Hạn chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị từ tiền dự án

10/03/2022 14:50 | 2 năm trước

(LSVN) - Thời gian qua, các địa phương tiếp nhận, triển khai khá nhiều chương trình, dự án tài trợ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dự án viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và cả tổ chức, cá nhân trong nước. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và sự phát triển về nhiều mặt của các địa phương.

Ảnh minh họa. 

Các dự án mang đến nguồn vốn, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, đặc biệt là nhiều chương trình, dự án đã làm đổi mới tư duy, nhận thức và cách thức tiếp cận phương thức sản xuất mới cho người dân địa phương... Nhiều dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo đà cho các vùng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số 'thay da đổi thịt' từng ngày. Vì thế đời sống người dân địa phương được cải thiện, ấm no, tiến bộ hơn trước khi dự án được triển khai khá nhiều.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan cần phải tháo gỡ, giải quyết như một số chương trình, dự án không hiệu quả, lãng phí, thậm chí ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái... Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến việc bố trí, sử dụng kinh phí dự án cho mua sắm phương tiện, trang thiết bị chưa hợp lý, gây lãng phí, ảnh hưởng đến nguồn vốn dự án. Đặc biệt, nhiều dự án với số tiền không lớn, thời gian triển khai khá ngắn nhưng đã bố trí, cơ cấu việc mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ quá nhiều, quá mức so với quy mô, thời gian triển khai dự án.

Có một số dự án quy mô khá nhỏ nhưng đã bố trí mua sắm trang thiết bị quá nhiều, đôi khi chiếm 1/3 số kinh phí, nguồn lực chi phục vụ triển khai dự án. Một số dự án mua sắm cả xe ô tô, mô tô, máy in hoặc các máy móc, trang thiết bị đặc chủng có giá trị rất lớn, dù quy mô dự án không lớn, thời gian triển khai dự án ngắn. Điều này gây lãng phí, bất cập trong việc bố trí, sử dụng nguồn kinh phí của các chương trình, dự án. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai dự án kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Vì vậy, các dự án nên cơ cấu, bố trí nguồn vốn hợp lý cho việc mua sắm phương tiện, trang thiết bị. Theo đó, đối với dự án quy mô nhỏ, thời gian triển khai ngắn thì không nên đầu tư mua sắm các trang thiết bị có giá trị lớn, tốn kém mà tận dụng nguồn lực của địa phương sẵn có như ô tô, máy tính... coi đó là nguồn vốn đối ứng của các địa phương khi tham gia dự án. Đối với những máy móc, trang thiết bị đặc chủng, chuyên biệt mà địa phương, đơn vị không thể có thì nên hợp đồng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác.

Thực hiện tốt việc này không chỉ thuận tiện, chủ động trong việc triển khai dự án mà còn vừa tiết kiệm được nguồn kinh phí để tập trung vào những nhiệm vụ, hoạt động chính của dự án. Từ đó, thực hiện tốt mục tiêu mà dự án đề ra, phục vụ nhu cầu thiết thực của địa phương, trực tiếp là người dân. Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng việc được bố trí kinh phí để mua sắm tràn lan, không cần thiết, vừa gây lãng phí, vừa nảy sinh tiêu cực, tham nhũng

Đặc biệt là tình trạng sử dụng phương tiện, trang thiết bị từ nguồn dự án làm của riêng, phục vụ mục đích, nhu cầu cá nhân người có thẩm quyền hoặc dành riêng cho cơ quan, tổ chức ở thời gian trong và sau khi thực hiện dự án. Điều này không những ảnh hưởng đến mục tiêu, tính hiệu quả của dự án mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút, kêu gọi hỗ trợ, tài trợ về sau.

                                                           Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                                   Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp