phải được hiểu như thế nào cho hợp lý. Có thể hiểu, khi áp dụng biện pháp trên bên vi phạm sẽ được miễn hoặc giảm tất cả các chế tài hay việc này chỉ giúp loại trừ đi một hoặc một số chế tài nhất định? Bởi, căn cứ theo quy định Nghị định số 75/2019/NĐ-CP thì khi một chủ thể có thực hiện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm họ sẽ bị áp dụng cả ba hình thức xử lý là phạt tiền, xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả.
Trong ba hình thức trên thì phạt tiền được xem là chế tài chính, nó có tác động mạnh mẽ đến ý thức của bên vi phạm, nhằm răn đe và ngăn chặn hành vi vi phạm liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của họ trong tương lai. Biện pháp xử phạt bổ sung được hiểu là hình thức cưỡng chế nhà nước đối với bên có hành vi vi phạm pháp luật. Tước bỏ, hạn chế những quyền và lợi ích nhất định của họ hoặc đặt ra những nghĩa vụ pháp lý nhất định đối với bên đó nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của biện pháp xử phạt chính [17]. Đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bên vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận có được từ việc thực hiện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Về phần buộc khắc phục hậu quả, đây được xem là hình thức cưỡng chế do Nhà nước tiến hành, buộc người có hành vi vi phạm hành chính phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nhất định nhằm hạn chế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra [18].
Thấy rằng, nếu xem xét kỹ quy định tại Điều 112, ta chỉ thấy có ghi nhận duy nhất cách thức áp dụng đối với biện pháp phạt tiền. Phải chăng, nhà làm luật chỉ muốn giới hạn phạm vi miễn, giảm trách nhiệm cho bên vi phạm trong phạm vi biện pháp xử lý này? Theo quan điểm của tác giả thì cách hiểu như trên là hoàn toàn hợp lý. Do khi doanh nghiệp thực hiện khai báo giúp Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, họ đã thể hiện được sự hối cải của mình trong việc thực hiện hành vi trên. Vậy nên, áp dụng biện pháp xử lý chính như phạt tiền để ngăn chặn hành vi vi phạm liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của họ trong tương lai là không cần thiết. Và việc bên đó được miễn hoặc giảm mức phạt tiền trong tình huống trên là hợp lý. Tuy nhiên, đối với biện pháp xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả thì lại cần phải được viện dẫn đối với bên vi phạm. Bởi lẽ, bên này phải gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra vì họ hoàn toàn có lỗi trong việc thực hiện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trước đó, cũng như họ không thể thụ hưởng khoản lợi kiếm được từ hành vi vi phạm pháp luật của mình. Và việc duy trì hai chế tài trên là phù hợp với nguyên tắc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Việc giới hạn lại số lượng doanh nghiệp được hưởng chính sách khoan hồng là chưa phù hợp
Căn cứ quy định khoản 5 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018, hiện nay việc miễn hoặc giảm mức xử phạt trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chỉ được giới hạn trong phạm vi ba doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin đến Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Theo quan điểm của tác giả thì quy định này là hoàn toàn không hợp lý. Do mục đích chính của việc áp dụng chính sách khoan hồng là nhằm thúc giục các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tiến hành khai báo hành vi vi phạm của mình và các chủ thể có liên quan. Việc giới hạn số lượng này sẽ chỉ có hiệu quả áp dụng đối với ba doanh nghiệp, còn những doanh nghiệp khác không được hưởng chính sách khoan hồng thì mặc nhiên họ sẽ không bị tác động quá nhiều trong việc thực hiện khai báo.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nêu quan điểm rằng số lượng doanh nghiệp khai báo được hưởng khoan hồng sẽ được giữ bí mật để các chủ thể khác không biết được và họ sẽ luôn nghĩ rằng bản thân chính là doanh nghiệp khai báo đầu tiên. Điều này là hoàn toàn phi thực tế. Bởi, khi doanh nghiệp thứ tư khai báo nhưng lại bị xử lý và không được miễn, giảm chế tài theo chính sách khoan hồng sẽ gây nên một sự tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong nước. Những doanh nghiệp khác sẽ “sợ hãi” trong việc khai báo với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và trong một chừng mực nào đó, điều này còn vô tình khiến sợi dây liên kết giữa các chủ thể tham gia trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trở nên bền chặt hơn.
Kiến nghị
Thứ nhất, nhằm mục đích giúp cho quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi ấn định giá được minh thị một cách rõ ràng, cũng như tránh gợi nhiều cách hiểu không thống nhất cho cùng một quy định, khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 cần ghi nhận thêm về việc xác định thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hay gián tiếp sẽ được xác định căn cứ vào hàng hóa, dịch vụ.
Thứ hai, khoản 4 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 nên mở rộng thêm các hành vi được xác định là hành vi hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu. Cụ thể, thay vì quy định như hiện tại, có thể đổi thành “Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia đấu thầu thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ”.
Thứ ba, Luật Cạnh tranh năm 2018 phải quy định rõ ràng về việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng chỉ được áp dụng đối với hình thức phạt tiền. Điều này là hết sức cần thiết trong việc hỗ trợ các chủ thể áp dụng pháp luật thực hiện trách nhiệm của mình một cách chính xác và hiệu quả.
Thứ tư, phải loại bỏ giới hạn về số lượng doanh nghiệp được hưởng chính sách khoan hồng tại khoản 5 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018. Bởi lẽ, như đã phân tích trước đó, điều khoản trên đang làm mất đi ý nghĩa thực sự của việc áp dụng biện pháp này.
[1] Bùi Xuân Hải (2016), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh (tái bản lần 1), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.68. [2] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật hợp đồng (phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.30. [3] Khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018. [4]Nguyễn Hoàn Hảo (2021), Nhận diện và xử lý thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong Luật Cạnh tranh năm 2018, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21 (445), tr.51. [5] Đào Ngọc Báu (2020), Quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp và kết cấu thị trường cạnh tranh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 20 (420), tr.36. [6] Khoản 1, khoản 4 Điều 6 và khoản 1, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP. [7] Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP. [8] Khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP. [9] Khoản 3 Điều 6 và khoản 3 Điều 7 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP. [10] Trần Thị Phương Liên (2020), Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang bị cấm tuyệt đối theo luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành, Tạp chí Công thương, số 17, tr.72. [11] Khoản 2 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018. [12] Khoản 4 và khoản 5 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018. [13] Khoản 7 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018. [14] Nguyễn Minh Đoan (2020), Một số điểm chưa thống nhất trong văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14, tr.3. [15] Nguyễn Thị Vân Anh (2020), Giáo trình Luật Cạnh tranh, Nxb Công an nhân dân, tr.140-141. [16] Khoản 3 Điều 11 Luật Đấu thầu năm 2013. [17] Nguyễn Nhật Khanh ( 2019), Hoàn thiện quy định về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6, tr.52. [18] Trịnh Quốc Toản (2012), Về vai trò của hình phạt bổ sung trong luật hình sự, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội - Luật học, số 28, tr.146. |
NGUYỄN MINH PHÚ
Đại học Cần Thơ
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai