Hội thề Đông Quan - cách kết thúc chiến tranh đậm tính nhân văn của Việt Nam

15/02/2018 18:37 | 6 năm trước

LSVNO - Nhiều chuyên gia cho rằng gây chiến thì dễ nhưng chấm dứt chiến tranh thì rất khó. Kết thúc chiến tranh mà xóa bỏ được hận thù mới là thượng sách. Ngược lại, khi hòa ước là sự áp đặt những điề...

LSVNO - Nhiều chuyên gia cho rằng gây chiến thì dễ nhưng chấm dứt chiến tranh thì rất khó. Kết thúc chiến tranh mà xóa bỏ được hận thù mới là thượng sách. Ngược lại, khi hòa ước là sự áp đặt những điều kiện ngặt nghèo mang tính hạ nhục đối với bên bại trận thì chiến tranh phục thù sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Hội thề Đông quan, Hòa ước chấm dứt nội chiến ở Mỹ, Hòa ước Véc-xai (Versailles) là ba cuộc hưu chiến với những hậu quả rất khác nhau do cách kết thúc chiến tranh khác nhau.

Hội thề Đông quan

Hình tượng vua Lê Lợi. Ảnh: Internet

Mùa đông. Từng cơn gió lạnh buốt từ phương Bắc thổi về không ngớt. Trời rét thấu xương. Hôm ấy là ngày 22/11 năm Đinh Mùi, tức ngày 10/12/1427. Tại bờ Nam sông Nhị Hà, còn được gọi là sông Cái, Hồng Hà, đối diện với thành Đông Quan (Hà Nội) có hai đội quân cựu thù tử chiến chống lại nhau trong 10 năm trời, nay cùng nhau mở hội thề cam kết chấm dứt chiến tranh, vãn hồi mối bang giao bình thường giữa hai vương quốc Trung Hoa và Đại Việt. 

Đại diện cho đội quân xâm lược bại trận nhà Minh là Vương Thông và quan lại, binh sĩ trong thành Đông quan trên 10 vạn người cùng với vũ khí, ngựa xe, cờ lọng xếp thành nhiều khối đứng riêng một phía. Đối diện là nghĩa quân Lam Sơn dưới sự thống lĩnh của vua Lê Lợi cùng với toàn thể quan binh trong trang phục uy nghiêm, vũ khí sáng lòe, ngựa voi đông đúc, cờ xí rợp trời, xếp thành những khối đứng ở phía đối diện. Tướng lĩnh và quân sĩ hai bên nóng lòng ngóng đợi từ tờ mờ sáng đến gần trưa với những tâm trạng khác nhau. Như muốn thử thách lòng người, gió bấc lạnh buốt tiếp tục thổi về không ngớt. Sương lạnh từ nước sông bốc lên làm cho người đứng lâu tại chỗ thấy càng thêm lạnh. Nhưng tất cả họ hình như quên đi cái rét buốt từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Với bên bại trận, có niềm vui nào lớn hơn trước viễn cảnh sắp thoát khỏi được nạn vùi thây nơi chiến địa, sớm được sống sót trở về gặp lại bố mẹ, vợ con nơi quê nhà? Với bên thắng trận, một tương lai sáng sủa của đất nước đang chờ đợi họ. Tổ quốc từ nay sạch bóng quân thù. Bao nhiêu kế hoạch tạo lập cuộc sống mới dồn dập xuất hiện trong đầu họ. Như chiều lòng người, càng gần trưa, khí trời trở nên ấm hơn.

Đúng Ngọ! Đáp ứng lòng mong đợi của nhiều vạn con người đang đứng bên bờ sông Nhị, ba hồi trống trầm hùng vang dội núi sông song hành cùng với ba hồi chiêng chấn động không trung vang lên báo hiệu Hội thề bắt đầu. Từ trên bệ cao, nơi tướng lĩnh của hai bên cùng tiến hành lễ hội, lời thề dõng dạc, thư thả được đọc lên:    “Tôi là Đại đầu mục nước An Nam tên là Lê (Lợi) và bọn Trần Văn Hãn, Lê  Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân cùng với quan tổng binh của Thiên triều là thái tử thái bảo Thành sơn hầu tên là Vương Thông và các quan tham tướng hữu đô đốc là Mã Anh, Thái giám là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh xương bá là Trần Trí, Yên bình bá là Lý An, Đô đốc là Phương Chính, Chương đô ti sự Đô đốc thiêm sự là Thuế Lự, Đô đốc thiêm sự là Trần Hựu, Giám sát ngự sử là Châu Kỳ Hậu, Cấp sự trung là Quách Vĩnh Thanh, Bố chính là Dặc Kiêm, Tả tham chính là Thanh Quảng Bình, Hữu tham chính là Hồng Thừa Lương, Hữu tham nghị là Lục Trinh, Án sát sứ là Dương Thời Tập, Thiêm sự là Quách Hội. Kính cáo Hoàng thiên (Trời), Hậu thổ (Đất) cùng với Danh sơn (Núi), Đại xuyên (Sông) và thần kỳ các xứ. Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau:

Từ sau khi lập lời thề này, quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bán trước mà làm.

 Bọn Lê (Lợi) chúng tôi nếu còn chứa giữ lòng làm hại, tự làm việc lừa dối, không dẹp xa ngay quân lính ngựa voi, việc làm không đúng lời nói ngầm sai… Các việc nói trên tuy là không tự mình làm lấy, lại chuyển sang người khác có xâm phạm đến một chút nào tức thì Trời, Đất, thần minh, núi cao sông lớn, cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi, và người cả một nước tôi, giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.

Về phía bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề (đối với việc) người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh, cùng là ngày về đến triều đình lại không theo sự lý trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An-nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà.

Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì Trời Đất thần minh đều phù hộ cho đến bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên.

Trời, Đất thần kỳ cùng soi xét cho!”[1]

Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, đại diện cho phía quân Minh và Bình định vương Lê Lợi, thay mặt cho nghĩa quân Đại Việt, trước mặt hàng chục vạn quân của hai bên, cùng cạn bát rượu pha máu cam kết giữ trọn lời thề đã được xướng lên. Tù binh, ngựa, vũ khí, cờ hiệu, ấn tính của quân Minh bị nghĩa quân Đại Việt bắt giữ trong các trận đánh đều trao trả lại cho họ. Các đạo quân đều được cấp lương thực đủ cho đến khi về đến nước. Quân rút theo đường bộ thì được cấp thêm ngựa, quân rút theo đường thủy thì được cấp thuyền. Trước khi dẫn quân về nước, tướng lĩnh các cánh quân đều tự mình đến dinh Bồ Đề, nơi đặt Đại bản doanh của nghĩa quân Đại Việt bái yết Lê Lợi và tỏ lòng cám ơn sâu sắc lòng khoan dung độ lượng của quan, dân người Việt đối với họ. Riêng Tổng binh Vương Thông, người cầm đầu đạo quân rút về nước sau cùng, trước khi lên đường, đã tự mình đến dinh Bồ Đề ngồi hàn huyên suốt đêm với Bình định vương Lê Lợi. Cuộc chia tay giữa hai cựu thù diễn ra trong không khí lưu luyến như không muốn dứt.

Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã gặp không ít khó khăn với tướng lĩnh dưới quyền và nhân dân cả nước khi chủ trương tha mạng cho những kẻ đã gây ra muôn vàn tội ác đối với xứ sở Việt Nam. Khi đã bị vây chặt trong thành Đông Quan, Vương Thông vẫn chưa chịu đầu hàng. Ông ta còn ra lệnh đào thêm hào, đắp thêm lũy, dùng dằng kéo dài thời gian cốt để trông chờ viện binh từ bên nước sang. Mãi đến khi biết tin hai đạo viện binh bị đánh tan tác tại biên giới Việt-Trung, Liễu Thăng bị chém tại ải Chi Lăng, Mộc Thạnh xiêu hồn bạt vía rút chạy, Vương Thông mới dâng thư cầu hòa với Lê Lợi.

Tội ác của kẻ thù đã được nêu lên trong bài Bình Ngô đại cáo:

       “ …

             Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

             Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

             Lẽ nào trời đất dung tha,

             Ai bảo thần nhân chịu được?

Mười vạn quân Minh đang bị vây chặt trong thành Đông quan. Số phận của chúng như cá nằm trên thớt. Các tướng lĩnh nghĩa quân đều đồng lòng tâu vua xin cho đánh để diệt sạch kẻ địch cho hả cơn giận chất chứa sâu trong lòng người dân Việt trong 20 năm.[2]

Bình định Vương Lê Lợi đã dùng những lời tâm huyết để khuyên giải quan binh dưới quyền rằng: “Việc dùng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh, trả lại đất cho nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cầu gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn”.

Và đúng như mong đợi, hai bên đã thực hiện đúng lời thề đã vang lên bên bờ sông Nhị. Quân dân Đại Việt đã để cho 10 vạn quân Minh rút về nước an toàn. Các cánh quân Minh đều nhanh chóng rút về nước theo thời gian, lộ trình đã định. Trên đường rút quân, không một vụ cướp bóc nào của quân Minh xảy ra đối với dân Việt. Rõ ràng tấm lòng nhân ái, cao thượng, phẩm chất nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà người đại diện tiêu biểu đương thời là Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã cảm hóa được kẻ thù hung ác quen thói cậy thế nước lớn để uy hiếp, cướp bóc đất đai, tài sản nước nhỏ.

Sau khi đuổi sạch quân xâm lược ra khỏi đất nước, Lê Lợi làm lễ lên ngôi vua, tự xưng là Hoàng đế, bãi bỏ tên “Giao chỉ”[3] mà các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng để gọi người Việt. Ông cho lập lại quốc hiệu “Đại Việt” do vua Lý Thánh tông đặt ra từ thế kỷ thứ X. Không thể làm gì hơn, vua Minh Tuyên Tông buộc phải công nhận và sắc phong Lê Lợi là An Nam quốc vương. 

Triều đại nhà hậu Lê bắt đầu từ Lê Lợi được truyền nối qua nhiều đời vua, trải dài 366 năm (1428-1788). Cũng trong thời gian 366 năm ấy, không vị vua kế vị nào của nhà Minh động binh xâm lược Việt Nam lần nữa. Trong lịch sử của Việt Nam hiếm có khoảng thời gian nào mà các dân tộc Việt Nam không phải đối phó với giặc ngoại xâm trong thời gian lâu như vậy. Hội thề bên bờ sông Nhị vào ngày 10/12/1427 giữa quân xâm lược nhà Minh với nghĩa quân Đại Việt được lưu vào lịch sử với tên gọi Hội thề Đông Quan. Đây là cách kết thúc chiến tranh mang đậm tính nhân văn của Việt Nam chưa hề có trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Hội thề Đông Quan đã thắp sáng ngọn cờ nhân nghĩa của các dân tộc Việt Nam. Cách hành xử của vua quan Việt Nam đã làm cho nước lớn phải kiêng dè, nước nhỏ nể phục. Việt Nam là nước nhỏ nhưng không dễ khuất phục. Đã 590 năm trôi qua kể từ khi có hội thề Đông Quan (1427-2017). 590 năm đã đi dần vào dĩ vãng, nhưng những gì mà Hội thề Đông Quan để lại vẫn là những bài học mang tính thời sự nóng hổi đối với hiện tình Việt Nam và cho cả thế giới đương đại.

Hòa ước chấm dứt nội chiến Mỹ  (1861-1865)

Nước Mỹ giành được độc lập từ vương quốc Anh và tuyên bố độc lập từ năm 1776. Nhưng đến năm 1861 lại xảy ra nội chiến giữa hai miền Nam và Bắc Mỹ.

Phe miền Nam, được gọi là Liên minh, gồm 13 bang, do các đại điền chủ lãnh đạo, chủ trương ly khai và giữ nguyên chế độ nô lệ. Phe miền Bắc, được gọi là Liên hiệp, gồm 25 bang, chủ trương thủ tiêu chế độ nô lệ. Cuộc nội chiến kéo dài trong 5 năm, cướp đi 700.000 sinh mạng của cả hai bên. Số người bị thương, mất tích trên một triệu người. Nhiều trang trại, nhà máy, đô thị, công trình giao thông bị phá hủy. Bi kịch không chỉ ở chỗ thiệt hại nặng nề về vật chất. Điều làm cho các thế hệ người Mỹ cảm nhận nhức nhối, đau lòng hơn cả là cảnh nồi da nấu thịt đã xảy ra tại nước họ. Cách đấy 85 năm, họ là những đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh cùng nhau vào sinh ra tử, cùng chiến đấu để giành độc lập từ tay vương quốc Anh. Nay họ trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau.

Ông Abraham Lincoln đảm nhiệm chức vụ Tổng thống trong tình trạng hận thù nội bộ đất nước chất chứa cao hơn núi. Nhưng trong bối cảnh rối như tơ vò ấy, ông đã dắt dẫn nước Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng một cách thần kỳ và để lại cho hậu thế nhiều bài học quý giá.

Abraham Lincoln luôn kiên trì theo đuổi và hiện thực hóa quyền con người mà Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ đã tuyên bố vào năm 1776. Nhưng mãi 87 năm sau, nước Mỹ vẫn chưa có luật pháp cụ thể để thực thi vào cuộc sống. Để các quyền cơ bản của con người, bao gồm: quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu trở thành hiện thực, Tổng thống Abraham Lincoln chủ trương trước hết là phải bãi bỏ chế độ nô lệ và thành lập nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ông là người đầu tiên trong lịch sử nhà nước và pháp quyền khởi xướng việc thành lập nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhưng việc bãi bỏ chế độ nô lệ vấp phải sự chống đối quyết liệt của những đại điền chủ miền Nam và cả một số chính khách, nghị sĩ của Đảng cầm quyền miền Bắc.      

Càng đánh, phe miền Nam càng bị yếu thế vì bị bao vây và lâm vào cảnh thiếu lương thực vũ khí, tinh thần chiến đấu sa sút. Thất bại của phe miền Nam là không tránh khỏi. Nhưng Abraham Lincoln chủ trương kết thúc cuộc nội chiến với tinh thần hòa giải, bằng cách để cho binh sĩ miền Nam được tự do và tạo mọi điều kiện dễ dàng để họ được trở về nhà an toàn. Ông không đòi hỏi có sự thay đổi về thể chế, về chính trị xã hội đối với miền Nam. Bất hạnh thay đối với ông và nước Mỹ, ông bị một kẻ cực đoan thuộc phe miền Nam ám sát mà không kịp chứng kiến sự thành công của sự nghiệp vĩ đại mà ông đã hiến dâng suốt cả cuộc đời.

Ngày 11/04/1865, bốn hôm sau khi Abraham Lincoln bị giết, Tướng Robert E.Lee - Tổng chỉ huy quân đội miền Nam đích thân đến đại bản doanh quân miền Bắc xin đầu hàng. Tướng Ulysses S.Grant - Tổng chỉ huy quân đội miền Bắc, người thực hiện đường lối chính trị của Tổng thống Abraham Lincoln, tiếp đón Robert E.Lee - tướng bại trận, như tiếp đón người bạn. Khi Tướng Lee đang phân vân và hỏi Tướng Grant về cách thức soạn thảo văn kiện và những điều kiện đầu hàng thì Tướng Grant liền ngồi vào bàn và viết ra vài dòng ngắn gọn: “Sĩ quan, binh lính miền Nam được tự do trở về nhà. Họ được giữ lại súng của cá nhân, nhưng phải giao nộp cho quân đội quốc gia những vũ khí cộng đồng. Quân đội miền Nam được cấp lương thực cho 25.000 người đang bị thiếu đói”. Viết xong, ông đưa cho Tướng Lee xem và hỏi có ý kiến bổ sung thêm, hoặc thay đổi gì không. Tướng Lee hết sức ngạc nhiên. Văn kiện đầu hàng được Tướng Grant viết ra một cách rõ ràng, ngắn gọn đến không ngờ. Bên bại trận không mong muốn gì hơn. Tuy vậy, Tướng Lee đề nghị tướng Grant cho phép binh sĩ quân đội miền Nam mang theo về nhà lừa ngựa của riêng họ khi gia nhập cuộc chiến. Tướng Grant nói ông rất thông cảm với người miền Nam rằng họ rất cần súc vật trong canh tác nông nghiệp, vì vậy ông đồng ý với đề nghị của Tướng Lee. Khi văn kiện chấm dứt nội chiến đến tại quân đội miền Bắc, nhiều đơn vị liền bắn súng, bắn pháo ăn mừng một cách ầm ĩ. Tướng Grant ra lệnh chấm dứt. Ông tuyên bố không có chuyện thắng bại giữa những người Mỹ với nhau. Hôm qua là những kẻ khác biệt, chống đối nhau. Hôm nay đã là anh em của nhau!

Nội chiến chấm dứt. Không có người bị buộc tội, bị xét xử. Không có trại cải tạo. Ai về nhà người ấy. Nghĩa trang bên nào bên đó tự lo lấy. Tất cả cùng xây dựng lại quê hương. Nhân dân cả nước Mỹ cảm nhận được rằng họ đã giành được chiến thắng lớn lao hơn mọi chiến thắng. Đó là thắng lợi của việc xóa bỏ hận thù. Câu hỏi: “Ai thắng ai không được đặt ra”. Đó là thắng lợi to lớn nhất không những của những người đương thời mà còn là sự bảo đảm tương lai cho các thế hệ người Mỹ tiếp nối về sau.     

Sau 438 năm, kể từ khi có Hội thề Đông Quan ở Việt Nam (1427), ở bên kia nửa vòng trái đất, tại Mỹ, vào năm 1865 lại có một hình thức kết thúc chiến tranh  mang đậm tính nhân văn. Cả hai trở thành gương sáng cho thế giới đương đại. Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Abraham Lincoln, Ulysses S.Grant là những công dân của những dân tộc, đất nước khác nhau, có nền văn hóa khác nhau nhưng quan điểm, chủ trương, đường lối của họ có nhiều điểm rất giống nhau. Cho hay những vĩ nhân của nhân loại thường có cách suy nghĩ rất giống nhau, cho dù họ không sinh cùng thời, không hề biết nhau hoặc được đọc trước tác của nhau.

Hòa ước Versailles - cuộc chia chác chiến lợi phẩm giữa các nước đồng minh thắng trận trong thế chiến thứ nhất

Đức là quốc gia bại trận trong chiến tranh thế giới lần I. Theo hiệp ước Versailles (29/5/1919), nước Đức phải cắt cho Pháp hai tỉnh An-dát và Lo-ren là vùng công nghiệp nặng trù phú bậc nhất của Đức; nhường cho Bỉ khu Man-mơ-đi và Mô-rê-nét; cắt cho Ba Lan vùng Pô-mê-ra-ni; cắt cho Đan Mạch vùng Bắc Sơ-le-vít. Toàn bộ các nước thuộc địa của Đức trở thành đất ủy trị của Hội Quốc liên và được chia phần cho các nước Anh, Pháp cai quản. Nước Đức mất 1/8 đất đai, gần 1/12 dân số, 1/3 mỏ sắt, gần 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt. Nước Đức còn bị hạn chế vũ trang, chỉ được giữ lại 100.000 bộ binh với vũ khí nhẹ, không có pháo binh, xe tăng, không quân, không có hạm đội tàu ngầm, tàu nổi. Nước Đức còn phải bồi thường chiến tranh cho các nước thắng trận số tiền là 132 tỉ Mác vàng. Toàn bộ gánh nặng bồi thường chiến tranh và nỗi nhục bại trận đè nặng lên đôi vai nhân dân Đức. Người Đức coi đó là quốc nhục và nuôi chí phục thù. Hòa ước Versailles đã gây ra những nỗi bất bình lớn trong giới cầm quyền, tướng lĩnh quân đội Đức. Không những vậy, đông đảo nhân dân Đức, toàn thể giới công thương, kỹ nghệ Đức vốn tự hào về sự giàu có thịnh vượng bậc nhất trong các nước tư bản châu Âu thời bấy giờ cảm thấy vô cùng hổ thẹn, tủi nhục vì bại trận vì bị áp đặt lên đầu những hình phạt nặng nề chưa từng có trong lịch sử của một nước Đức hùng cường. Thống chế Pháp Ferdinand Foch đã nói rằng Hiệp ước Versailles không phải là hiệp định chấm dứt chiến tranh. Đó chỉ là hiệp định ngưng chiến. Nó có giá trị không quá 20 năm! Đúng như vậy, chỉ sau hai thập kỷ, kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần một, với ý chí, tâm trạng say máu phục thù, nanh vuốt của nước Đức đã tăng gấp đôi và vượt trội các nước châu Âu khác. Ý chí phục thù của người Đức lại được Hitler - một kẻ cuồng tín, phát xít, rất nặng đầu óc phân biệt chủng tộc dẫn dắt. Nước Đức, dưới sự lãnh đạo, điều khiển của Hitler và đảng Quốc xã, ngày càng hăm hở lao sâu vào công việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh báo thù nhằm giành lại những gì mà nước Đức bị cướp đoạt trong chiến tranh thế giới lần I. Chiến tranh thế giới lần II đã lôi cuốn 70 quốc gia với 1.700 triệu người vào vòng chiến. Đó là cuộc chiến tranh toàn diện. Chiến trường ác liệt đã xảy ra trên nhiều vùng của địa cầu: tại châu Âu, châu Á, châu Phi, tại khắp các đại dương. Chiến tranh đã cướp đi 70 triệu sinh mạng, hơn 90 triệu người bị tàn tật. Nhiều triệu làng mạc, thành phố, danh lam thắng cảnh trở thành bình địa. Thiệt hại vật chất do chiến tranh thế giới lần II gây ra gấp 10 lần thiệt hại của chiến tranh thế giới lần I, bằng thiệt hại của các cuộc chiến tranh xảy ra trong 1.000 năm trước đó cộng lại. Nhiều tướng lĩnh, học giả đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm trời và đã viết nhiều cuốn sách nhằm lý giải nguyên nhân của chiến tranh thế giới lần II. Quan điểm, lập trường của các tác giả rất khác nhau nên lập luận về nguyên nhân của chiến tranh thế giới lần II của họ rất khác nhau. Tuy vậy, có một điểm mà đa số các tác giả đều phải công nhận rằng chính Hòa ước Versailles, hòa ước nhằm chia chác chiến lợi phẩm, mang tính cướp bóc và hạ nhục nước Đức của các nước thắng trận là nguyên nhân chính gây ra thảm họa cho nhân loại phải gánh chịu trong những năm 1939-1945.

 Lời kết

 

Chưa bao giờ thế giới bị ngọn lửa hận thù bao trùm lên một phạm vi rộng lớn như ngày nay. Hận thù giữa các sắc tộc, chủng tộc, giáo phái, quốc gia ngày càng bị khơi sâu và lan rộng. Cùng với những lò lửa chiến tranh đang bùng cháy dữ dội ở các nước Trung Đông, ở một số nước ở châu Phi, ở Uy-cơ-ren, ở miền Nam Phi-lip-pin, hiện đang xuất hiện thêm nhiều vùng đang chứa đựng những nguy cơ bùng phát chiến tranh lớn, không loại trừ cả chiến tranh nguyên tử. Tình hình căng thẳng ở Đông Bắc Á, ở Biển Đông, Biển Đông Nam Á, ở Biển Đen, ở vịnh Péc-xích, ở biển Ban-tích, những nơi rất dễ bùng phát thành chiến tranh thế giới lần III. Tội phạm khủng bố do các tổ chức Hồi giáo cực đoan tiến hành bằng những thủ đoạn tàn độc không giới hạn đã xâm nhập vào tận thủ đô các nước có vũ khí, trang bị hiện đại nhất. Không loại trừ những kẻ khủng bố lọt vào tấn công các nhà máy điện hạt nhân hoặc khủng bố bằng bom hạt nhân. Thế giới đang trong thời kỳ nguy hiểm nhất. Hơn bao giờ hết, vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc được bàn đến một cách rộng rãi trên tất cả các loại diễn đàn. Nhưng tiếc thay vẫn còn những thế lực không muốn kết thúc chiến tranh trong hòa bình, hữu nghị, nhân nhượng lẫn nhau. Những lời buộc tội, đổ lỗi, đe dọa lẫn nhau vẫn lớn tiếng lấn át những lời kêu gọi thức tỉnh lương tri, về tự do bình đẳng, bác ái.

Gây chiến tranh hạt nhân ư? Chiến tranh hạt nhân sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh vì nhân loại sẽ biến khỏi trái đất. Chừng nào đố kỵ thay cho việc xây dựng lòng tin, vị kỷ thay cho vị tha, đơn phương áp đặt thay cho nhân nhượng lẫn nhau, dùng tiêu chuẩn kép thay cho nguyên tắc đôi bên, hoặc các bên cùng có lợi thì chừng đó không thể nói đến việc thiết lập một nền bang giao hòa hiếu, hữu nghị giữa các dân tộc.   

Có thể dẫn chứng thêm nhiều tấm gương chính diện, phản diện xảy ra trong lịch sử bang giao giữa các dân tộc, các nước trên thế giới. Phương ngôn có câu: “Không học được bài học của quá khứ thì không tránh khỏi đổ vỡ, thất bại. Từ ba cuộc hưu chiến được ghi lại trên đây có thể rút ra nhiều bài học để cứu nhân loại khỏi bị diệt vong.

---*---

[1] Toàn văn Lời thề do Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi biên soạn.    

[2] Trong 20 năm cai trị, vua quan nhà Minh ráo riết thực hiện chính sách đồng hóa người Việt bằng các chính sách: đốt sạch sách vở, đập nát bia đá không còn nguyên một chữ, giết phu, hiếp phụ, bắt thợ giỏi, thầy thuốc giỏi sang phục dịch cho vua quan nhà Minh, đày ải dân chài lặn xuống biển sâu để mò ngọc trai, bắt đi lên núi săn bắt thú quý. Sau 20 năm bị đô hộ, dân số Đại Việt mất đi 2 triệu người, từ chỗ 6 triệu chỉ còn 4 triệu. Khắp nơi đồng ruộng bị bỏ hoang, làng xóm tiêu điều.

[3] Hai ngón chân cái của người Việt cổ trực chỉ vào nhau nên mới có tên gọi là dân giao chỉ. Theo các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, hình dạng bàn chân này là do nền canh tác lúa nước tạo nên. Người dân phải mang vác nặng để đi lại trong vùng đất sình lầy, phải ấn mạnh ngón chân cái vào đất làm trụ cho cả bàn chân. Hình dạng bàn chân dần thay đổi do không phải mang vác nặng nhọc như trước. Bàn chân được mang dày dép lâu ngày đã trở nên thon đẹp, gót đổ hồng hào hơn người đi chân đất.

Luật sư Lê Đức Tiết