Kiểm sát việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội

16/01/2018 17:37 | 6 năm trước

LSVNO - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí, đã ký Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra...

LSVNO - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí, đã ký Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/01/2018.

Ảnh minh họa.

Theo quyết định, khi kiểm sát việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội, Kiểm sát viên cần chú ý các nội dung sau:

Thứ nhất, kiểm sát chặt chẽ việc chuyển đơn yêu cầu người bào chữa của cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ; việc thông báo cho người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam về việc người đại diện hoặc người thân thích của họ đã có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa theo đúng quy định tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự; việc bảo đảm quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, trường hợp người bị buộc tội thuộc diện được chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự mà cơ quan có thẩm quyền điều tra không yêu cầu hoặc đề nghị chỉ định người bào chữa thì Kiểm sát viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra ra văn bản yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức có liên quan cử người bào chữa. Nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức có liên quan cử người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa. Việc thay đổi người bào chữa do cơ quan đã yêu cầu hoặc đề nghị chỉ định người bào chữa xem xét, giải quyết; việc từ chối người bào chữa phải được lập biên bản và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu bào chữa của bị can, người đại diện hoặc người thân thích của bị can; đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện tiến hành các thủ tục chỉ định người bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khi người bào chữa đăng ký bào chữa, Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ người bào chữa xuất trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự, kiểm tra điều kiện không được tham gia bào chữa của người bào chữa theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận đủ giấy tờ, nếu đủ điều kiện, Kiểm sát viên vào sổ đăng ký bào chữa và ra văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ; trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết.

Trường hợp bị can có yêu cầu đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa thì Kiểm sát viên phải tạo điều kiện thuận lợi để bị can thực hiện quyền của mình.

Quyết định này thay thế Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự.

Được biết vào năm 2016, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-VKSTC ban hành quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Vi phạm quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, thủ tục bắt buộc chữa bệnh; việc yêu cầu cử người bào chữa trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc; Cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định,văn bản tố tụng hình sự; Cố ý vi phạm quy định về quyền của luật sư hoặc những người tham gia tố tụng khác trong quá trình tố tụng.

Với các quy định cụ thể của VKSND tối cao, hy vọng những người tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, đảm bảo quyền của luật bào chữa trong suốt trình tố tụng, bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

 

Hồng Hà