Ký sự một chuyến đi: Kỳ 1: Đoàn công tác LĐLSVN tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp tại Nhật Bản

15/01/2019 17:39 | 5 năm trước

LSVNO - Trong các ngày từ 14/01- 23/01/2019, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm 14 thành viên, do TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam dẫn đ...

LSVNO - Trong các ngày từ 14/01- 23/01/2019, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm 14 thành viên, do TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam dẫn đầu, có chuyến tập huấn, trao đổi kinh nghiệm tại Nhật Bản với nhiều nội dung, trong đó nổi lên vấn đề quan trọng là “Sửa đổi Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư và tái cơ cấu tổ chức và sửa đổi Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.

Các thành viên Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các luật sư Nhật Bản.

Khoảng 7 giờ 25 phút sáng ngày 14/01/2019 (giờ Nhật Bản), Đoàn đã có mặt tại Sân bay Narita (Thủ đô Tokyo Nhật Bản). Tiếp đón Đoàn tại sân bay là các cán bộ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngay từ sự đón tiếp ban đầu của phía bạn đã khiến chúng tôi cảm nhận được sự nồng nhiệt và chuyên nghiệp, chi tiết về tổ công tác. Sau đó, Đoàn đã di chuyển từ sân bay Narita về Trụ sở của JICA tại Tokyo.

Cũng trong ngày 14/01/2019, Đoàn đã được các cán bộ JICA hướng dẫn chi tiết về công tác lưu trú, sinh hoạt trong thời gian tập huấn. Trụ sở JICA Tokyo cách trung tâm khoảng 3km và chỉ mất 8 phút đi bộ là có thể đến được ga tàu điện ngầm Hatagaya để từ đó có thể sử dụng phương tiện công cộng này di chuyển đến các địa điểm tại Tokyo. Được tin anh Cẩm, người phiên dịch đã cộng tác rất lâu năm với tổ chức JICA giúp các Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam rất tận tình và thân thiết qua đời, TS. LS Đỗ Ngọc Thịnh cùng Luật sư Nguyễn Minh Tâm và Luật sư Trần Thùy Dung thay mặt Đoàn công tác đến gia đình chia buồn và thắp nén nhang tưởng nhớ Anh.

Ngày làm việc đầu tiên…

Sáng Thứ Ba (15/01/2019), cả đoàn đã tập trung tại Phòng Hội thảo của JICA để nghe Luật sư Mitsushi EDAGAWA - Chuyên gia dài hạn của JICA tại Việt Nam, hướng dẫn, giới thiệu lịch trình chung về chương trình cũng như kế hoạch chi tiết trong từng ngày làm việc cùng tài liệu kèm theo. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết và rất khoa học của các bạn đã giúp cho các Luật sư trong Đoàn hình dung được các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và chia sẻ trong toàn khóa tập huấn. Trong quá trình giới thiệu, ông thể hiện sự nuối tiếc vì các dự định của JICA khi ngoài chương trình có sắp xếp cho Đoàn đi thăm quan một số điểm du lịch nổi tiếng của Tokyo, nhưng vì hiện tại Tokyo đang có dịch cúm hoành hành nên sẽ hạn chế một số điểm tham quan đông người. Chúng tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm chân tình của các các bạn.  

Điểm đặc biệt là các bạn Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề về quyền đối với hình ảnh cá nhân (riêng tư) nên bà Yurika SAITO -  cán bộ Bộ phận Tư pháp của JICA, đã trao đổi với chúng tôi về cách thức làm việc với truyền thông, với phóng viên báo chí (nếu có) và quyền được từ chối không đưa hình ảnh cá nhân. Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn và là Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cũng nêu nguyện vọng và đề nghị của cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này.

Trước giờ làm việc buổi chiều, cả Đoàn đến chào xã giao ông Chủ tịch Liên đoàn luật sư Nhật Bản. Trong buổi tiếp, ông Chủ tịch cho biết từ năm 1995, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã tham gia chương trình hỗ trợ Việt Nam của tổ chức JICA. Ngay từ khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập năm 2009 đến nay, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã có nhiều hoạt động, như cử 04 chuyên gia sang công tác dài hạn tại Việt Nam để hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong các hoạt động nghề nghiệp; tổ chức các khóa hội thảo và tập huấn cho các luật sư Việt Nam. Hai Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác vào năm 2013; các Đoàn luật sư Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế cũng ký thỏa thuận hợp tác với các đoàn luật sư địa phương của Nhật Bản; năm 2017 Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Tokyo cũng đã ký thỏa thuận hợp tác… Ông cũng cho biết thêm, nền tư pháp Nhật Bản hiện nay đang có những thay đổi và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản vẫn là thành tố quan trọng trong sự thay đổi đó. Ông tin rằng mối quan hệ hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc, là sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, nhất định sẽ ngày càng phát triển trong tương lai.

Thay mặt Đoàn công tác, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cám ơn sự hỗ trợ hợp tác của JICA và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới luật sư Việt Nam. Ông cho biết đây là một trong những sự hợp tác quốc tế quan trọng nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Qua đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới luật sư Việt Nam đã đóng góp có hiệu quả vào quá trình cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tính đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có 9 đoàn công tác sang Nhật và thành phần là các Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư địa phương nên kinh nghiệm học hỏi ở Nhật Bản được lan tỏa, qua đó góp phần vào hoạt động đối ngoại nhân dân giữa Nhật Bản và Việt Nam.

TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh tặng quà Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Trong phần còn lại của buổi chiều, Đoàn đã nghe Luật sư Takanaka Masahiko - người đã có 40 năm kinh nghiệm hành nghề trình bày quá trình xây dựng Bộ quy tắc đạo đức của Nhật Bản. Ông cho biết, cho đến nay Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã có bốn bản Quy tắc đạo đức. Bản đầu tiên ban hành năm 1949 gồm 7 điều; bản thứ 2 bao gồm 30 điều. Do vẫn chưa đáp ứng hoạt động của luật sư trong thực tiễn hành nghề nên vào năm1990 đã sửa đổi và bổ sung thành 60 điều. Tuy nhiên, Văn bản này có tên “Đạo đức” chỉ là những điều khoản mang tính khuyến nghị, không mang tính cưỡng chế nên chưa đủ căn cứ để xử lý kỷ luật luật sư. Từ năm 2004, Bộ quy tắc được sửa đổi và bổ sung với tên gọi “Quy định cơ bản về công việc của luật sư” có 13 chương, 82 điều mang tính cưỡng chế, bắt buộc thực hiện. Còn đạo đức thì không mang tính cưỡng chế còn khi sử dụng là công việc luật sư thì thể hiện tính cưỡng chế hơn.

Việc đổi tên gọi Bộ quy tắc cho phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp bắt đầu từ năm 2001 làm căn cứ để xử lý kỷ luật luật sư, phù hợp với Điều 56 Luật Luật sư Nhật Bản quy định luật sư vi phạm Điều lệ là vi phạm Luật Luật sư. Còn trước đó, vi phạm Điều lệ không phải là căn cứ để xử lý kỷ luật vì không coi là vi phạm Luật Luật sư.

Luật sư Takanaka Masahiko dành khá nhiều thời gian để trình bày những điều khoản quan trọng trong bản Quy định và lấy những ví dụ cụ thể để xác định các tính chất vi phạm của luật sư; những ví dụ phát sinh mà cách giải quyết cũng còn nhiều ý kiến khác nhau… Ông cho biết, ngoài bản Quy định cơ bản về công việc của luật sư, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản còn soạn thảo cuốn sách giải thích các điều khoản trong Bản quy định. Đây là một cuốn sách có giá trị tham khảo quan trọng, trở thành một trong những giáo trình cơ bản giảng dạy trong trường Luật.

“Từ năm 2004 đến nay, hoạt động của luật sư đã tăng về cả số lượng và chất lượng. Các công việc quốc tế hóa cũng ảnh hưởng đến luật sư. Phạm vi hoạt động của luật sư ngày càng mở rộng làm phát sinh những vấn đề mới liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Liên đoàn Luật sư Nhật Bản cân nhắc việc thêm những điều khoản cơ bản quy định về công việc của luật sư. Nền tảng cơ bản là làm thế nào để công việc luật sư đạt được niềm tin của người dân. Một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ hoàn thành”, Luật sư Takanaka Masahiko chia sẻ.

Sau khi ông trình bày, các đại biểu trong Đoàn công tác đã đặt các câu hỏi có liên quan về việc xem xét kỷ luật luật sư, vấn đề Hợp đồng mẫu…và được ông nhiệt tình trả lời rõ từng vấn đề. Trong đó vấn đề tổ chức biên soạn cuốn sách giải thích bản “Quy định cơ bản về công việc của luật sư” được ông cho biết:

Quyển đầu ra đời được Chủ tịch Liên đoàn giao cho ông tổ chức một nhóm soạn ra cuốn này để tránh tranh luận. Ông đứng ra tập hợp những luật sư trẻ (7-8 người) trong vòng 3-4 tháng đã ra phiên bản đầu tiên (mỏng). Lúc đó là nhu cầu cần phải có một quyển sách giải thích (cách đây 14 năm), mang tính khái quát, chưa sâu. Phiên bản số 2 năm 2012, cũng đã xin ý kiến các ủy ban của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và 50 đoàn luật sư cả nước. Có nhiều ý kiến đưa ra. Dựa trên ý kiến đó nhóm đã hoàn thành phiên bản 2. Khi đó hình thành cơ bản quyển sách này. So với phiên bản 1 thì tăng khoảng 30-40% hàm lượng. Năm 2017 nhóm của ông ra phiên bản 3. Nhóm biên soạn cũng do ông chọn ra khoảng 10 luật sư trẻ. Lời nói đầu do ông viết. Phần chính 220 trang. Cách làm sách là như thế này: Làm với nhiều người thì không viết được. Tận dụng luật sư trẻ và phải có người đứng ra tổng hợp thì mới thành sách được. Do cách viết khác nhau nên khi soạn thảo phải có người chịu trách nhiệm chính và tổ chức những người khác. Trong 3 phiên bản này, cá nhân ông phụ trách phần kết cấu. Ông tập trung nên về cơ bản đạt được sự thống nhất về cơ cấu, nội dung, cách thể hiện và văn phong. Cuốn sách này được phát cho luật sư miễn phí. Ngoài ra còn phát hành trong Học viên học nghề luật sư và cho các cơ quan tư pháp (VKS, Tòa án).

Ông cho biết: “Với tư cách những người biên soạn, nhóm tác giả không thể chi phối hoạt động của Ủy ban Kỷ luật hay hoạt động của Tòa án vì tính chất của nó cũng chỉ là một cách giải thích. Các quyền ban cho luật sư cũng là những quyền có phạm vi lớn. Nhóm biên soạn cũng soạn từng câu chữ rất thận trọng và có những vấn đề phức tạp, chúng tôi không đưa ra kết luận. Trên thực tế, đây là quyển sách bán chạy nhất của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản”.

Có thể nói, những nội dung trao đổi chiều nay rất bổ ích vì chúng ta được học hỏi, có thêm kinh nghiệm trong việc sửa đổi, bổ sung bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư – một công việc quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang thực hiện trong nhiệm kỳ này theo chủ trường của Liên đoàn.

Đoàn công tác chụp ảnh chung với lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Kết thúc buổi làm việc Đoàn công tác được Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản mời cơm thân mật. Đêm Tokyo vẫn lạnh, cái lạnh khô của mùa Đông Nhật Bản, nhưng chúng tôi cảm nhận được thái độ chân thành, ấm tình đồng nghiệp của các luật sư Nhật Bản dành cho chúng tôi - các luật sư Việt Nam.

(Còn nữa)

Trang Minh