Ký sự một chuyến đi: Kỳ 2: Tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản

20/01/2019 19:48 | 5 năm trước

LSVNO - Trong những ngày tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp tại Nhật Bản của Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn đã được giới thiệu nhiều chủ đề...

LSVNO - Trong những ngày tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp tại Nhật Bản của Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn đã được giới thiệu nhiều chủ đề quan trọng; trong đó có công tác tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Một buổi tập huấn của Đoàn công tác.

Luật sư Naoki Idei, người đã có 30 năm hành nghề, nguyên là Chánh Văn Phòng của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (Nichibenren) trình bày về tổ chức và hoạt động của Nichibenren.

Theo đó, Nichibenren là một tổ chức nghề nghiệp của các luật sư Nhật Bản (như Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và được tổ chức độc lập, không chịu sự can thiệp của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Về cơ cấu tổ chức

Ban lãnh đạo Nichibenren gồm 1 Chủ tịch (làm việc chuyên trách), 15 Phó Chủ tịch làm việc bán chuyên trách, 71 Giám đốc điều hành. Ban lãnh đạo họp 2 ngày/tháng do Chủ tịch chủ tọa để điều hành hoạt động của Nichibenren. Bên cạnh Ban lãnh đạo còn có 5 kiểm soát viên.Từ năm 2006, khi Nhật Bản cải cách tư pháp thì Chủ tịch và các Phó Chủ tịch được nhận lương hàng tháng. Nhiệm kỳ Chủ tịch ở Nichibenren là 2 năm và các Phó Chủ tịch là 1 năm. Trong số các Giám đốc điều hành có 31 luật sư được chọn ra hoạt động thường trực. Hàng tuần, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Nichibenren tổ chức họp để lựa chọn các vấn đề cần đưa ra thảo luận ở Ban Lãnh đạo. 

Ngoài Ban Lãnh đạo, Nichibenren thành lập các Ủy Ban và các tổ công tác. Trong số đó có những Ủy ban bắt buộc phải có theo quy định của Luật Luật sư Nhật Bản (như Ủy ban thẩm tra, kỷ cương, kỷ luật, kiểm tra, đăng ký VPLS nước ngoài…). Theo Điều lệ của Nichibenren còn có các Ủy ban khảo sát, nghiên cứu về chế độ tư pháp; Đào tạo; Tiến cử Luật sư; quản lý bầu cử. Ngoài ra còn có các ủy ban khác được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế. Các Ủy viên trong các Ủy ban này khi đi công tác được cấp công tác phí nhưng không có thù lao. Thực tế ở Nichibenren hiện nay có khoảng 100 Ủy ban và các ủy viên của Ủy ban có nhiệm kỳ 1 năm/ lần và có thể gia hạn. Theo Luật Luật sư, một số Ủy ban có Ủy viên từ bên ngoài tham gia là Công tố viên và Thẩm phán, ví dụ như Ủy ban Thẩm tra bằng cấp, Ủy ban Kỷ cương, Ủy ban Kỷ luật...

Về phương thức lựa Chủ tịch Nichibenren

Các thành viên Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm.

Chủ tịch được bầu cử 2 năm/lần bằng cách bỏ phiếu của các hội viên. Điều kiện đắc cử là người có số phiếu cao nhất và đồng thời phải được 1/3 số các Đoàn luật sư địa phương đồng ý với số phiếu cao nhất. Tại Nhật có 52 Đoàn luật sư địa phương, trong đó riêng thủ đô Tokyo đã có tới 3 Đoàn với 3 tên gọi: Tokyo, Tokyo1 và Tokyo 2. Những chức danh khác được bầu thông qua đại hội Liên đoàn 1 lần/1 năm từ 581 đại diện luật sư trong cả nước tham gia. Quá trình lựa chọn ứng viên Chủ tịch Nichibenren thường là từ những người có kinh nghiệm làm Phó Chủ tịch. Thực tế ứng viên chủ yếu xuất phát từ các đoàn lớn. Việc bầu Chủ tịch được tiến hành vào tháng 2. Trước bầu cử 1 năm sẽ tiến hành sàng lọc ứng viên. Việc công bố danh sách ứng viên sẽ được thực hiện trước bầu cử 1 tháng (tức là tháng 1). Thời gian tranh cử là 1 tháng. Tuy nhiên thực tế từ mùa hè năm trước các ứng viên đã phải đi đến các Đoàn địa phương để làm việc (giống như vận động tranh cử). Do đó đến mùa thu hầu như các ứng viên đã giải thích các cam kết của mình chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Do phải đắc cử ít nhất ở 18 Đoàn luật sư địa phương nên phải đi cam kết trách nhiệm tại địa phương là cần thiết. 

Giúp việc cho Nichibenren là khối Văn phòng với số nhân viên là 170 người. Ngoài ra có khoảng 90 người làm việc dưới tư cách luật sư nhận ủy thác bán thời gian, khi đó họ vừa hành nghề, vừa làm việc tại Văn phòng Liên đoàn. Lãnh đạo Văn phòng gồm 1 Chánh Văn phòng và 7 Phó Chánh Văn phòng, trong số đó có 6 người là luật sư. 

Về mối quan hệ giữa Liên đoàn và các Đoàn luật sư

TS. LS Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác - phát biểu trao đổi về nghiệp vụ với các luật sư Nhật Bản tại một buổi tập huấn.

Quan hệ giữa Nichibenren và các ĐLS không phải là mối quan hệ trên-dưới mang tính chất mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên, trong Luật Luật sư Nhật Bản có quy định là Liên đoàn luật sư thực hiện các hoạt động: chỉ đạo, giám sát, tư vấn, thông tin, liên lạc hướng dẫn các Đoàn luật sư địa phương. Nichibenren có nhiệm vụ phê duyệt Quy tắc, điều lệ do các Đoàn địa phương ban hành; có quyền xóa bỏ các quyết định của Đại hội Đoàn luật sư địa phương nếu các quyết định này đưa ra trái với tinh thần của Nichibenren. “Điều 40 Luật Luật sư có quy định vấn đề này nhưng thực tế cá nhân tôi chưa thấy xảy ra”, Ông Naoki Idei  nói. 

Mỗi cá nhân luật sư và Đoàn luật sư địa phương đều là hội viên của Nichibenren, phải tuân theo Quy tắc của Liên đoàn. Trong thực tế hoạt động, Nichibenren không can thiệp vào hoạt động  của các Đoàn luật sư địa phương. Trong quá trình Nichibenren đưa ra quyết định quan trọng đều tham khảo ý kiến của các Đoàn luật sư. Dó đó, một quyết định của Nichibenren được thông qua có nghĩa là đã ghi nhận ý kiến của đa số các Đoàn luật sư địa phương. Một điểm chú ý là số lượng 71 luật sư tham gia là Giám đốc điều hành không phản ánh tỷ lệ với hội viên các Đoàn luật sư địa phương. Bởi nếu vậy thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ cho các Đoàn luật sư quy mô nhỏ (có 50 người là Chủ nhiệm các Đoàn luật sư địa phương ngoài khu vực Tokyo và Osaka trong khi đó nếu về tỷ lệ thì số hội viên Tokyo và Osaka này chiếm hơn ½ hội viên cả nước).          

Về phí hội viên luật sư, cũng như Việt Nam, mỗi luật sư Nhật sẽ đóng hai loại phí (cho Liên đoàn và cho Đoàn luật sư mình) và sẽ đóng 1 lần gộp lại. Nếu không nộp sẽ bị kỷ luật và nếu kéo dài sẽ bị kỷ luật khai trừ.         

Về trình tự xử lý kỷ luật, theo quy định của Luật Luật sư và Quy tắc hoạt động của Nichibenren, Liên đoàn có quyền thẩm tra quyết định kỷ luật của Đoàn luật sư nhưng không can thiệp vào các quy trình đó. 

Một điểm mà ông Chánh Văn phòng nhấn mạnh với chúng tôi là Nichibenren là một tổ chức hoàn toàn tự chủ, độc lập. Tính tự trị của Nichibenren được thể hiện trong mối quan hệ với Tòa án, Bộ Tư pháp cũng như bất kỳ các cơ quan chính phủ nào. Các cơ quan này không thể can thiệp vào hoạt động của Liên đoàn. Tuy nhiên, Điều 49 Luật Luật sư quy định mối quan hệ giữa Nichibenren và Tòa án tối cao, Nichibenren có trách nhiệm khi Tòa án tối cao yêu cầu báo cáo hoạt động hoặc khảo sát.  

Phạm vi hoạt động chính của Nichibenren là:(1) Đăng ký và kỷ cương, kỷ luật: về cơ bản do Đoàn luật sư thực hiện. Tuy nhiên khi có khiếu nại, yêu cầu kiểm tra thì Nichibenren sẽ đảm nhiệm công việc này; (2) Thể hiện ý chí giới luật sư trong các vấn đề xây dựng pháp luật về tư pháp, nhân quyền. “Nichibenren đôi khi được mệnh danh là NGO lớn nhất Nhật Bảnliên quan đến nhân quyền”, Ông Chánh Văn phòng ví dụ; (3) Các hoạt động tập huấn, đào tạo, mở rộng nền tảng của hội viên, thông qua các tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho luật sư hội viên; (4) Tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật như đề xuất yêu cầu đối với Chính phủ - nơi dự thảo hoặc Quốc hội – nơi thông qua ban hành.

Hiện nay, Nichibenren thực hiện nhiều công việc để tăng số lượng luật sư và thực hiện nhiều hoạt động mở rộng nền tảng cho luật sư. Nếu trước đây mỗi năm có 500 người thi đỗ để thành luật sư thì hiện nay là 1.500 người/năm. Trong đó số lượng luật sư làm việc cho các doanh nghiệp cũng tăng lên. Nichibenren cũng đóng góp tích cực vào quá trình cải cách tư pháp tại Nhật Bản bằng việc các luật sư tham gia vào quá trình dân sự, chiếm trọng tâm trong các hoạt động nghiệp vụ luật sư.

Những nội dung trình bày của ông Naoki Idei thực sự có giá trị tham khảo để chúng ta nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bản Điều lệ mới của Liên đoàn. 

                                                                             Trang Minh