Khóa tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế

12/12/2023 15:15 | 5 tháng trước

(LSVN) - Ngày 09/12/2023 tại thành phố Hải Phòng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chương trình tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến về “Kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế”.

Tham dự chương trình, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Về phía Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng có Luật sư Dương Văn Thành, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư; Luật sư Phùng Khắc Lợi, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.

Về phía Dự án JICA có Luật sư Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA.

02 giảng viên tại khóa tập huấn là Thạc sĩ Phan Trọng Đạt, quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam và Luật sư Kazuhiko Nishihara, Tổng thư ký sáng lập Trung tâm Hòa giải quốc tế Nhật Bản tại Kyoto, Luật sư điều hành Công ty luật quốc tế Honmachi (Nhật Bản).

Ngoài ra, buổi tập huấn còn có sự tham dự trực tiếp của hơn 60 Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng và gần 30 Luật sư trên cả nước tham gia qua hình thức trực tuyến.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế. Đây là một nội dung đội ngũ Luật sư luôn nhận được yêu cầu của các doanh nghiệp khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp trong các quan hệ và hợp đồng kinh tế.

Khóa tập huấn được tổ chức sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế. Qua đó, đội ngũ Luật sư cũng nắm bắt thêm nhu cầu giải quyết tranh chấp của các doanh nghiệp. Tại khóa tập huấn, các chuyên gia sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các Luật sư để có thể đại diện cho các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế một cách hiệu quả. Đồng thời, Dự án JICA đã mời chuyên gia Luật sư Nhật Bản để cùng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này cho Luật sư Việt Nam.

Về phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Luật sư Masanori Tsukahara, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA bày tỏ sự vinh dự khi được tổ chức buổi tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế.

Ông Masanori Tsukahara cho rằng, trên thế giới các cuộc giao dịch thường phát sinh tranh chấp, tại buổi tập huấn, phía JICA có các Luật sư giàu kinh nghiệm sẽ chia sẻ, thảo luận, phát biểu những thông tin bổ ích trong quá trình hòa giải thương mại quốc tế.

Tại buổi tập huấn, Luật sư Nishihara Kuzuhiko tham gia qua hình thức trực tuyến đã trình bày về các nội dung:

- Tổng quan và pháp luật về phương thức hòa giải thương mại;

- Thực tiễn hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Nhật Bản và các quốc gia khác;

- Vai trò và kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại.

Trong phần mở đầu, Luật sư Nhật Bản đã trình bày khái quát về hòa giải thương mại quốc tế. Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp. Các bên tham gia thương lượng một cách tự nguyện, thông qua các thủ tục linh hoạt, không chỉ tập trung vào các tình tiết trong quá khứ và yêu cầu của các bên, mà còn tập trung vào cách mà để giải quyết tranh chấp trong tương lai. Và chỉ khi đạt được thỏa thuận dựa trên quyết định của các bên thì mới có giá trị ràng buộc đối với các bên. Bên cạnh đó, ông cũng trích dẫn một số điều trong Luật Hòa giải mẫu UNCITRAL (Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế) về số lượng hòa giải viên và chỉ định hòa giải viên; liên hệ giữa hòa giải viên và các bên; nghĩa vụ bảo mật; hòa giải viên trong tố tụng trọng tài,... Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế trao quyền thi hành các thỏa thuận giải quyết đạt được thông qua hòa giải (Năm 2019) cũng được vị chuyên gia Nhật Bản chia sẻ, trong đó nêu về phạm vi áp dụng và điều khoản áp dụng khi xảy ra tranh chấp.

Tại Nhật Bản, chế độ hòa giải tại Tòa án của Nhật Bản có lịch sử khoảng 100 năm, bắt nguồn từ Luật Hòa giải cho thuê đất và thuê nhà (1922). Cho đến ngày nay, hòa giải tại Tòa án (Luật Tố tụng hôn nhân và gia đình/Luật Hòa giải dân sự) vẫn được sử dụng nhiều. Khoảng 130.000 cuộc hòa giải quan hệ gia đình được tiến hành hàng năm và khoảng 40.000 cuộc hòa giải dân sự được tiến hành hàng năm.

Một Ủy ban Hòa giải bao gồm một Thẩm phán hoặc một Hòa giải viên và hai Hòa giải viên được lựa chọn từ những người dân thường sẽ tham gia vào quá trình hòa giải, nhưng Hòa giải viên chủ yếu đóng vai trò chính trong việc hòa giải. Trong một số vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đơn yêu cầu hòa giải trước khi khởi kiện (nguyên tắc tiền hòa giải).

Ở nội dung thứ hai, chuyên gia Nhật Bản phân tích về thủ tục hòa giải thương mại quốc tế và tiến trình của phiên hòa giải. Theo đó, thủ tục hòa giải thương mại quốc tế bao gồm 05 bước: (1) Một bên yêu cầu, bên kia đồng ý; (2) Chỉ định hòa giải viên; (3) Hòa giải viên và các bên đương sự chuẩn bị (có các cuộc gặp riêng và cung cấp các giấy tờ); (4) Tiến hành hòa giải (thường diễn ra sau 1-2 tháng kể từ ngày yêu cầu), (5) Hòa giải thành hoặc Hòa giải không thành.

Đối với tiến trình của phiên hòa giải cũng bao gồm 5 bước: (1) Mở đầu (Hòa giải viên chào hỏi); (2) Các bên đưa ra quan điểm, yêu cầu; (3) Xác nhận lại vấn đề và lập chương trình hòa giải; (4) Thảo luận bao gồm các Phiên họp riêng (họp kín/thảo luận với từng bên) và Phiên họp chung; (5) Đi đến thỏa thuận, lập thành văn bản, ký/đóng dấu.

Luật sư Nishihara Kazuhiko cũng chia sẻ thêm, vào ngày Công ước Quốc tế Singapore có hiệu lực (13/9/2020), Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore và Hiệp hội Trọng tài Nhật bản – cơ quan điều hành Trung tâm hòa giải quốc tế Kyoto đã ký Quy chế phối hợp để thúc đẩy hòa giải trực tuyến trong giai đoạn đại dịch Covid-19.  Quy chế phối hợp này được chính thức ban hành nhân dịp kỉ niệm 2 năm ngày thành lập Trung tâm hòa giải quốc tế Kyoto (20/11/2020). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản và Singapore đã phát biểu chúc mừng trong lễ kỷ niệm được tổ chức qua hình thức trực tuyến.

Về kỹ năng của hòa giải viên, ông Nishihara Kazuhiko nhấn mạnh vào tầm quan trọng của một số kỹ năng mà các hòa giải viên cần đạt được như: kỹ năng lắng nghe và quan sát thái độ của người nói, đặt các câu hỏi mở (câu hỏi dạng mô tả), đặt các câu hỏi đóng (dạng nghi vấn), tóm tắt sự việc, diễn giải, kỹ năng đàm phán.

Có 02 phương pháp hòa giải: “Hòa giải thúc đẩy” là phương pháp mà Hòa giải viên sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tự thương lượng và không đưa ra những ý kiến đánh giá của bản thân; và “Hòa giải đánh giá” là phương pháp mà Hòa giải viên sẽ đưa ra đánh giá của mình và thúc đẩy quá trình hòa giải.  

Mở đầu bài giảng tại khóa tập huấn, Thạc sĩ Phan Trọng Đạt, quyền Giám đốc Trung tâm hòa giải Việt Nam đã nêu khái niệm hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này (khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017-CP về hòa giải thương mại).

Đặc thù của hòa giải thương mại là giải pháp do các bên tự nguyện, nhanh chóng, duy trì quan hệ và uy tín, thi hành, linh hoạt và sáng tạo, bảo mật thông tin. Hòa giải thương mại có một số nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng; bí mật thông tin, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác; thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba; thỏa thuận hòa giải trước, sau, trong quá trình giải quyết tranh chấp (theo Điều 4,6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Kết quả hòa giải thành lập thành văn bản, và có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Thủ tục công nhận được quy định trong Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam

Thạc sĩ Phan Trọng Đạt giới thiệu một số thông tin về Trung tâm Hòa giải Việt Nam.

Theo đó, Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 279/QĐ-VIAC của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); cùng với Quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm Hòa giải Việt Nam và là Trung tâm hòa giải đầu tiên tại Việt Nam.

Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) được VIAC ủy quyền giải quyết các tranh chấp, gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác.

Nhiệm vụ của Trung tâm Hòa giải Việt Nam bao gồm: Tổ chức hoạt động giải quyết tranh chấp bằng hòa giải theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình hòa giải, Tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các đối tượng quan tâm; tiến hành bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của hòa giải viên; tham gia các đề án, dự án phát phát triển hòa giải thương mại và đồng hành, góp sức cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xúc tiến, tổ chức đại diện doanh nghiệp.

Hiện nay, Trung tâm Hòa giải Việt Nam có 45 hòa giải viên Việt Nam và 13 hòa giải viên nước ngoài.

