Kỳ 3: Một kỳ thi, hai trạng nguyên

06/01/2018 18:08 | 6 năm trước

LSVNO - Nhà Trần góp công lớn trong việc phát triển Nho học, cải cách lề lối thi cử. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247) lần đầu tiên đặt ra học vị Tam khôi với vị trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Hiền,...

LSVNO - Nhà Trần góp công lớn trong việc phát triển Nho học, cải cách lề lối thi cử. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247) lần đầu tiên đặt ra học vị Tam khôi với vị trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Hiền, hay dân gian thường gọi là Trạng Non.

>>>Kỳ 1: Hai cha con mất cùng ngày

 >>>Kỳ 2: Nhà Minh tế thần nước Nam

Đến khoa thi năm Bính Thìn (1256), theo lệ thường, cứ tháng 2, nhà Trần lại mở khoa thi chọn người hiền tài giúp nước. Nhưng, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử khoa cử thời phong kiến là trong khoa thi này, nhà Trần chọn tới hai trạng nguyên.

Nguyên do của việc này là khi triều Trần mới lập, trong thi cử chưa phân kinh trại. Đến lúc này, về mặt hành chính, đất Thanh Hóa, Nghệ An trở vào trong phân làm trại để phân biệt với đất kinh kỳ từ Ninh Bình trở ra nên khoa thi này cũng có điều đặc biệt là lấy hai trạng nguyên, một của kinh và một của trại. Trong khi đó thì hai danh hiệu sau của tam khôi là Bảng nhãn, Thám hoa thì vẫn như cũ, không phân kinh trại.

Thi Hội chọn tiến sĩ thời xưa.

Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, thời vua Trần Thái Tông: “Khoa thi Bính Thìn, lấy đỗ Kinh Trạng nguyên là Trần Quốc Lặc (người Hải Dương – người dẫn chú), Trại Trạng nguyên là Trương Xán (người Bố Chính, Quảng Bình – người dẫn chú)”. Còn Bảng nhãn là Chu Hinh, Trần Uyên đỗ Thám hoa lang. Lại lấy đỗ thái học sinh 43 người (kinh 42 người, trại 1 người), xuất thân có thứ bậc khác nhau.

Đến khoa thi tháng 3 năm Bính Dần (1266) thời vua Trần Thánh Tông trị vì, việc chọn hai trạng vẫn được duy trì. Đỗ kinh trạng nguyên là Trần Cố (người Hải Dương), trại trạng nguyên là Bạch Liêu (người Nghệ An); bảng nhãn (khuyết tên họ); thám hoa lang Hạ Nghi; thái học sinh 47 người, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.

Tuy nhiên, cũng chỉ có hai khoa thi Bính Thìn (1256) và Bính Dần (1266) là lấy kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên. Từ khoa thi Ất Hợi (1275) trở về sau, lại chỉ lấy một trạng nguyên mà thôi, như Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: “Ất Hợi, (1275). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. Ban đỗ trạng nguyên Đào Tiêu; bảng nhãn (khuyết họ tên); thám hoa lang Quách Nhẫn; thái học sinh 27 người, xuất thân có thứ bậc khác nhau. Hai Khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có chia kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất”.

Theo Ngô Thì Sĩ, việc chia kinh và trại trong địa giới hành chính và thi cử của nhà Trần, cũng giống như nhà Thanh chia ra Hán và Mã để phân biệt tộc thuộc vậy. Nhưng dù có sự phân biệt trong hai kỳ thi trên thì ở thời Trần, theo Đại Nam quốc sử diễn ca còn ghi:

Bảy năm một hội thanh vân,

Anh tài náo nức dần dần mới ra.

Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa,

Kẻ kinh, người trại cũng là tài danh.

Trần Đình Ba