Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đối diện với mức án nào?
(LSVN) -
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Bắt giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Ngày 11/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng tội danh, Cơ quan điều tra cũng khởi tố hai bị can khác gồm ông Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên, cùng là cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế. Ông Liệu được tại ngoại, còn ông Liên hiện bị tạm giam trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Đây là diễn biến tố tụng mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long.
Trước đó, tháng 11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với hai bị can về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc) và Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long).
Theo điều tra, các bị can tại Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính về thực hiện, quyết toán hợp đồng đặt hàng, giữ lại 3.848.000 USD tiền giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Với ông Cao Minh Quang, ngoài vụ án trên, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao còn cho rằng hành vi của ông Quang có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ buôn thuốc giả tại VN Pharma. Viện Kiểm sát đã đề nghị tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang để xem xét xử lý theo quy định.
Có thể đối mặt với hình phạt đến 12 năm tù
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: Thời gian qua trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn có sự chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì rất nhiều cán bộ cao cấp bị bắt trong đó có lĩnh vực y tế. Kết quả giải quyết các vụ án kinh tế tham nhũng thời gian vừa qua cho thấy quyết tâm của đảng và nhà nước ta trong phòng chống tham nhũng là liên tục, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Bởi vậy, quyết định khởi tố cửu Thứ trưởng bộ y tế Cao Minh Quang có lẽ không bất ngờ với nhiều người bởi trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và tiến hành điều tra đối với một số cán bộ trong ngành y tế và xảy ra tại công ty dược phẩm Cửu Long và vụ án VN Pharrma. Cả hai vụ án này đều xảy ra trong quá trình ông Cao Minh Quang đang đương chức và có những trách nhiệm có liên quan.
Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang (66 tuổi) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên (2 cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Y tế) cũng bị khởi tố về tội danh trên. Ông Liệu được tại ngoại, còn ông Liên hiện bị tạm giam trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan. Các bị can bị cáo buộc có sai phạm liên quan việc mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir Phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 năm 2006. Đây là hoạt động khi nhà chức trách điều tra mở rộng vụ vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Ông Quang bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 360 bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể đến 12 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự.
Như vậy, để buộc tội ông Cao Minh Quang về tội danh này thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông này là người có chức vụ quyền hạn liên quan đến vụ án xảy ra tại công ty dược Cửu Long (tại thời điểm ông này đương chức), ông này vì thiếu trách nhiệm mà đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên. Trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì vị Cựu Thứ trưởng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Đây là khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng trong vụ án này bởi thiệt hại mà các bị can đã gây ra đối với xã hội là rất lớn.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của ông này đối với vụ VN Parrma và quá trình thực hiện nhiệm vụ thời kỳ đương chức, nếu còn có những sai phạm khác có đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Một cán bộ với nhiều năm công tác, đạt được nhiều thành tích nhưng lại bị xử lý hình sự liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý thì đó là điều rất đáng buồn, điều này cho thấy công tác cán bộ ở nhiều địa phương còn có những tồn tại, những góc khuất khiến hàng loạt cán bộ cao cấp trong lĩnh vực này vi phạm pháp luật phải bị xử lý hình sự.
Thời gian gần đây cơ quan điều tra liên tục phát hiện, xử lý nhiều cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y tế, trong đó có giám đốc bệnh viện lớn, giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh... cho thấy những vấn đề đáng báo động trong lĩnh vực y tế. Lĩnh vực y tế là lĩnh vực được cả xã hội tôn vinh và có nhiệm vụ rất cao cả là bảo vệ sức khỏe nhân dân, tuy nhiên những cán bộ cao cấp, những người được coi là tinh túy của ngành này thì lại vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự. Những vụ án hình sự xử lý đối với những cán bộ này là những thiệt hại rất lớn về nguồn nhân lực và làm giảm sút uy tín của ngành này đối với xã hội. Vụ án cũng bộc lộ những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực y tế, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức của một số cán bộ lãnh đạo dẫn đến những vụ án đau lòng, gây thiệt hại đến tài sản, quyền lợi của nhà nước và nhân dân.
Ngành y tế là một lĩnh vực đặc thù, là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân, là nghề được cả xã hội tôn vinh, yêu quý. Ngày này đòi hỏi đạo đức cao và rất cẩn trọng vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người. Tuy nhiên thời gian gần đây nhiều cán bộ có chuyên môn cao, có vị trí công tác ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt lại vi phạm pháp luật cho thấy những vấn đề rất đáng lo ngại về công tác dân sự trong lĩnh vực này. Đến những người có đạo đức cao như thầy thuốc, thầy giáo mà còn vi phạm pháp luật thì chứng tỏ đạo đức xã hội đã có những sa sút, có những vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân của sự suy thoái này. Cần phải có những giải pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực y tế, làm tốt công tác cán bộ và không để xảy ra những vụ án xuất phát từ sự thao túng của một số doanh nghiệp.
Thời gian gần đây trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thì các bị can thường là quan chức và người của doanh nghiệp. Hành vi phạm tội thường có sự cấu kết giữa cán bộ nhà nước với doanh nghiệp tạo thành những "ê kíp", những "sân sau" để thao túng quyền lực nhà nước, gây thiệt hại đến tài sản công, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy đã đến lúc cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường cơ chế chính sách để quản lý kinh tế chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là quản lý quyền lực nhà nước, tránh việc lộng quyền, lạm quyền, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích tư lợi cá nhân, tạo bè phái, vây cánh để gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước và xã hội.
Để giảm thiểu những vụ án đau lòng như thế này thì cần xem lại quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Cần thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cán bộ trong lĩnh vực này. Đồng thời cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để có những công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc quản lý đối với lĩnh vực này. Những vụ án gần đây cho thấy mỗi khi các doanh nghiệp, cá nhân bị khởi tố thường kéo theo các cán bộ liên quan đến lĩnh vực, đến ngành đó. Điều này cho thấy đang có hiện tượng có sự cấu kết giữa cán bộ quản lý nhà nước với doanh nghiệp, hiện tượng "sân sau" đã xuất hiện trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Bởi vậy cần phải sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hiện tượng sân sau như vậy mới giảm được những vụ án làm "tiêu hao" cán bộ như vụ án này.
TIẾN HƯNG
Bắt giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà ở
1. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ
(LSVN) - Được biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Vậy theo quy định mới này, việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ cần những điều kiện gì? Bạn đọc P.O. hỏi.
Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Cụ thể, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định rõ về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Theo đó, cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và các điều kiện sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:
- Có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
- Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, trong đó có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần trong chương trình đào tạo.
- Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đã đào tạo và cấp bằng trình độ đại học ngành tương ứng, hoặc ngành phù hợp trong trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học chưa có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo.
Cơ sở đào tạo không đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này phải thuyết minh sự đáp ứng vượt trội về các điều kiện khác so với quy định tại Thông tư này và so với các cơ sở đào tạo trong nước, bao gồm: đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, uy tín chuyên môn); cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; năng lực và kết quả nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; số ngành đào tạo và số người học đã được cấp bằng tốt nghiệp thạc sĩ của cơ sở đào tạo; ngành đào tạo dự kiến mở thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc có nhu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh, kiểm tra thực tế và xem xét, quyết định mở ngành trong trường hợp này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04/3/2022. Thông tư này thay thế Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học; Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.
MAI HUỆ
Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học
2. Quy định về phối hợp trong việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi
(LSVN) - Trường hợp cần ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp cung cấp cho Kiểm sát viên biết về diễn biến tâm lý, thái độ của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và các thông tin liên quan để phục vụ việc lấy lời khai và hỏi cung.
Ảnh minh họa.
Vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Trong đó, quy định về phối hợp trong việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.
Cụ thể, việc lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Điều 188, Điều 421 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018.
Trường hợp người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý, Điều tra viên có thể mời thêm người thân trong gia đình, đại diện nhà trường, chuyên gia tâm lý, đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các tổ chức, cá nhân khác tham gia khi lấy lời khai để phối hợp hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bị xâm hại tình dục. Người được mời tham gia có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Điều tra viên ổn định tâm lý cho người bị xâm hại tình dục và phải giữ bí mật thông tin liên quan đến việc lấy lời khai.
Hoạt động lấy lời khai người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại các điều 183, 186, 421 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018 và quy định tương ứng tại khoản 1 Điều này.
Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc lấy lời khai, hỏi cung của Điều tra viên; nếu thấy lời khai chưa rõ, còn mâu thuẫn, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thì yêu cầu Điều tra viên lấy lời khai, hỏi cung bổ sung; nếu phát hiện có vi phạm trong việc lấy lời khai, hỏi cung thì yêu cầu Điều tra viên khắc phục ngay. Điều tra viên có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Kiểm sát viên. Nếu thấy cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung. Điều tra viên có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện để Kiểm sát viên lấy lời khai, hỏi cung theo quy định pháp luật.
Trường hợp cần ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp cung cấp cho Kiểm sát viên biết về diễn biến tâm lý, thái độ của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và các thông tin liên quan để phục vụ việc lấy lời khai và hỏi cung.
TIẾN HƯNG
Thực hiện dự án xử lý rác thải có phải thành lập doanh nghiệp không?
CHIỀU
1. F0 vẫn đi làm: Tại sao không?
(LSVN) - Thời gian gần đây, mặc dù số ca mắc Covid-19 ở nước ta tăng nhanh nhưng số ca tử vong lại giảm mạnh. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực trong việc phòng chống, đẩy lùi và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về tác dụng tích cực, hiệu quả của chiến lược phòng chống Covid-19 mới, nhất là chiến dịch bao phủ vaccine đã mang lại kết quả vượt xa ngoài mong đợi.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là những người bị mắc Covid-19 hay còn gọi là F0 có nên tạo điều kiện để họ trở lại công việc thường ngày hay không? Hiện nay, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng đa số đồng tình với việc cho phép F0 trở lại làm việc theo đề nghị của Bộ Y tế, với một số biện pháp, điều kiện đi kèm.
Có thể nói, việc cho phép những người bị F0 không triệu chứng trở lại làm việc trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, hợp lý. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, độ bao phủ vaccine hiện nay của nước ta rất cao, gần như 100% người từ 12 tuổi trở lên nếu có bệnh mà không thể tiêm thì đều đã được tiêm đủ 2 mũi, trong đó nhiều người đã tiêm mũi tăng cường thứ 3. Do đó, nếu cho phép F0 không triệu chứng đi làm việc bình thường thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của họ. Mặt khác, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất hạn chế, trường hợp lỡ lây cho người khác thì bệnh cũng nhẹ, vì đã được tiêm ngừa đủ liều.
Thứ hai, trong giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội hiện nay rất cần nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh đang tăng cao, 'khát' nhân công. Đặc biệt là lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, nhất là kế hoạch hoàn thành các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Nếu chúng ta quá cứng nhắc không tạo điều kiện cho F0 được đi làm sẽ vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch do thiếu nhân công, vừa làm cho cuộc sống người lao động lỡ mắc F0 thêm khó khăn vì không có thu nhập trang trải cuộc sống.
Thứ ba, đối với lĩnh vực hành chính công, khi số lượng cán bộ, công chức mắc Covid-19 tăng cao nếu F0 không đi làm sẽ không có người tiếp nhận, giải quyết nhu cầu về thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức, nhất là các lĩnh vực không thể thực hiện trực tuyến. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của tổ chức, công dân, nhất là giải quyết các thủ tục giấy tờ cần thiết, cấp bách cho sinh hoạt, tìm việc làm. Chẳng hạn, mấy ngày gần đây nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân tăng đột biến, bởi khi dịch bệnh được đẩy lùi thì nhiều các nước đã mở cửa để thu hút lao động người nước ngoài trở lại làm việc và người lao động Việt Nam cũng cần nắm bắt cơ hội đó. Vì vậy, trong lĩnh vực hành chính nhà nước cũng rất cần có nhân lực để phục vụ kịp thời, nhanh chóng nhu cầu của người dân, tổ chức, nếu F0 nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc.
