/ Góc nhìn
/ Kiến nghị tăng cường các chế tài xử lý vi phạm với người có ảnh hưởng khi quảng cáo sai sự thật

Kiến nghị tăng cường các chế tài xử lý vi phạm với người có ảnh hưởng khi quảng cáo sai sự thật

28/04/2025 06:42 |3 ngày trước

(LSVN) - Tác giả cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét, tăng cường hơn nữa các chế tài xử lý vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi sai phạm, phát ngôn lệch chuẩn hoặc vi phạm đạo đức trên không gian mạng; áp dụng cơ chế xử phạt linh hoạt, ngoài phạt tiền, cần bổ sung các hình thức xử lý khác như: Tạm ngừng trong một thời gian nhất định hoặc cấm vĩnh viễn tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, hoặc tham gia các nền tảng mạng xã hội; buộc họ phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nếu có yêu cầu bồi thường).

Vừa qua, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (viết tắt là dự án Luật). Sau khi nghiên cứu dự án Luật, tác giả xin tham gia một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 2 Luật Quảng cáo) có nội dung: "6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng quảng cáo.”.

Tác giả cho rằng cần biên tập nội dung này theo hướng: "6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo theo hợp đồng quảng cáo.”; lý do là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo đều được thỏa thuận trong hợp đồng quảng cáo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, khoản 1 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo) quy định: “1. Cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.".

Tác giả đề nghị gộp cụm từ "pháp nhân, tổ chức khác" thành "tổ chức", vì pháp nhân hay tổ chức khác đều là tổ chức, do đó đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: "1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.".

Bên cạnh đó, theo quan điểm của tác giả, cần làm rõ quyền và nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật (bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15 Luật Quảng cáo) để ngăn chặn hành vi tận dụng sự nổi tiếng với sức ảnh hưởng của họ trên không gian mạng đứng ra đảm bảo về tính năng sản phẩm của hàng hóa để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, những sản phẩm quảng cáo lại thể hiện trái ngược chất lượng sản phẩm, làm mất lòng tin của người sử dụng sản phẩm. Bởi vì, hiện nay có rất nhiều người nổi tiếng, các TikToker, Facebooker có danh tiếng tổ chức các phiên livestream thu hút số lượng người xem và chốt đơn hàng rất “khủng”. Nếu cung cấp các thông tin sai sự thật, hoặc chất lượng hàng hóa không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, tăng cường hơn nữa các chế tài xử lý vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi sai phạm, phát ngôn lệch chuẩn hoặc vi phạm đạo đức trên không gian mạng; áp dụng cơ chế xử phạt linh hoạt, ngoài phạt tiền, cần bổ sung các hình thức xử lý khác như: Tạm ngừng trong một thời gian nhất định hoặc cấm vĩnh viễn tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, hoặc tham gia các nền tảng mạng xã hội; buộc họ phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nếu có yêu cầu bồi thường). Công khai danh sách các người có ảnh hưởng vi phạm, đồng thời, yêu cầu họ phải cẩn trọng hơn khi phát ngôn hoặc quảng cáo sản phẩm. Các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế kết hợp với các nền tảng mạng xã hội và công chúng để theo dõi, giám sát hoạt động của người có ảnh hưởng.

Ngoài ra, khoản 15 Điều 1 dự án (sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 23 Luật Luật Quảng cáo) quy định: "3. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều 12, 13, 14 và 15a của Luật này và phải tuân thủ:

d) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu".

Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng không chỉ tuân thủ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn có trách nhiệm tự ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức hoặc có căn cứ cho rằng các thông tin quảng cáo có vi phạm pháp luật. Việc này giúp người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tự phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ thông tin vi phạm trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý.

Do đó, đề nghị biên tập lại nội dung này như sau:

"3….d) Tự ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu".

MINH ĐỨC

Các tin khác