Kỳ 2: Nhà Minh tế thần nước Nam

03/01/2018 00:00 | 6 năm trước

LSVNO - Thần nước nào, vào nước ấy. Tức là nước nào cũng có thần thánh riêng của mình, thuộc tâm linh, tín ngưỡng riêng của nước đó. Cũng bởi thế mà việc tế tự, cúng bái cũng không phạm vào nhau. N...

LSVNO - Thần nước nào, vào nước ấy. Tức là nước nào cũng có thần thánh riêng của mình, thuộc tâm linh, tín ngưỡng riêng của nước đó. Cũng bởi thế mà việc tế tự, cúng bái cũng không phạm vào nhau. Nhưng khi nhà Minh mới lập ở phía Bắc, một sự lạ xảy ra là năm Canh Tuất (1370), bộ Lễ nhà Minh đem cả thần của Đại Việt mà tế phụ vào lễ tế của Minh triều, và có sự đồng thuận của nhà Trần, lúc đó đương dưới sự cai trị của vị vua lạc họ - Dương Nhật Lễ.

>>>Kỳ 1: Hai cha con mất cùng ngày

Nhà Minh sau cuộc khởi nghĩa nông dân năm Mậu Thân (1368) của Chu Nguyên Chương được lập nên, tái tạo sự có mặt của người Hán trên ngai vàng, thay nhà Nguyên của người Mông Cổ. Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế ở Kim Lăng, tức Nam Kinh, đặt niên hiệu Hồng Vũ, liền sai sứ là Dịch Tế Dân sang thăm nước ta ngay năm đó. Đến tháng 8 cùng năm, vua Trần Dụ Tông cũng sai Lễ Bộ Thị lang là Đào Văn Đích sang Minh triều đáp lễ. Từ đó quan hệ Nguyên triều - Trần triều được thay bằng quan hệ Minh triều - Trần triều.

Núi Tản Viên

Có lẽ để tạo mối quan hệ tốt đẹp với nước Nam khi Minh triều mới lập còn chưa vững chắc, hoặc cũng có thể là để khẳng định cái địa vị “thiên triều” với xứ “Man, Di” phiên thần, nên bọn quan lại thuộc bộ Lễ của nhà Minh xin đem các thần núi sông ở nước ta phụ tế vào đàn Nhạc Độc (Đàn thờ thần núi lấy núi Ngũ Nhạc (năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc) làm đại biểu), Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương y theo.

Tháng Giêng năm Canh Tuất (1370), nhà Minh sai sứ sang ta, tế các thần núi sông. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, bọn đạo sĩ nhà Minh ở cung Triều Thiên đứng đầu là Diêm Nguyên Phục “kính đem bài văn ngự chế sang tế các thần núi, sông của Đại Việt. Lại sai rập những bài ở bia đá vuông và bia đá tròn, chép lấy các đồ thư điển tịch đem về, rồi lại tạc bia ghi việc làm này”.

Trong sự kiện trên, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã đích thân làm bài chúc văn, sai Diêm Nguyên Phục sang Thăng Long làm lễ “đem lễ trâu và lụa, đền tế thần núi Tản Viên và các thủy thần sông Lô” của nước ta.

Qua văn từ của các nhà chép sử thời Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư và Quốc sử quán triều Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, có thể thấy sự việc này nhiều khả năng là tạo mối quan hệ hữu hảo hơn là nhà Minh ra oai với Đại Việt, và nhà Minh cũng biết rất rõ lễ tục của nước Nam ta khi tế thần chủ của Đại Việt là thần núi, thần sông gồm Tản Viên sơn thánh và thủy thần sông Lô.

(Còn nữa...)

Trần Đình Ba