Ngoài ra, việc cho phép F0 được đi làm, sinh hoạt bình thường cũng là giải pháp đẩy nhanh phương châm 'bình thường mới', nhất là thích ứng linh hoạt, 'sống chung' với dịch bệnh. Bởi dịch Covid-19 hiện nay đang tiến tới được coi là băng đặc hữu, thông thường đã có thuốc chữa và không còn quá nguy hiểm, đe dọa nhiều đến sức khỏe, tính mạng của người dân nếu tuân thủ 5K và tiêm vaccine đầy đủ./.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Hạn chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị từ tiền dự án
2. Nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định RCEP
(LSVN) - Đây là điểm đáng chú ý tại Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 do Bộ Công thương ban hành quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP).
Ảnh minh họa.
Tại Điều 25 Thông tư quy định rõ về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan. Theo đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhà nhập khẩu nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn hiệu lực cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu.
Hàng hóa có xuất xứ từ nước thành viên xuất khẩu có trị giá hải quan không quá 200 (hai trăm) đô-la Mỹ hoặc số tiền tương đương hoặc cao hơn tính theo đồng tiền tệ của nước thành viên nhập khẩu được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với điều kiện việc nhập khẩu không phải là một chuỗi liên tiếp hoặc cố tình chia nhỏ lô hàng với mục đích lẩn tránh việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan.
Trường hợp hàng hóa vận chuyển qua một hay nhiều nước thành viên không phải là nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Thông tư này, cơ quan hải quan có thể yêu cầu nhà nhập khẩu nộp chứng từ chứng minh theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư này.
Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được nộp cho cơ quan hải quan quá thời hạn quy định, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn có thể được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn nêu trên là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng khác nằm ngoài kiểm soát của nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu.
Về nộp bổ sung chứng từ để được hưởng ưu đãi thuế quan, Thông tư cũng quy định cụ thể trường hợp chưa kê khai để hưởng ưu đãi thuế quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu, để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhà nhập khẩu có trách nhiệm:
- Khai rõ xuất xứ hàng hóa và khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Tờ khai hải quan nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
- Khai bổ sung và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/4/2022.
DUY ANH
Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định RCEP
3.
SÁNG
1. Cần làm gì khi vẫn chưa nhận được căn cước công dân?
(LSVN) - Được biết, Chính phủ yêu cầu các địa phương đến ngày 30/6/2021 phải hoàn thành 100% việc làm và cấp thẻ căn cước cho công dân. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 06 tháng, nhiều người dân mặc dù đã được làm nhưng vẫn chưa được nhận thẻ căn cước công dân theo quy định. Vậy người dân cần làm gì khi đến nay vẫn chưa được trả thẻ?
Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công an cho biết, thời gian qua, việc trả thẻ căn cước công dân đến tay người dân diễn ra còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, trong đó đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, làm phong tỏa, giãn cách xã hội diện rộng, kéo dài, làm nguồn cung chíp điện tử dùng để sản xuất thẻ căn cước công dân nhập khẩu từ nước ngoài chưa kịp thời; ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thu thập thông tin dân cư và việc in trả thẻ; nhiều trường hợp công dân bị sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu...
Tính đến ngày 16/02/2022, Bộ Công an đã cấp và trả về Công an các địa phương khoảng 60 triệu thẻ căn cước công dân, trong đó đến tay công dân khoảng 58 triệu thẻ, còn khoảng 2 triệu thẻ Bộ Công an đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để trả đến tay người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công an đã và tiếp tục tiến hành một số biện pháp nhằm giải quyết nhanh nhất các nhu cầu của người dân, nhất là chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện sản xuất và trực tiếp hoặc đôn đốc, phối hợp với Bưu điện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương trả thẻ căn cước công dân đến tay người dân; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định liên quan đến công tác cấp căn cước công dân, công tác quản lý cư trú.
Cùng với đó, Bộ Công an đã khai trương Tổng đài 1900.0368 hướng dẫn, hỗ trợ công dân; công khai các địa chỉ số như email dancuquocgia@mps.gov.vn và facebook fanpage Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (facebook.com/ttdldc) để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến căn cước công dân.
Trường hợp công dân gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến căn cước công dân, đề nghị liên hệ tới những địa chỉ nêu trên để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, giải quyết.
