(LSO) - Những người thực hiện hành vi đó là biểu hiện của sự cùng quẫn, không lối thoát nhưng hoàn toàn không phải là bộc phát và nghĩ quẩn...
Trước đây, đã xảy ra các vụ tỏ thái độ phản kháng với phiên tòa bằng nhiều hình thức khác nhau: Nhảy lầu (Bình Phước), tự sát (cũng Bình Phước, ở một vụ tranh chấp đất đai ông đứng nguyên đơn), mổ bụng (một cựu sỹ quan Công an làm việc này trước tòa), uống thuốc sâu (một phụ nữ lớn tuổi thực hiện điều này trong phiên tòa ở Bình Thuận),... Mới đây nhất, những hình ảnh về bố con cô giáo khỏa thân trên đường phố nhằm thu hút chú ý của mọi người về sự khuất tất của một bản án khiến người thân của họ phải đi tù.
Những người thực hiện hành vi đó là biểu hiện của sự cùng quẫn, không lối thoát nhưng hoàn toàn không phải là bộc phát và nghĩ quẩn. Họ làm việc đó một cách có ý thức với thông điệp rõ ràng là yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại, khách quan và trung thực các vụ án của họ, mặt khác, tìm đến cái chết cũng tự để minh oan cho mình.
Thông điệp cảnh báo và thức tỉnh đó đã có một Thẩm phán kỳ cựu, Đại biểu Quốc hội từng cho rằng "là bài học đau xót của ngành tòa án". Tuy nhiên, "bài học đau xót" đó ít người học, bằng chứng là các vụ việc tương tự vẫn xảy ra và ngày càng nhiều hơn.
Mới đây, một phiên tòa xét xử về tội cố ý gây thương tích tại Tòa án một huyện thuộc Hà Nội có những "điểm mờ" hoặc "bỏ qua", chỉ chấp nhận lời khai một phía,... được Luật sư chỉ ra. Những cái đó rất rõ ràng, ai cũng phải thừa nhận nhưng vị Thẩm phán xét xử tuyên bố là "cơ quan điều tra có thiếu sót nhưng không làm thay đổi sự thật khách quan của vụ án này". Nếu cứ lập luận theo kiểu như vậy thì làm sao hạn chế được nỗi oan sai và bảo vệ được pháp luật và công lý?
Báo chí khi đưa tin về các vụ việc này, thường bị cho là "nhạy cảm" nên cũng rụt rè, có mức độ. Tuy nhiên, loại từ việc "giật gân", "câu khách" cần phê phán thì việc phản ánh những "bài học đau xót" là việc làm cần thiết. Nếu không phơi bày trên công luận thì ai là người sẽ đi đến tận cùng "sự thật khách quan" đây? Và, Luật sư chính là người cần tham gia và cần đi đến tận cùng sự thật khách quan đó!
NHỊ NGỌC