Công tác hậu cần - Một yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975

27/04/2023 02:36 | 1 năm trước

(LSVN) - Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xin ý kiến Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm đánh địch dọc các tỉnh quyền hải miền Trung, rồi đánh thẳng vào Sài Gòn. Quân đoàn mở chiến dịch thần tốc với phương châm vừa hành quân vừa đánh địch, trưa ngày 30/4/1975 chiếc xe tăng 390 của Lữ đoàn 203, húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 vào chiếm giữ Dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 phút, cờ Quân giải phóng tung bay trên Phủ Tống thống nguỵ quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hậu phương dốc sức chi viện cho tiền tuyến, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Ảnh tư liệu.

Đất nước thống nhất, nhiều nhà quân sự trên thế giới đặt câu hỏi bằng cách nào Quân đoàn 2 đảm bảo đủ hậu cần cho một binh đoàn vừa hành quân, vừa chiến đấu trong thời gian ngắn, trên quãng đường dài gần 1000km? Sau đó có phái đoàn cấp cao quân đội Liên Xô (cũ) về làm việc với Bộ Tư lệnh, quân đoàn họ đi sâu tìm hiểu công tác tổ chức bảo đảm đủ hậu cần cho một lực lượng quân số đông, gồm: 03 Sư đoàn, 05 Lữ đoàn, hơn chục Đại đội, Tiểu đoàn trực thuộc và Quân đoàn bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Họ cho rằng, đây là một hiện tượng các cuộc chiến tranh trên thế giới hiếm thấy. 

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thực, Phó Tư lệnh về công tác hậu cần báo cáo với đoàn: "Sở dĩ binh đoàn đủ xăng xe, đủ lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu là nhờ Bộ Tư lệnh đã vận dụng sáng tạo chiến tranh nhân dân, chúng tôi thực hiện công tác hậu cần toàn dân. Lấy hậu cần tại chỗ phục vụ cho chiến đấu, lúc đó dân ai có xe ô tô chúng tôi huy động tình nguyện chở quân, địch rút chạy để lại một lượng xe ô tô, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm rất lớn. Chúng tôi vận động những người dân biết lái xe, anh em hàng binh biết lái xe vào phục vụ các đơn vị. Lương thực, thực phẩm bộ đội hành quân đến đâu đề nghị dân giúp đỡ và thu chiến lợi phẩm của địch. Biết động viên, khích lệ nên nhân dân ủng hộ nhiệt tình, vô tư, với tinh thần trách nhiệm cao. Chính nhờ vậy mà Quân đoàn huy động được một lượng xe ô tô rất lớn đủ chở bộ đội vũ khí trang bị, lương thực thực, thực phẩm phục vụ kịp thời cho tác chiến. Nhờ làm tốt công tác hậu cần nên bộ đội chiến đấu rất tốt. Quân đoàn 2 đơn vị đầu tiên cắm cờ ở Dinh Độc Lập trong đó có công lớn của công tác hậu cần".

Hậu phương dốc sức chi viện cho tiền tuyến, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Ảnh tư liệu.

Sau khi nghe Phó Tư lệnh Nguyễn Ngọc Thực báo cáo, các lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn bổ sung thêm, phái đoàn cao cấp quân đội Liên Xô rất tâm đắc. Họ cho đây là một vận dụng sáng tạo trong chiến tranh ít nước nào có được. Hay nói cách khác chưa có quân đội nào trên thế giới thực hiện.                                          

Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh công tác hậu cần đi bước một bước. Ở chiến trường chính Nam Bộ, tổ chức các đoàn hậu cần tuyến trước và tuyến sau phục vụ cho các mũi tấn công vào Sài Gòn, xây dựng ở Đồng Xoài tổng kho chiến lược, dự trử trên 10.000 tấn vũ khí trang bị, cụm kho hậu cần ở An Lộc dự trử 8.000 tấn lương thực, thực phẩm. Hướng đông Đoàn Hậu cần 814 , phối hợp với Quân khu 6 và Quân khu 7 chuẩn bị cho Quân đoàn 4 đánh chiếm Biên Hoà, Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu và Sài Gòn. Hướng đông bắc Đoàn Hậu cần 240 áp sát phía Nam tỉnh Sông Bé chuẩn bị cho Quân đoàn 1 đánh chiếm căn cứ thiết giáp Phù Đổng , Bộ tổng tham mưu nguỵ. Hướng tây bắc Đoàn Hậu cần 235 ém quân vùng Trảng Bàng, Củ Chi đảm bảo cho Quân đoàn 3 đánh chiếm cứ điểm Đồng Dù, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Một cánh quân Đoàn 240, cùng Đoàn 230 hậu cần, Quân khu 8 đảm bảo cho Sư đoàn 8 đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y, đánh vào Tổng nha Cảnh sát ngụy. 05 phân đội hậu cần cơ động của miền có nhiệm vụ chi viện tăng cường cho các tuyến hậu cần phía trước.

Nhờ làm tốt công tác hậu cần 05 cánh quân của ta được chuẩn bị cầu đường, vũ khí trang bị đánh chiếm các mục tiêu đã được giao, đảm bảo bí mật tuyệt đối. Trước ngày nổ súng mở màn chiến dịch chúng ta đã chuẩn bị được tổng khối lượng vật chất 60.500 tấn, trong đó có 30.000 tấn vũ khí trang bị, 4.800 tấn xăng dầu. Tất cả tiếp cận đến từng đơn vị chiến đấu, sẵn sàng bảo đảm kịp thời. Đoàn 559 điều 03 kho phục vụ chiến trường chính với trử lượng 12.000 tấn vũ khí, 10.000 tấn nhiên liệu. Các đoàn hậu cần đi đến đâu cũng vận động nhân dân tham gia tải đạn, mở đường, quên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội. Đặc biệt, quân dân địa phương cùng bộ đội bí mật mở các con đường áp sát căn cứ mà địch không hề biết. Công tác hậu cần chuẩn bị đủ chi viện bộ đội đánh liên tục, dài ngày với quân thù. Với công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lượng, chiến dịch Hồ Chí Minh chưa khai hoả, nhưng quân và dân ta tin tưởng sẽ chiến thắng lớn. Đúng như dự định chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc sớm hơn dự đoán, thu non sông về một mối, chấm dứt chia cắt đất nước.                                                    

Công tác hậu cần đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng, làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác hậu cần, trên mặt trận thầm lặng, nhưng họ có công to lớn đem chiến thắng về cho đồng đội, cho đất nước. Họ được anh em thường gọi những người đi trước về sau. 

HẢI HƯNG

Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả