Lần thứ hai TAND tỉnh Quảng Bình đưa vụ án Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới ra xét xử

18/06/2022 11:32 | 1 năm trước

(LSVN) - Sau hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ buộc tội, chiều ngày 17 và ngày 18/6/2022, Tòa án nhân dân (TADN) tỉnh Quảng Bình tiếp tục mở phiên tòa lần thứ 2 sau khi Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh này từ chối trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra bổ sung.

Các Luật sư tham gia phiên tòa. 

Cáo trạng số 20/CT.VKSQB-P3 ngày 19/6/2021, truy tố Thái Vĩnh Tính về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình số tiền 604.896.579 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Trên cơ sở đó, truy tố 5 cán bộ tại Ban quản lý dự án (Nguyễn Văn Thuận, Trương Tấn Lâm, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Huỳnh Minh Tuấn và Lê Văn Sỹ) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có nhiều tin bài, phóng sự về vụ án này, đặc biệt tại phiên tòa, qua xét hỏi, tranh luận giữa Luật sư và vị đại diện VKSND, Luật sư bào chữa của các bị cáo cho thấy có dấu hiệu oan sai. Trong đó có những vi phạm nghiêm trọng về quá trình điều tra, truy tố, nội dung của cáo trạng và kết luận của VKSND tỉnh Quảng Bình trái với chứng cứ đã được thu thập và công khai tại Tòa.

Năm vi phạm nghiêm trọng về tố tụng:  

Thứ nhất, có hay không vi phạm thẩm quyền điều tra và truy tố căn cứ quyết định trả hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa lần 1 và lần 2 đã xác định. Thẩm quyền điều tra và truy tố thuộc cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội dựa theo quy định tại Điều 169, điểm a khoản 1, Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ hai, TAND tỉnh Quảng Bình đã hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng VKSND tỉnh Quảng Bình và Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Bình không tiến hành điều tra theo quyết định của Tòa, không đáp ứng các yêu cầu mà Tòa án đặt ra hay nói cách khác là điều tra không đầy đủ toàn bộ vụ án. Trong đó có căn cứ, chứng cứ pháp lý có tính chất gỡ tội cho các bị cáo trong vụ án này đã không được điều tra bổ sung.

Thứ ba, vi phạm về giám định tư pháp vụ việc. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giám định bổ sung hoặc giám định lại. Nên không có căn cứ pháp lý chắc chắn để kết luận “có hay không có hậu quả xảy ra”.

Thứ tư, tài liệu tại hồ sơ cho thấy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 10 vụ việc liên quan đến các Ban quản lý dự án quản lý các dự án khác nhau như vụ việc này, nhưng đến thời điểm này cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình không tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố ai? Vụ án cũng đang được Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 4 tiến hành khởi tố điều tra nhưng cũng không khởi tố cán bộ thuộc các Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Bình như vụ việc tại Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Điều đó cũng xác định rõ ràng các bị cáo không có hành vi phạm tội như các Ban quản lý dự án khác.

Thứ năm, tại cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình kết luận rằng Kế toán trưởng Ban quản lý dự án không có hành vi phạm tội. Như vậy, VKSND đã đương nhiên xác định các bị cáo cũng không phạm tội bởi lý do: không có chữ ký và đề xuất của Kế toán trưởng để thanh toán gói thầu cho đơn vị thi công thì chắc chắn các bị cáo không thể ký chứng từ kế toán, Kế toán trưởng với Giám đốc Ban quản lý dự án có quyền và địa vị pháp lý ngang nhau, đều do UBND tỉnh Quảng Bình bổ nhiệm.

Những nội dung thể hiện oan cho cán bộ của Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Thứ nhất, không xác định được hậu quả vụ án dựa trên các tiêu chí: (i) Hậu quả về số tiền bị quy kết thiếu trách nhiệm đối với các bị cáo là không có thật, số liệu quy kết không chính xác đầy đủ bởi lẻ: gói thầu giao có giá trị thấp hơn giá trị mà UBND tỉnh Quảng Bình (chủ đầu tư) đã xác định trước khi giao cho Ban quản lý dự án để giao cho đơn vị thi công khi trúng thầu, hay nói cách khác gói thầu này tiết kiệm cho Nhà nước hơn 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng); Hợp đồng giữa Ban quản lý dự án và đơn vị thi công rà phá bom mìn là Hợp đồng trọn gói, lời ăn lỗ chịu, cho dù đơn vị nào thi công thì cũng được hưởng quyền lợi và quyết toán trên cơ sở pháp lý này và kết quả cuối cùng phải bảo đảm công trình đưa vào sử dụng không gây ra hậu quả về bom mìn.

Hồ sơ vụ án thể hiện trong quá trình thi công và sau hơn 3 năm sử dụng không có hậu quả xảy ra.

Thứ hai, cũng theo cáo trạng VKSND tỉnh Quảng Bình kết luận: Hành vi thiếu trách nhiệm của ông Thuận và các cán bộ Ban quản lý dự án tạo điều kiện cho ông Thái Vĩnh Tính lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đây là kết luận ngược bởi lẽ ông Tính bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Ban quản lý dự án nơi ông Thuận làm trưởng ban, đại diện cho chủ đầu tư là UBND tỉnh Quảng Bình. Cơ quan tiến hành tố tụng cũng xác định UBND tỉnh Quảng Bình là bị hại, đương nhiên Ban quản lý dự án cũng là bị hại và những người tại Ban quản lý dự án là nạn nhân. Không thể xác định họ là “người có hành vi thiếu trách nhiệm” để khởi tố, truy tố, và xét xử. Điều này hoàn toàn phù hợp với tài liệu hồ sơ vụ án đã thể hiện, theo đó có 15 vụ việc tương tự xảy ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc (09 vụ việc xảy ra tại các Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Bình) đến giờ phút này cơ quan điều tra hình sự Quân khu 4 đã khởi tố điều tra nhưng các chủ đầu tư Ban quản lý dự án đều không bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Bình đang xử lý là oan cho các bị cáo.

Một bản án công minh trước hết bản án đó phải đúng các quy định pháp luật về tố tụng và bảo đảm chứng cứ về nội dung phán quyết theo nguyên tắc: “Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Luật sư, bị cáo và gia đình họ cũng như công chúng luôn chờ đợi điều đó từ những phiên tòa.

NGUYỄN THÀNH

Công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra tại Bộ Y tế