Lạng Sơn: Bị bố chồng ngang nhiên chiếm đất sau khi chồng chết

29/03/2018 17:36 | 6 năm trước

LSVNO - Hơn 15 năm khai phá đất đai và sinh sống ổn định, sau khi chồng chết, chị Hường bị bố chồng và chú ruột bên nhà chồng đến ngang nhiên quây tường chiếm đất với lý do đất thừa kế. Tuy nhiên, đ...

LSVNO - Hơn 15 năm khai phá đất đai và sinh sống ổn định, sau khi chồng chết, chị Hường bị bố chồng và chú ruột bên nhà chồng đến ngang nhiên quây tường chiếm đất với lý do đất thừa kế. Tuy nhiên, đại diện chính quyền sở tại cho biết diện tích đất này không có hồ sơ chứng minh là đất thừa kế?

Luật sư Việt Nam Online đã nhận được đơn thư phản ánh của bà Lăng Thị Hường (sinh năm 1980, thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình) về việc gia đình bà bị bố chồng và chú ruột bên chồng đến chiếm đất sau khi chồng bà mất.

Bà Lăng Thị Hường tại vị trí mảnh đất mà bà cùng chồng đã khai phá hơn 15 năm về trước để lấy đất ở.

Cụ thể bà Hường cho biết, năm 2002 bà cùng chồng là anh Hoàng Văn Bổng đã khai phá khu đất thuộc thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình để xây dựng nhà và các công trình phụ để ở. Năm 2011, thửa đất được UBND xã Yên Khoái tiến hành đo đạc, vào sổ mục kê mang tên ông Hoàng Văn Bổng. Tuy nhiên, diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2012, anh Bổng chết, bà Hường một mình nuôi 4 đứa con nhỏ đang độ tuổi ăn học. Đến đầu năm 2018, ông Hoàng Văn Sỏi (bố chồng bà Hường) và ông Hoàng Văn Duyên (em trai ông Sỏi) đến đào móng và xây tường bao trên thửa đất mà bà Hường đang ở, mặc dù trước đó gia đình bà Hường không có tranh chấp với bất kỳ ai.

Diện tích đất mà ông Sỏi, ông Duyên có ý định quây tường bao khoảng hơn 200m2. Bà Hường sau đó đã báo cáo sự việc đến UBND xã Yên Khoái đề nghị được xem xét, giải quyết.

Sau khi chồng mất, diện tích đất ở hiện tại của bà Hường bị bố chồng và chú ruột bên chồng đến quây tường bao.

Theo nội dung “Biên bản xác minh thực địa” (được lập vào hồi 9 giờ, ngày 15/3/2018) của UBND xã Yên Khoái kết luận: “... qua xác minh thực địa, diện tích tranh chấp thuộc thửa 338, tờ bản đồ số 13, bản đồ địa chính xã Yên Khoái, có diện tích 202m2. Hiện trạng sử dụng: đất trống, đang đặt gạch xây tường rào chiều dài 9m, chiều cao 40cm, chất liệu là gạch bê tông xi măng. Thửa đất được đo đạc năm 2011, trong sổ mục kê mang tên ông Hoàng Văn Bổng, chưa được cấp giấy CNQSD đất”. Ý kiến của bà Lăng Thị Hường: “khi chồng tôi còn sống, không có ai tranh chấp, chồng tôi chết 5, 6 năm thì phát sinh tranh chấp, đất của tôi đến đâu thì tôi sử dụng đến đấy”. Ý kiến của ông Hoàng Văn Sỏi cho rằng: “đây là đất do ông cha để lại chưa chia nhau, gia đình thống nhất chia đất thành 2 phần. Phần của tôi (Hoàng Văn Sỏi) thì bà Hường đã xây nhà, tôi không có ý kiến gì, phần còn lại (đang tranh chấp) thì gia đình thống nhất chia cho chú Hoàng Văn Duyên”. 

Theo đó, nội dung biên bản nhấn mạnh: “Trong quá trình xem xét giải quyết phần đất đang tranh chấp, hai bên gia đình phải giữ nguyên hiện trạng, không bên nào được canh tác, xây dựng trên diện tích đất đó”. 

Tuy nhiên, ông Chu Văn Lỷ - Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: “Theo hồ sơ, tài liệu ở xã thì diện tích đang xảy ra tranh chấp giữa chị Hường và ông Sỏi, ông Duyên hiện mang tên anh Hoàng Văn Bổng, còn việc ông Sỏi hay ông Duyên cho rằng là đất cha ông hay là đất được chia thừa kế thì đến nay ở xã không thấy có hồ sơ lưu”.   

Quốc Hưng

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 101, Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Về vụ việc tranh chấp đất đai, theo quy định tại Điều 202, Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.