Kỷ niệm 55 năm Chiến dịch tổng tấn công tết Mậu Thân 1968: Huế tấn công, nổi dậy, kiên cường, dũng cảm

25/01/2023 16:18 | 1 năm trước

(LSVN) - Huế là một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm trong Chiến dịch tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Quân và dân ta chiếm giữ Huế 25 ngày đêm, bắt sống, bức hàng, làm tan rã 25.000 tên địch, bắn rơi, phá hủy hơn 200 máy bay, bắn cháy 41 tàu chiến, phá hủy 533 xe quân sự; giải phóng 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn, thành lập chính quyền 200 thôn.

Quân Giải phóng Thừa Thiên – Huế huấn luyện trên sa bàn đánh chiếm TP. Huế. Ảnh tư liệu.

Mặc cho trời mưa dầm gió bấc, sương mù dày đặc, chiều tối 30 tháng Chạp các cánh quân đánh chiếm TP. Huế xuân Mậu Thân 1968 đã bí mật tập kết đúng vị trí; tất cả sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Đánh TP. Huế ta dùng 02 cánh quân, đó là cánh quân phía Bắc và cánh quân phía Nam.

Giao thừa cả nước lắng nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ:

 “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.                                

Khi Bác đọc dứt câu thơ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! Là hiệu lệnh nổ súng tổng tấn công, nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam.      

Quân giải phóng vượt qua cầu Tràng Tiền đánh vào trung tâm TP. Huế. Ảnh tư liệu.

Đúng 02 giờ 33 phút hàng loạt đạn pháo ĐKB cánh quân phía Nam xé tan màn đêm bắn vào sân bay Phú Bài, là lệnh tổng tiến công toàn bộ chiến trường Trị - Thiên - Huế. Tiếp đó pháo binh quân giải phóng đánh vào khu Phan Sào Nam, Động Toàn, Đông Ba, quân ta đồng loạt tấn công 40 mục tiêu trên TP. Huế, địch bị tấn công bất ngờ nên vô cùng bị động, cánh quân phía Bắc một tổ du kích bí mật do Đặng Văn Hiếu chỉ huy mở đường cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 12 đặc công và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 bộ binh đánh vào Sở chỉ huy sư đoàn 1 quân ngụy ở Mang Cá. Địch chống trả quyết liệt, dùng xe tăng ra bịt cổng chính, quân ta dùng B40 bắn cháy 02 chiếc. Một tổ quân ta chiếm được khu đại đội quân y, đại đội chiến tranh tâm lý địch. Một bộ phận đặc công vượt qua tường thành đánh vào bên trong căn cứ bị địch đánh vào đội hình một số chiến sĩ thương vong, mũi trưởng Nguyễn Văn Châu cho cối 82 bắn chế áp, tạo điều kiện cho lực lượng đánh chiếm cổng phía Bắc, lực lượng đánh cổng phía Bắc diệt 04 lô cốt sau đó đánh sang cổng phía Tây, vòng ngoài Đại đội 2 bộ binh bị địch cầm chân. Cuộc chiến đấu kéo dài 05 giờ đồng hồ, hàng trăm tên địch bị diệt, nhưng quân giải phóng cũng bị thương vong lớn. Đến 07 giờ 30 phút sáng buộc ta phải rút lực lượng ra củng cố.

Bộ chỉ huy quyết định tung Tiểu đoàn 2 và lực lượng đặc công đánh vào Mang Cá lần thứ hai, nhưng vẫn không đột nhập được vào trung tâm.

Ở Tây Lộc sau khi bí mật vượt qua cống Thủy Quan và cửa Chánh Tây, Đại đội 2 đặc công và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 bộ binh ba lần tiến công vào sân bay, gây thiệt hại 02 tiểu đoàn địch, phá hủy được 40 máy bay, 01 kho đạn, 01 kho xăng.

Khu vực Thành Nội Đại đội 4 đặc công, cùng với Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6 đột phá Cửa Hữu, diệt đơn vị thám báo và 131 tên Cảnh sát, bắt 26 tên, sau đó đánh chiếm khu cột cờ. Đúng 09 giờ sáng ngày 31/01 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên cột cờ Phú Văn Lâu. Chiến Sĩ Nguyễn Văn Tuyển vinh dự được trao trách nhiệm kéo lá cờ này, sau khi đánh chiếm khu cột cờ Tiểu đoàn 2 đánh chiếm cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ, cống Thanh Long, tiến ra phía Bắc cầu Tràng Tiền, đánh chiếm các ty, sở quân ngụy ở quận nhất, diệt đồn Cảnh sát chợ Đông Ba, truy quét quân địch dọc đường Trần Hưng Đạo.                     

Khu vực cầu Gia Hội Đại đội 14 biệt động TP. Huế đánh tan chính quyền ngụy, sáng ngày mồng 01/2 nhân dân trong phường nổi dậy truy lùng tề điệp, ác ôn, mật vụ địch. Sau một đêm chiến đấu 90% dân số TP. Huế nằm trong tay quân giải phóng.

