Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: So sánh Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai 2024

03/10/2024 23:23 | 9 giờ trước

(LSVN) - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội là một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi. Sau hơn 10 năm thi hành, các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội trong Luật Đất đai năm 2013 dần bộc lộ những hạn chế, khuyết thiếu, cần thiết phải sửa đổi các quy định này, hướng đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có đất bị thu hồi. Bài viết tập trung phân tích các quy định pháp luật nói trên trong Luật Đất đai năm 2013; đồng thời có sự so sánh với những quy định mới trong Luật Đất đai năm 2024, từ đó đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện chế định này ở Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Thu hồi đất là vấn đề pháp lý quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những chủ thể có đất bị thu hồi, họ không chỉ bị mất quyền sử dụng đất mà còn phải di dời chỗ ở, thay đổi địa điểm kinh doanh, thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc có thể là thay đổi cả công việc thường làm... Sau hơn 10 năm thực hiện, các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nói chung, thu hồi đất thực hiện dự án cụm công nghiệp nói riêng trong Luật Đất đai năm 2013 dần xuất hiện những bất cập, không bảo đảm quyền lợi của các chủ thể có liên quan, chẳng hạn như giá đất làm căn cứ tính tiền bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, vấn đề tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bố trí việc làm, cơ sở kinh doanh, cho thuê mua, thuê lại… chưa được quan tâm đúng mức. Vì những hạn chế trên mà cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, hướng đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có đất bị thu hồi. Luật Đất đai năm 2024 đã có những điểm mới về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất so với Luật Đất đai năm 2013. Điển hình là các quy định về vấn đề này đã được Luật Đất đai năm 2024 tách thành một chương riêng trong hệ thống các quy định pháp luật đất đai (Chương VII). Ngoài ra, cũng có sự khác biệt cơ bản trong quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, các điều kiện để được bồi thường...

Khái quát về quy trình thu hồi đất theo quy định hiện hành

Bước 1: Thông báo thu hồi đất

Trước khi có quyết định thu hồi đất (chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp) cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Bước 2: Thu hồi đất

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất thì ủy ban nhân dân xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Trường hợp người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Bước 3: Thống kê tài sản có trên đất

Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp thì ủy ban nhân dân xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức vận động, thuyết phục.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Bước 4: Lập kế hoạch bồi thường Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với ủy ban nhân dân xã nơi có đất thu hồi.

Bước 5: Thu thập ý kiến của dân Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực  có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Bước 6: Hoàn thành hồ sơ bồi thường và phê duyệt phương án bồi thường

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền sau khi thu thập ý kiến người dân.

Bước 7: Tiến hành chi trả, bồi thường

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của kho bạc nhà nước.

Bước 8: Bàn giao địa điểm cho chủ đầu tư

Đất đã thu hồi giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư.

So sánh quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024

Các căn cứ để thu hồi đất

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 62, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây: thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất, bao gồm…

Về căn cứ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, Điều 79 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, không quy định thành dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư; hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận như Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 63 Luật Đất đai năm 2013 quy định 3 căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: (i) Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 61 (thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh) và Điều 62 (thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) của Luật này; (ii) Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (iii) Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.

Điều 80 Luật Đất đai năm 2024 có những nội dung mới như sau:

- Bổ sung các căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại điểm d khoản 1 (có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 84 của Luật này trong trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh).

- Khoản 2 thay cụm từ “Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án” thành “Trường hợp dự án quy định tại khoản 1 Điều này có phân kỳ tiến độ sử dụng đất thì thu hồi đất theo tiến độ của dự án đầu tư được xác định trong văn bản chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư dự án”.

- Khoản 3 bổ sung quy định: “Điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này”.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất

Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:

1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

c) Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

d) Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 (cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc) của Luật này.

2. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

b) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

3. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 (thẩm quyền thu hồi đất) của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

b) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

c) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.

d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 (cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất) của Luật này.

4. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.

Về vấn đề này, Điều 87 Luật Đất đai năm 2024 bổ sung những quy định sau:

- Bổ sung tại khoản 1 quy định trước khi thông báo thu hồi đất được ban hành, ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các cơ quan có liên quan, tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến về các nội dung về dự án, quy định và dự kiến về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Bổ sung quy định cụ thể ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là cơ quan có trách nhiệm gửi thông báo thu hồi đến từng người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có).

- Bổ sung quy định trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi tại điểm b khoản 2.

- Bổ sung quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi phối hợp với đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư điều tra, xác định, thống kê đầy đủ các thiệt hại thực tế về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thu hồi; xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề” tại điểm d khoản 2.

- Bổ sung nội dung “Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 15 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản” tại điểm đ khoản 2.

- Bổ sung các nội dung: “… niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi trong thời hạn 30 ngày”; “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại trong trường hợp còn có ý kiến không đồng ý…”; “…đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư” tại điểm a khoản 3.

- Bổ sung quy định ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quy định tại khoản 5.

- Bổ sung nội dung: “Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không đồng ý hoặc không phối hợp thực hiện thì ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất” tại điểm b khoản 6.

- Bổ sung quy định chi tiết trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại khoản 7.

Nguyên tắc bồi thường

Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 (điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) của Luật này thì được bồi thường.

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Điều 91 Luật Đất đai năm 2024 có những nội dung mới như sau:

- Sửa nội dung “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất” thành “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” tại khoản 2.

- Bổ sung nội dung “Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc nhà ở” tại khoản 2.

- Bổ sung các quy định về bồi thường, hỗ trợ chủ sở hữu tài sản bị thiệt hại, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do thu hồi đất; trách nhiệm Nhà nước hỗ trợ để có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất; khu tái định cư; trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư; trường hợp phần diện tích còn lại của thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7.

Điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất

Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 (bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân) của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

2. Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

4. Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại  giao  được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

6. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

- Điều 95 Luật Đất đai năm 2024 tách quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 thành 2 khoản: (i) các trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; và (ii) các điều kiện để được được bồi thường về đất. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các trường hợp được bồi thường về đất, gồm:

+ Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là chùa, đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật Đất đai năm 2024 và đất đó không có tranh chấp, được ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng.

+ Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Đất đai năm 2024.

+ Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho phép hoạt động đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê; không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01/7/2004.

- Điều 95 Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung các điều kiện được bồi thường về đất, gồm:

+ Nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật từ người có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai.

+ Được sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật".

Theo đó, nếu người sử dụng đất có đất thuộc diện bị thu hồi và đáp ứng đủ một trong các điều kiều theo quy định trên thì sẽ được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Đất đai năm 2013.

2. Luật Đất đai năm 2024.

3. Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất.

4. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

5. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

6. Nguyễn Vinh Diện, Xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, https://tcdcpl.moj.gov. vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap luat.aspx?ItemID=407, ngày 10/12/2022.

7. Bùi Quang Hậu, Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất ở một số quốc gia, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Kỳ 2 - tháng 4/2016.

TS. PHẠM VĂN LƯỠNG 

Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam

Nghiên cứu quy định của Luật Nhân đạo quốc tế (IHL) được áp dụng để bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông hiện nay