Kỳ 1: Sự cần thiết của việc tìm hiểu về “Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành”

16/03/2018 00:11 | 6 năm trước

LSVNO - Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền con người cơ bản và quan trọng, được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ. Tuy nhiên, thực tiễn th...

LSVNO - Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền con người cơ bản và quan trọng, được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là chưa có cơ chế pháp lý đặc thù và phù hợp để xử lý.

Có thể thấy rằng các quan hệ xã hội ở Việt Nam đang thay đổi chóng mặt, hàng ngày, hàng giờ để bắt kịp với các xu thế hội nhập cả về kinh tế lẫn xã hội của thế giới. Quyền con người cũng là một vấn đề trọng yếu thường xuyên được nhắc đến. Tại khoản 2 Điều 16 Hiến pháp 2013 cũng đã ghi nhận rất rõ: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” Nhưng có một thực tế đang xảy ra hiện nay, chính là việc chúng ta thiếu những quy định để điều chỉnh về một nhóm người chiếm thiểu số trong xã hội, đó là cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới). Sự điều chỉnh này liên quan đến mối quan hệ chung sống giữa những người trưởng thành với nhau và cũng là cách tiếp cận phù hợp để xác định rằng đến thời điểm nào thì xã hội Việt Nam thực sự cởi mở cho việc chấp nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Theo nhiều nghiên cứu xã hội, hiện nay số lượng người đồng tính, song tính, chuyển giới ở Việt Nam chiếm một tỉ lệ đáng kể nhất định. Họ cũng là công dân của Việt Nam, cũng cần phải được đáp ứng các quyền công dân Hiến định. Và một bộ phận những người trong cộng đồng LGBT trưởng thành đang chung sống cùng nhau, không hôn thú, nhưng cùng chung sức tạo lập ra những tài sản nhất định và sống một cuộc sống gần tương tự như tình trạng “chung sống với nhau như vợ chồng” – một khái niệm được Bộ luật dân sự 2015 và Luật Hôn nhân gia đình 2014 thừa nhận. Pháp luật không cấm người cùng giới tính chung sống, cũng không cấm việc họ kết hôn, chỉ là không thừa nhận nếu họ kết hôn. Vậy khi họ chung sống, chúng ta có thừa nhận hay không? Giải quyết các vấn đề nhân thân, tài sản trong quan hệ đó như thế nào? Riêng biệt hay chỉ đơn thuần áp dụng rập khuôn các quy định dân sự giữa hai cá nhân độc lập trong đời sống hàng ngày. Để cần giải quyết trong kết quả thực tế nào thì xem quy định pháp lý ở quan hệ đó. Như vậy là chưa triệt để, và chưa đi đúng tinh thần của quyền con người, vì chúng ta phải thừa nhận rằng Việt Nam chưa có quy định pháp lý riêng biệt để điều chỉnh các mối quan hệ giữa những người trưởng thành cùng giới tính sinh sống, tạo lập tài sản cùng nhau.

Mặt khác, nhiều người trưởng thành khác giới hiện nay chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn mặc dù họ đủ điều kiện để đăng ký. Lối sống này gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng nguyên nhân thì rất đa dạng, có thể do họ chưa sẵn sàng để tự nguyện bước vào một cuộc hôn nhân hoặc nhiều điều kiện khác liên quan đến thủ tục kết hôn còn nhiêu khê, phiền hà khiến cho một bộ phận giới trẻ thờ ơ với việc đăng ký. Nhưng đằng sau một mối quan hệ như vậy, về tài sản, nhân thân hoặc con chung thì chưa có luật để giải quyết. Nói cách khác “chung sống với nhau như vợ chồng” là thuật ngữ chỉ một kiểu quan hệ mà pháp luật chỉ định nghĩa, không đưa ra các quyền và nghĩa vụ nào cụ thể. Tức là chúng ta mới dừng ở phần ngọn của vấn đề mà chưa triệt để đặt ra sự nghiêm túc với kiểu quan hệ này giữa những người trưởng thành.

Và sau cùng, việc nghiên cứu về “Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành” chính là cách tốt nhất để thăm dò dư luận và đặt những nền móng cơ bản nhất để giúp xã hội dần cởi mở hơn, dễ chấp nhận hơn với các mối quan hệ cùng giới tính của người trưởng thành. Từ đó đi đến được câu trả lời cho việc đến lúc nào thì Việt Nam thực sự sẵn sàng cho hôn nhân đồng tính.

Trần Lê An Nguyên

(Trợ lý Luật sư điều hành – LGP Lawyer

Cố vấn pháp lý cao cấp Tập đoàn MAI A)