Kỳ 5: Trao chức cho người bói giỏi

19/01/2018 18:14 | 6 năm trước

LSVNO - Ngoài việc lấy nhân tài thông qua thi cử, nhà Trần còn có tục ấm cử, cha truyền con nối làm quan lớn nhỏ tùy theo năng lực, hoặc lấy những người có công chống giặc. Lại lấy cả những người được...

LSVNO - Ngoài việc lấy nhân tài thông qua thi cử, nhà Trần còn có tục ấm cử, cha truyền con nối làm quan lớn nhỏ tùy theo năng lực, hoặc lấy những người có công chống giặc. Lại lấy cả những người được tiến cử vì có thực tài. Bên cạnh những cách lấy quan lại thông thường đó. Có nhiều trường hợp lấy vì mộng mỵ mà ứng với việc thực, lấy vì quý yêu, và có cả trường hợp lấy vì bói giỏi nữa. Tất nhiên, những trường hợp sau không nhiều. Ở đây, chúng ta ghi nhận được vua Trần có hai lần trao chức cho những người bói giỏi.

>>>Kỳ 4: Quan Khắc Chung tham… ăn

Phùng Sĩ Chu nhận chức quan nhờ bói giỏi

Khi vó ngựa quân Nguyên một lần nữa sang giày xéo non sông Đại Việt, định biến nước ta thành xứ nội thuộc, nhà Trần dù lúc này “anh em hòa mục, vua tôi gắng sức”, tiềm lực cũng mạnh, lại có kinh nghiệm chiến thắng trước đó, nhưng vua Nhân Tông vốn cũng là người cảm tính, cũng tin ở cái thuyết “chi thiên mệnh” (vua sau này đi tu) nên sai quan Phùng Sĩ Chu bói xem cuộc kháng chiến lần này được mất, mạnh yếu thế nào. 

Sĩ Chu vâng lệnh vua, gieo quẻ rồi sau một hồi suy nghĩ mới đoán rằng:

- Bẩm bệ hạ, thế nào cũng đại thắng.

Vua mừng bảo:

- Nếu đúng như lời đoán, sẽ có trọng thưởng.

Đến khi giặc Nguyên bị đánh đuổi, ca khúc khải hoàn về lại kinh đô, vua Nhân Tông nói:

- Thiên tử không có nói đùa.

Do đấy, năm Kỷ Sửu (1289), vua Nhân Tông mới lấy Phùng Sĩ Chu làm Hành khiển. Đây là một ưu ái bởi thường Hành khiển là do những trung quan, tức hoạn quan đảm nhiệm.

Theo Gia phả và Thần vị Phùng Sĩ Chu tại đền thờ họ Phùng ở xóm 1, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hiện nay thì Phùng Sĩ Chu, hiệu Tốn Trai tiên sinh, quê ở Cổ Liễu, thuộc Trà Hương (không rõ địa danh), là người trung hiếu, có tài về văn nghệ. Do có thực tài nên ông được vua Trần yêu quý mà gả cho công chúa, sinh ra nam tử tên húy là Quang Lộc, trở thành di duệ tuấn tú cho dòng họ Phùng ở cả nước và xứ Nghệ sau này.

Quan liêm họ Trần dự đoán như thần

Trần Thì Kiến (1260 - 1330) người làng Cự Sa, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay thuộc Quảng Ninh), từng là môn khách của Trần Hưng Đạo, khi làm An phủ sứ Thiên Trường, ông nổi danh là một ông quan liêm khiết, không vì bữa cỗ mà đánh mất thanh danh. Bên cạnh đó, Thì Kiến cũng từng có dự đoán “trúng phóc” kết quả được thua của kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).

Bài vị Trần Thì Kiến (ngoài cùng bên phải) tại Khu văn hóa núi Bài Thơ, Quảng Ninh

Trước đây, quân Nguyên lăm le bờ cõi nước ta, định đánh Đại Việt lần thứ hai, chúng hết đòi vua Trần vào chầu, rồi đưa Trần Di Ái về nước (1282), lại lấy kế mượn đường diệt Quắc đòi đi qua Đại Việt đánh Chiêm Thành (1283), chuẩn bị lương thảo, quân đội (1284). Vua Nhân Tông biết chiến tranh là không tránh khỏi, mới sai Thì Kiến bói. Ông gieo quẻ, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn. Trần Thì Kiến mới theo quẻ mà rằng:

- Mùa hạ sang năm, quân Nguyên tất phải thua.

Mùa hạ năm Ất Dậu (1285), những chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần “Đoạt giáo Chương Dương độ. Cầm Hồ Hàm Tử quan”... làm cho quân Nguyên đại bại phải chạy dài về Bắc, quả đúng như lời đoán của ông trước đó.

Quân Nguyên do thua hai lần trước đó, căm tức vì nước Đại Việt nhỏ như cái đấu mà không hạ được, nên bỏ cả việc đánh Nhật Bản, xua quân sang đánh nước ta lần thứ ba. vua Nhân Tông lại sai ông bói lần nữa, được quẻ Quan biến sang quẻ Hoán. Thì Kiến đoán:

- Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan.

Ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) quân Nguyên do Ô Mã Nhi cầm đầu rút qua sông Bạch Đằng, bị đánh bại, quả nhiên tan chạy.

Vua khen tài của Thì Kiến, nên năm Nhâm Thìn (1292), đặc cách bổ dụng Trần Thì Kiến làm An phủ lộ Yên Khang (Yên Khang: Tên lộ. Xưa là Yên Ninh; nhà Lê đổi là phủ Yên Khang; nay đổi là Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình).

Lời bói của hai vị quan Phùng Sĩ Chu và Trần Thì Kiến đều có điểm chung là khẳng định chiến thắng của quân dân nhà Trần trước vó ngựa quân Nguyên. Người xưa tin việc tốt xấu ở que bói là điều dễ hiểu. Nhưng cũng phải thấy rằng hai ông gieo que là một việc, nhưng cũng là những người tài nên hiểu được thế và lực của đất nước mới có đủ niềm tin để khẳng định chắc như đinh đóng cột như thế. Vả chăng, nếu đoán là thắng, mà không may nước Việt bại dưới tay nhà Nguyên, thì lúc đó vua tôi cũng đâu còn được yên thân, toàn mạng thì lo gì bị vua trách phạt, nên cứ bói thắng là hơn. Tất nhiên, nếu có điều đó thì cũng không phải là ý của hai vị tôi trung này.

Trần Đình Ba