Lối ra nào cho BOT Cai Lậy?

04/12/2017 18:00 | 6 năm trước

LSVNO - Từ ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang hoạt động trở lại và bất ổn xảy ra triền miên, thậm chí đã dẫn tới chém nhau. Nhiều ý kiến đề xuất hướng giải quyết nhưng đều dẫn tới…bế...

LSVNO - Từ ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang hoạt động trở lại và bất ổn xảy ra triền miên, thậm chí đã dẫn tới chém nhau. Nhiều ý kiến đề xuất hướng giải quyết nhưng đều dẫn tới…bế tắc, nên nảy ra sáng kiến sau đây của một doanh nhân.

Trạm BOT Cai Lậy luôn trong tình trạng bị phản đối.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Cafatex, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có tiếng ở tỉnh Hậu Giang, đề xuất: “Nên giữ nguyên trạm thu phí tại đó”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Giữ trạm thu phí ở đó để cho phép thu đủ số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1A, khoảng hơn 300 tỷ đồng và cộng thêm lãi suất vay. Khi đã thu đủ, trạm thu phí phải dời vào đoạn đường tránh để tiếp tục thu phí đúng vị trí”. Giải pháp này, theo ông, hài hòa được lợi ích của các bên liên quan mà ngân sách không phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại dự án BOT như một số đề xuất trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nợ nhiều.

Thực hiện phương án của ông Kịch đòi hỏi phải công khai minh bạch. Có thể một số người dân chưa đồng tình, lúc này mới cần công tác tuyên truyền động viên chứ không phải để nguyên khối sai trái như bây giờ mà đặt vấn đề tuyên truyền buộc người dân nghe theo. “Chỉ có thể tuyên truyền để người dân thông cảm cùng chia sẻ giải quyết khó khăn chứ không thể tuyên truyền buộc người dân nghe theo điều sai. Theo tôi, các cơ quan quản lý không nên đặt vấn đề thắng-thua với dân, vì thua dân thì kết quả không ra làm sao mà nếu thắng dân thì còn thua lớn hơn”, không Kịch kết luận.

Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư 1.389 tỷ đồng, gồm nâng cấp mặt đường hơn 26 km Quốc lộ 1A tốn hơn 300 tỷ và làm 12 km đường tránh thị xã Cai Lậy hơn 1.000 tỷ. Trạm thu phí được đặt trên Quốc lộ 1A, ở phía Nam thị xã Cai Lậy, nơi chuẩn bị theo Quốc lộ 1A đi qua thị xã Cai Lậy hoặc rẽ phải để vào đường tránh.

Theo hồ sơ, Dự án được phê duyệt cuối năm 2013, đầu năm 2014 khởi công xây dựng và cuối năm 2015 hoàn thành. Ngày 1/8/2017, bắt đầu thu phí với mức 35.000 – 180.000 đồng/lượt xe, thời hạn thu là 6 năm 5 tháng. Sau hai tuần hoạt động, bị dư luận phản đối nên tạm dừng.  

Sơ đồ đầu tư BOT Cai Lậy

Cuối tháng 9/2017, Bộ GT&VT cùng liên danh nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT thống nhất giảm giá khoảng 30% cho tất cả phương tiện. Theo đó, mức thu phí chỉ còn 25.000 -140.000 đồng/lượt xe. Ngày 30/11, trạm thu phí hoạt động trở lại, lập tức gặp phải sự phản đối của các lái xe qua trạm, người dân xung quanh trạm và dư luận rộng rãi. Trạm hoạt động trong tình trạng vừa thu vừa xả, khi gặp tình huống bị phản đối gây kẹt xe thì xả trạm, sau đó lại hạ barie để thu, có ngày đêm hơn chục lần.

Một số người chạy xe ôm được thuê đến gây sự với lái xe đã bị anh em lái xe truy tìm tận nhà, cảnh cáo. Nghiêm trọng là đã xảy ra việc chém nhau, người phải vào bệnh viện, người bị công an tạm giữ. Đó là, ngày 1/12, anh Trịnh Hồng Phương lái xe đến BOT Cai Lậy, dừng xe đôi co với nhân viên thu phí, liền bị một chiếc xe cẩu vào kéo xe ra ngoài. Anh em lái xe truy tìm được chiếc xe cẩu ấy đã chạy về Cần Thơ, của Cty Dịch vụ cứu hộ Tú Anh ở phường Hưng Phú (quận Cái Răng) do ông Lê Tấn Tú làm chủ, vào trưa ngày 3/12.

Anh lái xe Vương Quốc Tân bị chém đang nằm ở bệnh viện

Tại trụ sở của Cty Tú Anh, hai bên lời qua tiếng lại và ông Tú vớ cây mác chém bị thương anh lái xe Vương Quốc Tân cũng ở Cần Thơ, bị thương phải vào bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long gần đó cấp cứu. Theo các bác sỹ của bệnh viện, anh Tân bị vết một thương dài 15cm ở cẳng tay trái làm đứt gân cơ duỗi cổ tay và một vết thương nhẹ hơn ở bàn tay phải. Còn ông Tú đã bị công an địa phương tạm giữ hình sự. Bước đầu, ông Tú khai, ông có hợp đồng với BOT Cai Lậy thuê xe để xử lý những xe gây ách tắc tại BOT Cai Lậy trong 30 ngày. Chiều 29/11, ông Tú điều xe cứu hộ từ Cần Thơ lên BOT Cai Lậy và sau lần cẩu xe vào ngày 1/12, thấy anh em lái xe phản đối quá nên đã bỏ về.

Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định, tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.

(ảnh do các đồng nghiệp cung cấp) Sáu Nghệ