Kỳ 4: Quan Khắc Chung tham… ăn

12/01/2018 02:08 | 6 năm trước

LSVNO - Người xưa có câu “dân dĩ thực vi thiên” (nghĩa là dân coi ăn là trời). Chẳng biết câu đó có ứng với tất cả mọi người hay không. Nhưng với trường hợp của Trần Khắc Chung thì quả là hợp lẽ.

LSVNO - Người xưa có câu “dân dĩ thực vi thiên” (nghĩa là dân coi ăn là trời). Chẳng biết câu đó có ứng với tất cả mọi người hay không. Nhưng với trường hợp của Trần Khắc Chung thì quả là hợp lẽ.

Kỳ 3: Một kỳ thi, hai trạng nguyên

Trần Khắc Chung có tên thật là Đỗ Khắc Chung, người ở Giáp Sơn cùng quê với mẹ của vua Trần Hiến Tông. Ông làm quan trải bốn đời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Đại hành khiển, Tể tướng, Thượng thư, Ngự Sử đại phu, Đại an phủ kinh sư, Quan nội hầu, Sư bảo.

Trong quãng đời quan nghiệp, Trần Khắc Chung cũng có vị trí, công lao nhất định. Từng sang doanh trại Ô Mã Nhi để đàm phán, được tướng giặc Ô Mã Nhi khen là “ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên… Có thể nói là không nhục mệnh vua”. Nhờ công lớn trong cuộc kháng chiến đó, ông được vua ban quốc tính mà đổi sang họ Trần.

Nhưng cuộc đời ông cũng có tì vết, lúc thì vì chức mà bênh em, rồi lại làm chuyện khuất tất khi đi cứu công chúa Huyền Trân, sau còn xúi giục vua Trần Minh Tông giết hại Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn là cha vợ vua. Làm việc thì giả tạo gắng sức, gia công mà dụng tâm thì không tốt. Đồng thời, còn một chuyện hiếm có để lại tiếng xấu cho ông, bị thiên hạ chê cười. Đó là tính tham ăn, ham chè chén, cỗ bàn.

Trần Khắc Chung từng sang Chiêm Thành cứu công chúa Huyền Trân.

Khi làm việc nhà nước, Khắc Chung cố làm ra vẻ tận tụy để cầu tiếng khen. Mỗi buổi sáng vào chầu thì tạm nghỉ ở cục Thượng Liễn cửa Vĩnh Xương, xem kỹ các bản tâu để chuẩn bị tâu bày. Khi tan chầu thì tới Đông cung dạy Thái tử Minh Tông. Mọi việc đều giả vờ, cố sức mà làm, khác với bản tính thật thà cần phải có của một tín đồ Phật giáo (Khắc Chung theo Phật giáo, môn phái Thiền Tông, là người viết lời bạt cho tập Tuệ Trung Thượng sĩ do nhà sư Pháp Loa biên tập và vua Trần Nhân Tông hiệu đính).

Dù là một trong những trọng thần, quan đầu triều phải mẫu mực, nhưng Khắc Chung lại say trò đỏ đen, thường hay đánh bạc với Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, có khi đến hai, ba ngày, đánh thâu đêm suốt sáng, ngồi ngay trên giường đánh bạc mà húp cháo, không nghỉ lấy một chút. Được thua chỉ một hai quan tiền sát phạt say sưa như vậy. Máu cờ bạc đã ngấm vào xương tủy, nhiều khi không dứt ra được. Cũng lạ là tệ đánh bạc bị nghiêm cấm, mà quan Khắc Chung vẫn cứ ngang nhiên chơi.

Còn cái khoản tham ăn thì cũng lắm chuyện. Khi gặp những ngày trẻ đầy năm, mừng nhà mới của bạn bè, được mời thì Khắc Chung không bao giờ vắng mặt. Thậm chí nhà quan thầy thuốc có món ăn ngon, biết tiếng cũng mò tới, khỏi cần rào trước đón sau hay mời mọc lấy lệ. Quân nhân biếu món ăn thì khen ngợi vợ họ nấu ngon để được ăn lần sau. Là quan trọng thần, lương bổng, lộc vua không thiếu, không hiểu tại sao Khắc Chung lại phải làm xấu mình vì miếng ăn như thế.

Có lần, con trai là Công Xưởng nạp thiếp mà không báo, Khắc Chung bảo con: “Mày lấy con gái nhà ấy sao không bảo cho ta biết?”, ý trách là cha mà không được mời, còn sâu hơn thì có cỗ bàn mà không gọi. Cha sai mà con cũng chẳng đúng lễ.

Ham cờ bạc, mê ăn uống, Khắc Chung còn không thật thà ngay cả với cha mẹ vợ. Trước đó Khắc Chung lấy nàng Bảo Hoàn. Khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, tài sản, ruộng đất đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua lên ngôi, xuống chiếu cho trả lại, nhưng Khắc Chung cũng không đem điền sản đó dùng vào việc thờ cúng mà tư lợi luôn ruộng đất của nhạc phụ, nhạc mẫu làm của riêng cho mình. Vì việc này, gương con rể như Khắc Chung luôn được người đời lấy mà răn con gái chọn chồng thì chớ chọn kẻ như Khắc Chung.

Trần Đình Ba