Hương ước bảo vệ rừng và pháp luật về quản lý rừng bền vững

16/08/2023 22:51 | 9 tháng trước

(LSVN) - Quản lý rừng bền vững đặt ra như một yêu cầu cơ bản và bức thiết ở mỗi quốc gia để thực hiện nhiệm vụ là bảo vệ môi trường nói chung bởi vì môi trường rừng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch và xanh môi trường sống của con người. Từ các yêu cầu của các Công ước quốc tế về bảo vệ rừng bền vững mà Việt Nam tham gia, các yêu cầu về quản lý rừng bền vững được triển khai ở Việt Nam và được trực tiếp thực thi bởi những người dân ở khu vực có rừng và được thể hiện cụ thể qua các hương ước quản lý rừng. Bài viết nêu các yêu cầu đặt ra từ các Công ước quốc tế về quản lý rừng bền vững, từ đó xem xét hiệu quả và thực tiễn bảo vệ rừng thông qua các hương ước, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác và bảo vệ rừng bền vững.

Ảnh minh họa.

Yêu cầu về bảo vệ rừng bền vững

Bảo vệ môi trường là một mục tiêu quan trọng đặt ra trong chương trình hành động mang tính quốc tế của các quốc gia trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu này cần có sự thống nhất, hợp tác quốc tế bởi vấn đề môi trường không dừng lại trong biên giới một quốc gia mà luôn có tính toàn cầu. Từ thực tiễn này đặt ra yêu cầu về mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế, đặc biệt trong vấn đề quản lý rừng bền vững.

Theo quy định tại khoản 19 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017, “Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh”. Khái niệm này cho thấy một mục tiêu khá rộng của quản lý rừng bền vững. Bởi nếu quản lý rừng thông thường sẽ chỉ bảo đảm mục tiêu là bảo vệ rừng, không làm suy giảm các giá trị rừng, thì quản lý rừng bền vững còn đặt ra mục tiêu cao hơn, quan trọng hơn, đó là nâng cao giá trị rừng, đặc biệt là cải thiện sinh kế và góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh.

Liên quan đến khái niệm quản lý rừng bền vững, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) định nghĩa: “Đó là việc quản lý và sử dụng rừng và đất rừng theo cách, với tốc độ, duy trì sự đa dạng sinh học, năng suất, khả năng tái sinh, sức sống và tiềm năng phát triển của chúng, hiện tại và trong tương lai, sinh thái liên quan các chức năng kinh tế và xã hội, ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu và điều đó không gây thiệt hại cho các hệ sinh thái khác”. Khái niệm này của FAO nhấn mạnh sự đa dạng sinh học và khả năng tái sinh của hệ sinh thái rừng, đặc biệt là cho một tương lai lâu dài của các thế hệ.

Điều này xuất phát từ thực tiễn về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng với đa dạng sinh học, rừng giữ không khí trong lành. Do chức năng quang hợp của cây xanh, rừng là một nhà máy sinh học tự nhiên thường xuyên thu nhận CO2 và cung cấp O2. Đặc biệt ngày nay khi hiện tượng nóng dần lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính, vai trò của rừng trong việc giảm lượng khí CO2 là rất quan trọng. Bên cạnh đó, rừng điều tiết nước, phòng chống lũ lụt, xói mòn. Rừng có vai trò điều hòa nguồn nước giảm dòng chảy bề mặt, chuyển nó vào lượng nước ngấm xuống đất và vào tầng nước ngầm. Khắc phục được xói mòn đất, hạn chế lắng đọng lòng sông, lòng hồ, điều hòa được dòng chảy của các con sông, con suối (tăng lượng nước sông, nước suối vào mùa khô, giảm lượng nước sông suối vào mùa mưa). Rừng bảo vệ độ phì nhiêu và bồi dưỡng tiềm năng của đất. Ở vùng có đủ rừng thì dòng chảy bị chế ngự, ngăn chặn được nạn bào mòn, nhất là trên đồi núi dốc, tác dụng ấy có hiệu quả lớn, nên lớp đất mặt không bị mỏng, mọi đặc tính lý hóa và vi sinh vật học của đất không bị phá hủy, độ phì nhiêu được duy trì. Rừng lại liên tục tạo chất hữu cơ. Điều này thể hiện ở quy luật phổ biến: “rừng tốt tạo ra đất tốt, và đất tốt nuôi lại rừng tốt”.

Từ những vai trò quan trọng này, việc quan tâm bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống, nguồn sống trong tương lai chủ yếu sẽ cần dựa vào môi trường rừng, do vậy, việc quan tâm đến việc quản lý rừng bền vững không chỉ đặt ra trong pháp luật quốc gia mà còn ở tầm quốc tế, thể hiện thông qua các yêu cầu đặt ra từ các Công ước quốc tế.

Các công ước quốc tế về quản lý rừng bền vững

Trong quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, xuất phát từ tính cộng đồng của môi trường nói chung, môi trường rừng nói riêng, các quốc gia ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tham gia vào các công ước quốc tế về quản lý rừng bền vững. Từ sự tham gia vào các Công ước này, Việt Nam đã xuất hiện những dự án quản lý rừng bền vững bên cạnh việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về quản lý rừng bền vững.

Công ước quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững có thể kể đến là EVFTA (European - Vietnam Free Trade Agreement - Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) được ký kết giữa Việt Nam và 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu năm 2019. Chương 13 của Công ước này về “Thương mại và phát triển bền vững”, trong đó một phần quan trọng (Điều 13.8) quy định về quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản.

Trước EVFTA, Việt Nam đã tham gia các Công ước như Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ngày 11/6/1992 (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC hoặc FCCC) là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED), thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 03 đến ngày 14/6/1992, phê chuẩn ngày 16/11/1994; ký Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002. Đặc biệt, ngày 12/12/2015, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp), 195 quốc gia đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris về khí hậu, đánh dấu hoàn thành chặng đường trên 20 năm đàm phán nhằm triển khai toàn diện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Công ước này dù không trực tiếp đề cập đến quản lý rừng bền vững nhưng đều có mối liên hệ mật thiết đến vấn đề quản lý môi trường rừng, nói cách khác, đều gián tiếp đặt ra những yêu cầu về bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, làm nền tảng cho những yêu cầu về quản lý rừng bền vững.

Cùng với các Hiệp định EVFTA và các Công ước về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng tham gia các thỏa thuận khác trực tiếp/gián tiếp liên quan đến quản lý rừng bền vững, VPA/FLEGT (Voluntary Partnership Agreement/Forest Law Enforcement, Governance and Trade) là một ví dụ điển hình. VPA/FLEGT là Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Hiệp định này được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về quản lý bền vững cho tất cả các loại rừng. Hiệp định nhằm tạo ra khung pháp lý để “bảo đảm rằng tất cả các mặt hàng gỗ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này được nhập khẩu vào Liên minh từ Việt Nam đều được sản xuất hợp pháp, và từ đó, thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng được quản lý bền vững và được khai thác phù hợp với quy định pháp luật của quốc gia khai thác”(1). Để thực thi VPA, Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống chứng nhận tính hợp pháp của gỗ cũng như tiến hành các cải cách được nêu trong Hiệp định, trong đó có việc ban hành quy định luật pháp cụ thể nhằm bảo đảm tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu làm đầu vào cho chế biến. Khi VPA được thực thi đầy đủ, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tin cậy vào tính hợp pháp của sản phẩm gỗ do Việt Nam xuất khẩu, qua đó sẽ mang lại những lợi ích về xã hội và môi trường lớn hơn. Từ việc tham gia VBA/FLEGT, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận FLEGT cho sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam. Giấy chứng nhận FLEGT là một thủ tục pháp lý bắt buộc để xuất khẩu gỗ vào thị trường châu Âu. Theo đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu hướng tới việc hạn chế và tiến dần đến việc loại bỏ việc khai thác gỗ bất hợp pháp, từ đó gián tiếp quản lý rừng bền vững, bảo vệ rừng. Trong Hiệp định VPA/FLEGT, “gỗ được sản xuất hợp pháp” là các sản phẩm gỗ được khai thác hoặc nhập khẩu và sản xuất phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam, phù hợp với quy định pháp luật của quốc gia khai thác đối với gỗ nhập khẩu. Điều này có nghĩa rằng sản phẩm gỗ hợp pháp phải có nguồn gốc hợp pháp và được sản xuất hợp pháp tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng gỗ.

Từ tổng thể các quy định trên có thể thấy, dù hiện tại các Công ước quốc tế về quản lý rừng bền vững chưa được quan tâm trên diện rộng và mức độ quan tâm là có sự khác nhau giữa các khu vực, hiện tại chủ yếu sự quan tâm này đang tập trung vào quan hệ với các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, quản lý rừng bền vững sẽ là một phần quan trọng trong hành động của các quốc gia, trong đó có Việt Nam vì một môi trường tương lai bảo đảm cho sức khỏe và sự sống của con người.

Khái niệm hương ước bảo vệ rừng ở Việt Nam

Hương ước là một khái niệm xuất hiện từ thực tiễn đời sống, xuất phát từ sự cần thiết của việc xây dựng các quy định đặc thù riêng của một vùng, khu vực ở phạm vi hẹp về những vấn đề gắn liền với đời sống con người mà đòi hỏi việc thực thi cần có sự đồng thuận cao của cộng đồng cư dân. Theo quy định tại mục I.1 Thông tư liên lịch số 03/2000/TTLT-BTP- BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000, hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Từ khái niệm này có thể định nghĩa: “Hương ước bảo vệ rừng là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và bảo vệ rừng trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý rừng của Nhà nước”.

Từ quy định nêu trên có thể thấy, dù với ý nghĩa là các quy phạm xã hội, tức không có giá trị pháp lý và giá trị cưỡng chế thi hành, tuy nhiên hương ước, xuất phát từ thực tiễn đây là các quy phạm xã hội, được ban hành trên cơ sở sự đồng thuận của cộng đồng, nên hương ước có ý nghĩa quan trọng. Thông tư liên tịch số 03 nêu trên được ban hành với ý nghĩa mang tính định hướng để cổ vũ và động viên cho sự xuất hiện các hương ước trong thực tiễn đời sống. Cũng trên cơ sở pháp lý này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 70/2007/TT-BNNPTNT ngày 01/8/2007 hướng dẫn trình tự, nội dung xây dựng, thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn. Thông tư này sau đó đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017. Tuy nhiên, tinh thần của các hoạt động cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, đặc biệt là tinh thần quản lý và bảo vệ rừng bền vững từ các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư vẫn tiếp tục và đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn. Tinh thần của hương ước hay quy ước có thể nhìn thấy trong cơ chế trao quyền cho địa phương và cộng đồng dân cư trong việc xây dựng chương trình, dự án phát triển vùng đệm rừng (khoản 3 Điều 16 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP), hay quy định tại Điều 55 xác định trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy rừng. Như vậy, nội quy được đề cập trong quy định này đóng vai trò như quy định nội bộ được ban hành trên cơ sở sự thống nhất của cộng đồng dân cư.

Nhìn chung, dù các quy định về hương ước nói chung và hương ước/quy ước quản lý, bảo vệ rừng không có hiệu lực pháp lý, tuy nhiên giá trị thực tiễn của các loại quy phạm xã hội này vẫn không ngừng phát huy trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Ảnh minh họa.

Vai trò của việc sử dụng hương ước/quy ước để bảo vệ rừng

Giá trị thực tiễn của hương ước/ quy ước bảo vệ rừng là khá quan trọng, thậm chí quan trọng như vai trò của các quy phạm pháp luật là do các nguyên nhân sau đây:

- Hương ước/quy ước được ban hành trên cơ sở sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Sự đồng thuận này thể hiện thông qua việc cộng đồng dân cư thảo luận, đề xuất và quyết định về các xử sự, hành động cần thiết được điều chỉnh bởi hương ước/quy ước. Nói cách khác, hương ước/quy ước là một hình thức của “hợp đồng” tập thể của cộng đồng dân cư. Với ý nghĩa là hợp đồng, hương ước/quy ước tồn tại như một hình thức của “quy phạm nội bộ” tồn tại trong cộng đồng. Với ảnh hưởng của Nho giáo trong văn hóa Việt Nam, dù có những tác động tiêu cực(2), nhưng chữ “tín” hình thành từ Nho giáo vẫn có ý nghĩa trong chừng mực nhất định, đặc biệt là trong việc tôn trọng các cam kết đã xác lập, dù cam kết này không làm phát sinh hiệu lực pháp lý như một hợp đồng thật sự.

- Hương ước/quy ước gắn liền với đời sống của cộng đồng dân cư. Nếu quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành thông thường là sự ấn định có ý nghĩa cưỡng chế/bắt buộc mà dù muốn hay không thì công dân phải tuân thủ thì hương ước/quy ước lại ra đời từ sự cần thiết phải có đối với đời sống cộng đồng dân cư. Từ sự cần thiết này hương ước/quy ước thường có quan hệ mất thiết, không có sự thừa thãi hay thiếu tính thực tế, từ đó cộng đồng dân cư nhận thức được một các rõ ràng hơn sự cần thiết phải tự nguyện tuân thủ các quy tắc do chính họ ban hành. Đời sống của cộng đồng dân cư làng, bản, thôn xóm… gắn liền với rừng, nếu không bảo vệ tốt rừng thì đời sống của cư dân có nguy cơ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực. Sự gắn liền này thôi thúc việc tự nguyện thực thi hương ước/quy ước.

- Hiệu lực của hương ước/quy ước cũng là vấn đề được quan tâm. Thông thường với ý nghĩa là quy phạm xã hội, hương ước/ quy ước nếu không được tuân thủ thì cũng không thể có chế tài, dù chế tài có được cộng đồng dân cư thống nhất đặt ra thì giá trị cưỡng chế cũng dừng lại trong chừng mực nhất định. Tuy nhiên, giá trị thật sự của hương ước/quy ước bảo vệ rừng không đến từ chế tài, vì chế tài không mấy ý nghĩa mà đến thật sự từ sức mạnh cộng đồng, từ sự đồng thuận cao độ. Hành động không tuân thủ các quy tắc đặt ra từ hương ước trong việc bảo vệ rừng có thể dẫn đến hậu quả người không tuân thủ sẽ bị “tẩy chay” bởi cộng đồng, đây thật sự là điều đáng sợ và có ý nghĩa cân nhắc cao trước mỗi hành vi vi phạm. Do vậy, hiệu lực thi hành của hương ước là khá đáng kể, kể cả trong việc so sánh với hiệu lực của các quy phạm pháp luật được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cùng có ý nghĩa là các quy tắc xã hội đặt ra bởi cộng đồng dân cư nhưng hương ước/quy ước có sự khác biệt rất rõ với luật tục hay tập quán (customary law). Sự khác biệt này thể hiện ở hai khía cạnh: thứ nhất là nếu tập quán pháp được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm được tích lũy trong suốt lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc, được đúc kết từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác và được bổ sung, hoàn thiện dần theo thời gian(3) thì hương ước/quy ước thông thường không cần đến một bề dày thời gian để được công nhận; thứ hai, nếu tập quán hay luật tục được thừa nhận như là một loại nguồn của pháp luật(4) thì hương ước/quy ước không có giá trị pháp lý này.

Nhận thức được vai trò quan trọng của hương ước/quy ước đối với cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, thời gian vừa qua ở Việt Nam đã có nhiều dự án (được tài trợ hoặc không) xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Các dự án này đã phát huy giá trị thực tiễn của hương ước trong công tác quản lý rừng bền vững(5).

