Siết chặt tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức trong tuyển dụng giáo viên

03/10/2024 10:19 | 22 giờ trước

(LSVN) - Trước tình trạng lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức của giáo viên đối với học sinh hiện nay, Luật sư kiến nghị, trong việc tuyển dụng giáo viên ngoài năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm thì cũng cần siết chặt về tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian vừa qua, tình trạng lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức của giáo viên đối với học sinh đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trên các phương tiện truyền thông. Theo đó, có nhiều đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên có hành vi không đúng mực với học sinh như: Trêu đùa, ôm vai, vuốt tóc,...

Cần xử lý nghiêm đối với hành vi lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức với học sinh của giáo viên

Đánh giá về tình trạng này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng những hành vi lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức của giáo viên đối với học sinh sẽ gây ra dư luận xấu trong xã hội nên cần có hình thức xử lý nghiêm khắc. 

Môi trường sư phạm đòi hỏi người thầy, người cô phải thực sự mẫu mực, có cách ứng xử chuẩn mực đối với học sinh. Để một môi trường giáo dục văn minh, có hiệu quả, đạt được mục tiêu thì "thầy phải ra thầy, trò phải ra trò", ứng xử của thầy, cô trò trong môi trường học đường phải thể hiện thái độ tôn sư trọng đạo. 

Theo nội dung tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn về tác phong làm việc, lối sống của nhà giáo như sau:

- Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo;

- Thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

- Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội;

- Biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ;

- Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học;

- Có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học;

- Giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo;

- Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học,…

Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT cũng nêu rõ các hành vi nhà giáo không được làm để giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo như sau:

- Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước;

- Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại,…

Quy định này cũng thể hiện rõ về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo như sau:

- Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo;

- Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác;

- Có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp;

- Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành,…

Chính vì vậy, Luật sư Cường đánh giá, hành vi thân mật thái quá, phản cảm của giáo viên và học sinh là không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xác định giáo viên có vi phạm về đạo đức lối sống, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục thì giáo viên này sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc theo quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. 

Kiến nghị cần siết chặt về tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức trong việc tuyển dụng giáo viên

"Tình trạng trên cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận trong xã hội, trong đó có cả những người đang hoạt động, làm việc trong môi trường giáo dục. Các quan điểm, lối sống buông thả, dễ dãi, lệch lạc của một số bạn trẻ hiện nay có thể tác động tiêu cực đối với truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo", Luật sư Cường bày tỏ.

Luật sư kiến nghị, trong việc tuyển dụng giáo viên ngoài năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm thì cũng cần siết chặt về tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế quản lý, giám sát, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhân cách để những những người giáo viên xứng đáng với cương vị là “người thầy”, nghề cao quý trong xã hội, với trọng trách cao cả mà Đảng và nhà nước giao phó.

DUY ANH