Luật sư kiến nghị các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất

27/09/2024 15:43 | 1 ngày trước

(LSVN) – Luật sư kiến nghị cần nghiên cứu để xác định hành vi thổi giá, bỏ cọc, thao túng thị trường bất động sản là hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời quy định chế tài xử phạt hành chính hoặc chế tài xử lý hình sự đối với hành vi thao túng này giống như tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây trên địa bàn TP. Hà Nội có xảy ra hiện tượng "bất thường" trong đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương như huyện Thanh Oai, Hoài Đức... trong đó, nhiều lô đất đã được trả giá cao gấp đến 30 lần so với giá khởi điểm, gây xôn xao dư luận. Mặc dù Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc kiểm tra, rà soát sơ bộ và kết luận chưa có "kẽ hở" trong quy trình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa bàn này, tuy nhiên với việc trả đấu giá cao như vậy sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng tại khu vực.

Trong khi đó, tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây của Bộ Xây dựng đã chỉ ra những tiêu cực trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đó là hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng để đẩy giá, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia.

Đồng thời, việc đặt giá quá cao, tạo mặt bằng giá mới sau đó bỏ cọc gây nhiễu loạn thị trường và ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương có biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Cần phải luật hóa khái niệm “thao túng thị trường bất động sản”

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn xác định đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng là quan hệ dân sự, người trả giá cao nhất được xác định là trúng giá mà không nộp tiền thì mất tiền cọc.

Trước đây chưa có chế tài xử phạt hành chính, chế tài xử lý hình sự đối với người bỏ cọc ngoài việc thu tiền cọc của họ. Tuy nhiên, trước thực tiễn của hoạt động tham gia đấu giá trong thời gian qua khiến cho cơ quan quản lý nhà nước đang nghiên cứu nhiều biện pháp, giải pháp để kiểm soát tình trạng này. Cụ thể, khi sửa đổi Luật Đấu giá tài sản 2024 thì đã đưa thêm biện pháp là tước quyền tham gia đấu giá của người bỏ cọc trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm. Luật sư Cường cho rằng đây là một trong những biện pháp có tính chất ngăn chặn những người có tâm lý thao túng, răn đe nhất định đối với những người cố ý tác động làm biến dạng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu những người tham gia trả giá cao để thổi giá rồi bỏ cọc là một tổ chức gồm nhiều người hoặc những hội nhóm thay nhau tham gia thổi giá thì quy định này sẽ không mang lại hiệu quả.

Chính vì vậy, Luật sư Cường cho rằng cần phải có những giải pháp khác như phải tổ chức đấu giá đồng loạt ở nhiều địa phương để các hội nhóm này không có đủ người, đủ thời gian để tham gia tất cả các cuộc đấu giá. Đồng thời, nghiên cứu để xác định hành vi thổi giá, bỏ cọc, thao túng thị trường bất động sản là hành vi vi phạm pháp luật và quy định chế tài xử phạt hành chính hoặc chế tài xử lý hình sự đối với hành vi thao túng này giống như tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Công khai những người bỏ cọc đấu giá đất

Việc công khai danh tính của những người trả giá cao rồi bỏ cọc là cần thiết để thực hiện các giải pháp phòng ngừa và là cơ sở áp dụng các biện pháp hạn chế quyền tham gia đấu giá tài sản.

Đây là một trong những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường bất động sản. 

Cần sớm ban hành khung giá đất theo luật mới

Bên cạnh đó, theo Luật sư Cường, cần sớm ban hành khung giá đất theo luật mới để giá đất phù hợp với giá thị trường, xác định giá khởi điểm sát với giá thị trường cũng là một giải pháp hạn chế được tình trạng bỏ cọc.

Cần nghiên cứu về các hoạt động đầu tư theo nhóm, hợp sức đầu tư bất động sản thiếu lành mạnh để có những điều chỉnh đối với nhóm đối tượng này trong xã hội. Khi các nhóm đầu tư theo hình thức đầu cơ thổi giá vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm luật kinh doanh bất động sản thì cần xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có quy định chế tài để xử lý.

Ngoài ra, cần áp dụng đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị để kịp thời phát hiện ra những bất cập, bất hợp lý trong hoạt động đấu giá tài sản để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Trước mắt, có thể tổ chức đấu giá đồng thời ở nhiều địa phương, cùng một thời điểm để tránh các đối tượng thao túng thị trường này có thời cơ, tham gia nhiều cuộc đấu giá để thổi giá.

HỒNG HẠNH

Đề nghị có giải pháp ngăn chặn đối tượng 'thổi' giá đất rồi bỏ cọc