Kỳ II: Hiểu về Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành và quy định của đạo luật này trong nền pháp luật CH Pháp

22/03/2018 18:51 | 6 năm trước

LSVNO - Việc nghiên cứu về “Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành” chính là cách tốt nhất để thăm dò dư luận và đặt những nền móng cơ bản nhất để giúp xã hội dần cởi mở hơn, dễ chấp nhận h...

LSVNO - Việc nghiên cứu về “Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành” chính là cách tốt nhất để thăm dò dư luận và đặt những nền móng cơ bản nhất để giúp xã hội dần cởi mở hơn, dễ chấp nhận hơn với các mối quan hệ cùng giới tính của người trưởng thành. Từ đó đi đến được câu trả lời cho việc đến lúc nào thì Việt Nam thực sự sẵn sàng cho hôn nhân đồng tính.

>>>Kỳ 1: Sự cần thiết của việc tìm hiểu về “Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành”

Lịch sử Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành trong pháp luật Cộng hòa Pháp

“Đạo luật chung sống giữa những người trưởng thành” hay còn gọi là PACS được giới thiệu trong Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp vào ngày 15/11/1999 và được gọi với tên khác là Khế ước liên đới dân sự. Để đạt được PACS, nền chính trị - xã hội Pháp đã phải trải qua một quá trình đấu tranh rất dài và căng thẳng giữa các xu hướng chính trị khác nhau. Các vấn đề đầu tiên của việc thiết lập một hợp đồng liên danh dân sự được Nghị sĩ Jean-Luc Mélenchon đệ trình lên Thượng viện Pháp vào ngày 25/6/1990[1]. Kể từ đó, cuộc chiến chính trị liên quan đến ý tưởng này bắt đầu hình thành tại Pháp cho đến thời điểm PACS được chính thức thông qua vào ngày 15/11/1999, chấm dứt cho những tranh cãi về việc có nên hay không nên xuất hiện chế định này để tạo nền tảng cho việc liên danh dân sự giữa những người trưởng thành bất kể giới tính.

Tóm lược các vấn đề cơ bản của PACS

Các điều khoản cấm: Về nguyên tắc trong các quy định của PACS, (1) khế ước này sẽ không được ký kết giữa hai người nếu một trong số họ đã kết hôn hoặc đã ký một PACS với một cá nhân nào khác. Điều này nhằm mục đích đảm bảo giá trị và tài sản của hôn nhân và tránh các xung đột về lợi ích trong việc thực hiện các ràng buộc của hợp đồng dân sự này. (2) PACS bị cấm giữa hai người đã ký hợp tác ở nước ngoài (nhân thân, tài sản) nay muốn đăng ký một PACS theo pháp luật của Cộng hòa Pháp, đây là điều khoản liên quan đến tư pháp quốc tế để tránh các xung đột pháp lý có thể xảy ra. (3) Cấm giữa cha mẹ con ruột với nhau hoặc mẹ kế, cha dượng với con riêng  hoặc những người có quan hệ với nhau bằng một cuộc hôn nhân nào đó (ví dụ như con dâu và con rể trong một gia đình), điều này được giải thích là nhằm bảo vệ các giá trị đạo đức và tránh vấn đề hợp pháp việc loạn luân có thể xảy ra trong xã hội Pháp. (4) Cấm giữa những người có mức độ thứ 3 trong quan hệ nhân thân của pháp luật CH Pháp, tức là giữa anh em ruột hoặc cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu. Tuy nhiên điều khoản này không cấm việc ký kết PACS giữa hai anh em họ thì có thể được chấp nhận vì đây là những người thân với nhau ở mức độ thứ 4 chứ không còn là thứ 3 theo quy định của pháp luật Pháp. (5) Cấm giữa những người chưa thành niên để phù hợp với các tiêu chuẩn về điều kiện năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân. Điều này được mở cho người chưa thành niên nhưng có thể sống tự lập từ tháng 1/2009 (tuy nhiên ràng buộc là phải có sự hỗ trợ hoặc đồng ý của người được ủy quyền, giám hộ  hoặc thẩm phán giám hộ yêu cầu hoặc hội đồng gia đình yêu cầu việc ký kết PACS.[2]

Thủ tục: Việc ký kết một PACS khá đơn giản và khác với thủ tục đăng ký kết hôn. Thủ tục này theo quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp có thể được thực hiện tại Tòa án, cơ quan công chứng hoặc chính quyền thị chính. Khi ký kết cần đảm bảo các loại giấy tờ cần thiết như: bản gốc của thỏa thuận có sự tham chiếu đến cơ sở pháp lý, chỉ định rõ các điều khoản trợ giúp vật chất giữa các bên trong cam kết này; Giấy khai sinh hoặc hộ chiếu của các bên tham gia vào PACS hoặc bất kỳ tài liệu chính thức nào do cơ quan chính quyền cấp có đầy đủ các thông tin về ngày sinh, tên, nơi sinh, ảnh và chữ ký xác nhận của cơ quan cấp văn bản đó, đây là một hướng mở được sửa đổi từ năm 2006[3]; Lời tuyên thệ về mối quan hệ giữa những người ký kết; Khai về nơi cư trú thường xuyên có tuyên bố chung (PACS) được thực hiện; Bằng chứng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi của người ký kết; Bằng chứng về việc chưa ký PACS, không có hôn thú với người khác được cấp bởi Tòa án tối cao ở Paris có thời hạn trong vòng 3 tháng trước thời điểm ký kết PACS. Khi đáp ứng đầy đủ những loại giấy tờ nêu trên, tùy chỉnh từng trường hợp để có hướng dẫn cụ thể, thì các đối tác dân sự sẽ được cấp ngay giấy chứng nhận đăng ký PACS với các thông tin đầy đủ về tên, ngày sinh, nơi sinh và thời hạn các bên cam kết thực hiện PACS. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày đăng ký.

