/ Trao đổi - Ý kiến
/ Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng biện pháp dẫn giải bị hại theo BLTTHS năm 2015

Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng biện pháp dẫn giải bị hại theo BLTTHS năm 2015

04/03/2022 15:29 |

(LSVN) - Theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, bị hại là người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Nếu bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại.

Trong trường hợp bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của bị hại tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của bị hại. Nếu bị hại là cơ quan, tổ chức thì đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức tham gia với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức không thể tham gia tố tụng được thì cơ quan, tổ chức phải cử người khác làm đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của bị hại. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Ảnh minh họa vụ xét xử của Tòa án Quân sự.

1. Quy định về quyền và nghĩa vụ của BLTTHS về bị hại

Tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:

“a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; 

b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; 

c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; 

d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; 

đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; 

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; 

g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; 

h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; 

i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; 

k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; 

l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; 

m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; 

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; 

o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa...

Bị hại có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

BLTTHS năm 2015, đã bổ sung những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bị hại, qua đó tạo pháp lý rõ ràng, giúp việc thi hành pháp luật được chặt chẽ, thống nhất. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện.

2. Vướng mắc

Thứ nhất, việc dẫn giải bị hại được áp dụng khi nào?

Điểm a, khoản 4, Điều 62 BLTTHS năm 2015 quy định người bị hại có nghĩa vụ “có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp được dẫn giải lại không quy định trường hợp người bị hại không có mặt theo giấy triệu tập của người tiến hành tố tụng như quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 62 BLTTHS năm 2015. Nội dung quy định như trên gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng biện pháp dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ cố ý vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015 quy định về biện pháp dẫn giải đối với người bị hại chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Qua các quy định trên có thể hiểu, dẫn giải bị hại chỉ được áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) triệu tập người bị hại để giám định theo quyết định trưng cầu giám định mà họ từ chối hoặc không có mặt vì lý do chính đáng.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay các tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe thì việc bị hại từ chối giám định sẽ dẫn đến việc xác định không chính xác hành vi phạm tội của bị can, bị cáo dẫn đến xác định sai tội danh, áp dụng sai điều, khoản. Ngoài ra trong một số vụ án, có những bị hại cố tình không đến phiên tòa mặc dù đã nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa. Lúc này, cũng không có căn cứ áp dụng biện pháp dẫn giải đối với bị hại vì không thuộc trường hợp giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền (điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015).

Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa hai quy định trên về trường hợp được áp dụng biện pháp dẫn giải đối với bị hại.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện biện pháp dẫn giải áp dụng đối với: “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan” còn hạn chế. Trong thực tiễn xảy ra trường hợp bị hại không chấp hành quyết định trưng cầu giám định, khi nhận được quyết định trưng cầu giám định thì bỏ đi nơi khác. Lúc này cơ quan tiến hành tố tụng không còn biện pháp nào khác để buộc họ phải chấp hành quyết định trưng cầu giám định dẫn đến việc việc xác minh tố giác tin báo về tội phạm cũng như việc điều tra vụ án bị kéo dài.

3. Kiến nghị

Một là, theo quan điểm của chúng tôi nên sửa điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015 như sau: “Dẫn giải có thể áp dụng đối với người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp nhận được giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà họ không có mặt vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, trong trường hợp dẫn giải được bị hại đến cơ quan có thẩm quyền giám định nhưng bị hại không hợp tác (không cho giám định viên xem xét dấu vết trên thân thể, không cung cấp tài liệu liên quan…) thì cũng không có biện pháp ép buộc người bị hại. Hiện chưa có quy định pháp luật khác về chế tài hay hướng dẫn của Liên ngành Trung ương về trường hợp này, nên các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết vụ việc vì không có kết quả giám định thì không thể khởi tố vụ án hình sự. Cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để thống nhất trong thực hiện.

Trên đây là những vướng mắc, bất cập liên quan đến biện pháp dẫn giải bị hại cần được tiếp tục hoàn thiện. Mong có ý kiến đóng góp thêm từ bạn đọc.

NGUYỄN TỨ

Thẩm phán Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 2

Bàn về quy định tại Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Lê Minh Hoàng