(LSO) - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 quy định về trình tự, thủ tục trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can. Theo đó, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Về thời gian và kinh phí
Đánh giá về quy định này, Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng việc quy định cụ thể các trường hợp có thể áp dụng việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là cần thiết và nâng cao tính khả thi trong thực tiễn. Điều này sẽ phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình… Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần quan tâm đối với quy định này đó là về thời gian và kinh phí.
Thứ nhất, do đây là thủ tục bắt buộc nên điều tra viên phải phát lại băng ghi âm, ghi hình từ đầu đến cuối để bị can xác nhận lời khai và ký vào biên bản. Hơn nữa, trong thực tế các vụ án hình sự đều phải tiến hành hỏi cung nhiều lần, nếu lần nào cũng ghi âm, ghi hình và làm các thủ tục nêu trên thì việc này sẽ gây mất khá nhiều thời gian cho quá trình điều tra.
Trong trường hợp gặp cản trở vì lí do khách quan hay về kỹ thuật không thể ghi âm, ghi hình thì đồng nghĩa với việc điều tra viên không thể tiến hành hỏi cung bị can. Điều này dẫn đến chất lượng, tiến độ điều tra vụ án bị ảnh hưởng, nhất là đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, hoạt động hỏi cung của Cơ quan điều có thể tra diễn ra ở nhiều nơi, có nơi điều kiện cơ sở vật chất của Cơ quan điều tra sẽ không thể đáp ứng. Hằng năm, cơ quan điều tra thụ lý rất nhiều vụ án hình sự với số lượng lớn bị can. Nếu thực hiện đúng quy định thì số kinh phí phải chi sẽ là một khoản không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, còn phải tính đến số máy dự phòng, chi phí xây dựng kho bảo quản, sửa chữa, biên chế quản lý máy ghi âm, ghi hình, băng đĩa. "Liệu nền kinh tế nước ta đã có thể đáp ứng được ngay theo quy định này hay chưa?", Luật sư Trung bày tỏ sự băn khoăn.
Theo vị Luật sư này, bên cạnh quy định mới trên thì trong phòng, chống oan, sai cần thiết phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Tăng cường trang bị phương tiện chuyên dùng để phục vụ việc ghi nhận chứng cứ, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong khi thi hành công vụ.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật
Góp ý một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định này trên thực tế, Luật sư Lê Quang Y, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng để làm được điều này phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật sâu rộng cho cán bộ và nhân dân, kể cả phạm nhân, người bị kết án; luật sư cần phải được tạo điều kiện tham gia tích cực hơn trong việc hỏi cung. Cụ thể, được thông báo đầy đủ về thời gian hỏi cung, được tham gia, yêu cầu và phản ánh ngay về việc cán bộ lấy lời khai không làm đúng quy định; và phải có quy định chế tài về việc không làm đúng quy định của cán bộ điều tra một cách cụ thể; ví dụ không làm đúng sẽ bị kỷ luật, không cho tiếp tục điều tra vụ án, thay đổi điều tra viên, kiểm sát viên,...
Biện pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường làm thay đổi nhận thức về quyền con người trong tố tụng hình sự, làm thế nào để người bị buộc tội hiểu, thấy được các quyền hợp pháp của họ là quyền Hiến định và sẽ không bị xâm hại hay bức bách khi thực hiện các quyền đó; mặt khác cần có các biện pháp đảm bảo việc tôn trọng thực thi các quyền đó từ cơ quan, người tiến hành tố tụng, để họ thấy được trách nhiệm của cá nhân và công vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
"Và như thế, khi người bị buộc tội, bên buộc và bên gỡ tội cùng tham gia vào việc hỏi cung với đầy đủ nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình thì việc ghi âm, ghi hình hay bất cứ một hoạt động điều tra nào cũng sẽ được khách quan, đảm bảo đúng pháp luật và góp phần tránh được oan, sai", Luật sư Y bày tỏ quan điểm.
THANH THANH