/ Luật sư trực ban
/ Thực hiện dự án xử lý rác thải có phải thành lập doanh nghiệp không?

Thực hiện dự án xử lý rác thải có phải thành lập doanh nghiệp không?

02/03/2022 07:35 |

(LSVN) - Tôi muốn kinh doanh dịch vụ xử lý rác thải. Vậy, tôi có phải thành lập công ty doanh nghiệp không, điều kiện để kinh doanh dịch vụ này là gì? Trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ đăng ký xin giấy phép (nếu có) như thế nào? Bạn đọc L.H.K hỏi.

Ảnh minh họa.

Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Đinh Thị Hoàng Nhung, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, theo quy định tại Điều 2, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có các hoạt động bao gồm cả hoạt động xử lý rác thải. Do đó, khi thực hiện dự án xử lý rác thải không nhất thiết phải thành lập công ty.

Cụ thể, các dự án xử lý rác thải phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Chủ dự án phải đáp ứng các yêu cầu chung của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020.

- Chủ dự án phải cung cấp thông tin về chất thải bao gồm: Khối lượng phát sinh, thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng đối với từng loại hình chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, bụi, khí thải và các loại chất thải khác theo quy định của pháp luật; các công nghệ, công trình xử lý chất thải, kết quả quan trắc các loại chất thải cho cho cơ quan quản lý môi trường theo quy dịnh tại Điều 99, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

- Các thiết bị thu gom, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, xử lý khí thải (nếu có) phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường tương ứng quy định tại Chương V, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

- Đáp ứng các điều kiện cụ thể đối với từng lại chất thải như trong quy định tại chương V, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Cũng theo Điều 70, Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì riêng đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải có giấy phép môi trường trong đó có nội dung dịch vụ xử lý chất thải nguy hại theo quy định hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 42, Luật Bảo vệ môi trường 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 19, Điều 168, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 29, Nghị định 08/2022/NĐ-CP gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường.

- Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường.

- Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Luật này. Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Chủ dự án đầu tư, cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho cơ quan cấp giấy phép môi trường và thực hiện việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ (trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này), cơ quan cấp giấy phép môi trường thụ lý và giải quyết hồ sơ tổ chức việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường, cấp phép theo quy định.

Thời hạn cấp giấy phép môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:

- Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

- Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn quy định như trên phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

TRẦN QUÝ

Doanh nghiệp không thực hiện thủ tục xác nhận việc đóng BHTN sẽ bị xử lý như thế nào?

Lê Minh Hoàng