1. Phân biệt tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"
Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 175 BLHS. Việc phân biệt loại tội phạm này cần căn cứ vào chủ thể tội phạm; động cơ, mục đích của người phạm tội và điều kiện thực tế để đánh giá.
Tiêu chí phân biệt cơ bản | Điều 174 BLHS | Điều 175 BLHS |
Đối tượng | Tài sản bị chiếm đoạt do người khác quản lý, có thể là tài sản của Nhà nước. | Tài sản bị chiếm đoạt do chính người phạm tội quản lý. |
Tính chất | Thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt phải diễn ra từ trước. | Sau khi được giao tài sản (hợp pháp) mới phát sinh hành vi chiếm đoạt. |
Hành vi | Thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. | Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng: - Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; - Đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. |
Giá trị tài sản để định tội | - Trên 02 triệu đồng - Dưới 02 triệu đồng, thuộc các trường hợp: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. | - Trên 04 triệu đồng - Dưới 04 triệu đồng, thuộc các trường hợp: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. |
Hình phạt | - Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Mức phạt tối đa: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. | - Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm - Mức phạt tối đa: thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" có cấu thành vật chất; điểm mấu chốt nhất khi phân biệt giữa hai tội danh này là thời điểm nảy sinh ý định phạm tội (có trước hay có sau sau khi có được tài sản) và thời điểm tội phạm hoàn thành, tội phạm kết thúc để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm cơ sở để định tội danh, định khung hình phạt.
Thực tiễn xét xử
Về mặt lý luận như đã phân tích ở trên, tuy nhiên thực tiễn nhận thức, áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc định tội danh, định khung hình phạt giữa hai tội danh này.
Tình huống cụ thể:
Ngày 01/6/2022, Chi nhánh Bưu chính V. và Trần Thị T, (dân, chủ hộ kinh doanh cá thể) ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 01/6/2022 đến ngày 01/6/2023. Nội dung Hợp đồng ghi nhận, Trần Thị T. thực hiện việc tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ viễn thông của V. và thu tiền cước các khách hàng trên địa bàn xã H., huyện V., thành phố Đ. Sau khi thu tiền cước, Trần Thị T. có trách nhiệm nhập thông tin khách hàng vào hệ thống quản lý và nộp đầy đủ số tiền cước đã thu vào tài khoản của Chi nhánh Bưu chính V. trước 10 giờ ngày kế tiếp ngày thu tiền để đăng ký gói cước sử dụng dịch vụ cho khách hàng thông qua User được Chi nhánh Bưu chính V. cấp trên ứng dụng điện tử. T. hưởng 95% hoa hồng, nếu nộp chậm sẽ bị trừ tiền hoa hồng…
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, từ ngày 13/6/2022 đến ngày 29/5/2023, Trần Thị T. đã thực hiện 66 lần tư vấn, giới thiệu và thu cước đối với 101 khách hàng sử dụng gói cước đóng trước 06 tháng hoặc 12 tháng tương ứng khuyến mãi 02 tháng hoặc 04 tháng miễn phí cước sử dụng dịch vụ với tổng số tiền là 134.380.000 đồng (trong đó có 01 khách hàng đóng trước 03 tháng, 89 khách hàng đóng trước 06 tháng và 11 khách hàng đóng trước 12 tháng). Sau khi thu tiền cước đóng trước của từng khách hàng, Trần Thị T. không thực hiện việc đăng ký gói cước khuyến mại mới mà chỉ đăng ký hoặc duy trì gói cước tháng cho các khách hàng trên và chỉ nộp cước đúng quy định vào tài khoản của Chi nhánh Bưu chính V. số tiền 1.813.000 đồng để duy trì việc sử dụng dịch vụ của các khách hàng, số tiền 132.567.000 đồng còn lại, Trần Thị T. chiếm đoạt sử dụng vào trả nợ, chi tiêu cá nhân và thực hiện việc đóng cước hàng tháng cho 101 khách hàng với số tiền 86.084.040 đồng (phương thức: lấy tiền của khách hàng sau đóng cước cho khách hàng trước theo gói cước đóng hàng tháng). Khoảng tháng 01 năm 2023, T. không còn khả năng chỉ trả cước hàng tháng, khách hàng có đơn khiếu kiện, vì để giữ uy tín, Chi nhánh Bưu chính V. đã mở gói cước mới cho khách hàng như lời tư vấn của T.
Tổng số tiền đã nộp về Chi nhánh Bưu chính V. là 87.897.040 đồng, số tiền chưa nộp là 46.482.960 đồng, số tiền khuyến mãi phát sinh từ gói cước đóng trước mà Chi nhánh Bưu chính V. đã đảm bảo cho 101 khách hàng là 41.850.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền T. phải khắc phục cho Chi nhánh Bưu chính V. là 88.332.960 đồng. Ngày 23/4/2024, T. đã tác động gia đình nộp số tiền 65.518.960 đồng cho Chi nhánh Bưu chính V. để khắc phục thiệt hại. Số tiền 22.814.000 đồng còn lại, T. chưa khắc phục cho Chi nhánh Bưu chính V.
Viện Kiểm sát truy tố Trần Thị T. về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 175 BLHS.
Đối với tình huống trên, có nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh, định khung hình phạt đối Trần Thị T.:
Quan điểm thứ nhất đồng tình với quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ...”. Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Như vậy, hộ kinh doanh cá thể của Trần Thị T. không phải là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do đó, hành vi nêu trên của T không cấu thành tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 BLHS. Căn cứ hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được xác lập giữa T và Chi nhánh Bưu chính V., T. có nghĩa vụ thu tiền cước của khách hàng và nộp về Chi nhánh Bưu chính V. lúc 10 giờ ngày tiếp theo ngày thu cước (ngày N+1), nhưng sau khi thu được tiền, T. đã không nộp đúng số tiền đã thu mà nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên để chi tiêu cá nhân. Thời điểm tội phạm hoàn thành là sau 10 giờ ngày N+1; do đó, lấy số tiền 132.567.000 đồng còn lại mà T chưa nộp về Chi nhánh Bưu chính V. đúng quy định để làm căn cứ định khung hình phạt. Như vậy, xác định T. phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 175 BLHS.
Quan điểm thứ hai: Đồng ý với việc định tội danh, Trần Thị T. phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tuy nhiên không đồng ý với việc xác định số tiền bị chiếm đoạt làm căn cứ để định khung hình phạt đối với T. Bởi, sau khi thu cước của khách hàng, T. vẫn thực hiện việc trả cước hàng tháng để duy trì việc sử dụng dịch vụ của Chi nhánh Bưu chính V. cho khách hàng. Chỉ đến khi T. không còn khả năng chi trả, T. mới chiếm đoạt số tiền còn lại chưa thanh toán cho Chi nhánh Bưu chính V. là 46.482.960 đồng (quan điểm bị thiệt hại đến đâu thì xử lý đến đó). Do đó, hành vi của Trần Thị T. chỉ cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả: Cần xác định Trần Thị T. phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định khoản 1 Điều 174 BLHS, bởi:
Thứ nhất, trước đây cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên về vụ việc tương tự, nhưng tại thời điểm có hành vi chiếm đoạt đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của khách hàng với tổ chức, doanh nghiệp… Còn trong tình huống này, việc T. tư vấn về gói cước khuyến mại và thu cước của khách hàng vẫn chưa làm phát sinh quyền và nghĩa vụ mới của Chi nhánh Bưu chính V.. . Chi nhánh Bưu chính V. vẫn thực hiện việc duy trì gói cước hàng tháng cho khách hàng khi T. đã thực hiện xong việc đóng cước hàng tháng. Đến thời điểm T. không còn khả năng chi trả, nếu Chi nhánh Bưu chính V. không vì sợ mất uy tín với khách hàng mà mở gói cước khuyến mại như lời tư vấn của T. thì Chi nhánh Bưu chính V. cũng không bị thiệt hại gì.
Thứ hai, T. đã biết rõ quy trình thu cước và đăng ký gói cước cho khách hàng của Chi nhánh Bưu chính V. T. tư vấn và thu cước cho 101 khách hàng trong một khoảng thời gian dài; xét từng lần tư vấn và thu cước của từng khách hàng, thì T. đã có ý định chiếm đoạt số tiền cước thu được của khách hàng tư vấn sau để chi tiêu cá nhân và đóng cước tháng để duy trì dịch vụ cho khách hàng trước. Do đó, có đủ căn cứ để xác định thời điểm nảy sinh ý định phạm tội của T. có trước khi nhận được tiền của khách hàng và đối tượng mà T. hướng tới là khách hàng và tiền của khách hàng, việc T. dùng thủ đoạn đăng ký hoặc duy trì và đóng cước tháng là để lừa dối khách hàng, không làm phát sinh nghĩa vụ mới của Chi nhánh Bưu chính V.; cần xác định khách hàng là bị hại và số tiền thực tế mà T. đã chiếm đoạt làm căn cứ để định khung hình phạt.
Đề xuất, kiến nghị
Thực tiễn những tình huống tương tự như trên xảy ra rất nhiều nhưng có nơi xem đây là vụ việc dân sự, có nơi thì xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, định khung hình phạt, bởi quy định của BLHS chưa thể bao quát hết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; tác giả kiến nghị thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật với những tình huống tương tự trên.
Trên đây là quan điểm của tác giả đối với tình huống thực tiễn đã xảy ra, rất mong sự góp ý, trao đổi của quý độc giả.