Lịch sử hình thành về hòa giải và hòa giải thương mại tại Việt Nam

04/06/2023 22:46 | 11 tháng trước

(LSVN) - Tục ngữ có câu: “Việc dân sự cốt ở đôi bên”. Có thể thấy rằng, trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, thể chế hòa giải được hình thành dựa trên cơ sở kinh tế - xã hội, cũng như xuất phát từ chính yêu cầu giải quyết mâu thuẫn của cuộc sống, sự đoàn kết trong nhân dân và chịu sự tác động sâu sắc của các yếu tố như kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đương thời(1). Qua mỗi thời kỳ, chế định hòa giải luôn tồn tại và phát triển để có thể đáp ứng được nhu cầu tất yếu từ thực tiễn xã hội(2). Thực tế cho thấy, hòa giải đã được hình thành và dần hoàn thiện qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Dưới đây là những dấu mốc nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển của hòa giải thương mại tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Thời kỳ phong kiến

Trong pháp luật thời Hậu Lê, Vua Lê Thánh Tông đã từng ban bố lệnh ngày 20/7/1476 (năm Hồng Đức thứ 7) về việc xét xử việc anh em ruột tranh giành kiện tụng: “Quan cai trị thường xem nhân tài giỏi hay kém thì biết đời sống nhân dân sướng hay khổ, muốn cho việc kiện tụng giảm bớt đều do xã trưởng khuyên giải…”(3). Đến thời của Vua Lê Huyền Tông (1654-1671), tại Chỉ dụ ông đã từng viết: “Riêng các xã trưởng, nếu trong làng có sự tranh tụng, phải vô tư phân xét và hòa giải. Không được xui nguyên giục bị rồi lại tự nắm lấy việc phân xử. Cũng không được tự đặt ra những luật lệ riêng rồi dựa vào những luật lệ ấy mà chiếm đoạt tài sản khiến cho các nạn nhân phải bán nhà đất cho khánh kiệt, cô lập họ, không cho tham dự các buổi tập họp, hội hè mà trái phép nước”. Năm Vĩnh Thịnh thứ 14, vua Lê Dụ Tông (1705-1729) ban hành bộ Quốc triều khám tụng điều lệ, trong đó có quy định: “Mọi việc về tạp tụng như phần biếm về ngôi thứ, chửi mắng đòi tiền nợ, bên kiện nếu có thuận tình, khám quan cũng phải chiếu lệ cho cung hòa cung thuận để ngừng việc kiện bớt phí tổn cho dân, không được lạm sách tiền lệ trầu cau…”. Đến Năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1715), trong Thông sức của Ngự sử đài có quy định: “Các huyện lệnh được trao cho trách nhiệm gần dân, lời kêu của hai bên lúc đầu đều đã qua mình xét đoán; bấy giờ lòng tranh tức của hai bên chưa phân, phí tổn theo kiện chưa mấy, còn có thể đem lẽ phải vạch cho họ hiểu, khuyên đi bảo lại khiến hai bên hòa giải, đó cũng là một cách làm cho thôi kiện”. Bên cạnh việc quy định áp dụng hòa giải, chính quyền phong kiến còn đề cập đến chế tài liên quan đến hoạt động hòa giải, cụ thể như sau: “Trong làng có ai kiện cáo về dân sự hay thương sự trước hết phải trình hội đồng hòa giải, nếu ai không tuân mà tự tiện vào trình quan ngay thì hội đồng sẽ phạt tiền. Viên Chánh hương hội tiếp ai trình thì phải mở hội đồng, lấy lẽ chính đáng và tình thân ái hòa giải cho hai bên, nếu hòa giải xong thì cứ theo trong luật mà làm hòa giải, chứng thư giao cho lý trưởng trình quan sở tại”, Điều thứ 60, Điều thứ 61 Khoán ước làng Đông Ngạc soạn năm 1937 (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Từ xa xưa, các vấn đề về giải quyết tranh chấp thông qua phương thức hòa giải đã tồn tại xung quanh cuộc sống của người dân, ngay cả khi chính sách pháp luật còn khá sơ khai và dễ bị lạm quyền như thời kỳ phong kiến. Nhìn chung vào thời kỳ này, các quy định pháp luật đã có bước đầu trong việc xác định hòa giải là một trong những phương án hàng đầu để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội; dần dần những chế định này phát triển khi quy định nhiều hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hòa giải… Đây là một trong những tiền đề làm nền tảng cho sự phát triển của chế định hòa giải nói chung và chế định hòa giải thương mại nói riêng trong quan điểm lập pháp sau này.

Thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến (chế độ Pháp thuộc)

Ngày 17/10/1887, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp và với một số sắc lệnh khác quy định về Toàn quyền Đông Dương. Đây là những văn bản có tính lập pháp, tạo ra nền tảng pháp lý cơ bản để hoàn thiện và củng cố chính quyền thuộc địa ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung. Đánh giá tổng quan, pháp luật thời Pháp thuộc dù về hình thức có hai hệ thống và nhiều quy chế pháp lý khác nhau, tuy nhiên thực chất chỉ có một, đó chính là nền tảng pháp luật theo chế độ thuộc địa nhằm khai thác và bóc lột. Vào giai đoạn này, chế định hòa giải đã được đề cập với quy định tại Bộ Bắc Kỳ pháp viện biên chế; theo đó, hòa giải được xem là một giai đoạn bắt buộc khi giải quyết các việc hộ và thương sự.

Tuy nhiên, thực tiễn từ quá khứ cho thấy hệ thống giải quyết tranh chấp tại Việt Nam trong thời kỳ này không được phát triển. Bởi lẽ, chính quyền và pháp luật Việt Nam thời Pháp thuộc chính là công cụ chính trị, mà qua phương thức này thực dân Pháp duy trì chế độ thuộc địa nửa phong kiến, nhằm bảo vệ quyền lợi của tập đoàn phong kiến bản xứ và chính quyền chính quốc. Chính quyền của Triều Nguyễn thực chất không còn là một quốc gia tự chủ, mà tất cả mọi quyền lực đã trở thành tay sai cho thực dân Pháp. Điều này đồng nghĩa với việc, mọi chính sách pháp luật ở đây chỉ để phục vụ nhằm khai thác tối đa tài nguyên về người và của, nhằm phục vụ cho việc thu lợi và chiếm đóng. Trong khi đó, hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp nhằm đưa các bên đạt được sự thỏa thuận chung nhất và đi đến một kết quả hòa hợp cuối cùng; việc không chú trọng và quan tâm đến các vấn đề xử lý tranh chấp phát sinh trong thời điểm này cũng là lẽ đương nhiên.
 
Thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay

Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám đến thời kỳ đổi mới (1945-1986)

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 03-SL về việc các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong Sắc lệnh, cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam(4). Trong đó, tại Điều 11 Sắc lệnh đã đề cập đến thủ tục tố tụng với quy định như sau: “Trước các tòa án ở Nam bộ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng sẽ áp dụng thủ tục ấn định trong Nghị định ngày 16/3/1910 của nguyên Toàn quyền Đông Dương và những nghị định sửa đổi nghị định ấy. Bộ luật Dân sự tố tụng thủ tục Pháp (Code de Procédure civile francaise) không thi hành nữa(5)”.

Một bước tiến lớn trong tiến trình lịch sử cũng như quan điểm lập pháp được xây dựng, khi Sắc lệnh số 13-SL do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành về việc tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán trong nước. Theo đó, trong chương quy định về tổ chức các tòa án, ban tư pháp xã có quyền “hòa giải tất cả các việc dân sự và thương sự. Nếu hòa giải được, ban tư pháp có thể lập biên bản hòa giải có các ủy viên và những người đương sự ký(6)”. Tiếp đến, trong Sắc lệnh số 51 được ban hành ngày 17/4/1946, về việc ấn định thẩm quyền các tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong tòa án, có đề cập: “Ban tư pháp xã hòa giải tất cả các việc hộ và thương mại do các người đương sự muốn mang ra trước ban tư pháp ấy. Biên bản hòa giải thành chỉ có hiệu lực tư chứng thư(7)”. Đồng thời, khi nhận được đơn kiện về dân sự hay thương sự, thẩm phán sơ cấp phải đòi hai bên đến để thử làm hòa giải. Biên bản hòa giải có hiệu lực công chứng thư(8). Có thể nói, trong suốt quá trình đưa ra các sắc lệnh về việc xây dựng chính sách pháp luật, lần đầu tiên vấn đề về hiệu lực của biên bản hòa giải thành được đề cập. Đây là một trong những bước ngoặt tạo tiền đề cho sự phát triển của chế định hòa giải nói chung và quy định về hòa giải thương mại nói riêng, vấn đề này sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện hơn nữa trong giai đoạn sau này.

Giai đoạn sau thời kỳ đổi mới đến trước khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ban hành (1986-2015)

Tại giai đoạn này, có thể thấy hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội của Việt Nam dần đi vào quỹ đạo và hồi phục. Thật sự, đây là điều kiện lớn để chính sách pháp luật có cơ hội được vươn lên và phát triển nhiều hơn nữa. Với việc tự chủ là một quốc gia độc lập, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc lập pháp, trong đó có chế định hòa giải thương mại được phát triển trên nhiều phương diện. Cụ thể, tại Điều 7 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế của Hội đồng Nhà    nước    số    24-LCT/HĐNN8 đã từng đề cập: “Các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng kinh tế được giải quyết bằng cách tự thương lượng giữa các bên với nhau hoặc đưa ra trọng tài kinh tế”. Tại thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, việc quy định hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nhìn nhận một cách khách quan, lịch sử hình thành về hòa giải đã có và tồn tại từ rất lâu, tuy nhiên việc hợp thức hóa phương thức này trở thành một công cụ giải quyết tranh chấp vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề hạn chế. Bởi lẽ, tại thời điểm này việc tập trung xây dựng quy định pháp luật về các vấn đề cơ bản như dân sự, hình sự, hành chính,… vẫn chưa chưa ổn định và hoàn thiện. Song, trong giai đoạn tiếp theo, việc thúc đẩy tiến độ nhằm đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp là điều kiện tất yếu nhằm giải quyết các nhu cầu phát sinh từ thực tiễn đời sống xã hội. Để thực hiện được điều đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó thể hiện chủ trương “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Trong   lĩnh   vực   pháp   luật   dân sự, giai đoạn từ những năm 1995, nguyên tắc giải quyết tranh chấp “hòa giải” dần được đề cập đến. Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định: “Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự”. Kế thừa nguyên tắc hòa giải từ Bộ luật Dân sự năm 1995, các Bộ luật Dân sự sau này cũng lần lượt ghi nhận chế định trên tại Điều 12 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 7 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với quan điểm lập pháp của cả ba giai đoạn (1995-2005-2015), nguyên tắc hòa giải được Nhà nước khuyến khích các bên sử dụng khi giải quyết mâu thuẫn, miễn là các thỏa thuận đó không trái với quy
định của pháp luật.

Trong lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại, lần đầu tiên trong lịch sử, phương thức hòa giải thương mại được ghi nhận trong một văn bản pháp luật, cụ thể được quy định tại Điều 239 Luật Thương mại năm 1997: “Các bên tranh chấp có thể thỏa thuận chọn một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân làm trung gian hòa giải”. Trong quan điểm lập pháp của Nhà nước ta qua các thời kỳ, kể từ năm 1997 đến năm 2005, tức là đến khi Luật Thương mại năm 2005 hiện hành ra đời, các vấn đề về giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa giải đã được pháp luật quy định bằng câu từ trên văn bản pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề áp dụng và thi hành trên thực tế vẫn còn là một hạn chế lớn trong thời điểm này.

Giai đoạn từ 2015 đến hiện nay

Là giai đoạn có quy định pháp luật cụ thể về hòa giải thương mại. Văn bản pháp lý đặt nền móng đầu tiên khi quy định về hòa giải thương mại là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể tại Chương XXXIII quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, gồm các nội dung được liệt kê từ Điều 416 đến Điều 419. Đây là một sự phát triển đáng ghi nhận khi nước ta đã có những chính sách luật định cụ thể, nhằm thúc đẩy và phát triển phương thức hòa giải. Ngày 29/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 808/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, trong đó có phân công nhiệm vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP). Ngày 11/8/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 22/2017/ NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chế định pháp luật “hòa giải thương mại” được quy định trong một văn bản chỉ dành riêng cho nó. Có thể nói, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành đã mở ra một kênh giải quyết tranh chấp mới với nhiều ưu điểm trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Mặc dù, việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành trước đó nhưng chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư bằng hòa giải(9). Văn bản này đề cập chi tiết đến các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại; hòa giải viên thương mại; tổ chức hòa giải thương mại; tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại. Đồng thời, để thực thi được các quy định đó, Bộ Tư pháp đã cho ra đời Thông tư số 02/2018/TT-BTP về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại. Văn bản này cũng là một cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đưa ra các biểu mẫu đối với quản lý nhà nước về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Việt Nam hiện nay

Đánh giá tổng quan, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã tạo một khung pháp lý thống nhất để thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa giải. Với thủ tục nhanh chóng, linh hoạt, bảo mật, tiết kiệm được chi phí, phương thức hòa giải thương mại mang lại lợi thế cho các bên khi có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp nhất. Từ đó, có điều kiện thể hiện sự thiện chí trong việc tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ đối tác kinh doanh, giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn xung đột không đáng có. Dưới góc độ quản lý nhà nước, hòa giải còn có ý nghĩa giảm tải khối lượng công việc của tòa án, tiết kiệm được nhân lực và thời gian cho các hoạt động khác của xã hội.

Trong 06 năm qua, kể từ thời điểm Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, bên cạnh những ưu điểm to lớn của phương thức này, thì vẫn còn tồn đọng một số hạn chế từ việc quy định của pháp luật cho đến các hoạt động áp dụng thực tiễn. Việc làm cần thiết là kiến nghị và xây dựng Luật Hòa giải thương mại độc lập hoặc mở rộng phạm vi của Luật Hòa giải cơ sở thành luật hòa giải chung(10).

Theo ý kiến của Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế (Học viện Tư pháp) - bà Nguyễn Thị Minh Huệ, việc văn bản pháp luật có hiệu lực trực tiếp nhất về hòa giải mới chỉ dừng lại là nghị định khiến hiệu quả triển khai hoạt động hòa giải thương mại vẫn còn hạn chế, đặc biệt là khái niệm thương mại trong Luật Thương mại còn khá hẹp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, dẫn đến phạm vi các tranh chấp được sử dụng cơ chế hòa giải thương mại bị bó hẹp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Hòa giải thương mại với các nội dung mở rộng hơn, theo mô hình Luật mẫu UNCITRAL nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay của Nghị định 22/2017/NĐ-CP(11). Mặt khác, theo ý kiến của LS Nguyễn Hưng Quang - Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC), cần tổng kết hoạt động để có thể xây dựng Luật Hòa giải thương mại; trong đó bao gồm các vấn đề đang được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các luật khác, như thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự với thời gian giải quyết hòa giải ngoài tòa án. Đây chính là thời điểm để chúng ta tiếp tục cân nhắc về việc thúc đẩy để cho ra đời một văn bản mang tên Luật Hòa giải thương mại nhằm đáp ứng xu thế hội nhập phát triển và nhu cầu từ thực tiễn đời sống xã hội. Để hiện thực hóa điều đó, Việt Nam cần sớm tham gia vào Công ước Singapore(12), dựa trên Luật mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế(13) và xem xét tình hình thực tiễn áp dụng pháp luật tại nước ta.

(1)    Trần Văn Quảng, 2004, Chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam - cơ sở lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.57.

(2)    Thụy An, Một vài nét sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của pháp luật hòa giải ở Việt Nam, https://pbgdpl.moj.gov.vn/ qt/tintuc/Pages/trao-doi-kinh-nghiem.aspx?ItemID=179, ngày 30/3/2022.

(3)    Hồng Đức thiện chính thư, 2006, Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tr.481.

(4)    Điều 1 Sắc lệnh số 03-SL (ban hành ngày 10/10/1945).

(5)    Điều 11 Sắc lệnh số 03-SL (ban hành ngày 10/10/1945).

(6)    Khoản 1 Điều thứ 3 Sắc lệnh số 13-SL (ban hành ngày 24 tháng Giêng năm 1946).

(7)    Điều thứ 4 tiết thứ nhất, Sắc lệnh số 51-SL (ban hành ngày 17/4/1946).

(8)    Điều thứ 9 tiết thứ nhì, Sắc lệnh số 51-SL (ban hành ngày 17/4/1946).

(9)    Thùy Dương, Hội nghị triển khai Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại, https://pbgdpl.hanoi.gov. vn/tin-moi/-/asset_publisher/sxBNLsQSLyY8/content/nhieu-uu-iem-khi-su-dung-hoa-giai-e-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai ngày 10/01/2023.

(10)    Đặng Hoàng Oanh, 2009, Pháp luật và thực tiễn của Australia về hòa giải - một số kiến nghị áp dụng cho Việt Nam, https://vibonline. com.vn/bao_cao/phap-luat-va-thuc-tien-cua-australia-ve-hoa-giai-mot-so-kien-nghi-ap-dung-cho-viet-nam, ngày 07/01/2023.

(11)    Cổng thông tin điện tử chính phủ, Hệ thống pháp luật về hòa giải thương mại cần được nâng cấp, https://xaydungchinhsach. chinhphu.vn/he-thong-phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-can-duoc-nang-cap-11922082708450431.htm, ngày 23/02/2023.

(12)    Công ước Singapore về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải năm 2018.

(13)    Luật Mẫu UNCITRAL về Hòa giải thương mại quốc tế và Thỏa thuận hòa giải quốc tế, 2018 (sửa đổi Luật mẫu UNCITRAL về Hòa giải thương mại quốc tế, 2002).

NGUYỄN BẢO DUY

Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

Xây dựng pháp luật bảo đảm sự lãnh đạo của đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp