Kiến nghị bỏ quy định đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung

09/05/2024 05:14 | 1 tuần trước

(LSVN) - Nhấn mạnh việc không yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung không có nghĩa là quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ chặt chẽ, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hệ thống pháp luật hiện tại đã được ban hành và triển khai để xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT lớn phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Ảnh minh họa.

Bộ Công thương dự định yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử (sàn TMĐT) lớn phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Quy định này đang khiến các sàn TMĐT trong nước lo ngại bị hạn chế cơ hội kinh doanh vì chồng chéo các thủ tục hành chính, đánh mất lợi thế cạnh tranh so với các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vừa được Bộ Công thương gửi đến các Hiệp hội, doanh nghiệp góp ý có dự kiến "bổ sung dịch vụ nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử vào danh mục dịch vụ phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung".

Theo ý kiến của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi Bộ Công thương vào tháng 01/2024, cơ quan này cho rằng quy định nêu trên có nguy cơ gây chồng chéo về thủ tục hành chính.

Bởi Nghị định 52/2013/NĐ-CP hiện nay đã quy định rất rõ ràng về việc kiểm soát điều kiện giao dịch chung của các sàn TMĐT. Cụ thể, các sàn TMĐT phải đăng ký mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung trong thủ tục đăng ký sàn TMĐT, cũng như phải thông báo sửa đổi, bổ sung thông tin khi có thay đổi về nội dung này. Ngoài ra, các sàn TMĐT cũng được yêu cầu phải đáp ứng các quy định cụ thể về nội dung, hình thức và cơ chế người tiêu dùng thể hiện sự đồng ý với điều kiện giao dịch chung.

VCCI cũng nhận định thị trường TMĐT ở Việt Nam mới đang phát triển ở giai đoạn đầu, với quy mô giao dịch TMĐT còn tương đối thấp. Năm 2022, tỷ trọng doanh thu TMĐT bán lẻ trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam (7,5%) chỉ bằng chưa tới 1/3 tỷ trọng của Trung Quốc (27,2%).

Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đang cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2023, số lượng website/ứng dụng TMĐT được đăng ký lên tới 1.205 website/ứng dụng. Trong 10 năm qua, thị trường chứng kiến sự xuất hiện, rời bỏ liên tục của các nhà cung cấp dịch vụ, trong đó có cả những thương hiệu lớn như sàn Adayroi (Vingroup), sàn Lotte.com (Lotte),... Mới đây, sự xuất hiện và tăng trưởng chóng mặt của TikTok Shop cũng đã tạo nên những xáo trộn nhất định trên thị trường.

Từ đó, VCCI cho rằng, hiện nay rất nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đang áp cho sàn TMĐT, bao gồm các quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Quyết định trên. Cũng theo VCCI, các quy định mới nếu đi vào thi hành chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp đăng ký và hoạt động tại Việt Nam mà không áp dụng cho các đơn vị hoạt động xuyên biên giới khiến thủ tục hành chính gia tăng sẽ làm tăng chi phí tuân thủ, cũng như mất thời gian và các cơ hội kinh doanh của sàn. Vô hình chung tạo thêm những gánh nặng, bất lợi lớn cho các sàn TMĐT nội địa.

Trong văn bản góp ý nêu trên, VCCI cũng nhấn mạnh việc không yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung không có nghĩa là quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ chặt chẽ, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hệ thống pháp luật hiện tại đã được ban hành và triển khai để xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, cơ quan này đề nghị bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT lớn phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Đồng quan điểm, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ quy định này. 

Hiệp hội nhấn mạnh: Ngành TMĐT Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước, tuy nhiên TMĐT còn gặp rất nhiều khó khăn. VECOM và các thành viên hy vọng hành lang pháp lý đối với ngành TMĐT sẽ ngày được hoàn thiện theo hướng mở rộng, khuyến khích đổi mới sáng tạo và phối hợp quản lý, thay vì thắt chặt kiểm soát và hạn chế phát triển.

Thời gian gần đây, thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, dần trở thành một kênh mua sắm quan trọng, bên cạnh thương mại truyền thống trực tiếp. Sự phát triển của TMĐT tạo thêm lựa chọn kênh mua sắm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, TMĐT vẫn chưa phải là một dịch vụ thiết yếu bởi sau dịch Covid-19, nhiều người dân đã quay lại với thói quen mua sắm trực tiếp, và đồng thời kết hợp nhiều kênh mua sắm khác nhau.

QUÝ NGUYÊN

Xây dựng hệ thống vị trí việc làm ngành Thuế để thực hiện cải cách tiền lương