Hệ quả pháp lý khi hai bên ký kết PACS: Về nguyên tắc theo quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp, khi các đối tác đồng ý sống với nhau, cung cấp và hỗ trợ về vật chất cho nhau, được định lượng tương ứng với khả năng của mỗi người theo cam kết của họ. Nên sự cam kết và hưởng thụ theo cam kết này là miễn phí và không ràng buộc mức cụ thể giữa hai người với nhau. Điều này là để tránh các thỏa thuận của PACS bị chồng chéo về nghĩa vụ dân sự hoặc cấp dưỡng trong Bộ luật dân sự không chỉ riêng Pháp mà còn rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới. Về cơ bản, PACS được hiểu như một bản “khế ước” về dân sự giữa những cá nhân trưởng thành, cùng thỏa thuận và ràng buộc nhau trong mối quan hệ dân sự với các quyền và nghĩa vụ tương ứng. Khi một bên có yêu cầu do bên kia vi phạm các cam kết, có thể yêu cầu cho Tòa án ra lệnh thu giữ tài khoản của đối tác, điều này khác với hôn nhân là nộp đơn ly hôn và gần giống với cách giải quyết tranh chấp dân sự. Và đây cũng là một trong những vấn đề cho thấy sự linh hoạt trong điều chỉnh tranh chấp của PACS so với hôn nhân khi ràng buộc về quan hệ hôn nhân.

Bên cạnh đó, các bên đã trong một PACS thì một bên có quyền yêu cầu hoặc chỉ định giám hộ nếu bên kia không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi (già yếu, bệnh tật)[4]. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ khi phát sinh PACS thì tuyệt đối các bên không phát sinh quan hệ vợ chồng, không tự động quan hệ cha mẹ và con trong mối quan hệ gia đình, không được trao quyền qua một người con với nhau hoặc qua hình thức mang thai hộ. Điều này giúp cho PACS tránh được các ảnh hưởng đến quy tắc của gia đình được hình thành trên cơ sở của luật hôn nhân và gia đình. Một vấn đề khác là thừa kế cũng được quy định khá rõ khi một bên chết, bên kia không có quyền thừa kế theo pháp luật nên nếu muốn thừa kế tài sản của đối tác bắt buộc phải có di chúc chỉ định là người hưởng di sản thừa kế. Điều này được áp dụng phần lớn để ràng buộc trong quan hệ thừa kế khi các cặp đôi đồng tính ký kết PACS, để đề phòng trường hợp cái chết của một người chỉ giới hạn việc thừa kế cho những người huyết thống chứ không phải lúc nào cũng dành cho đối tác còn lại của người chết trong PACS, việc này không áp dụng nếu có di nguyện về việc ủy quyền cho việc quản lý di sản.

Vấn đề tài sản của PACS: Trước năm 2007, tài sản có trước khi ký kết PACS và tặng cho, thừa kế là tài sản riêng. Những tài sản có trong thời hạn giao kết là bất khả phân chia và thuộc về nhau[5]. Sau năm 2007 thì các bên có thể lựa chọn một chế độ tài sản riêng và một hệ thống phân chia cùng nhau. Thực tế có thể nhận thấy việc áp dụng được thực hiện trong trường hợp nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thông qua hóa đơn, chứng từ thì được xác định là tài sản không phân chia và các bên sẽ được sở hữu theo tỉ lệ tương ứng. Gần với chế dộ tài sản riêng của vợ chồng.

Khi nhắc đến chế độ tài sản trong PACS không thể không đề cập đến chế độ không thể phân chia. Có thể hiểu đây là chế độ chưa đựng điều khoản mà các bên thỏa thuận đồng ý tài sản họ có được sau khi ký kết PACS hoặc riêng rẽ là tài sản chung (được xác định theo tỉ lệ cơ bản 50/50)[6]. Riêng đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ thì các bên có quyền độc quyền và không cần đưa vào chế độ tài sản không phân chia. Nếu có đóng góp không đồng đều hoặc thiếu tin tưởng, mỗi bên có thể giữ chế độ tài sản riêng cho mình. Tài sản riêng được xác định theo nguồn gốc như: Tài sản sở hữu trước khi ký kết PACS, tài sản được tặng cho, thừa kế riêng; tài sản có được từ kinh tế và công việc riêng của mỗi người; tài sản được mua bằng tiền có nguồn gốc trước khi ký kết.