Dùng hương ước để quản lý rừng bền vững chính là việc quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng. Đây là định hướng đúng đắn cho việc bảo vệ môi trường rừng bền vững, vì suy cho cùng, công tác bảo vệ rừng cả trực tiếp và gián tiếp đều mang lại lợi ích cho cộng đồng, hành vi vi phạm quy định, gây hại đến môi trường rừng cũng được thực hiện bởi cộng đồng. Vì vậy, việc bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng là chủ trương phù hợp với thực tiễn. Chủ trương này không chỉ được triển khai ở Việt Nam mà còn được thực hiện bởi các quốc gia trên thế giới với các hình thức tương tự(6). Có thể thấy việc thực hiện chính sách quản lý rừng bền vững, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng là một chủ trương đã được các quốc gia trên thế giới biết và vận dụng từ khá sớm, có thể thấy mô hình khá hiệu quả này được thực hiện ở quốc gia láng giềng của Việt Nam, đó là Lào. Tại Lào, quản lý rừng bền vững được thực hiện ở cấp thấp nhất (thôn, bảng làng) thông qua các quy ước cộng đồng (agreement) được xác lập giữa các bên có liên quan bao gồm người dân tại khu vực, chính quyền cấp xã và chính quyền cấp huyện, trong đó vai trò thực thi thuộc về chính quyền cấp xã và người dân khu vực có rừng, trong khi đó vai trò giám sát thuộc về chính quyền cấp huyện(7). Thỏa thuận này khá đặc biệt ở chỗ có sự tham gia của cơ quan chức năng của Nhà nước như một bên của thỏa thuận. Chính sự xuất hiện này làm cho hiệu lực của thỏa thuận trong chừng mực nhất định có giá trị cưỡng chế. Tồn tại song song bên cạnh thỏa thuận quản lý rừng bền vững, ở Lào cũng tồn tại hương ước được ban hành thuần túy trên cơ sở thỏa thuận của cộng đồng dân cư, thỏa thuận quản lý rừng bền vững được xây dựng với thời hạn 05 năm và dựa trên hai cơ sở: PLUP (participatory land use planning - quy hoạch sử dụng đất)(8) và hương ước (village agreement). Như vậy, hương ước là nền tảng của các quy định về quản lý rừng bền vững ở cấp độ gần nhất, trước các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Ở Indonesia, trên cơ sở nhận thức được vai trò quan trọng của quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng và rằng “các cộng đồng quản lý và bảo tồn rừng là các bên chịu ảnh hưởng cũng như bị ảnh hưởng bởi mất rừng và suy thoái rừng”(9), từ đó Chính phủ Indonesia cũng xây dựng các chương trình hành động mà theo đó chủ thể trọng tâm của công tác quản lý và bảo vệ rừng chính là những người dân sống trong địa hạt của khu vực rừng cần được quản lý. Quản lý rừng bền vững ở Indonesia được nhận định “là phương tiện để cải thiện sinh kế của người dân”. Thực tiễn này thúc đẩy Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương tăng cường việc việc trao quyền sở hữu rừng từ Chính phủ cho cộng đồng địa phương và cá nhân làm hình thành khái niệm về “rừng cộng đồng, rừng làng, rừng trồng cộng đồng và các phương thức quản lý rừng hình thành do các cộng đồng tập quán thực hiện”(10).

Ở Anh, các nhà nghiên cứu nhận định rằng “Một trong những lý do chính dẫn đến sự thất bại của hầu hết các chương trình lâm nghiệp ở các nước đang phát triển nhiệt đới là sự loại trừ người dân địa phương trong việc quản lý rừng và sự thừa nhận kém về quyền tập quán và sự phụ thuộc vào rừng của người dân địa phương. Quản lý rừng dựa vào cộng đồng (CBFM), còn được gọi là lâm nghiệp cộng đồng, lâm nghiệp xã hội, quản lý rừng chung hoặc lâm nghiệp có sự tham gia, đã xuất hiện trước mối lo ngại rằng quyền sở hữu rừng tập trung ở hầu hết các nước đang phát triển đã không thúc đẩy quản lý rừng bền vững”(11). Như vậy, nhận định này một cách gián tiếp cũng khẳng định việc quản lý rừng bền vững phải dựa vào cộng đồng, bằng các thỏa thuận, quy ước của cộng đồng với sự đồng thuận cao và sự gắn kết chặt chẽ về sinh kế của người dân địa phương nơi có rừng với vấn đề quản lý và bảo vệ rừng bền vững, từ đó làm nên hiệu quả quản lý rừng bền vững từ các thỏa thuận cộng đồng này.

Ở Việt Nam, việc xây dựng các hương ước/quy ước cộng đồng trong công tác bảo vệ, quản lý rừng bền vững đã được quan tâm và thực thi ở góc độ chính sách. Các địa phương có thành tích tốt trong việc xây dựng hương ước của cộng đồng về bảo vệ rừng có thể kể đến như Thanh Hóa(12), Phú Thọ(13), Sơn La(14)… Các hương ước/quy ước này đều được đánh giá có tác động tích cực đến quản lý và bảo vệ rừng bền vững, có thể thấy tác động tích cực này từ một địa phương cụ thể. Huyện Sơn Động là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh Bắc Giang, trong đó rừng tự nhiên trên 35 nghìn ha. Những năm trước, mỗi năm trên địa bàn huyện xảy ra hàng trăm vụ vi phạm lâm luật, trong đó tình trạng khai thác, chặt phá rừng tự nhiên trái phép vẫn xảy ra. Trước tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung, kiên quyết trong công tác quản lý, bảo vệ, nhất là việc phối hợp với các cơ quan, xã, thị trấn triển khai, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ rừng được xây dựng, bổ sung trong các quy ước, hương ước tại các thôn trên địa bàn huyện. Theo tổng hợp của Hạt Kiểm lâm Sơn Động, đến nay 138/138 thôn có rừng của 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước về bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích tự nhiên đầu nguồn ở nhiều địa phương và các diện tích rừng khác được bảo vệ tốt; đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây, số vụ vi phạm lâm luật giảm sâu, từ đầu năm 2020 đến nay toàn huyện không có vụ phá rừng trái phép hoặc cháy rừng nào xảy ra(15).

Riêng ở rừng ngập mặn Cần Giờ, thực tiễn cho thấy tuy không có hương ước quản lý rừng nhưng các hộ nhận khoán được tổ chức thành những tổ tự quản, mỗi tổ có từ 5 đến 6 chốt, cùng tuần tra bảo vệ trên toàn bộ khu vực rừng của các thành viên. Tổ tự quản là một hình thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng khá hiệu quả.

Như vậy, thực tiễn ở Việt Nam thời gian qua cho thấy hương ước/ quy ước của cộng đồng dân cư được sử dụng khá hiệu quả trong việc một mặt quản lý rừng bền vững, mặt khác bảo đảm và nâng cao đời sống của người dân giữ rừng. Từ đó hình thành sự liên kết mật thiết giữa đời sống của người dân và vấn đề quản lý rừng bền vững, tạo nên sự cộng đồng về lợi ích.

Một số đề xuất để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ rừng bền vững

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng hơn 13.862 nghìn ha rừng, trong đó có hơn 10.424 nghìn ha rừng tự nhiên. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2013, đã có hơn 12.600 ha rừng bị chặt phá trái phép, trung bình mỗi năm gần 1.900 ha rừng bị chặt phá. Số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy, từ năm 2007 đến 2014, tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 2.299 vụ án hình sự với 4.568 bị cáo phạm tội xâm phạm tài nguyên rừng, trong đó có 2.501 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng; 2.028 bị cáo phạm tội hủy hoại rừng và 39 bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Như vậy, tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng chủ yếu là tội phạm vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng và tội phạm hủy hoại rừng (16). Thực trạng này cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề trong công tác bảo vệ và quản lý rừng bền vững hiện nay.

Ở góc nhìn về quản lý rừng bền vững, người viết cho rằng, để công tác quản lý và bảo vệ rừng được thực thi tốt hơn cần tiến hành một cách đồng bộ các giải pháp sau:

- Đẩy mạnh việc phát huy vai trò cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng vì nhân lực của cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng quản lý rừng là không bảo đảm, do vậy việc dựa vào và tận dụng sức mạnh cộng đồng là thật sự cần thiết để có thể thực hiện tốt công tác này.

- Cần luật hóa các quy định nền tảng về hương ước/quy ước quản lý rừng bền vững. Như đã phân tích ở trên, các quy định mang tính chất định hướng về hương ước, quy ước hiện tại đã không còn được quan tâm trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều này dẫn đến tình trạng thiếu vắng cơ sở pháp lý, từ đó thiếu định hướng và dẫn dắt của Nhà nước đối với công tác này.

- Để hương ước/quy ước thật sự phát huy được vai trò của nó trong thực tiễn bảo vệ rừng, cần tuyên truyền để cộng đồng dân cư thấy được lợi ích của việc xây dựng và tuân thủ hương ước/quy ước. Cần cho người dân thấy rằng còn rừng là còn sinh kế, còn môi trường sống tốt đẹp cho mình và cho các thế hệ mai sau. Từ đó hình thành ý thức và sự tự nguyện tuân thủ hương ước về quản lý rừng bền vững.

(1) Hiệp định VPA/FLEGT, https://vietnambiz.vn/hiep-dinh-vpa-flegt-vpa-flegt-agreement-la-gi-20191206150629201.htm, ngày 27/9/2022.

(2) Lý Tùng Hiếu, Ảnh hưởng của Nho giáo trong văn hóa Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 04/2015, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (http://tapchikhxh.vass.gov.vn/anh-huong-cua-nho-giao-trong-van-hoa-viet-nam-n50206.html).

(3) Nguyen Nhu Quynh, Nguyen Quoc Viet, Nguyen Hoan Phuong, CUSTOMARY LAWS - THE CURRENT SITUATION AND SOME RECOMMENDATIONS FOR ENHANCING THE EFFECTIVENESS OF THE APPLICATION OF CUSTOMARY LAW IN VIETNAM, UNDP Project 00058492, tr.10.

(4) Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận về việc áp dụng tập quán pháp trong một số trường hợp nhất định.

(5) Xem Báo cáo Promoting village-based forest protection against encroachment in Thanh Hoi commune, Tan Lac District, Hoa Binh Province, Vietnam, Dự án được tài trợ bởi JICA vào năm 2020.

(6) Heini Vihemaki, Charles Leonard, Village Forest Management as a way to protect biodiversity in Tanzania, Kỷ yếu Hội thảo “Taking stock of smallholder and community forestry: Where do we go from here?”, tháng 3/2010 (https://www.researchgate. net/publication/266332999_Village_Forest_Management_as_a_way_to_protect_biodiversity_in_Tanzania, ngày 03/10/2022).

(7) Thỏa thuận quản lý rừng bền vững gọi bằng tên tiếng Anh “Village Forest Management Agreement” thỏa thuận này tồn tại song song với “village Agreement”- hương ước, sản phẩm thuần túy được ban hành bởi dân làng khu vực có rừng, có thể xem tài liệu “Village Forest Management Planning Guideline” (Climate Protection through Avoided Deforestation Project Technical Cooperation (GIZ/ CliPAD-TC), 2016, tr.18

(8) Ở Lào, quy hoạch sử dụng đất (PLUP) cần được tiến hành và hoàn thiện ở mọi làng trước khi các hoạt động quản lý rừng của thôn có thể bắt đầu tại chính thôn đó. Quy hoạch sử dụng đất giúp phân định ranh giới rừng, các khu vực rừng cụ thể trong toàn bộ khu vực làng. Đây là một điều kiện tiên quyết để bắt đầu công việc quản lý rừng thôn bản một cách cụ thể. "Village Forest Management Planning Guideline” (Climate Protection through Avoided Deforestation Project Technical Cooperation (GIZ/ CliPAD-TC), 2016, tr.3,

(9) Muhammad Zahrul Muttaqin, Iis Alviya, Mega Lugina, Farid Almuhayat Uhib Hamdani, Indartik, Developing community- based forest ecosystem service management to reduce emissions from deforestation and forest degradation, Forest Policy and Economics, Volume 108, 2019, 101938, ISSN 1389-9341 (https://doi.org/10.1016/j.forpol.2019.05.024).

(10) A. Angelsen, M. Brockhaus, W.D. Sunderlin, L.V. Verchot (Eds.), Analysing REDD+: Challenges and Choices, CIFOR (2012), pp. 193-208

(11) Ota, Liz & Mukul, Sharif & Gregorio, Nestor & Herbohn, John. (2020). Community-based management of tropical forests: lessons learned and implications for sustainable forest management. 10.19103/AS.2020.0074.24, In book: Achieving Sustainable Management of Tropical Forests Publisher: Burleigh Dodds Science Publishing, Cambridge, UK

(12) Thùy Chinh, Hương ước giữ và phát phát triển rừng (https://quanson.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2021-10-1/Huong-uoc- giu-va-phat-phat-trien-rungma71k2.aspx, ngày 04/10/2022).

(13) Đinh Thị Hà Giang, Trương Quang Học, Hương ước bảo vệ và phát triển rừng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn: Một cách làm không mới nhưng hiệu quả (https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/10311/1/29.%20Huong%20uoc.pdf, ngày 04/10/2022).

(14) Mạnh Hùng, Giữ xanh rừng bằng hương ước (http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giu-xanh-rung-bang-huong-uoc-48565, ngày 04/10/2022).

(15) Phạm Hồng Trịnh, Sơn Động: Chú trọng thực hiện quy ước, hương ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (https://cckl.bacgiang. gov.vn/content/item/parent/son-ong-chu-trong-thuc-hien-quy-uoc-huong-uoc-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung,      ngày 04/10/2022).

(16) Nguyễn Hưng, Nhức nhối tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng (https://cand.com.vn/Xa-hoi/Nhuc-nhoi-tinh-trang-xam-pham-tai-nguyen-rung-i337230/).

TS DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

PGS.TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP

Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Tác động của chuyển đổi số đến hoạt động lập đề nghị xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay

Từ khoá : lsvn.vn LSVN quản lý