HỒNG HẠNH
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp
2. Hoàn thiện một số vấn đề về tội ‘Vô ý làm chết người’
(LSVN) - Bài viết chỉ ra cấu thành tội "Vô ý làm chết người", phân tích các hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật của tội phạm này. Từ đó kiến nghị một số biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật; tăng cường đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Ảnh minh họa.
Quyền sống là quyền thiêng liêng và cao quý của con người. Vì thế, ngoài việc quy định các hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người khác, pháp luật hình sự còn ghi nhận hành vi vô ý làm chết người cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này là hợp lý, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn gặp phải một số vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
1. Các yếu tố cấu thành tội "Vô ý làm chết người"
Khách thể: Tội "Vô ý làm chết người" xâm phạm đến quyền sống của con người, khách thể trực tiếp của tội này là quyền sống hay còn gọi là quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng của con người.
Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm các quy tắc bảo đảm an toàn tính mạng con người, qua đó gây hậu quả chết người. Các quy tắc bảo đảm an toàn tính mạng con người có thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy định, cũng có thể chỉ là những quy tắc xử sự trong xã hội thông thường mà mọi người đều biết và thừa nhận.
Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội này. Hành vi khách quan thuộc cấu thành tội này phải dẫn đến hậu quả chết người, mối quan hệ nhân quả phải được làm rõ và là dấu hiệu bắt buộc.
Tuy nhiên, cần chú ý nếu hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực và gây hậu quả chết người nhưng đã được quy định thành các tội riêng thì người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng mà không bị xử lý về tội "Vô ý làm chết người".
Chủ thể: Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý, bao gồm vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
2. Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tội "Vô ý làm chết người".
Vướng mắc trong định tội danh:
Xuất phát từ thực tiễn đa dạng của hành vi khách quan trong tội "Vô ý làm chết người", việc quy định như Điều 128 BLHS là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cần xác định quy tắc an toàn nào đã bị vi phạm, nhưng các quy tắc đó không phải lúc nào cũng được quy định, xác định rõ ràng, cụ thể. Do đó, nhiều trường hợp còn vướng mắc, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Ví dụ: Khoảng 11h00 ngày 12/02/2021, A (chiến sỹ) thực hiện nhiệm vụ trực gác tại đơn vị thì trời mưa, B từ phòng nghỉ đơn vị chạy ra giúp A đưa đồ vào trong phòng trực gác rồi ngồi lại cùng nói chuyện. Quá trình nói chuyện A cầm súng, đột nhiên A nói với B: “Mày dám bóp cò không B” rồi cầm súng bằng hai tay, nòng súng kề vào ngực mình, báng súng quay về phía B. Thấy A vừa nói vừa cười, nghĩ A nói đùa và trong súng không có đạn (về nguyên tắc súng gác không có đạn, quá trình điều tra không xác định được nguyên nhân tại sao súng có đạn) nên B đưa tay ra bóp cò làm súng nổ khiến A chết. Quá trình giải quyết vụ án, có 2 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của B cấu thành tội “Vô ý làm chết người” do quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều không thu thập được bất kỳ văn bản nào thể hiện các quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp có liên quan. Hành vi của B được xác định là vi phạm quy tắc bảo đảm an toàn (bất thành văn) là “không được đùa nghịch súng, không được bóp cò khi súng đang hướng về phía người khác” (các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập, Tòa án đã yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu nhưng không thể thu thập được).
Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi của B phải cấu thành tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” vì mặc dù không tìm được văn bản nào thể hiện các quy tắc như trên, nhưng đây là những quy tắc mà bất kỳ quân nhân nào cũng được quán triệt, học tập từ những ngày đầu bước chân vào quân ngũ.
Trường hợp này, tác giả đồng ý với quan điểm của Tòa án đã xét xử B về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính”, bởi vì: Hành vi tự ý đưa tay bóp cò súng của B khi chưa kiểm tra các điều kiện an toàn đã vi phạm những “quy tắc bảo đảm an toàn khi tiếp xúc, sử dụng các loại vũ khí quân dụng” mà bất kỳ quân nhân nào cũng đều phải chấp hành. Khi sử dụng phải kiểm tra các quy tắc an toàn, súng chỉ được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù không thu thập được văn bản chứa đựng các quy định trên, nhưng đã xác định được đơn vị đã giáo dục chiến sỹ những nội dung này, quán triệt thường xuyên, liên tục theo đúng quy định chung của quân đội. Mọi quân nhân đều có nghĩa vụ chấp hành nghiêm các quy tắc này nhưng B đã vi phạm dẫn đến hậu quả chết người.
Chưa quy định rõ trách nhiệm của chủ nuôi các loài động vật nguy hiểm:
Liên quan đến việc động vật làm chết người, đây không phải trường hợp hiếm gặp nhưng hiện nay việc xử lý còn khó khăn. Trước đây, năm 2009 đã xảy ra trường hợp hổ cắn chết người tại Bình Dương. Thời điểm đó, do chưa có quy định về tiêu chuẩn chuồng trại nuôi thú giữ nên các cơ quan chức năng không đủ căn cứ xử lý hình sự mặc dù người chủ rõ ràng đã có hành vi vô ý vì quá tự tin. Hiện nay, việc nuôi một số loài động vật như cá sấu, rắn… diễn ra ngày càng nhiều. Những loại động vật này hoàn toàn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, cần sớm ban hành những tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt đối với việc nuôi nhốt các loại động vật có nguy cơ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, một số loại động vật như chó săn, chó becgiê, trâu, bò… cũng là một nguồn nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe con người, mới đây là vụ bé trai 07 tuổi bị đàn chó cắn chết tại Hưng Yên vào ngày 04/3/2019. Nhưng chúng có phải nguồn nguy hiểm cao độ hay không lại chưa có hướng dẫn. Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ và theo từ điển tiếng việt, thú dữ là động vật bậc cao có lông mao, tuyến vú, nuôi con bằng sữa, rất dữ, có thể làm hại người khác như hổ, báo, sư tử, gấu… Đồng thời, BLDS quy định trách nhiệm bồi thường của chủ vật nuôi nhưng chỉ là trách nhiệm dân sự.
Thực tế khi xảy ra các trường hợp vật nuôi gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Liên tiếp các trường hợp này đã gây nên sự bất bình trong dư luận. Bởi vì BLHS 2015 mặc dù có quy định về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 138 và tội "Vô ý làm chết người" tại Điều 128 nhưng cả hai quy định này đều thể hiện “Người nào…”, có nghĩa đã trực tiếp chỉ ra rằng, chủ thể của tội phạm là con người.
Vậy, chủ nuôi những động vật này khi có hậu quả chết người xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự hay chỉ chịu trách nhiệm dân sự cần được quy định rõ ràng bởi hậu quả nó mang lại là nghiêm trọng. Tham khảo quy định của một số quốc gia trên thế giới có thể thấy rằng pháp luật Cộng hòa Pháp có riêng một điều khoản quy định về tội Vô ý làm chết người do chó gây ra (Điều 221-6-2 BLHS Pháp); các nước Canada, Úc, Thụy Sỹ… đều quy định trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi trong trường hợp này [1].
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng chủ vật nuôi có hành vi vô ý trong quản lý, nuôi mà để vật nuôi gây ra hậu quả chết người cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" hoặc tội "Vô ý làm chết người".
Trường hợp sử dụng điện để chống trộm, chống chuột, bảo vệ tài sản gây hậu quả chết người:
Đây là trường hợp đã xảy ra nhiều trên thực tế nhưng biện pháp này vẫn được người dân sử dụng. Hiện nay, đã có đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, nhưng các văn bản hướng dẫn còn mâu thuẫn với nhau.
- Theo Công văn giải đáp nghiệp vụ số 81/2002/TANDTC của HĐTP TANDTC thì về nguyên tắc chung, TANDTC hướng dẫn như sau:
"a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.
b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người".
Như vậy, TANDTC hướng dẫn theo hai nội dung là mục đích sử dụng điện và thái độ của người thực hiện hành vi đối với hậu quả. Mọi trường hợp sử dụng điện để chống trộm cắp, do đối tượng hướng tới là con người nên phải chịu trách nhiệm về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Trường hợp sử dụng điện để chống chuột, súc vật thì căn cứ vào thái độ đối với hậu quả chết người có thể bị truy cứu về tội giết người hoặc vô ý làm chết người.
- Tại Thông báo số 228/P4 ngày 26/5/1998 của Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an: Đối với các trường hợp dùng điện để bảo vệ tài sản, nếu bản thân các đối tượng đã có thông báo công khai, treo biển cấm, dặn dò những người xung quanh..., nhưng trong lúc trông coi lại bỏ đi làm việc khác để xảy ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội "Giết người" với lỗi cố ý gián tiếp.
Trường hợp khi mắc điện họ có thông báo cho mọi người biết đồng thời có tổ chức trông coi, đề phòng người qua lại, nhưng không may hậu quả chết người vẫn xảy ra thì có thể khởi tố về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp việc chết người xảy ra sau khi người sử dụng điện trái phép đã ngắt điện, nhưng do tác động của thiên nhiên hoặc do người khác vô tình làm cho hệ thống dây bảo vệ đó bị dẫn điện dẫn đến chết người thì có thể khởi tố về tội "Vô ý làm chết người" [2].
Theo đó, hướng dẫn của Cục Cảnh sát điều tra đã thể hiện một số nội dung không đồng nhất với hướng dẫn của TANDTC, ngoài tội "Giết người" và "Vô ý làm chết người", có trường hợp phải chịu trách nhiệm về tội "Sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng".
- Tại Công văn số 2293/KSĐT-TA ngày 08/11/1999 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn: Đối với hành vi dùng điện diệt chuột... nếu trước, trong và sau khi mắc điện đã có các biện pháp phòng ngừa như: Thông báo về việc mắc điện cho mọi người biết; cử người trông coi cẩn thận; mắc điện vào ban đêm ở những nơi không có người qua lại và có canh gác, phòng ngừa, nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra thì họ sẽ bị xử lí về tội "Vô ý làm chết người".
Nếu hành vi dùng điện để diệt chuột đã được chính quyền nhân dân nhắc nhở hoặc không có các biện pháp phòng ngừa, mắc điện ở những thời điểm hoặc ở những nơi mọi người thường qua lại và đã gây ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội "Giết người với lỗi cố ý gián tiếp".
Hành vi sử dụng điện để diệt chuột gây chết người không bị xử lí về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, các hướng dẫn trên là chưa thống nhất, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, hoàn chỉnh và mang tính liên ngành áp dụng chung nào đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
3. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần linh hoạt trong xét xử, phân biệt hành vi vô ý làm chết người và vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính theo hướng nếu có căn cứ rõ ràng cho thấy hành vi vô ý làm chết người đã vi phạm các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi, bản thân người thực hiện hành vi đã biết, hiểu và có nghĩa vụ chấp hành các quy tắc đó nhưng vẫn vi phạm thì thuộc trường hợp vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính.
Thứ hai, cần sửa đổi quy định tại Điều 128, 138 BLHS hoặc có văn bản hướng dẫn trong đó quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi khi xảy ra các trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong hướng dẫn này, cần phân định rõ tỷ lệ tổn thương sức khỏe ở các mức khác nhau phải chịu các trách nhiệm khác nhau.
Thứ ba, có văn bản hướng dẫn liên ngành, thống nhất về việc xử lý hành vi sử dụng điện trái phép gây hậu quả chết người theo hướng: Người nào sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để bảo vệ tài sản, gây hậu quả chết người mà có ý thức ngăn chặn con người, hoặc không có ý thức ngăn chặn con người nhưng không có ý thức lợi trừ hậu quả chết người thì truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Giết người". Trường hợp chỉ nhằm bảo vệ tài sản và có ý thức bảo vệ tính mạng con người thì truy cứu tội "Vô ý làm chết người"./.
[1] TS. Nguyễn Văn Quân, Trách nhiệm của chủ vật nuôi trong trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác; Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát Online, ngày 10/4/2019. [2] Phạm Thị Hồng Đào, Quy định của pháp luật hình sự về hành vi giết người cần được hướng dẫn; https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1952. |
VĂN LINH
TAQS Khu vực Hải quân
Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?
3.