Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại báo cáo ngày 23/8 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Theo đó, tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội, dự thảo mới nhất bỏ nội dung các giao dịch bất động sản phải qua sàn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, khách hàng được tự chọn phương thức giao dịch. Tuy nhiên, luật sẽ bổ sung quy định về khuyến khích giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất qua sàn bất động sản.
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật trình Chính phủ, Bộ Xây dựng tiếp tục xin ý kiến Chính phủ về vấn đề giao dịch bất động sản qua sàn theo 02 phương án.
Phương án 1 quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản thông qua sàn giao dịch.
Còn với phương án 2 quy định bắt buộc mua bán, giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn, Bộ Xây dựng cho rằng việc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng các bên.
Liên quan vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình hai phương án.
Phương án 1 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.
Phương án 2 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với phương án 1, bởi khi thiết kế cơ sở được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn về xây dựng, tính pháp lý của dự án sẽ đủ rõ với người mua. Về phía doanh nghiệp, họ chủ động hơn về phương án kinh doanh, hoàn thiện thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở.
Tỉ lệ đặt cọc tối đa 10%, theo cơ quan thẩm tra, là mức hợp lý để đảm bảo doanh nghiệp nhận tiền cọc như một kênh huy động vốn. Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định các bên phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua trong thỏa thuận đặt cọc, giúp ràng buộc trách nhiệm và bảo đảm giao kết hợp đồng.
Còn việc cho phép thu tiền cọc khi nhà ở, công trình có đủ điều kiện kinh doanh sẽ không còn ý nghĩa của đặt cọc, mà bản chất trở thành thanh toán hợp đồng theo tiến độ.
TRẦN QUÝ
Đề xuất lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất