Kỳ II: Tuyên Nguyễn Xuân Sơn "Lạm dụng để chiếm đoạt" là suy luận không có căn cứ

29/04/2018 17:22 | 6 năm trước

LSVNO - Về mặt pháp lý, không có căn cứ pháp luật nào để quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là chủ thể của tội “Tham ô tài sản” theo Điều 280 Bộ luật hình sự.

LSVNO - Về mặt pháp lý, không có căn cứ pháp luật nào để quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là chủ thể của tội “Tham ô tài sản” theo Điều 280 Bộ luật hình sự.

>>>Kỳ I: Nguyễn Xuân Sơn không phải là chủ thể tội tham ô theo Điều 278 BLHS

II.1.2. Quyết định về việc phân công Nguyễn Xuân Sơn phụ trách quản lý vốn của PVN mà bản án viện dẫn cũng không phải là căn cứ pháp lý để quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là chủ thể của tội tham ô tài sản. Bởi vì:

Tại Quyết định số 1014/QĐ-DKVN ngày 14/4/2011 (mà bản án sơ thẩm viện dẫn) cũng đã phân công Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Nguyễn Tiến Dũng phụ trách các định chế tài chính bao gồm cả OceanBank (bằng chứng Văn bản số 9051/DKVN-TCKT ngày 23/12/2014 của PVN coi OceanBank là định chế tài chính mà PVN góp 20% vốn); vậy ông Nguyễn Tiến Dũng mới là người phụ trách theo dõi OceanBank. Bằng chứng khác nữa trong thời kỳ này là các báo cáo của Vũ Thị Thanh Hương – người đại diện phần vốn OceanBank, cũng đều được báo cáo Phó TGĐ Nguyễn Tiến Dũng (báo cáo ngày 11/01/2012 của Ban Tài chính kế toán trình xin ý kiến Phó TGĐ Nguyễn Tiến Dũng về sửa đổi điều lệ OceanBank).

Như vậy, Sơn phụ trách quản lý theo dõi các đơn vị vốn góp của PVN nhưng không bao gồm OceanBank như trích dẫn của Bản án sơ thẩm.

Theo quy định tại Điều 33, Phụ lục 6, Quy chế quản lý vốn của tập đoàn đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-DKVN ngày 11/9/2007 của PVN quy định mối quan hệ giữa các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư của Công ty (Công ty mẹ PVN): “Công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cổ đông hoặc thành viên bên liên doanh, bên góp vốn thông qua người trực tiếp quản lý phần vốn của Công ty tại các công ty này và theo quy định điều lệ của doanh nghiệp”. Như vậy PVN (Phó TGĐ PVN) không trực tiếp quản lý vốn mà thông qua người đại diện. Không có bằng chứng nào chứng minh Sơn đã chỉ đạo những người đại diện của PVN tại OJB về lĩnh vực tài chính kế toán, chỉ đạo công tác quản lý vốn ở OceanBank . Cho dù Sơn có phụ trách lĩnh vực tài chính kế toán, quản lý vốn PVN và các đơn vị của PVN trong 6 tháng thì cũng không thể là chủ thể tội “Tham ô tài sản” của PVN tại OceanBank được.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Nguồn: internet.

Mặt khác khoản tiền chi lãi ngoài xuất phát từ OJB, là khoản đã vượt trần lãi suất tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định nên không thể là thu nhập hợp pháp của PVN, không nằm trong tài khoản của PVN nên không thể nói Sơn với chức năng quản lý tài chính kế toán chung của PVN lại có thể là chủ thể tội tham ô tiền của PVN ở OceanBank.

Nếu Sơn có phụ trách theo dõi các đơn vị có vốn góp của PVN cũng không có nghĩa bao gồm OceanBank, bởi vì OceanBank là công ty liên kết với PVN.  PVN không chi phối OJB. OJB không phải là đơn vị trực thuộc PVN theo Quy chế số 3973/QĐ-DKVN ngày 09/7/2007 quy định tại Điều 2, khoản 3 định nghĩa: “Đơn vị là các đơn vị trực thuộc Tập đoàn và các Công ty con của Tập đoàn”...

Bên cạnh đó, toàn bộ số vốn góp của PVN cùng với vốn góp của các cổ đông khác vào OJB là khối tài sản thống nhất thuộc quyền quản lý của OJB, không còn là tài sản thuộc quyền quản lý riêng, độc lâp của PVN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của OJB.

Theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, tại Chương 2, mục 1 quy định về “Quản lý và sử dụng vốn tại công ty Nhà nước”, Điều 12 “Đầu tư vốn ra ngoài công ty Nhà nước” không có quy định nào cho phép người được phân công quản lý vốn của công ty Nhà nước có quyền/ trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành phần vốn đã góp vào doanh nghiệp khác. Vì quyền/ trách nhiệm này đã được Hội đồng quản trị công ty Nhà nước cử người đại diện phần vốn góp đó với tư cách đại diện cổ đông pháp nhân góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của doanh nghiệp nhận  vốn góp. Trong vụ án này là giữa PVN (bên góp vốn) với OJB (bên nhận vốn góp) của PVN. Điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - PVN,  Chương IV “Quản lý vốn Nhà nước của Công ty mẹ đầu tư vào doanh nghiệp khác”, tại khoản 2 quy định như sau: “2. Đối với các doanh nghiệp khác, Công ty mẹ có các quyền sau: a) Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp khác”.

Hơn nữa, bản án sơ thẩm đã “bỏ quên” một quyết định rất quan trọng được ban hành sau Quyết định số 1014 nói trên. Đó là Quyết định số 2778/QĐ-DKVN ngày 07/10/2011 V/v phân công công việc trong Ban Tổng giám đốc PVN, tại Mục 8 Phân công cho Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn thì Sơn không có nhiệm vụ quản lý vốn của Tập đoàn nữa và chức năng nhiệm vụ này được giao toàn bộ cho Phó TGĐ Nguyễn Tiến Dũng tại Mục 7. (Kèm văn bản).

Theo Điều 280 Bộ luật Hình sự, chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có “chức vụ, quyền hạn”, có “trách nhiệm quản lý tài sản” của OJB. Nguyễn Xuân Sơn dẫu có được phân công quản lý vốn của PVN chăng nữa, cũng không phải là người có “chức vụ, quyền hạn”, không phải là người có “trách nhiệm quản lý tài sản” ở OJB nên không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản.

2.1.3. Bản án nhận định Nguyễn Xuân Sơn cũng là người có ảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đến nguồn tiền gửi của PVN và các thành viên của tập đoàn tại OJB và lạm dụng điều đó để chiếm đoạt tiền của OJB chỉ là suy luận không có căn cứ

Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo tại tòa. Ảnh: Phan Trung Hoài

Nguyễn Xuân Sơn không phải là người có ảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đến nguồn tiền gửi của PVN và các thành viên của tập đoàn tại OJB như bản án quy kết. Bởi vì, trước khi Nguyễn Xuân Sơn về công tác tại OJB, giữa PVN và OJB đã có các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo PVN sau đây:

1. Thỏa thuận số 6934/TTHT -PETROVIETNAM và OCEANBANK ngày 18/9/2008 do Chủ tịch Đinh La Thăng ký, trong đó có việc PVN sẽ sử dụng dịch vụ của OceanBank (có việc mở tài khoản tiền gửi).

2. Văn bản số 948/DKVN –TCKT ngày 18/02/2009 do Phó TGĐ PVN Nguyễn Ngọc Sự ký về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ nội bộ Tập đoàn.

3. Văn bản số 3405/DKVN – HĐQT ngày 13/5/2009 do Chủ tịch Đinh La Thăng ký về triển khai hệ thống tài khoản mở tại OceanBank.

4. Văn bản số 4566/DKVN-TCKT ngày 22/6/2009 do Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh ký về triển khai hệ thống tài khoản tại OceanBank.

5. Văn bản số 7009/DKVN –TCKT ngày 11/9/2009 của Tổng giám đốc Phùng Đình Thực ký về việc sử dụng hệ thống tài khoản mở tại OceanBank.

6. Văn bản số 8436/DKVN-HĐTV ngày 17/9/2010 của Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh La Thăng ký về mở tài khoản và sử dụng dịch vụ của OceanBank.

7. Văn bản số 5386/DKVN-TCKT ngày 20/6/2011 do Phó TGĐ Lê Minh Hồng ký về sử dụng dịch vụ của OceanBank.

8. Văn bản số 369/DKVN-TCKT ngày 19/1/2015 do Phó TGĐ Ninh Văn Quỳnh ký về việc chỉ đạo các đơn vị và người đại diện phần vốn góp tiếp tục duy trì số dư tiền gửi tại OceanBank theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo hoạt động ổn định của OceanBank thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

9. Các quy chế của về Quản lý và sử dụng vốn bằng tiền của PVN số 2273/QĐ-DKVN ngày 22/3/2012 quy định về Đầu tư tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, lãi suất, điều kiện để lựa chọn Tổ chức tín dụng (Điều 5,6,7). Quy định trách nhiệm của “Ban TCKT báo cáo Hội đồng thành viên , Tổng giám đốc PVN”.

10. Quy chế quản lý sử dụng vốn bằng tiền của các đơn vị trực thuộc PVN. Ví dụ thể hiện qua các văn bản sau:

- Quyết định số 407/QĐ/HĐTV-DLDK ngày 25/7/2012 của Điện lực dầu khí, quy định “Tổng giám đốc Điện lực dầu khí chỉ đạo (Điều 5); Quyết định số 435/QĐ/HĐTV-ĐLDK ngày 14/8/2012 của Chủ tịch PVPOWWER phê duyệt danh mục các tổ chức tín dụng để đầu tư tiền gửi của Công ty điện lực dầu khí.

- Quyết định số 72/QĐ-VTDK-HĐQT ngày 30/10/2013 ban hành quy chế quản lý dòng tiền của Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí, quy định “Tổng giám đốc Công ty chỉ đạo…”                                                                 

Như vậy khi Nguyễn Xuân Sơn rời OJB về PVN phụ trách tài chính của PVN trong thời gian hơn 5 tháng thì không có văn bản nào Sơn ký chỉ đạo các đơn vị của PVN sử dụng dịch vụ của OceanBank, ngược lại có rất nhiều văn bản do Chủ tịch PVN, Tổng giám đốc PVN, Phó TGĐ khác của PVN ký. Tại các công ty con thì trách nhiệm quản lý vốn bằng tiền lại quy định cho Tổng giám đốc các công ty con chỉ đạo.

Nguyễn Xuân Sơn không có quyền quyết định hoặc chi phối việc gửi tiền từ PVN và các đơn vị thành viên vào OJB mà quyền đó thuộc Hội đồng thành viên đã phân công cho Phó TGĐ Nguyễn Tiến Dũng trên cơ sở đề xuất của Ban TC-KT-KT của Ninh Văn Quỳnh.

Với các bằng chứng trên đây đã chứng minh Nguyễn Xuân Sơn không có quyền hạn chỉ đạo PVN và các Công ty con của PVN để có thể “ảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đếnnguồn tiền gửi của PVN và các thành viên của tập đoàn tại OJB như nhận định của Bản án sơ thẩm.

Như vậy, Bản án sơ thẩm đã không viện dẫn được một quy định pháp luật nào làm căn cứ pháp lý để áp dụng mà chỉ suy đoán chủ quan để quy buộc cho Nguyễn Xuân Sơn là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”. Sự suy đoán này là hoàn toàn bất lợi cho Nguyễn Xuân Sơn và vi phạm nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Kết luận: Về mặt pháp lý, không có căn cứ pháp luật nào để quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là chủ thể của tội “Tham ô tài sản” theo Điều 280 Bộ luật Hình sự.

II.2. Số tiền 49.320.797.800 đồng Nguyễn Xuân Sơn bị quy buộc tham ô không phải là tiền của Nhà nước.

Bản án quy kết: Trong số tiền 246.603.797.800, Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt nói trên có ít nhất là 49.320.797.800 đồng (246.603.797.800 X 20%= 49.320.797.800) là tiền của Nhà nước mà Sơn là một trong những người đại diện, có trách nhiệm quản lý. Dó đó, hành vi chiếm đoạt số tiền 49.320.797.800 đồng đã cấu thành tội tham ô…”. (Trang 211).

Quy kết này của Bản án sơ thẩm là không có căn cứ pháp luật, vì đã có sự nhầm lẫn tư cách sở hữu 20% vốn của Nhà nước với tư cách sở hữu 100% tài sản thống nhất của pháp nhân OJB. Để kết luận Sơn có phạm tội tham ô hay không thì phải xem bản chất số tiền 49.320.797.800 đồng này là của PVN (Nhà nước) hay của OJB?

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2014 và Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2005; Điều 36, 37 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty” thì tài sản góp vốn…đều trở thành tài sản của pháp nhân, thuộc sở hữu của pháp nhân. Tài sản của doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của pháp nhân chứ không phải của cổ đông nào. Theo quy định tại Quy chế Tài chính số 131/2009/QC-HĐQT của OJB thì số tiền này đươc trích ra từ tài khoản tạm ứng của OJB, do Hà Văn Thắm quyết định duyệt chi. Vì vậy, số tiền 49.320.797.800 đồng đang là tài sản của OJB, OJB có trách nhiệm quản lý chứ không phải tài sản thuộc quyền quản lý của PVN.

Trong Văn bản số 173/QLKTTW-DN ngày 09/3/2018 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan chủ trì soạn thảo và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp) trả lời Văn phòng Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã xác định rất rõ+: “Tài sản góp vốn của cổ đông sẽ trở thành tài sản của công ty sau khi đã hoàn thành việc góp vốn và chuyển quyền sở hữu cho công ty. Các cổ đông chỉ là người sở hữu cổ phần và có quyền và lợi ích tương ứng với số cổ phần của mình... Công ty là một pháp nhân, độc lập với các cổ đông về quyền và nghĩa vụ tài sản”. (Xin đính kèm).

- Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - PVN, tại khoản 2 Điều 9 “Tài sản của Công ty mẹ” cũng quy định rõ: “Tài sản của Công ty mẹ không bao gồm tài sản của Tổng công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn do Công ty mẹ là chủ sở hữu, tài sản của công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Công ty mẹ”.

- Quyết định số 5985/QĐ-DKVN ngày 11/9/2007 của PVN về việc ban hành quy chế quản lý vốn của PVN, tại Điều 4 Quy chế quy định “Vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp khác” đã xác định:

“4.1. Vốn bằng tiền, giá trị quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, giá rị những tài sản khác của Tập đoàn được Tập đoàn đầu tư hoặc góp vốn vào Doanh nghiệp khác hoặc thông qua Đơn vị góp vốn vào Doanh nghiệp khác;

4.2. Vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp khác giao cho Tập đoàn quản lý;

4.3. Giá trị cổ phần của Tập đoàn (phần vốn Nhà nước) tại các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa...;

4..4. Vốn do Tập đoàn vay để đầu tư;

4.5. Lợi tức và các khoản được chia khác do Tập đoàn đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác để tái đầu tư tại các doanh nghiệp này”.

Như vậy, Quy chế quản lý vốn của PVN đã xác nhận, tài sản thuộc quyền sở hữu của tập đoàn tại OJB chỉ gồm hai loại: Phần vốn góp vào OJB dưới hình thức mua 80 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần là 800 tỷ đồng (tức là phần tài sản của PVN tại OJB chỉ là 80 triệu cổ phần đã mua chứ không phải là 800 tỷ, vì giá trị cổ phần có thể thay đổi theo thị trường); phần lợi tức được chia tại doanh nghiệp đó. Theo hồ sơ vụ án, phần cổ tức được chia từ 80 triệu cổ phần đó trong thời gian từ 2009-2013 được đại diện PVN xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm là 244 tỷ (số tròn). Số cổ tức này, PVN đã thụ hưởng hợp pháp và thực hiện đầy đủ việc hạch toán theo quy định của pháp luật tài chính kế toán. Số tiền này không bị mất do hành vi chiếm đoạt của Nguyễn Xuân Sơn.

Về bản chất của số tiền được coi là đã bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt, theo Nghị quyết phiên họp thứ 5, nhiệm kỳ IV của Hội đồng quản trị OceanBank, ngày 30 tháng 11 năm 2009, dưới sự chủ trì của Hà Văn Thắm, đã quyết định OJB: “Được thực hiện các chính sách thu hút khách hàng đặc biệt, khách hàng doanh nghiệp và thực hiện dịch vụ tài chính... phát huy vai trò của các khối, ban, quy hoạch mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng”.  Do đó, số tiền mà Thắm chuyển cho Sơn  246.603.797.800 đồng (trong đó có 49.320.797.800 đồng) là tiền chăm sóc khách hàng, là khoản chi phí trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Tại Báo cáo kiểm toán số 192/TB-KTNN và số 193/TB-KTNN ngày 25/3/2016 của Kiểm toán Nhà Nước tại PVN do Trưởng đoàn KTNN Hoàng Đức Lân ký, đã khẳng định:Tại thời điểm 31/12/2014, Công ty mẹ đang có khoản đầu tư tài chính vào OceanBank số tiền là 800 tỷ, chiếm 20% vốn điều lệ của OceanBank…”  Như vậy trong quá trình xảy ra vụ án từ 01/2009 đến 6/2014 giá trị vốn đầu tư của PVN vào OceanBank không bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là đã bị mất. Ngoài ra Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng không yêu cầu PVN phải thu hồi một khoản tiền, tài sản nhà nước nào khác của PVN từ OceanBank như khoản tiền 49 tỷ đồng do Hà Văn Thắm sử dụng chi ngoài lãi suất qua Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian 4 năm (01/2011 - 6/2014).

Như vậy, Bản án số 330/2017/HS-ST lấy phép tính đơn giản: 246.603.797.800 x 20% = 49.320.797.800 tỷ đồng là của PVN để cho rằng Nhà nước đã “mất” số tiền này và kết luận cho Nguyễn Xuân Sơn tội tham ô chỉ là kết quả của sự suy đoán chủ quan mà không dựa trên một căn cứ pháp lý nào, không chỉ ra được điều luật nào để xác định và áp dụng.

Tóm lại, theo các quy định pháp luật nói trên, việc các chủ thể góp vốn tạo lập doanh nghiệp thì số vốn đã góp đã được chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp dưới hình thức mua cổ phần. Số vốn đã góp vào là tài sản của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, PVN góp 20% vốn vào OJB thì số vốn góp này là tài sản thuộc quyền sở hữu của OJB. PVN lúc này là một cổ đông pháp nhân chỉ sở hữu quyền tài sản đối với 80 triệu cổ phần đã mua tại OJB như các cổ đông khác. Tài sản của OJB không phải là tài sản của nhà nước theo nguyên tắc những tài sản vốn góp thuộc sở hữu của OJB thì nó sẽ không đồng thời là đối tượng của sở hữu (vật quyền) của bất kỳ ai, kể cả đó là Nhà nước. Vì vậy, không một cổ đông nào, kể cả cổ đông Nhà nước cũng không thể coi đó là tiền riêng của mình trong khối tài sản thuộc sở hữu của OJB.

Chính vì thế nên bản án sơ thẩm ngày 29/3/2018 mới đây của TAND TP. Hà Nội xử bị cáo Ninh Văn Quỳnh về  “Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” số tiền 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn đã xác định số tiền này là của OJB chứ không phải của PVN.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn phạm một sai lầm nghiêm trọng là đã quy buộc cho Nguyễn Xuân Sơn phải có nghĩa vụ chứng minh số tiền chiếm đoạt đã chi dùng thế nào, nếu không chứng minh được thì Sơn phải chịu trách nhiệm về lập luận tội phạm đã hoàn thành ngay sau khi Sơn đã nhận được số tiền đó (!). Vấn đề này Luật sư Phạm Công Hùng sẽ phân tích rõ trong phần bào chữa tiếp theo của luật sư.

Những căn cứ đã nêu và phân tích trên có thể rút ra kết luận: Hồ sơ vụ án và kết quả điều tra công khai tại phiên tòa  đã cho thấy không đủ căn cứ pháp lý xác định Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản” như quy buộc của Bản án sơ thẩm.

(Còn nữa...)