(LSO) - Thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) cho thấy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Trong những năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tích cực đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nói chung và các hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác nói riêng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) cho thấy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
1. Những vướng mắc trong thực tiễn
1.1. Khó phân biệt tội danh
Mặc dù đã được quy định một cách cụ thể trong BLHS nhưng việc xác định tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác lại khó xác định. Cụ thể: Tội giết người (chưa đạt) và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đều có những dấu hiệu giống nhau như hậu quả gây thương tích nặng cho bị hại, thực hiện do lỗi cố ý và đều có hành vi khách quan như đánh, đâm, chém… nên khó phân biệt.
Ví dụ: Phạm Văn H là nhân viên tài chính của Phòng Tham mưu. Sáng ngày 10/5/2019, H bị Võ Đức T (Đại đội trưởng) phê bình về công tác trực đơn vị nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng 10 giờ cùng ngày, H cầm sổ chi tiêu của đơn vị đến phòng Võ Đức T để trình ký nhưng T chưa ký ngay mà nói để kiểm tra. Nghĩ rằng, T gây khó khăn cho mình, H đi đến bếp ăn của đơn vị lấy một con dao (loại dao chặt xương) cầm về và bỏ vào trong cặp. H đi đến phòng làm việc của T. Lúc này, T đang ngồi ở bàn làm việc đọc tài liệu, H đến phía sau lưng bên trái cách T khoảng 80cm. Thấy sổ chi tiêu đơn vị chưa được T ký duyệt, H lấy dao từ trong cặp ra, tay trái cầm cặp, tay phải H cầm dao vung lên chém một nhát từ trên xuống dưới vào phía sau đầu T, T ôm đầu đứng dậy hỏi H “làm gì vậy”, H tiếp tục chém nhát thứ hai vào vùng sau cổ của T, T ôm đầu bỏ chạy ra hành lang và được mọi người đưa đi cấp cứu. Tại bản kết luận giám định pháp y thương tích số 333/TgT ngày 05/10/2019, kết luận thương tích của anh T: Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 46%, di chứng để lại: đau đầu, chóng mặt, có ảnh hưởng đến não bộ tăng trương lực vỏ não, vận động cổ hạn chế.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 134; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Phạm Văn H 5 năm tù.
Qua ví dụ trên, tôi cho rằng, Tòa án sơ thẩm kết án bị cáo Phạm Văn H về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134 BLHS là chưa hợp lý. Bởi vì, do bực tức với T nên bị cáo H đã chuẩn bị con dao loại dao chặt xương, to và nặng, đứng phía sau, chủ động chém hai nhát từ trên xuống dưới, vào vùng sau đầu và cổ của Võ Đức T, vị trí hiểm yếu của cơ thể con người, nạn nhân bị chém trong tình trạng hoàn toàn bị động, bất ngờ không thể chống cự được, hành vi của bị cáo thể hiện tính nguy hiểm cao độ, anh T không chết là ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Do vậy, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn H phải bị xét xử về tội Giết người (chưa đạt) mới chính xác (Điều 123 BLHS).
Việc xác định tội danh phải đánh giá đầy đủ các yếu tố thuộc mặt khách quan và chủ quan của tội phạm. Nghị quyết số 04-HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 và Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 của HĐTP TANDTC; Công văn số 03-TANDTC ngày 22/10/1987 và Công văn số 140/CV ngày 11/12/1998 của TANDTC là những văn bản hướng dẫn phân biệt khi xử lý đối với hai tội danh này. Tuy nhiên, những văn bản này được ban hành đã lâu, nội dung hướng dẫn còn chưa cụ thể, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn nên dẫn đến cơ quan THTT áp dụng pháp luật không thống nhất.
1.2. Bị hại không hợp tác đi giám định
Trong một vụ án “Cố ý gây thương tích” thì một yêu cầu bắt buộc đó là xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại. Việc này, do cơ quan giám định thực hiện, theo trưng cầu giám định của cơ quan THTT. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ án nạn nhân lúc đầu đồng ý giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, nhưng khi cơ quan THTT yêu cầu trưng cầu giám định lại thì nạn nhân không đồng ý hợp tác, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Việc bị hại không hợp tác đi giám định thương tích gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan THTT. Tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định về biện pháp dẫn giải có thể áp dụng đối với: “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Đây là một biện pháp cưỡng chế hoàn toàn mới so với BLTTHS năm 2003, quy định này nhằm khắc phục những trường hợp mà người bị hại từ chối việc giám định gây khó khăn trong quá trình giải quyết án hình sự cũng như hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới này cũng có những khó khăn nhất định: Việc bị hại là cá nhân từ chối trưng cầu giám định có được xem là quyền của công dân hay không? Nếu đã là quyền thì dẫn giải họ liệu có hợp lý hay không?
1.3. Về kết quả giám định
Công tác giám định tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý vụ án hình sự. Kết luận giám định là chứng cứ (điểm d Điều 87 BLTTHS năm 2015) để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, để đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Trong thực tế điều tra, truy tố, xét xử còn có khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vụ án “Cố ý gây thương tích”. Khi giám định lại thì cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết quả giám định nào (kết quả giám định lần đầu; kết quả giám định lại lần thứ nhất hay kết quả giám định lại lần thứ hai…) để làm căn cứ truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội?
Ví dụ: Khoảng 19 giờ ngày 19/9/2018, Nguyễn Văn S cùng vợ là Phạm Thị Ch sang nhà vợ chồng ông Châu Văn Th và bà Nguyễn Thị Ng, tại đây phát sinh mâu thuẫn cải nhau về hợp đồng làm cửa gỗ cho nhà S. Th đã đuổi vợ chồng S ra khỏi nhà. Khi ra ngoài cổng nhà Th, tại khu vực trước cổng nhà bà Đào Thi H đối diện nhà Th, giữa bà Ng và vợ chồng S tiếp tục cải nhau dẫn đến bà Ng và bà Ch cầm dép xô xát, đánh nhau. Châu Thị Ngọc L và Châu Thị Ngọc A thấy vậy, đi đến can ngăn và kéo tay mẹ là bà Ng về. Cùng lúc này S quay lại, tay phải cầm một cây côn nhị khúc đánh liên tiếp nhiều cái về phía ba mẹ con bà Ng khiến Châu Thị Ngọc A bị trúng côn sau gáy, Châu Thị Ngọc L bị trúng côn ngay đỉnh đầu ngã xuống đường. Bản giám định pháp y số 216/GĐPY ngày 29/9/2018 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh G kết luận thương tích của Châu Thị Ngọc L bị hội chứng suy nhược sau chấn động não, dễ kích động, chóng mặt, rối loạn thần kinh thực vật. Tỉ lệ tổn thương cơ thể là 12%.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Văn S 24 tháng tù.
Bị cáo kháng cáo để xét xử phúc thẩm với nội dung: Xin giám định lại tỷ lệ thương tích của bị hại Châu Thị Ngọc L; xin được hưởng án treo. Ngày 5/8/2019 Trung tâm pháp y thành phố Đ kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Châu Thị Ngọc L là 04%. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm: Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm b, i, p khoản 1 Điều 51 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn S 8 tháng 12 ngày tù.
Theo quan điểm của tôi, giám định pháp y là lĩnh vực đặc thù, việc sử dụng kết quả của giám định lại để giải quyết vụ án và có quyền phủ quyết kết luận ban đầu là không phù hợp. Trong lĩnh vực giám định pháp y, việc hai tổ chức giám định cùng một nội dung tổn thương, thực hiện ở những thời điểm khác nhau thì dễ dẫn kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể khác nhau. Điều này, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá tính đúng đắn về kết luận giám định của người thẩm phán giải quyết vụ án. Bởi suy cho cùng, kết luận giám định pháp y là của Hội đồng giám định, giám định viên là người có chuyên môn về lĩnh vực pháp y và kết luận giám định cũng là chứng cứ trong vụ án. Việc xem xét đánh giá chứng cứ thế nào để đảm bảo tính chính xác, khách quan thuộc về kỹ năng của Hội đồng xét xử, mà ở đó HĐXX xem xét tính chính xác, tính khoa học của từng kết luận trong mối quan hệ với các tài liệu khác có liên quan của vụ án.
Quay trở lại vụ án trên, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết quả giám định được thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với các chứng cứ khác để kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo và áp dụng khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS để xử phạt bị cáo là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào kết quả giám định về tình trạng thương tích của bị hại sau gần 01 năm kể từ ngày bị đánh, để sửa bản án sơ thẩm, theo quan điểm của chúng tôi là không phù hợp.
1.4. Thu thập chứng cứ
Để xử lý một vụ án hình sự, các cơ quan THTT cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ và phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định trong BLTTHS. Tuy nhiên, thực tế khi vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra, việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn nhất là hung khí gây án, không thu được vật chứng, lời khai của các đối tượng mâu thuẫn, dấu hiệu tổn thương cơ thể xảy ra nhưng không đánh giá được do vật gì gây nên và ai là người thực hiện hành vi phạm tội và đặc biệt, bị can không nhận tội…
Ví dụ: Khoảng 20 giờ ngày 5/7/2016, anh Phan Văn M, Trung tá, Trung đoàn 368 uống bia cùng với bạn là Lê N ở quán Ngọc Hoa xã Hòa S, huyện V, thành phố Đ xong, điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Win đi về. Trên đường đi anh M điều khiển xe loạng choạng nên lời qua tiếng lại với Nguyễn Hồng P. P về nhà lấy đoạn tuýp sắt dài 30cm cầm đuổi theo M. Thấy P hành động như vậy, Nguyễn Hồng P1 (em ruột P) nói với anh Trần Phước L “đi xuống đó xem thế nào”, L đồng ý. P1 lấy cái cờ lê loại 24×24 dài khoảng 30cm cầm theo. L lấy xe mô tô chở P1 cùng anh Nguyễn T chạy theo P. Trên đường đi P1 và L gặp anh Nguyễn Hồng M1 (anh ruột P). Khi L và M1 đến nhà anh Nguyễn H thì thấy P và anh M đã đứng trước cổng nhà anh H, trên tay P cầm đoạn tuýp sắt. Khi xe M1 vừa dừng thì M xông ra đạp vào xe anh M1. Thấy vậy, P1 nhảy xuống xe, cầm cờ lê xông tới đánh anh M, cùng lúc đó P, M1, V cùng xông vào người anh M. Anh M thấy nhiều người nên bỏ chạy vào sân nhà anh Nguyễn H la to “cứu tôi với”. P cầm tuýp sắt, P1 cầm cờ lê cùng M1 và V đuổi theo anh M. P1 dùng cờ lê cùng với P, M1, V đánh anh M nhiều cái. Nghe tiếng kêu la, vợ anh H ra thấy vậy la lên, kêu cứu điện công an đến giải quyết nên tất cả dừng đánh anh M, bỏ chạy ra ngoài đường. Anh M bị thương được mọi người đưa đi cấp cứu. Trung tâm giám định pháp y thành phố Đ kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với anh M là 60% (vết thương thấu bụng xuyên từ trước ra sau gây thủng đại tràng ngang, đã được khâu lỗ thủng; đứt một nhánh động mạch dưới tụy, tổn thương một nhánh bạch mạch; vết thương phần mềm thành ngực, trán).
Vật chứng thu được: 01 cờ lê 24×24; 01 chiếc dép phải; 01 cái áo thun màu đen; 01 áo sơ mi nam và 01 quần kaki màu đen.
Sau khi thụ lý, nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá các tình tiết, tài liệu thu thập trong vụ án, Tòa án quyết định trả hồ sơ cho VKS làm rõ một số nội dung sau: Làm rõ cơ chế vết thương thấu bụng Phan Văn M gây thủng đại tràng ngang, đứt động mạch do vật gì tác động vào, ai là người gây ra vết thương đó cho bị hại M; Giám định thương tích đối với anh M chưa đúng quy định. Đề nghị giám định lại và làm rõ tỉ lệ phần trăm thương tích của từng tổn thương trên người nạn nhân; Làm rõ Nguyễn Hồng P1 ngoài hành vi dùng cờ lê, Nguyễn Hồng P dùng tuýp sắt, Nguyễn Hồng M1, Mai Xuân V dùng tay, chân còn dùng vật gì khác đánh anh M không?