Phối hợp với lực lượng nội thành ở vùng ven Tiểu đoàn 818 cùng với lực lượng vũ trang huyện Hương Trà tiêu diệt địch ở vòng ngoài như: Kim Long, Kẻ Vạn, Văn Thánh, cầu Bạch Hổ, cầu An Hòa, Đốc Sơ, Bồn Tứ, An Lưu, Quế Chử. Trưa ngày 01/02 bộ đội địa phương cùng nhân dân nổi dậy cướp chính quyền ở một số xã, diệt và bắt nhiều ác ôn, gọi hàng hơn 1000 tên phòng vệ. Sáng ngày mồng 02/02 các xã còn lại trong huyện nổi dây xóa bỏ chính quyền của địch thành lập chính quyền cách mạng và hăng hái tham gia chiến đấu. Nhân dân xã Hương Thái cung cấp 700 thùng gạo, hàng nghìn tấn thực phẩm cung cấp cho cánh quân phía Bắc. Cùng với Hương Trà các huyện Phong Điền, Quảng Điền cũng nổi dậy buộc địch phải bỏ đồn bốt ở Sịa, cao điểm 367, cao điểm 54, Cầu Kẽm tháo chạy.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ bị thương ở TP. Huế. Ảnh tư liệu.

Cánh quân phía Nam Huế, Tiểu đoàn 1 đặc công do Tiểu đoàn trưởng Trần Đức Tuyển cùng với Chính trị viên Trần Đình Chiến chỉ huy đánh chiếm Tam Thai diệt 350 tên địch, phá 35 xe tăng, Tiểu đoàn 2 đặc công do tiểu đoàn trưởng Hùng Vũ Hải và Chính trị viên Trần Đăng Hiền chỉ huy táo bạo đánh vào khách sạn Thuận Hóa và Tiểu khu Thừa Thiên, phát triển xuống đánh khách sạn Hương Giang, cùng với Tiểu đoàn 840 đánh chiếm Đài phát thanh Huế.            

Cùng thời gian đó Tiểu đoàn 804 và Tiểu đoàn 810 đánh chiếm Cầu Ga, Bến Ngự, Nam Giao, đường Lê Lợi, bắt tên Đại tá Nguyễn Văn Đại tỉnh Phó Thừa Thiên, thừa thắng Tiểu đoàn 810 đánh vào nhà lao Thứa Phủ, giải phóng hơn 2000 cán bộ cách mạng đang bị giam cầm tại đây.                                        

Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 9 cùng du kích xã Thủy An diệt diệt xe tăng cầu Nhà Đèn, đánh chiếm cầu An Cựu, tiến công Phước Quả, Phú Cam diệt hàng nghìn tên địch.  

Phú Vang đội biệt động, cùng với Đại đội 117 địa phương đánh địch ở Đập Đá, đốt kho xăng Chợ Dinh, cắt đường thủy cửa Thuân An lên Huế. Từ ngày 02 đến ngày 07/02 Phú Vang thành lập được 2 đại đội vũ trang, xây dựng trận địa chuẩn bị đánh địch phản kích. 

Xã Thủy Xuân có 30 y sĩ, bác sĩ giúp quân y tổ chức trạm phẫu thuật giã chiến. Chùa Ngũ Tây, chùa Thích Quang Tự được các nhà sư cho làm trạm phẫu thuật. Ni sư chùa Tư Đàm, chùa Tường Vân cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm ăn uống cho hơn 2000 cán bộ cách mạng mới thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ.

Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, gây cho địch thất bại nặng nề, ngụy quyền hoang mang, thừa thắng công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, tu sĩ, các tầng lớp trí thức, tiểu thương trong thành phố nổi dậy cùng tham gia truy quét địch, lùng diệt ác ôn, cảnh sát, mật vụ.

Sau khi Huế giải phóng các đoàn thể quần chúng được thành lập, bước đầu đi vào hoạt động. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Huế ra đời, tập hợp nhân sĩ trí thức, các chức sắc tôn giáo, sinh viên yêu nước thành lập mặt trận yêu nước, yêu hòa bình  chống Mỹ và tay sai. Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Huế ra mắt quần chúng trong niềm phấn khởi và tự hào của nhân dân thành phố.

Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương ạnh dũng lập nhiều chiến công được Bác Hồ gửi thư khen. Ảnh tư liệu.

Trong 25 ngày đêm chiếm giữ thành phố Huế lực lượng của ta có nhiều đơn vị chiến đấu dũng cảm, kiên cường, lập nên nhiều chiến công vang dội, làm cho quân địch vô cùng hoảng sợ. Tiêu biểu có tiểu đội du kích 11 cô gái Sông Hương tiêu diệt 100 tên địch, bắn cháy 04 xe tăng, đẩy lùi 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến tinh nhuệ. Được tin từ tiền tuyến báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen 11 cô gái Sông Hương, trong đó có 04 câu thơ:

"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường     

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường   

Bác khen các cháu dân quân gái   

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương".

Cuộc tổng tấn công nổi dậy của quân và dân TP. Huế là mốc nổi bật chiến thắng làm cho cả nước tự hào về mảnh đất Cố Đô yêu thương. Huế trở thành một chiến trường đánh địch xuất sắc nhất, quân và dân Thừa Thiên - Huế vinh dự được đón nhận 08 chữ vàng của Trung ương Cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng: “Tiến công - Nổi dậy - Anh dũng - Kiên cường”.

Đã qua 55 mùa Xuân, những người cầm súng chiếm giữ thành Huế, cũng như người dân ở nơi đây không bao giờ quên thời khắc lịch sử oanh liệt ấy. 

HẢI HƯNG

Năm Mão nói chuyện con mèo

Từ khoá : lsvn.vn LSVN