Mỗi bên là người quản lý tài sản thì quyền hạn trong sử dụng tài sản có thể không cần đồng ý của người kia[7]. Việc bảo quản tài sản có thể được thực hiện một mình (các bên có quyền có thỏa thuận riêng). Trong một quan hệ PACS, khi một bên có cho thuê tài sản (kể cả trước khi ký kết) thì bên kia cũng được hưởng quyền từ hoạt động cho thuê, khi một bên cho thuê chết, bên còn lại được hưởng lợi ích còn lại, tuy nhiên trong quan hệ này, các bên phải liên đới chịu trách nhiệm[8].

Nợ vẫn là nợ riêng của nợ phát sinh trước khi ký kết, nhưng quyền chủ nợ được mở rộng đến các vụ kiện được một bên trong các tài sản không chia. Có thể yêu cầu một bên trả nợ mà không quan tâm tỷ lệ của họ trong khối tài sản đó nếu là nợ xuất phát từ nhu cầu sống hằng ngày, nợ trong quá trình quản lý di sản không chia và thuế từ thu nhập tài sản mang lại cho cả hai người[9].

Vấn đề quyền lợi trong lĩnh vực lao động phát sinh từ PACS: Được nghỉ phép đặc biệt cho mối quan hệ PACS như một sự kiện gia đình, điều này được dẫn chiếu đến luật lao động của Pháp để thực hiện, quy định này tạo ra sự gắn kết như một mối quan hệ hôn nhân thực tế giữa những người này[10]. Tuy nhiên trước đây ở Pháp đã xảy ra tranh cãu về việc tham gia hợp đồng này giữa những người cùng giới tính mà được quyền nghỉ vì sự kiện hôn nhân. Vì thực tế trước năm 2015 Pháp chưa hợp thức hóa hôn nhân đồng giới nên không xác lập được mối quan hệ gia đình giữa những người cùng giới tính. Theo quy định của PACS thì các đối tác được nghỉ làm việc trong khoảng thời gian vài ngày cho trường hợp một bên đối tác chết hoặc là cho cả trường hợp người ruột thịt của một bên đối tác chết, nghỉ đồng thời nếu họ cùng làm việc trong công ty[11]. Ngoài ra họ cũng có thể được quyền nghỉ không hưởng lương để hỗ trợ gia đình, chăm sóc đối tác bị bệnh hoặc tai nạn nghiêm trọng, khuyết tật về cơ thể

Chế độ bảo hiểm xã hội: cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khi xem xét các đối tác trong quan hệ PACS. Theo đó, các bên có quyền hưởng bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm tính mạng của đối tác còn lại[12]. Nếu một bên chết, trong 1 số trường hợp bên còn lại có thể được nhận 1 khoản trợ cấp được hưởng khi bên kia đã qua đời sau tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Thu nhận của cả hai người được đưa vào tài khoản là cơ sở xác định quyền trợ cấp xã hội: Thu nhận tối thiểu hưởng trợ cấp, mức phụ cấp nhà ở, trợ cấp cho người khuyết tật hoặc bảo hiểm việc làm. Người mất tất cả quyền lợi sẽ thành người thụ hưởng của đối tác dựa vào các chính sách về an sinh xã hội đã được đề cập.

Vấn đề thuế cũng được điều chỉnh khá chặt chẽ khi các bên kể từ năm 2010 phải cung cấp tuyên bố chung về thu nhận, thuế được trả cùng nhau. Phải khai chung thuế trừ trường hợp các bên có lựa chọn khác. Các bên phải chịu thuế chung cho thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản. Nếu ly thân, các bên có quyền yêu cầu sự tách biệt về thuế thu nhập, thuế nhà ở và một số loại thuế đặc thù khác. miễn thuế đối với thừa kế, quà tặng với nhau.

Phá vỡ PACS và cách hiểu trong quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp được xác định không phải là ly hôn và không cần chứng minh về lý do của sự phá vỡ, các bên đối tác có thể tự do thỏa thuận thay đổi hoặc phá vỡ PACS bất cứ lúc nào. Nguyên tắc của việc này vẫn cần tuân thủ các quy định rõ ràng về thủ tục, tức là chọn những cách [1] Gửi văn bản đăng ký phá vỡ giao ước đến Tòa án theo thỏa thuận; [2] Đến chính quyền địa phương bằng vi bằng sau đó gửi cho Tòa án biết; [3] Khi hôn nhân của một bên xuất hiện hoặc khi cả hai tiến tới hôn nhân cùng nhau[13].

Hậu của của sự phá vỡ PACS sẽ do các bên thỏa thuận về những vật không chia được (nội thất...) lấy lại sự độc lập về tài chính. Cũng có một số điều khoản về bồi thường theo quy tắc các bên đã từng cam kết, nhưng về cơ bản phá vỡ PACS cũng khác ly hôn là không dẫn đến trợ cấp bởi các bên, mà nếu có thì đơn giản nhất là đền bù cho sự khác biệt về mức sống do phá vỡ PACS.

 

Trần Lê An Nguyên

(Trợ lý Luật sư điều hành – LGP Lawyer

Cố vấn pháp lý cao cấp Tập đoàn MAI A)