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, VKS chỉ bổ sung về giám định lại tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại, còn nội dụng về thu thập vật chứng thì VKS không thể bổ sung được. Vết thương thủng đại tràng của bị hại M không rõ vật gì tác động gây ra và ai là người thực hiện hành vi cũng không rõ. Kết luận giám định thương tích của bị hại cũng không xác định được vật gây thương tích. Về phía bị cáo M1 không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bị hại mà chỉ vào can ngăn. Trong quá trình xét xử, bị can thay đổi nhiều lời khai, thậm chí bị can khai báo sang những tình tiết khác nhằm trốn tránh trách nhiệm. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, việc không thu được vật chứng, không có nhân chứng thì không thể kết tội bị cáo đã gây không ít khó khăn trong việc giải quyết vụ án…
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Thực tiễn xác định mặt chủ quan của tội phạm cố ý gây thương tích và một số tội khác còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khó phân biệt với tội giết người quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, nhất là trong trường hợp giết người (chưa đạt). Vì vậy, kiến nghị cơ quan chuyên môn cấp trên cần xây dựng văn bản mới quy định cụ thể, có căn cứ mang tính thực tiễn để xác định rõ mặt chủ quan của tội danh này, từ đó giúp các cơ quan THTT dễ dàng phân biệt trong quá trình giải quyết vụ án.
Bị hại từ chối giám định nếu không có lý do chính đáng phải được xem là hành vi cản trở hoạt động của TTHS. Vì vậy, đề nghị bổ sung khoản 13 vào Điều 466 BLTTHS năm 2015:“Điều 466. Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng… 13.Bị hại từ chối giám định thương tích theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.
Hiện nay, tội phạm “Cố ý gây thương tích” xảy ra nhiều, theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015, việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, đối tượng gây thương tích dưới 11% thì bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Thực tế có nhiều vụ án, bị cáo gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể chỉ từ 01 đến 03%, với hành vi gây thương tích ít nguy hiểm, việc xử lý hình sự trong những trường hợp này là không cần thiết. Tác giả đề xuất, trong quy định của BLHS, cần điều chỉnh mức tối thiểu tỷ lệ tổn thương cơ thể mà bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là từ 04% trở lên.
TANDTC cần có hướng dẫn về việc lấy kết quả giám định nào (kết quả giám định lần đầu, kết quả giám định lại lần thứ nhất,..) làm cơ sở để giải quyết vụ án cố ý gây thương tích. Theo quy định tại Điều 212 BLTTHS năm 2015: “Kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt được sử dụng để giải quyết vụ án”. Còn các trường hợp giám định khác thì không có quy định cụ thể, tránh trường hợp khi giám định kết quả lần đầu, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đúng trình tự thủ tục và căn cứ kết quả giám định để giải quyết vụ án. Sau một thời gian dài, xét xử phúc thẩm lại ra quyết định trưng cầu định lại thì kết quả tỷ lệ tổn thương cơ thể cao hơn, thấp hơn hoặc có trường hợp kết quả là 0%, dẫn đến tình trạng chuyển khung hình phạt, thậm chí là đình chỉ vụ án.
Luật Giám định tư pháp số 44/VBHN-VPQH ngày 10 /12 /2018 của Văn phòng Quốc hội, mặc dù đã có chế tài quy định tại Điều 6 “Các hành vi bị nghiêm cấm” đối với giám định viên tư pháp. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với lỗi cố ý đưa ra kết luận sai, còn lỗi vô ý đưa ra kết luận sai (lỗi do cẩu thả, tự tin thái quá..), do trình độ chuyên môn thấp, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì luật không đề cập. Vì vậy, cần bổ sung quy chế ràng buộc vai trò, trách nhiệm, đối với giám định viên một cách cụ thể hơn, vì giám định viên là người được đào tạo, có chuyên môn trong lĩnh vực pháp y, kết quả giám định chính là nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan THTT áp dụng, giải quyết đúng đắn vụ án.
Khi vụ án hình sự xảy ra, việc thu thập vật chứng có vai trò rất quan trọng, công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng là điểm then chốt trong vụ án. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều vụ án “Cố ý gây thương tích” thì CQĐT không thu thập được hung khí, vật chứng gây án. Chúng tôi kiến nghị, cần xây dựng quy chế rõ ràng, ràng buộc trách nhiệm trong việc thu thập vật chứng của người tiến hành tố tụng không kịp thời, không thu thập được vật chứng gây án của tội phạm do lỗi chủ quan./.
NGUYỄN TẤT TRÌNH (TAQS KV1QK5)/TẠP CHÍ TÒA ÁN