Tiếp đến, ông Phan Trọng Đạt phân tích về quy trình hòa giải điển hình tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam. Trong giai đoạn chuẩn bị bắt đầu hòa giải, Trung tâm hỗ trợ các bên đạt thỏa thuận hòa giải, gửi Bản đề nghị hòa giải (nếu chưa có thỏa thuận hòa giải), gửi Bản yêu cầu hòa giải (kèm theo thỏa thuận hòa giải), Đăng ký Hòa giải. Khi bắt đầu thủ tục hòa giải, chọn hoặc chỉ định Hòa giải viên; công khai của Hòa giải viên; Hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải.

Trong giai đoạn tiến hành hòa giải, các bên gửi bản trình bày ý kiến và tổ chức các phiên hòa giải. Ở giai đoạn kết thúc, các bên thống nhất các phương án giải quyết, soạn thỏa thuận hòa giải thành, các bên ký thỏa thuận hòa giải thành, triển khai thực hiện. 

Trong nội dung cuối cùng của bài giảng, Thạc sĩ Phan Trọng Đạt nêu ra những vai trò của Luật sư trong toàn bộ quy trình hòa giải. Ở giai đoạn chuẩn bị, trao đổi với Hòa giải viên về thông tin vụ việc, lập chiến lược đàm phán với khách hàng; lựa chọn địa điểm hòa giải. Khi tham gia vào quy trình hòa giải, Luật sư cần thể hiện được các tiêu chí là giúp truyền đạt thông tin một cách chọn lọc, phù hợp; hỗ trợ khách hàng giải thích các vấn đề tranh chấp, phân tích hai mặt của các giải pháp đề xuất; giúp diễn giải rõ ý kiến, câu hỏi của Hòa giải viên cho khách hàng; Luật sư sử dụng các kỹ năng tổng hợp gồm nghe, nói, giải quyết vấn đề, tư vấn và thương lượng để tham gia tích cực vào quá trình hòa giải.

Luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng tham gia đàm phán giúp giữ vị thế tốt nhất; đại diện đưa ra các quan điểm nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đồng thời đề xuất các phương án nhượng bộ đúng pháp luật và phù hợp với những gì đã trao đổi trước đó với khách hàng; đưa ra các phân tích, lý lẽ và các phương án đề xuất (bao gồm đánh giá lợi thế và bất lợi) khi khách hàng – Luật sư không thống nhất về quan điểm tại phiên họp riêng hoặc trao đổi nội bộ. Trong giai đoạn hòa giải thành, Luật sư có vai trò trong việc soạn thảo văn bản hòa giải thành và theo dõi các bước tiếp theo để thực thi thỏa thuận.

Sau phần chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của 02 chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản, các Luật sư tham dự khóa tập huấn đã tham gia trả lời một số câu hỏi tình huống do các giảng viên đưa ra như: Đối tượng soạn thảo thỏa thuận hòa giải thành, cách trình bày vấn đề trong bản đề nghị hòa giải khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, trách nhiệm của các bên tham gia trong quy trình hòa giải,...

Bên cạnh đó, hai giảng viên cũng giải đáp một số câu hỏi của những người tham dự về phạm vi áp dụng một số quy định pháp luật khi giải quyết các vụ việc tranh chấp, cơ chế biểu phí của các trung tâm hòa giải tại Việt Nam và Nhật Bản, tính độc lập trong hoạt động của các trung tâm hòa giải, điều kiện và căn cứ để công nhận kết quả hòa giải thành tại nước sở tại khi áp dụng tại một nước khác, trường hợp các bên không thi hành sau khi có kết quả hòa giải thành. 

Khóa tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia hòa giải thương mại quốc tế đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Tại khóa tập huấn, các giảng viên đã trình bày về các kiến thức, những kinh nghiệm của luật sư khi tư vấn và giải quyết các vụ việc tại các trung tâm hòa giải thương mại trong nước và quốc tế. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại bằng hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến, được ưa chuộng ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường và các doanh nghiệp nước ngoài khi giải quyết tranh chấp.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam giá cao tâm huyết của các chuyên gia trong việc nghiên cứu và chia sẻ những kinh nghiệm hành nghề thực tiễn trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, cùng với đó là những nội dung trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại khóa tập huấn này là rất cần thiết, kịp thời và hữu ích, từ đó giúp các Luật sư có thêm hiểu biết, nâng cao kỹ năng đàm phán, tư vấn, đại diện cho các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế một cách hiệu quả.

PV

Một số khó khăn, vướng mắc về xóa án tích theo quy định của pháp luật hình sự