Căn cứ bồi thường hợp đồng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại

18/09/2024 22:52 | 23 giờ trước

(LSVN) - Cơn bão Yagi đã đi qua, nhưng hậu quả và thiệt hại về người và tài sản vẫn đang được người dân tích cực khắc phục. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần phải hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại.

Ảnh minh hoạ.

Đối tượng được hưởng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

Theo quy định tại Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là các tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong đó, tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự tại Điều 105, gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản hoặc là các tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Mặt khác, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại là bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà được người bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất. Do đó, những đối tượng này nếu chịu ảnh hưởng sau bão có thể được hưởng quyền bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Khách hàng được hưởng những quyền lợi nào từ bảo hiểm sau bão?

Ở góc độ xã hội, bảo hiểm giúp bảo vệ tài chính và đẩy nhanh quá trình khắc phục hậu quả cho người được bảo hiểm sau thiên tai, hoặc rủi ro bất ngờ. Việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không chỉ giúp khách hàng (bên mua bảo hiểm) vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm đối với cộng đồng.

Theo Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã quy định rõ các quyền và lợi ích của khách hàng khi sử dụng bảo hiểm trong từng trường hợp. Cụ thể:

Trường hợp, hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản; quyền chiếm hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền lợi về tài chính; nghĩa vụ, trách nhiệm về tài chính; thiệt hại kinh tế đối với đối tượng bảo hiểm.

Trường hợp nếu tại thời điểm xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Trong đó, số tiền bảo hiểm mà người mua được trả là số tiền mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm cho tài sản và thiệt hại trên cơ sở yêu cầu của bên mua bảo hiểm theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Để nhận được số tiền bảo hiểm, khách hàng có trách nhiệm thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra theo Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, số tiền mà khách hàng được nhận có thể nhiều hơn hoặc ít hơn giá trị tài sản mà khách hàng đăng ký bảo hiểm. Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Quy định của pháp luật quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản 

Căn cứ quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm đặc biệt quy định về 2 loại hợp đồng bảo hiểm tài sản như sau:

Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm tài sản trên trị giá

Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị ở đây được hiểu là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.

Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì thực hiện xử lý theo khoản 2 Điều 47 như sau: Nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại. Đồng thời, phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thứ hai, hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị

Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, việc bồi thường bảo hiểm tài sản được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc chính dưới đây:

Thứ nhất, khi có thiệt hại xảy ra, bồi thường phải được giải quyết theo giá trị thị trường hiện hành của tài sản, không vượt quá số tiền bảo hiểm.

Thứ hai, giá trị thị thường của tài sản tại thời điểm, nơi xảy ra sự kiện dẫn đến tổn thất và mức độ thiệt hại trên thực tế là căn cứ để xác định bồi thường trong quan hệ bảo hiểm tài sản.

Thứ ba, mục đích của những quy định về nguyên tắc bồi thường là nhằm tạo căn cứ để xác định việc bồi thường. Đây cũng là căn cứ quan trọng nhất để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Ngoài ra, căn cứ vào các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và nội dung hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Khi xảy ra thiệt hại, khách hàng sẽ được bồi thường theo quy trình pháp luật quy định hoặc dựa vào thoả thuận của các bên.

Cụ thể, về quy trình thực hiện bồi thường, trước tiên, sau khi bão xảy ra và gây thiệt hại, khách hàng cần nhanh chóng thông báo cho công ty bảo hiểm về tổn thất. Việc thông báo này thường phải được thực hiện trong thời gian quy định của hợp đồng bảo hiểm.

Sau khi nhận được thông báo, công ty bảo hiểm sẽ cử đại diện hoặc giám định viên đến khảo sát và đánh giá tổn thất. Họ sẽ thu thập chứng cứ và tài liệu chứng minh thiệt hại. Khi có đầy đủ hồ sơ và đánh giá tổn thất, công ty bảo hiểm sẽ xem xét yêu cầu bồi thường và quyết định mức bồi thường theo hợp đồng. Cuối cùng, nếu yêu cầu bồi thường được chấp nhận, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả số tiền bồi thường theo hợp đồng.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, khách hàng cần cung cấp đầy đủ tài liệu và chứng từ cần thiết, đồng thời hợp tác với công ty bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của mình được giải quyết nhanh chóng và hợp lý.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Đoàn Luật sư TP. HCM

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN