Quy định rõ mức chi mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

29/06/2024 23:05 | 3 ngày trước

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất ngân sách chi tối đa 50 triệu đồng/tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Việc đề xuất chi ngân sách để mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cần thiết nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia cung cấp thông tin tố giác hành vi tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước. 

Việc đề xuất ngân sách chi tối đa 50 triệu đồng/tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được quy định cụ thể các mức chi tùy thuộc vào nội dung thông tin được cung cấp (nếu cung cấp rõ thông tin cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng; có chứng cứ rõ ràng về hành vi tham nhũng mà không cần phải tiến hành kiểm tra, xác minh lại) và tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng đã xảy ra (như vụ việc tham nhũng: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiệp trọng). 

Ví dụ: cung cấp tin về hành vi "tham nhũng vặt" đối với một cán bộ, công chức cụ thể; số tiền tham nhũng vặt là 2.000.000 đồng. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, xử lý hành vi "tham nhũng vặt". Khi đó, người cung cấp thông tin về hành vi "tham nhũng vặt" sẽ được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng chi trả tiền mua tin là 5.000.000 đồng. Tương tự, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng hơn, với số tiền tham nhũng lớn hơn và có nhiều người tham nhũng hơn... thì mức chi trả tiền mua tin sẽ phải cao hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, tài sản tham nhũng trong các vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là rất lớn; người có hành vi tham nhũng thường có hành vi tẩu tán tài sản một cách tinh vi, khó phát hiện. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất khó khăn, phức tạp.

Để thu hồi được tài sản tham nhũng rất cần sự phối hợp, cung cấp thông tin của các cá nhân, tổ chức có liên quan hoặc biết được hành vi tẩu tán tài sản và nơi cất giấu tài sản tham nhũng, giúp cơ quan có thẩm quyền kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng để xử lý theo quy định. 

Vì vậy, cần thiết phải có quy định về việc chi trả tiền cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về tài sản tham nhũng trong vụ việc, vụ án tham nhũng để cơ quan có thẩm quyền kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng và xử lý theo quy định. Mức chi thưởng tùy theo giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi do cá nhân, tổ chức cung cấp tin (ví dụ: 01% hoặc 02%.../giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi).

Ngoài việc chi trả tiền mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định, thì công tác bảo vệ người cung cấp tin là hết sức quan trọng. Nếu không làm tốt việc này, thì tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của người cung cấp tin sẽ bị đe dọa; đồng thời, sẽ không khuyến khích được việc cá nhân, tổ chức cung cấp tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Học thuyết về khẳng định, cam đoan và cách áp dụng vào pháp luật hợp đồng tại Việt Nam